U não lành tính: Những điều bạn cần biết

Một khối u não lành tính là khối tăng trưởng của các tế bào bất thường trong não của bạn. Hầu hết chúng phát triển chậm. Chúng thường không di căn sang các bộ phận khác của cơ thể bạn như các u ác tính. Nhưng chúng có thể phát triển đủ lớn để gây ra nhiều triệu chứng.

Video (VTC14)_ U não không phải căn bệnh vô phương cứu chữa

Bác sĩ gọi u đầu tiên xuất hiện là u nguyên phát.

Có nhiều loại u lành tính. Mỗi loại ảnh hưởng đến một loại tế bào não khác nhau.

Mặc dù chúng không ác tính, nhưng điều quan trọng là bạn phải tiếp tục tái khám với bác sĩ. Trong một số ít trường hợp, những u này có thể trở nên ác tính.

U màng não

Đây là loại u não phổ biến nhất. Khoảng một phần ba trong số u não lành tính là loại này.

U màng não bắt đầu ở màng não, lớp vỏ bảo vệ xung quanh não và tủy sống của bạn.

Phụ nữ có nguy cơ mắc u màng não gấp đôi nam giới. Bạn có nhiều khả năng mắc u này hơn nếu bạn:

  • Có tiền sử điều trị bằng tia xạ 
  • Có gen di truyền u xơ thần kinh loại 1 hoặc loại 2 

Hầu hết các u màng não không gây ra triệu chứng cho đến khi chúng đủ lớn gây chèn ép. Sau đó, chúng gây nên:

  • Đau đầu
  • Co giật
  • Buồn nôn hoặc nôn 
  • Thay đổi tính cách
  • Nhầm lẫn trong các vấn đề hàng ngày 
  • Các vấn đề về thị lực
  • Nói khó
  • Nghe kém hoặc ù tai
  • Yếu cơ

U bao dây thần kinh (Schwannoma)

U bao dây thần kinh Schannoma là u lành tính bắt nguồn từ các tế bào Schwann bất thường. Tế bào Schwann bao quanh các tế bào thần kinh trong não.

Loại u bao dây thần kinh phổ biến nhất là u bao dây thần kinh tiền đình, mà bác sĩ có thể gọi là u dây thần kinh thính giác. Nó ảnh hưởng đến dây thần kinh tiền đình, đi từ tai trong đến não và giúp bạn giữ thăng bằng.

Những người có gen di truyền u xơ thần kinh loại 2 có nhiều khả năng bị u bao dây thần kinh hơn. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp đôi nam giới.

Các triệu chứng của u bao dây thần kinh bao gồm:

  • Suy giảm thính giác
  • Ù tai
  • Chóng mặt
  • Nuốt khó
  • Các vấn đề về giữ thăng bằng

U tuyến yên

Những u này bắt đầu từ tuyến yên, tuyến yên nằm ở sàn não thất ba và tạo ra các hormone quan trọng. Tuyến yên cũng tác động các tuyến nội tiết khác trong cơ thể bạn tạo ra hormone của chúng. U tuyến yên là phổ biến. Cứ 5 người trưởng thành thì có đến 1 người có các u nhỏ trong tuyến yên. Hầu hết các u này thường không bao giờ phát triển lớn hoặc gây ra di chứng.

Phụ nữ mắc những bệnh này thường xuyên hơn nam giới. Bất kỳ ai cũng có thể mắc các u này, nhưng những người mắc bệnh di truyền đa u tuyến nội tiết tuýp 1 có nhiều khả năng mắc u tuyến yên hơn.

Một số u tuyến yên tăng tiết hormon. Chúng được gọi là các u chức năng.

Những triệu chứng nào bạn có phụ thuộc vào việc u có tạo ra hormone hay không và nó tạo ra loại nào:

Nếu nó tạo ra:

  • Prolactin, và bạn là phụ nữ, bạn có thể bị trễ kinh hoặc có thể ngừng kinh. Đàn ông có thể nhận thấy vú to lên.
  • Hormone vỏ thượng thận (ACTH), có thể bạn sẽ có các triệu chứng của bệnh Cushing. Chúng có thể bao gồm tăng cân, dễ bầm tím và suy nhược.
  • Hormone kích thích tuyến giáp (TSH), nó có thể gây ra các triệu chứng cường giáp như giảm cân, lo lắng và đổ mồ hôi.

Các triệu chứng khác của những u tuyến yên gồm:

  • Nhức đầu
  • Mất thị lực hoặc nhìn đôi
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Vô sinh
  • Thay đổi hành vi
  • Tăng cân không kiểm soát 

U nguyên bào mạch máu 

Chúng bắt đầu trong các mạch máu của bạn. Chúng có thể hình thành trong não, tủy sống hoặc mặt sau của mắt bạn (võng mạc).

Những u này thường ảnh hưởng đến những người mắc bệnh di truyền hội chứng Von Hippel-Lindau.

Các triệu chứng bao gồm:

  • Tê hoặc yếu ở tay hoặc chân
  • Đau đầu
  • Buồn nôn và nôn
  • Chóng mặt
  • Khó giữ thăng bằng và đi bộ
  • Mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột

U sọ hầu

Loại này bắt nguồn từ các tế bào ở đáy não gần tuyến yên. U sọ hầu được tạo thành từ các u nang gồm phần đặc và các túi chứa đầy dịch. Chúng phổ biến nhất ở trẻ em từ 5 đến 14 tuổi và ở người lớn trên 45 tuổi.

Khi u sọ hầu phát triển, nó có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Béo phì hoặc tăng cân
  • Khát nhiều
  • Tiểu nhiều 
  • Tăng trưởng chậm 
  • Dậy thì muộn
  • Mệt mỏi
  • Đau đầu, đau nhiều hơn vào buổi sáng khi thức dậy
  • Nhầm lẫn trong các vấn đề hàng ngày 
  • Thị lực thay đổi, suy giảm hoặc mất một phần thị lực.
  • Thay đổi tính cách
  • Buồn nôn và nôn
  • Giảm khả năng giữ thăng bằng và đi lại khó khăn 

U thần kinh đệm (Gliomas)

U thần kinh đệm là u hình thành từ các tế bào đệm, đó là các tế bào bao quanh và hỗ trợ các tế bào thần kinh trong não và tủy sống của bạn.

Những u này ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn. Nhưng chúng phổ biến hơn ở người lớn. Nam giới có nguy cơ mắc u tế bào đệm cao hơn phụ nữ một chút.

Những người mắc các bệnh di truyền như gen di truyền u xơ thần kinh loại 1 hoặc bệnh xơ cứng củ có nhiều khả năng mắc bệnh hơn.

U thần kinh đệm gồm nhiều loại khác nhau, phân loại dựa trên những đặc điểm khác biệt nhiều hay ít so với tế bào bình thường và tốc độ phát triển của chúng:

  • Độ 1: Những tế bào này trông gần như bình thường. Chúng phát triển rất chậm.
  • Độ 2: Các tế bào đệm bất thường một chút so với bình thường. Chúng có thể trở lại sau khi điều trị nếu như chúng trở lên ác tính hơn .
  • Độ 3: Tế bào bất thường sinh sản nhanh và mạnh hơn độ 1 và 2.
  • Độ 4: Các tế bào này trông khác hoàn toàn với các tế bào bình thường. Chúng rất ác tính và phát triển rất nhanh.

Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ hỏi bạn có bị các triệu chứng u não như co giật, đau đầu hoặc buồn nôn hay không. 

Bạn có thể được chỉ định một hoặc một số xét nghiệm sau:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT-computed tomography). Chùm tia X năng lượng cao tạo ra các lát cắt dựng nên hình ảnh chi tiết về não của bạn.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI-magnetic resonance imaging). Từ trường và sóng radio tạo ra hình ảnh của bộ não bạn.
  • Sinh thiết. Xét nghiệm này cần lấy bệnh phẩm (một mẫu mô hoặc mẫu tế bào) từ u. Mẫu của bạn được kiểm tra dưới kính hiển vi để xem nó có tế bào ung thư hay không.
  • Chọc dò tủy sống. Xét nghiệm này để kiểm tra các tế bào bất thường trong dịch não tủy.
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu. Xét nghiệm này để tìm sự xuất hiện của các hormone và các chất khác mà u tiết ra. Bác sĩ cũng chỉ định xét nghiệm này để đánh giá hoạt động chức năng của các cơ quan trong cơ thể bạn như thế nào.

Điều trị u não lành tính

Các u nhỏ có thể không cần điều trị. Bác sĩ sẽ kiểm tra bạn thường xuyên bằng chụp CT hoặc MRI để xem liệu u có phát triển to lên hay không.

Các u lớn hơn được loại bỏ bằng phẫu thuật. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cố gắng loại bỏ càng nhiều u càng tốt.Xạ trị là một phương pháp điều trị khác. Nó sử dụng tia X năng lượng cao để thu nhỏ u. Các bác sĩ chỉ định xạ trị các u khi:

  • Không thể loại bỏ hoàn toàn u bằng phẫu thuật
  • U tái phát sau phẫu thuật

Một loại xạ trị được gọi là xạ phẫu (xạ trị định vị lập thể) là một lựa chọn điều trị cho một số u não. Nó là phương pháp xạ trị đưa liều xạ cao trực tiếp tác động vào u của bạn để tránh gây hại cho các mô lân cận.

Bác sĩ sẽ giải thích với bạn về tất cả các phương pháp điều trị và giúp bạn quyết định một phương pháp phù hợp nhất với bạn. 

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!