Viêm khớp cùng chậu có liên quan nhiều tới viêm cột sống. Nó thường xảy ra thứ phát sau một tình trạng viêm khớp.
Các khớp cùng chậu nằm ở hai bên của xương cùng - là xương ở phần cuối của cột sống. Các khớp này nối xương cùng với xương chậu.
Viêm một hoặc cả hai khớp cùng chậu có thể gây đau ở mông, lưng dưới và chân của người bệnh.
Do các triệu chứng thường nhẹ, bác sĩ có thể bỏ qua tình trạng viêm khớp cùng chậu khi chẩn đoán bệnh nhân bị đau lưng dưới.
Video Viêm khớp cùng chậu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bài viết này xem xét nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh viêm khớp cùng chậu.
Nguyên nhân của viêm khớp cùng chậu
Có một số nguyên nhân tiềm ẩn gây ra tình trạng viêm ở các khớp cùng chậu đó là:
- Viêm cột sống dính khớp: Đây là một loại viêm khớp tiến triển ảnh hưởng đến cột sống và hông. Viêm khớp cùng chậu thường là dấu hiệu ban đầu của tình trạng này. Không phải tất cả những người bị viêm khớp cùng chậu đều bị viêm cột sống dính khớp.
- Chấn thương: Một chấn thương đột ngột có thể làm tổn thương các khớp cùng chậu và gây tình trạng viêm, dẫn đến viêm khớp thoái hóa.
- Mang thai: Khi mang thai, các khớp cùng chậu co giãn để dành chỗ cho em bé đang lớn. Điều này có thể gây áp lực cho các khớp và gây ra viêm khớp cùng chậu.
- Nhiễm trùng: Nếu khớp cùng sẽ bị viêm và dễ bị tổn thương khi bị nhiễm trùng.
Các báo cáo cũng cho thấy tình trạng viêm khớp cùng chậu có liên quan với:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu (gây viêm khớp phản ứng)
- Bệnh Crohn
- Viêm đại tràng
- Bệnh gout
Các hoạt động thể chất có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm khớp cùng chậu, ví dụ như ngồi hoặc đứng trong thời gian dài, chạy hoặc đặt quá nhiều trọng lượng lên một chân trong thời gian quá dài.
Các triệu chứng viêm khớp cùng chậu
Các triệu chứng chính của viêm khớp cùng chậu là:
- Đau ở mông và lưng dưới
- Đau ở phía sau của một hoặc cả hai chân
- Cứng ở hông và lưng dưới
Đôi khi viêm khớp cùng chậu cũng có thể gây đau ở hông và bàn chân, mặc dù trường hợp này ít phổ biến hơn. Viêm khớp cùng chậu cũng có thể gây đau từng cơn. Người bệnh có thể trải nghiệm rõ ràng hơn các triệu chứng vào ban đêm hoặc khi thức dậy.
Chẩn đoán viêm khớp cùng chậu
Viêm khớp cùng chậu có thể khó chẩn đoán vì nó có thể bị nhầm lẫn với các nguyên nhân gây đau lưng dưới khác. Do đó, bác sĩ có thể chẩn đoán viêm khớp cùng chậu thông qua việc loại trừ các bệnh lý khác.
Bác sĩ có thể tiến hành các nghiệm pháp thăm khám để đánh giá xem nguyên nhân gây đau có phải do viêm khớp cùng chậu hay không.
Các nghiệm pháp có thể bao gồm việc tạo áp lực lên các khớp cùng chậu và làm cho bệnh nhân cử động khớp háng với các phạm vi chuyển động khác nhau.
Bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra thêm nếu không chắc chắn về chẩn đoán. Một đánh giá năm 2018 nêu bật tầm quan trọng của phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI) trong chẩn đoán viêm khớp cùng chậu. Tuy nhiên, các tác giả nhận xét rằng nếu không có chuyên môn đáng kể, khả năng chẩn đoán dương tính giả từ chụp MRI là tương đối cao.
Chụp cắt lớp vi tính (CT) đôi khi có thể hữu ích trong chẩn đoán viêm khớp cùng chậu.
Điều trị viêm khớp cùng chậu
Có nhiều phương pháp điều trị bệnh viêm khớp cùng chậu, bao gồm thuốc, bài tập và phẫu thuật.
Thuốc
Các loại thuốc sau đây có thể giúp điều trị viêm khớp cùng chậu:
- Thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau không kê đơn có thể giúp giảm đau. Bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc mạnh hơn nếu các thuốc không kê đơn không hữu ích.
- Thuốc giãn cơ: Viêm khớp cùng chậu có thể gây co thắt cơ, dẫn tới đau. Thuốc giãn cơ có thể giúp giảm bớt những điều này.
- Thuốc ức chế TNF: Loại thuốc này có thể giúp làm dịu viêm khớp cùng chậu nếu nó có liên quan đến viêm cột sống dính khớp. Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy rằng các thuốc ức chế TNF có thể cải thiện đáng kể cả hoạt động và chức năng khớp.
Các biện pháp khắc phục tại nhà và các bài tập
Các bài tập và biện pháp khắc phục tại nhà sau đây có thể giúp giảm viêm khớp cùng chậu:
- Nghỉ ngơi: Tránh các động tác làm trầm trọng thêm tình trạng viêm khớp cùng chậu có thể giúp giảm viêm.
- Chườm đá và chườm nóng: Việc xen kẽ chườm đá và chườm nóng lên vùng bị ảnh hưởng có thể giúp giảm viêm khớp.
- Bài tập gập hông: Bài tập được tiến hành từ tư thế nằm ngửa, hai chân được đỡ bằng hộp hoặc gối. Sau đó, người bệnh sẽ bắt chéo chân này qua chân kia, ép hai chân lại với nhau rồi thả ra.
Phẫu thuật và các thủ thuật khác
Trong những trường hợp nghiêm trọng mà thuốc và các bài tập không có hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định một trong các phẫu thuật hoặc thủ thuật sau:
- Kích thích điện: Bác sĩ có thể cấy thiết bị kích thích điện vào xương cùng, nó có thể giúp giảm đau.
- Tiêm khớp: Tiêm corticosteroid vào khớp cùng chậu có thể giúp giảm viêm và đau. Tuy nhiên, tiêm quá nhiều trong một khung thời gian quá ngắn có thể gây ra các biến chứng.
- Đốt song cao tần: Thủ thuật này sẽ tác động lên các dây thần kinh gây ra tình trạng đau ở khớp cùng chậu.
- Hợp nhất khớp: Trong những trường hợp nghiêm trọng, hợp nhất hai xương bằng một tấm kim loại hoặc các thiết bị hợp nhất khác có thể giúp giảm viêm khớp.
Tiên lượng
Có một loạt các phương pháp điều trị viêm khớp cùng chậu có thể làm giảm cơn đau liên quan đến tình trạng này.
Mức độ cải thiện lâu dài sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân. Ví dụ, tổn thương khớp và các dạng thoái hóa của viêm khớp sẽ cần được điều trị liên tục để kiểm soát các triệu chứng.
Bác sĩ có thể giới thiệu cách tốt nhất để kiểm soát các triệu chứng viêm khớp cùng chậu và giảm đau liên quan đến tình trạng này.
Tóm tắt
Khớp cùng chậu nằm giữa xương cùng ở đáy cột sống và hai xương chậu trên cùng.
Viêm các khớp cùng chậu có thể dẫn đến đau ở lưng dưới, mông và chân.
Viêm khớp cùng chậu thường xảy ra thứ phát sau các tình trạng khớp như viêm cột sống dính khớp. Mang thai, chấn thương và nhiễm trùng cũng có thể gây ra viêm khớp cùng chậu.
Tình trạng này có các triệu chứng biểu hiện ở vùng lưng dưới. Bác sĩ sẽ sử dụng các nghiệm pháp vật lý và thường chụp MRI để chẩn đoán viêm khớp cùng chậu.
Người bệnh bị viêm khớp cùng chậu có thể sử dụng thuốc, vật lý trị liệu và phẫu thuật (trong trường hợp nghiêm trọng) để điều trị tình trạng này.
Xem thêm: