Viêm loét đại tràng: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa

Đại tràng (ruột già) – là đoạn cuối cùng của ống tiêu hóa – bao gồm hỗng tràng, đại tràng lên, đại tràng ngang, đại tràng xuống và đại tràng sigma và trực tràng.

Viêm loét đại tràng là gì?

Video Viêm loét đại tràng

Viêm loét đại tràng (ulcerative colitis - UC) gây kích ứng và vết loét hở trong đại tràng. Nó thuộc về một nhóm các tình trạng được gọi là bệnh viêm ruột (inflammatory bowel disease - IBD). Bệnh thường gây tiêu chảy ra máu, đau quặn và nhu cầu đi vệ sinh gấp – đôi khi những triệu chứng này có thể đánh thức bệnh nhân vào ban đêm để đi vệ sinh. Tình trạng viêm trong bệnh viêm loét đại tràng thường bắt đầu ở trực tràng, gần hậu môn và có thể lan rộng, ảnh hưởng đến một phần hoặc toàn bộ đại tràng. 

Mức độ nghiêm trọng của viêm loét đại tràng phụ thuộc vào số lượng, vị trí viêm và có sự khác biệt giữa mọi người. Nếu bị viêm loét đại tràng, bạn có thể nhận thấy các đợt bùng phát khi các triệu chứng nặng hơn. Trong thời gian thuyên giảm, bạn có thể có ít hoặc không có triệu chứng. Mục tiêu của điều trị là duy trì tình trạng thuyên giảm càng lâu càng tốt (nhiều năm).

Khoảng một nửa số người được chẩn đoán mắc bệnh viêm loét đại tràng có các triệu chứng nhẹ. Những người khác bị sốt thường xuyên, tiêu chảy ra máu, buồn nôn và đau quặn bụng dữ dội. Viêm loét đại tràng cũng có thể gây ra các vấn đề như viêm khớp, viêm mắt, bệnh gan và loãng xương. Vẫn chưa biết rõ tại sao những vấn đề này xảy ra bên ngoài đại tràng. Tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng những biến chứng này có thể là kết quả của tình trạng viêm do hệ thống miễn dịch gây ra. Một số vấn đề này sẽ biến mất khi bệnh viêm đại tràng được điều trị.

Viêm loét đại tràng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường bắt đầu ở độ tuổi từ 15 – 30 và ít gặp hơn ở độ tuổi từ 50 – 70. Tỉ lệ mắc bệnh ở nam – nữ như nhau và dường như có tính gia đình, với báo cáo lên đến 20% những người bị viêm loét đại tràng có thành viên trong gia đình hoặc họ hàng bị viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn. Ngoài ra, khoảng 20% bệnh nhân được chẩn đoán trước 20 tuổi và có thể xảy ra ở trẻ em dưới 2 tuổi.

Sự khác biệt giữa viêm đại tràng và viêm loét đại tràng là gì?

Viêm đại tràng có nghĩa là đại tràng bị viêm hoặc bị kích thích. Bệnh có thể do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như nhiễm trùng từ virus hoặc vi khuẩn. Viêm loét đại tràng nặng hơn vì không phải do nhiễm trùng và kéo dài suốt đời.

Viêm loét đại tràng phổ biến như thế nào?

Viêm loét đại tràng không phải là một tình trạng hiếm gặp. Cùng với bệnh Crohn, một loại bệnh viêm ruột khác, bệnh này ảnh hưởng đến 1 trong 250 người ở Bắc Mỹ và Châu Âu.

Ai có nguy cơ bị viêm loét đại tràng?

Bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ nhỏ đều có thể mắc bệnh viêm loét đại tràng. Nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu:Có người thân mắc bệnh viêm ruột (IBD).

  • Từ 15 – 30 tuổi, hoặc > 60 tuổi.
  • Người Do Thái.
  • Chế độ ăn nhiều chất béo.
  • Thường xuyên sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS) như ibuprofen.

Triệu chứng và nguyên nhân viêm loét đại tràng

Các triệu chứng thường gặp của viêm loét đại tràng như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn…(nguồn: globalnews.ca)Các triệu chứng thường gặp của viêm loét đại tràng như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn…(nguồn: globalnews.ca)

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm loét đại tràng?

Các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân gây ra bệnh viêm loét đại tràng rất phức tạp và liên quan đến nhiều yếu tố và đó có thể là kết quả của phản ứng miễn dịch hoạt động quá mức. Công việc của hệ thống miễn dịch là bảo vệ cơ thể khỏi vi trùng và các chất nguy hiểm khác. Tuy nhiên, đôi khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào cơ thể, gây viêm và tổn thương mô.

Các triệu chứng của viêm loét đại tràng?

Các triệu chứng viêm loét đại tràng thường trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Ban đầu, bạn có thể nhận thấy:

Về sau, bạn cũng có thể có các triệu chứng:

  • Máu, chất nhầy hoặc mủ khi đi tiêu.
  • Đau bụng nghiêm trọng.
  • Sốt.
  • Viêm da.
  • Lở miệng.
  • Đau khớp.
  • Đỏ, đau mắt.
  • Bệnh gan.
  • Mất chất lỏng và chất dinh dưỡng.

Các triệu chứng trong viêm loét đại tràng ở trẻ em là tương tự và cũng có thể bao gồm chậm hoặc kém tăng trưởng. Một số triệu chứng viêm loét đại tràng ở trẻ em có thể bắt chước các bệnh khác, vì vậy bố mẹ cần phải báo cáo tất cả các triệu chứng cho bác sĩ nhi khoa.  

Chẩn đoán và kiểm tra viêm loét đại tràng

Các bác sĩ có thể luồn ống nội soi qua hậu môn để kiểm tra bên trong lòng đại tràng. (nguồn: hopkinsmedicine.org)Các bác sĩ có thể luồn ống nội soi qua hậu môn để kiểm tra bên trong lòng đại tràng. (nguồn: hopkinsmedicine.org)

Làm thế nào để chẩn đoán viêm loét đại tràng?

Để chẩn đoán viêm loét đại tràng thì phải loại trừ các bệnh khác. Sau khi khám sức khỏe, bác sĩ có thể yêu cầu:

  • Xét nghiệm máu: Có thể phát hiện dấu hiệu nhiễm trùng hoặc thiếu máu. Thiếu máu thiếu sắt có tình trạng lượng sắt trong máu thấp – nghĩa là có thể bị chảy máu trong đại tràng.
  • Xét nghiệm phân: Dấu hiệu nhiễm trùng, ký sinh trùng và viêm nhiễm có thể xuất hiện trong phân.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Bao gồm chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT).
  • Kiểm tra nội soi: Ống nội soi là một ống mềm, mỏng có gắn một camera siêu nhỏ. Các bác sĩ có thể luồn ống nội soi qua hậu môn để kiểm tra bên trong lòng đại tràng. 

Ai chẩn đoán viêm loét đại tràng?

Nếu có các triệu chứng của viêm loét đại tràng, bạn có thể được giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Đối với bệnh nhân nhỏ tuổi, sẽ có bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa nhi khám và điều trị.

Kiểm soát và điều trị của viêm loét đại tràng

Mục tiêu của thuốc là tạo ra và duy trì sự thuyên giảm, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bị viêm loét đại tràng. (nguồn: msm.edu)Mục tiêu của thuốc là tạo ra và duy trì sự thuyên giảm, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bị viêm loét đại tràng. (nguồn: msm.edu)

Viêm loét đại tràng điều trị như thế nào?

Không có cách chữa khỏi viêm loét đại tràng, nhưng các phương pháp điều trị có thể làm dịu tình trạng viêm, giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn và quay trở lại các hoạt động hàng ngày của mình. Việc điều trị cũng tùy theo mức độ và từng người nên việc điều trị tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi người. Thông thường, bác sĩ sẽ kiểm soát bệnh bằng thuốc. Nếu các xét nghiệm/kiểm tra cho thấy các bệnh nhiễm trùng đang gây ra vấn đề, bác sĩ sẽ điều trị các tình trạng đó và xem liệu bệnh có tiến triển hơn không.

Mục tiêu của thuốc là tạo ra và duy trì sự thuyên giảm, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người bị viêm loét đại tràng. Các bác sĩ sử dụng một số loại thuốc để làm dịu tình trạng viêm trong ruột già, giảm sưng tấy và kích ứng để các mô lành lại. Nó cũng có thể làm giảm các triệu chứng để bạn bớt đau và ít tiêu chảy hơn. Các loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh viêm loét đại tràng:

  • Aminosalicylat: Đối với viêm loét đại tràng nhẹ đến trung bình, bác sĩ có thể kê đơn sulfasalazine. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn bị dị ứng với sulfa. Thay vào đó, họ có thể kê đơn aminosalicylate không chứa sulfa, chẳng hạn như mesalamine. Thuốc có cả dạng viên nén và thuốc xổ hoặc dạng viên đạn, có thể tiếp cận tốt hơn tình trạng viêm ở đại tràng hoặc trực tràng.
  • Corticosteroid: Nếu bị viêm loét đại tràng dạng nặng, bạn có thể cần dùng corticosteroid như prednisone. Vì corticosteroid có các tác dụng phụ nghiêm trọng, các bác sĩ chỉ khuyến nghị sử dụng trong thời gian ngắn. Các loại thuốc khác sẽ được sử dụng để giúp duy trì tình trạng thuyên giảm.
  • Thuốc điều hòa hệ miễn dịch: Những loại thuốc này bao gồm 6-mercaptopurine, azathioprine hoặc methotrexate; giúp làm dịu hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức.
  • Thuốc sinh học: Thuốc sinh học điều trị viêm loét đại tràng từ trung bình đến nặng bằng cách nhắm vào các bộ phận của hệ thống miễn dịch để làm dịu nó;  như infliximab, adalimumab, golimumab, certolizumab pegol, vedolizumab và ustekinumab.
  • Thuốc ức chế Janus kinase (JAK): Các loại thuốc như tofacitinib ngăn chặn một trong các enzym của cơ thể kích hoạt tình trạng viêm.

Đối với đoi tượng trẻ em và thiếu niên thì ngoài thuốc ra, một số bác sĩ cũng khuyến cáo trẻ em nên uống vitamin để có được các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe và sự phát triển – mà trẻ có thể không nhận được qua thức ăn do ảnh hưởng của bệnh đối với đường ruột. Hãy hỏi bác sĩ để được tư vấn cụ thể về nhu cầu bổ sung vitamin cho trẻ.

Bạn có thể cần phẫu thuật cắt bỏ đại tràng để:

  • Tránh tác dụng phụ của thuốc.
  • Ngừng các triệu chứng không kiểm soát được.
  • Ngăn ngừa hoặc điều trị ung thư đại tràng (những người bị viêm loét đại tràng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn).
  • Loại bỏ các biến chứng đe dọa tính mạng như chảy máu.

Tôi có thể phẫu thuật để điều trị bệnh viêm loét đại tràng của mình không?

Phẫu thuật là một lựa chọn nếu thuốc không có tác dụng hoặc có các biến chứng, chẳng hạn như chảy máu hoặc tiến triển bất thường. Bạn có thể có các tổn thương tiền ung thư hoặc các khối u có thể chuyển thành ung thư đại tràng. Bác sĩ có thể loại bỏ những tổn thương này bằng phẫu thuật cắt đại tràng hoặc trong khi nội soi.

Nghiên cứu cho thấy khoảng 30% những người bị viêm loét đại tràng cần phẫu thuật. Khoảng 20% trẻ em bị viêm loét đại tràng sẽ cần phẫu thuật trong những năm thơ ấu.

Có 2 loại phẫu thuật cho bệnh viêm loét đại tràng:

Phẫu thuật cắt bỏ đại tràng và tạo túi hồi tràng

Phẫu thuật cắt bỏ phần đại tràng và tạo túi hồi tràng là phẫu thuật phổ biến nhất đối với bệnh viêm loét đại tràng. Phẫu thuật này thường yêu cầu nhiều lần phẫu thuật và có một số cách để thực hiện. Đầu tiên, bác sĩ tiến hành cắt bỏ đại trực tràng. Sau đó, họ sẽ tạo một túi hỗng tràng để tạo ra một trực tràng mới. Sau này, các chất thải từ ruột non sẽ đi ra ngoài qua lỗ thoát trên thành bụng gọi là hậu môn nhân tạo và vào một túi kèm theo ở miệng lỗ. Bạn sẽ luôn phải đeo túi để thu gom chất thải và phải thay túi thường xuyên trong ngày.

Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc hậu môn nhân tạo. Bạn cũng có thể sử dụng một tấm vải che cho túi để ngay cả khi bạn không mặc quần áo, chất thải vẫn không thể nhìn thấy được. Nếu được chăm sóc thích hợp, túi sẽ không có mùi và không dễ nhận thấy dưới quần áo.

Phẫu thuật cắt bỏ đại trực tràng và cắt hồi tràng

Nếu túi hồi tràng không phù hợp, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt hồi tràng vĩnh viễn (không có túi hồi tràng). Bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ đại tràng và hồi tràng cùng một thì. 

Phòng ngừa viêm loét đại tràng

Tránh thực phẩm có nhiều dầu mỡ để phòng ngừa viêm loét đại tràng. (nguồn: foxnews.com)Tránh thực phẩm có nhiều dầu mỡ để phòng ngừa viêm loét đại tràng. (nguồn: foxnews.com)

Nguyên nhân nào khiến bệnh viêm loét đại tràng tái phát?

Khi bệnh viêm loét đại tràng thuyên giảm, bạn sẽ muốn làm mọi cách để ngăn chặn cơn tái phát. Những yếu tố có thể gây ra tái phát bao gồm:

  • Căng thẳng: Ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm, tập thể dục thường xuyên và tìm những cách lành mạnh để giảm căng thẳng, chẳng hạn như thiền định.
  • Sử dụng thuốc NSAID: Để giảm đau hoặc hạ sốt, hãy sử dụng paracetamol thay vì thuốc thuộc nhóm NSAID.
  • Thuốc kháng sinh: Hãy cho bác sĩ biết nếu thuốc kháng sinh gây ra các các tác dụng phụ.

Chế độ ăn uống và dinh dưỡng có vai trò gì đối với bệnh viêm loét đại tràng?

Thực phẩm ăn vào có thể đóng vai trò trong việc kiểm soát các triệu chứng và kéo dài thời gian giữa các đợt bùng phát. Một số loại thực phẩm có thể làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn và nên tránh, đặc biệt là trong thời gian tái phát. Thực phẩm gây ra các triệu chứng khác nhau ở mỗi người. Để thu hẹp những loại thực phẩm ảnh hưởng đến mình, hãy theo dõi những gì bạn ăn hàng ngày và cảm giác sau đó (ghi nhật ký thực phẩm).

Thực phẩm có vấn đề thường bao gồm:

  • Thức ăn nhiều dầu mỡ.
  • Thức ăn và đồ uống nhiều đường.
  • Đồ uống có ga.
  • Thực phẩm giàu chất xơ.
  • Rượu.

Ngoài các loại thực phẩm có vấn đề được liệt kê ở trên, trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên cũng có thể gặp các vấn đề với:

  • Muối.
  • Các sản phẩm từ sữa.

Theo dõi cẩn thận chế độ ăn uống và dinh dưỡng của con bạn. Sự thèm ăn của trẻ có thể giảm trong thời gian bệnh bùng phát và trẻ có thể không ăn đủ để phát triển khỏe mạnh. Ngoài ra, tình trạng viêm do viêm loét đại tràng có thể khiến đường tiêu hóa của trẻ không thể hấp thụ đủ chất dinh dưỡng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của con bạn. Vì những lý do này, bạn có thể phải tăng lượng calo mà trẻ tiêu thụ. 

Tốt nhất là bạn hãy trao đổi với bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để đưa ra kế hoạch ăn kiêng cá nhân nếu bạn hoặc con bạn bị viêm loét đại tràng.

Tiên lượng viêm loét đại tràng

Tôi có thể mong đợi điều gì nếu được chẩn đoán mắc bệnh viêm loét đại tràng?

Viêm loét đại tràng là một tình trạng kéo dài suốt đời, có thể có các triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Đối với hầu hết mọi người, các triệu chứng đến và biến mất. Một số người chỉ bị một đợt và khỏi bệnh. Một số người khác thì tiến triển nhanh chóng và liên tục. Có đến 30% số người có tình trạng bệnh lan từ trực tràng đến phần còn lại của đại tràng. Khi cả trực tràng và đại tràng đều bị ảnh hưởng, các triệu chứng loét có thể nặng hơn và xảy ra thường xuyên hơn.

Bạn có thể kiểm soát bệnh bằng thuốc. Nhưng phẫu thuật để loại bỏ đại tràng là phương pháp chữa trị triệt để duy nhất. Khoảng 30% người bị viêm loét đại tràng cần phẫu thuật. 

Đi khám viêm loét đại tràng 

Khi nào tôi nên đến gặp bác sĩ?

Đi khám ngay lập tức nếu bạn có dấu hiệu:

  • Tiêu chảy nhiều, dai dẳng.
  • Máu rỉ ra từ hậu môn với các cục máu đông trong phân.
  • Đau liên tục và sốt cao.

Chế độ ăn tốt nhất cho người viêm loét đại tràng là gì?

Không có chế độ ăn uống nào phù hợp nhất với bệnh viêm loét đại tràng. Nếu bệnh làm tổn thương niêm mạc đại tràng, cơ thể có thể không hấp thụ đủ chất dinh dưỡng từ thức ăn. Bác sĩ có thể đề nghị dinh dưỡng bổ sung hoặc vitamin. Tốt nhất là trao đổi với bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để đưa ra một chế độ ăn được cá nhân hóa.

Tôi cần nội soi bao lâu một lần?

Đặc biệt khi bạn có các triệu chứng hoặc mới bắt đầu hoặc thay đổi thuốc, bác sĩ có thể muốn nội soi định kỳ đại tràng để đảm bảo các biện pháp điều trị có tác dụng và lớp niêm mạc đang lành lại. Mức độ thăm khám cần thiết cho mỗi người là khác nhau.

Viêm loét đại tràng cũng làm tăng khả năng phát triển ung thư đại tràng. Để tìm các dấu hiệu ung thư sớm, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn nội soi đại tràng cứ sau 1 – 3 năm.

Viêm loét đại tràng ở trẻ em ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của con tôi như thế nào?

Giống như nhiều bệnh lý khác, viêm loét đại tràng có thể gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý, đặc biệt là đối với trẻ em. Trẻ có thể gặp các vấn đề về thể chất và tinh thần. Do thuốc và/hoặc căng thẳng từ bệnh mà trẻ có thể gặp phải:

  • Tâm trạng thất thường.
  • Bị chọc ghẹo.
  • Tức giận, xấu hổ và thất vọng.
  • Lo lắng về ngoại hình và sức khỏe cơ thể
  • Dễ bị tổn thương vì cơ thể không khỏe mạnh.
  • Kém tập trung.
  • Hiểu lầm với bạn bè và gia đình.

Trẻ em cần sự hỗ trợ của tất cả các thành viên trong gia đình. Sẽ là có ích cho cả gia đình khi tìm hiểu về căn bệnh này và cố gắng đồng cảm với trẻ. Tìm kiếm bác sĩ tâm lý và nhà trị liệu để giúp trẻ kiểm soát những khó khăn đối với bệnh viêm loét đại tràng.

Viêm loét đại tràng có làm suy giảm miễn dịch không?

Viêm loét đại tràng không làm bị suy giảm miễn dịch. Một số loại thuốc điều trị bệnh này có thể thay đổi cách hệ thống miễn dịch phản ứng và sự thay đổi này là khác nhau đối với mỗi loại thuốc. Một số thay đổi có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh nhiễm trùng hoặc các vấn đề khác. Thảo luận với bác sĩ trước khi bắt đầu dùng thuốc là cách tốt nhất để hiểu những rủi ro này và cách ngăn ngừa chúng.

Tôi nên hỏi bác sĩ điều gì?

Nếu bị viêm loét đại tràng, bạn có thể hỏi bác sĩ các câu hỏi:

  • Đại tràng của tôi bị ảnh hưởng những phần nào?
  • Thuốc điều trị có những nguy cơ hoặc tác dụng phụ nào?
  • Tôi có nên thay đổi chế độ ăn uống không?
  • Viêm loét đại tràng có ảnh hưởng đến khả năng mang thai không?
  • Tôi có thể làm gì ở nhà để kiểm soát các triệu chứng?
  • Các lựa chọn phẫu thuật của tôi là gì?

Tôi nên hỏi bác sĩ điều gì thay mặt cho con tôi?

Hỏi bác sĩ những câu hỏi sau ngoài những câu hỏi được liệt kê ở trên:

  • Con tôi nên uống những loại vitamin nào?
  • Những đứa con khác của tôi có khả năng bị viêm loét đại tràng không?
  • Con tôi có nguy cơ mắc các bệnh khác không?
  • Bạn có thể giới thiệu một bác sĩ tâm lý hoặc nhà trị liệu để giúp con tôi về các vấn đề cảm xúc liên quan đến bệnh viêm loét đại tràng ở trẻ em không?
  • Con tôi có phát triển với tốc độ bình thường không?
  • Tôi có thể làm gì để giúp con tôi ứng phó ở trường? 

Kết luận

Khi bị viêm loét đại tràng, điều cần thiết là phải hợp tác chặt chẽ với bác sĩ. Uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ – ngay cả khi bạn không có triệu chứng – vì nếu bỏ qua các loại thuốc đang dùng có thể dẫn đến các đợt bùng phát và khiến bệnh khó kiểm soát hơn. Cách tốt nhất để kiểm soát bệnh viêm loét đại tràng là tuân theo kế hoạch điều trị và trao đổi với bác sĩ của bạn.

Xem thêm:

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!