5 phương pháp điều trị cận thị và ngăn chặn sự tiến triển

Kính gọng hoặc kính áp tròng là phương pháp phổ biến nhất để điều chỉnh tật cận thị. Phẫu thuật bằng laser cũng ngày càng trở nên phổ biến.

Video Các phương điều trị cận thị: Mổ, đeo kính Ortho K

Cấy thủy tinh thể nhân tạo vào mắt là một kỹ thuật mới được áp dụng, thường được sử dụng khi phẫu thuật laser thất bại hoặc có chống chỉ định (ví dụ: những người bị cận thị rất nặng).

Kính điều chỉnh khúc xạ

Kính gọng

Kính gọng có nhiều hình dáng, mẫu mã khác nhau để lựa chọn  Nguồn ảnh: https://www.pinterest.com

Kính gọng có nhiều hình dáng, mẫu mã khác nhau để lựa chọnNguồn ảnh: https://www.pinterest.com

Cận thị có thể được điều chỉnh bằng cách sử dụng kính mắt được thiết kế phù hợp với tình trạng từng người bệnh.

Đeo kính phù hợp với độ cận sẽ đảm bảo ánh sáng được hội tụ vào phía sau của mắt (trên võng mạc) một cách chính xác, giúp quan sát các vật ở xa rõ nét.

Độ dày và trọng lượng của kính tùy thuộc vào độ cận.

Thị lực sẽ dần thay đổi khi bạn già đi, cuối cùng có thể cần sử dụng 2 cặp kính: 1 cặp cho các hoạt động nhìn gần như đọc sách và cặp còn lại cho các hoạt động nhìn xa chẳng hạn như xem tivi.

Một số người chuộng sử dụng kính hai tròng cho phép họ nhìn rõ các vật ở gần và ở xa mà không cần thay kính.

Bạn cũng có thể sử dụng kính đa tròng, nó giúp nhìn thấy rõ các vật ở gần và những vật thể ở khoảng cách trung bình và xa (kính đa tiêu cự).

Kính áp tròng

Kính áp tròng  Nguồn ảnh: https://www.pinterest.comKính áp tròng. Nguồn ảnh: https://www.pinterest.com

Kính áp tròng cũng được sử dụng để điều chỉnh thị lực tương tự như loại kính gọng.

Một số người thích sử dụng kính áp tròng hơn vì chúng nhẹ và gần như trong suốt, nhưng một số người lại thấy chúng phức tạp hơn việc đeo kính.

Kính áp tròng có thể dùng một lần hoặc được khử trùng và tái sử dụng.

Chúng cũng có thể được đeo trong thời gian dài hơn, mặc dù các bác sĩ chuyên khoa mắt khuyến cáo rằng không nên đeo kính áp tròng qua đêm vì nguy cơ nhiễm trùng.

Một số bác sĩ nhãn khoa sử dụng một kỹ thuật gọi là orthokeratology.

Nguyên lý của kỹ thuật này là sử dụng một kính áp tròng cứng vào ban đêm sẽ giúp làm giảm độ cong giác mạc (lớp trong suốt ở phía trước của mắt), do đó bạn có thể nhìn rõ hơn vào ngày hôm sau mà không cần đeo kính áp tròng hoặc kính gọng.

Đây không phải là cách chữa cận thị vì giác mạc thường trở lại bình thường sau đó, nhưng nó giúp giảm sự phụ thuộc của một số người vào kính mắt.

Đến gặp bác sĩ nhãn khoa để được tư vấn về loại kính áp tròng phù hợp nhất với bạn.

Nếu bạn quyết định đeo kính áp tròng, điều rất quan trọng là phải giữ kính của mình sạch sẽ và vệ sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Tính sẵn có và chi phí

Bạn có thể nhận được phiếu giảm giá cho việc mua kính gọng hoặc kính áp tròng nếu bạn đủ điều kiện (ví dụ: nếu bạn dưới 16 tuổi hoặc bạn nhận được trợ cấp thu nhập).

Nếu không đủ điều kiện, bạn sẽ phải trả tiền cho kính đeo hoặc kính áp tròng. 

Kính gọng có giá dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu tùy thuộc vào sự lựa chọn của người mua về độ chiết xuất, thương hiệu, tính năng của mắt kính và tính sẵn có.

Giá của kính áp tròng khác nhau, tùy thuộc vào độ cận và loại tròng kính bạn chọn.

Thông thường giá kính áp tròng dao động từ 80.000đ  đến 150.000đ với loại dùng 1 lần, từ 400.000đ đến 1.500.000đ đối với những loại sử dụng lâu dài.

Phẩu thuật mắt bằng laser

Phẫu thuật điều trị tật cận thị  Nguồn ảnh: https://bookinghealth.comPhẫu thuật điều trị tật cận thị (Nguồn ảnh: https://bookinghealth.com

Phẫu thuật mắt bằng laser là việc sử dụng tia laser đốt các phần nhỏ của giác mạc để điều chỉnh độ cong giúp ánh sáng hội tụ tốt hơn vào võng mạc.

Có 3 loại phẫu thuật mắt bằng laser chính:

  • Phẫu thuật cắt gọt giác mạc bằng tia laze (PRK): một lượng nhỏ mô ở bề mặt giác mạc bị loại bỏ và tia laser được sử dụng để loại bỏ mô và thay đổi hình dạng của giác mạc
  • Phẫu thuật gọt giác mạc dưới biểu mô (LASEK): tương tự như PRK, nhưng liên quan đến việc sử dụng dung dịch Alcohol mở rộng bề mặt giác mạc để tách một vạt mô ra ngoài, trong khi tia laser được sử dụng để thay đổi hình dạng của giác mạc; sau đó vạt mô được đặt trở lại vị trí ban đầu.
  • Phẫu thuật LASIK: tương tự như LASEK, nhưng một vạt mô lấy ra nhỏ hơn.

Các phẫu thuật này thường được thực hiện ở các cơ sở ngoại trú, vì vậy bạn sẽ không phải nằm viện qua đêm.

Quá trình điều trị thường mất chưa đến 30 phút và thuốc gây tê cục bộ được sử dụng để làm tê mắt của bạn trong khi tiến hành phẫu thuật.

Phương pháp nào là tốt nhất?


Cả 3 kỹ thuật phẫu thuật mắt bằng laser đều cho kết quả tương tự nhau, nhưng chúng có thời gian phục hồi khác nhau.

LASEK hoặc LASIK thường là những phương pháp được ưa chuộng vì chúng hầu như không gây đau và thị lực thường phục hồi lại trong vài giờ hoặc vài ngày. Nhưng thị lực có thể không ổn định hoàn toàn trong tối đa một tháng.

PRK có thể hơi đau và mất vài tháng để thị lực ổn định lại.

LASIK chỉ thực hiện khi giác mạc đủ dày. Nếu giác mạc mỏng, sẽ có nguy cơ xảy ra các biến chứng như mất thị lực.

Có thể thay thế LASIK bằng LASEK và PRK trong trường hợp này. 

Bạn cũng có thể đọc hướng dẫn của Viện Quốc gia về Sức khỏe và Chăm sóc Xuất sắc (NICE) về phẫu thuật laser để điều chỉnh các tật khúc xạ.

Kết quả

Kết quả của cả 3 kỹ thuật này thường tốt.

Mặc dù không phải lúc nào cũng có thể chữa khỏi hoàn toàn tật cận thị, nhưng cứ 10 người thì có khoảng 9 người cải thiện thị lực đáng kể.

Nhiều người sau phẫu thuật đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu về thị lực để lái xe.

Hầu hết những bệnh nhân sau phẫu thuật bằng tia laser đều hài lòng với kết quả.

Nhưng phẫu thuật laser không nhất thiết phải phải thực hiện nếu việc cải thiện thị lực sau mổ vẫn tương đương với việc đeo kính điều chỉnh.

Ngoài ra, như với bất kỳ loại phẫu thuật nào phẫu thuật laser có nguy cơ biến chứng.

Biến chứng

Phẫu thuật mắt bằng laser có thể gặp một số biến chứng sau mổ như:

  • Khô mắt - tình trạng này thường kéo dài vài tháng, trong thời gian đó bạn nên nhỏ mắt bằng các loại thuốc nhỏ đặc biệt. 
  • Phá hủy quá nhiều mô giác mạc - điều này xảy ra với khoảng 1 trong 20 trường hợp và có thể gây viễn thị.
  • Giảm thị lực ban đêm - điều này thường hết trong vòng 6 tuần.
  • Quầng sáng xung quanh bóng đèn – vấn đề này thường sẽ hết trong vòng 6 đến 12 tháng.

Ngoài ra, còn có một số nguy cơ nhỏ về các biến chứng nghiêm trọng đe dọa đến thị lực như giác mạc trở nên quá mỏng hoặc bị nhiễm trùng.

Nhưng những vấn đề này rất hiếm, xảy ra dưới 1/500 trường hợp.

Hãy chắc chắn rằng bạn hiểu tất cả các biến chứng có thể xảy ra trước khi quyết định phẫu thuật mắt bằng laser.

Ai không thể phẫu thuật laser?


Bạn không nên phẫu thuật mắt bằng tia laser nếu dưới 21 tuổi. Điều này là do thị lực vẫn đang phát triển ở giai đoạn này.

Ngay cả khi trên 21 tuổi, chỉ nên tiến hành phẫu thuật mắt bằng laser nếu kính gọng hoặc kính áp tròng của bạn không thay đổi độ cận đáng kể trong vòng 2 năm trở lại đây.

Bạn cũng có thể không phù hợp với phẫu thuật laser nếu:

  • Mắc bệnh đái tháo đường – bệnh gây ra những bất thường ở mắt và có thể trở nên tồi tệ hơn khi phẫu thuật laser vào giác mạc.
  • Đang mang thai hoặc đang cho con bú - cơ thể sản xuất ra các hormone gây dao động nhẹ trong thị lực, làm cho việc phẫu thuật chính xác trở nên khó khăn.
  • Các bệnh gây ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch - như HIV hoặc viêm khớp dạng thấp (những tình trạng này có thể ảnh hưởng đến khả năng phục hồi sau phẫu thuật).
  • Các vấn đề khác về mắt khác - như bệnh tăng nhãn áp (tăng áp lực trong mắt) hoặc đục thủy tinh thể (các mảng đục trong thủy tinh thể của mắt).

Phẫu thuật mắt bằng laser nói chung có thể  hiệu quả đối với những người độ cận lên đến -10D.

Nếu tình trạng cận thị nghiêm trọng hơn, việc cấy ghép thủy tinh thể có thể phù hợp hơn.

Tính sẵn có và chi phí

Phẫu thuật mắt bằng lazer khá phổ biến ở nước ta, có thể thực hiện ở nhiều bệnh viện lớn nhỏ.

Giá cả thay đổi tùy thuộc vào nơi thực hiện và loại thiết bị được sử dụng trong quá trình phẫu thuật.

Chi phí mổ mắt cận dao động trung bình từ 15- 30 triệu. Các gói mổ khác có thể cao hơn khi sử dụng kỹ thuật cao hơn, tiến bộ hơn.

Phẫu thuật thay thế thủy tinh thể


Phẫu thuật thay thế thủy tinh thể là một loại phẫu thuật tương đối mới. Nó liên quan đến việc cấy ghép một thủy tinh thể nhân tạo vào mắt của bạn thông qua vết cắt nhỏ trên giác mạc.

Thấu kính được thiết kế đặc biệt giúp hội tụ ánh sáng tốt hơn vào võng mạc.

Chúng rất hữu ích trong việc cải thiện thị lực cho những người bị cận thị rất nặng hoặc những người gặp khó khăn khi đeo kính hoặc kính áp tròng.

Có 2 loại thay thế thủy tinh thể chính:

  • Cấy ghép phakic: một thủy tinh thể nhân tạo được đặt vào mắt mà không cần lấy thủy tinh thể tự nhiên ra; thường được ưu tiên cho những người trẻ tuổi có khả năng đọc vẫn bình thường.
  • Thay thế nhân tạo: thủy tinh thể tự nhiên được lấy ra và thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo, tương tự như phẫu thuật đục thủy tinh thể.

Cả hai loại mô cấy thường được đưa vào qua gây tê tại chỗ và bạn có thể ra viện ngay trong ngày. Mỗi mắt thường được phẫu thuật vào một lần riêng biệt.

Kết quả

Cấy ghép thủy tinh thể Phakic có thể đạt được kết quả tốt hơn thay thế thủy tinh thể về mặt cải thiện thị lực lâu dài. Nhưng kỹ thuật này có nguy cơ biến chứng cao hơn như đục thủy tinh thể.

Nhìn chung, hầu hết bệnh nhân sẽ thấy thị lực được cải thiện đáng kể. Khoảng 1/4 có thể có thị lực gần như hoàn toàn bình thường (thị lực 10/10) sau đó.

Việc thay thế thủy tinh thể phù hợp hơn đối với người lớn tuổi có tổn thương mắt hoặc mắc bệnh về mắt không phải là tật cận thị, chẳng hạn như đục thủy tinh thể hoặc tăng nhãn áp.

Ngoài ra, vì cả hai kỹ thuật đều tương đối mới, nên có rất ít thông tin về việc liệu chúng có an toàn hay hiệu quả về lâu dài hay không.

Biến chứng

Giống như các thủ thuật y tế khác, phẫu thuật đặt thủy tinh thể nhân tạo vào mắt cũng có nguy cơ biến chứng.

Đục bao sau thủy tinh thể (PCO) là một trong những biến chứng phổ biến nhất của phẫu thuật thay thế thủy tinh thể. Đây là nơi một phần của thủy tinh thể nhân tạo trở nên dày và đục.

PCO thường xảy ra vài tháng hoặc vài năm sau khi phẫu thuật. Điều trị PCO bao gồm phẫu thuật laser để loại bỏ phần thủy tinh thể dày lên.

Các biến chứng khác có thể xảy ra của phẫu thuật thay thế thủy tinh thể bao gồm:

  • Bong võng mạc (nơi võng mạc bắt đầu không có các mạch máu cung cấp oxy và chất dinh dưỡng )
  • Đục thủy tinh thể
  • Vầng sáng xung quanh các vật thể vào ban đêm
  • Giảm thị lực ban đêm
  • Bệnh tăng nhãn áp

Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc phẫu thuật viên về các bước tiến hành để nhận thức đầy đủ về các biến chứng liên quan.

Tính sẵn có và chi phí

Cả hai loại phẫu thuật có thể khá tốn kém, có thể dao động từ 60 – 100 triệu cho cả 2 mắt. 

Có thể ngăn chặn sự tiến triển cận thị không?

Thật không may, tật cận thị ở trẻ em có xu hướng tiến triển nặng hơn khi chúng lớn lên.

Mắc cận thị khi càng nhỏ thì thị lực càng suy giảm nhanh và nghiêm trọng hơn khi mắc ở tuổi trưởng thành.

Bệnh cận thị thường ngừng tiến triển khi khoảng 20 tuổi.

Hiện không có phương pháp điều trị nào có thể ngăn chặn sự tiến triển này.

Nhưng nó có thể chậm lại bởi các phương pháp điều trị bằng thuốc nhỏ mắt atropine hoặc kính áp tròng đặc biệt.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thuốc nhỏ mắt atropine có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh cận thị, nhưng nó gây ra các tác dụng phụ ở liều cao (như khó đọc và nhạy cảm với ánh sáng).

Kính áp tròng chỉnh hình (ortho – k) và kính áp tròng hai tròng cũng có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh cận thị ở trẻ em, nhưng có thể không bằng thuốc nhỏ mắt và cũng có một số tác dụng phụ nhẹ.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!