Vai trò của tuyến cận giáp
Tuyến cận giáp điều hòa nồng độ canxi trong máu, trong xương và khắp cơ thể. Tuyến cận giáp thực hiện chức năng này bằng cách sản xuất hormone tuyến cận giáp (Parathyroid hormone – PTH). Canxi là khoáng chất quan trọng nhất trong cơ thể (nó có vai trò với nhiều hệ cơ quan), vì vậy canxi được kiểm soát cẩn thận hơn bất kỳ khoáng chất nào khác. Trên thực tế, canxi là khoáng chất duy nhất có hệ thống điều hòa riêng, do tuyến cận giáp đảm nhận.
Vị trí của tuyến cận giáp
Tuyến cận giáp gồm 4 tuyến có kích thước bằng hạt gạo, đôi khi có thể bằng hạt đậu. Tuyến cận giáp nằm ở cổ, là các tuyến màu vàng nhạt phía sau tuyến giáp. Ống màu xanh nhạt chạy lên giữa hình vẽ là khí quản. Thanh quản là cấu trúc ở phía trên cùng của khí quản. Các động mạch cảnh ở cả hai bên của tuyến giáp chạy từ tim lên não.
LƯU Ý: Hình vẽ này nhìn vào từ mặt sau của tuyến giáp để có thể thấy các tuyến cận giáp. Hãy nhớ rằng, tuyến cận giáp nằm sau tuyến giáp, có kích thước bằng hạt gạo. Trong trường hợp u tuyến cận giáp, kích thước tuyến có thể lớn bằng quả ô liu, quả nho hoặc thậm chí là quả óc chó. Bệnh cường tuyến cận giáp cần phải phẫu thuật cắt bỏ tuyến cận giáp có u. Thêm một lưu ý khác là tuyến giáp và tuyến cận giáp KHÔNG liên quan với nhau. Mặc dù chúng nằm cạnh nhau và cả hai đều thuộc hệ thống nội tiết, nhưng tuyến giáp và tuyến cận giáp không có chức năng giống nhau.
Vai trò của canxi đối với cơ thể
Các khoáng chất có vai trò quan trọng trong tất cả các chức năng sống của cơ thể. Canxi cần thiết cho sự sống và được sử dụng chủ yếu cho 3 quá trình:
- Tham gia vào quá trình dẫn truyền thần kinh. Vai trò quan trọng nhất của canxi là tham gia vào quá trình dẫn truyền thần kinh. Do đó các triệu chứng phổ biến nhất của bệnh lý tại tuyến cận giáp có liên quan đến hệ thần kinh (trầm cảm, suy nhược, mệt mỏi…).
- Tham gia vào quá trình co cơ. Cũng giống như hệ thần kinh, canxi đóng vai trò quan trọng trong hoạt động co giãn của cơ bắp. Nồng độ canxi máu thay đổi có thể xuất hiện triệu chứng như yếu cơ và chuột rút.
- Tham gia làm chắc khỏe xương. Canxi có tác dụng làm cho xương chắc khỏe. Bên cạnh đó, bản thân xương cũng đóng vai trò như một hệ thống lưu trữ canxi. Cơ thể liên tục trao đổi canxi tại xương với mục đích duy nhất là giữ cho nồng độ canxi máu ổn định. Hãy nhớ rằng, vai trò quan trọng nhất của canxi là tham gia vào quá trình dẫn truyền thần kinh, còn tác dụng lên xương chỉ là thứ yếu.
Vì vậy, canxi là khoáng chất phải được kiểm soát chặt chẽ nhất trong cơ thể. Trên thực tế, canxi là nguyên tố/khoáng chất DUY NHẤT có hệ thống điều hòa riêng (do tuyến cận giáp đảm nhận). Các tuyến nội tiết còn lại không có khả năng kiểm soát nồng độ của bất kì khoáng chất nào khác. Đây là một đặc điểm tiến hóa của hệ thần kinh ở loài người so với thực vật, động vật. Nồng độ canxi máu tăng cao (đa số do cường tuyến cận giáp) có thể dẫn đến những thay đổi trong tính cách (thường được người thân nhận thấy) và nhiều triệu chứng của hệ thần kinh khác (trầm cảm,…). Vì vậy, bất thường về chức năng tuyến cận giáp không chỉ dẫn tới loãng xương và sỏi thận mà nó còn ảnh hưởng đến cảm giác “bình thường” và chất lượng cuộc sống.
Cơ chế hoạt động của tuyến cận giáp
Vai trò DUY NHẤT của tuyến cận giáp là kiểm soát nồng độ canxi trong một khoảng giới hạn rất nhỏ để hệ thần kinh và cơ bắp có thể hoạt động bình thường. Tuyến cận giáp sẽ theo dõi nồng độ canxi máu. Nếu nồng canxi giảm nhẹ, tuyến cận giáp sẽ phát hiện và sản xuất PTH. Hormone này sẽ huy động canxi từ xương và đưa vào máu. Khi nồng độ canxi trong máu đủ cao, tuyến cận giáp sẽ ngừng sản xuất PTH.
Một tình trạng thường gặp tại tuyến cận giáp do sự hoạt động quá mức của một hoặc nhiều tuyến cận giáp, dẫn đến sản xuất quá nhiều PTH, gây tăng nồng độ canxi máu. Tình trạng này được gọi là cường tuyến cận giáp.
Một số thông tin ngắn gọn về tuyến cận giáp
- Tuyến cận giáp gồm 4 tuyến nhỏ.
- Tuyến cận giáp thường nằm ở cổ, phía sau tuyến giáp (trừ một số trường hợp hiếm gặp)
- Tuyến cận giáp KHÔNG liên quan đến tuyến giáp (trừ việc chúng cùng nằm trên cổ).
- Tuyến giáp kiểm soát phần lớn sự trao đổi chất của cơ thể, trong khi tuyến cận giáp kiểm soát nồng độ canxi. Chúng không có mối liên quan nào trừ việc nằm cạnh nhau.
- Các tuyến cận giáp tạo ra hormone tuyến cận giáp.
- Hormone tuyến cận giáp viết tắt là PTH (Parathyroid hormone).
- Cũng giống như canxi, nồng độ PTH máu có một khoảng giới hạn nhất định và có thể định lượng để đánh giá chức năng của tuyến cận giáp.
- Cả 4 tuyến cận giáp đều hoạt động như nhau.
- Tuyến cận giáp kiểm soát nồng độ canxi máu.
- Tuyến cận giáp kiểm soát nồng độ canxi trong xương.
- Con người có thể dễ dàng sống với 1 (hoặc thậm chí một nửa) tuyến cận giáp.
- Cắt bỏ cả 4 tuyến cận giáp sẽ gây ra các triệu chứng nghiêm trọng do nồng độ canxi máu quá thấp (suy tuyến cận giáp). Suy tuyến cận giáp có triệu chứng trái ngược với cường tuyến cận giáp và nó rất hiếm gặp.
- Cường tuyến cận giáp xuất hiện chỉ ở 1 tuyến trong khoảng 91% trường hợp – thường do tuyến cận giáp phát triển to (u lành tính) và sản xuất quá nhiều PTH. Khoảng 8% trường hợp những người bị cường tuyến cận giáp xuất hiện bất thường ở 2 tuyến. Bất thường tại 3 hoặc 4 tuyến khá hiếm gặp.
- Tình trạng cường tuyến cận giáp dẫn đến việc sản xuất quá nhiều hormone. PTH dư thừa sẽ huy động canxi từ xương vào máu. Nồng độ canxi máu cao là nguyên nhân của nhiều triệu chứng.
- Nếu không được phẫu thuật, hậu quả tất yếu của cường tuyến cận giáp là loãng xương.
- U tuyến cận giáp hầu như không bao giờ phát triển thành ung thư.
- Tuy nhiên, nếu không phẫu thuật cắt bỏ u tuyến cận giáp và nồng độ canxi máu cao trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh ung thư khác (ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư thận và ung thư tuyến tiền liệt).
- Phẫu thuật là biện pháp duy nhất điều trị triệt để các bệnh lý tại tuyến cận giáp.
- Hiện nay, phẫu thuật xâm lấn tối thiểu đã và đang được áp dụng. Hãy tìm hiểu về các phương pháp phẫu thuật mới này. Không nên phẫu thuật thăm dò để tìm khối u tuyến cận giáp vì đó là phẫu thuật lớn và nguy hiểm.
Xem thêm: