Mặc dù có tên gần giống nhau và nằm liền kề ở cổ, nhưng tuyến cận giáp và tuyến giáp là những cơ quan rất khác nhau. Hormone PTH giúp điều hòa nồng độ canxi, vitamin D và phốt pho trong xương và máu.
Một số trường hợp bị cường tuyến cận giáp không gặp bất kỳ triệu chứng nào và không cần điều trị. Tuy nhiên, những trường hợp ở mức độ nhẹ hoặc nặng có thể phải phẫu thuật.
Nguyên nhân của cường tuyến cận giáp
Trong cường tuyến cận giáp, một hoặc nhiều tuyến cận giáp hoạt động quá mức và tiết ra PTH dư thừa. Nguyên nhân có thể do khối u, phì đại tuyến cận giáp hoặc các vấn đề cấu trúc khác của tuyến cận giáp.
Khi nồng độ canxi máu quá thấp, tuyến cận giáp sẽ phản ứng bằng cách tăng sản xuất PTH. PTH kích thích thận và ruột tăng hấp thu canxi. Đồng thời, PTH cũng huy động canxi từ xương. Quá trình sản xuất PTH trở lại bình thường khi nồng canxi máu tăng trở lại.
Phân loại cường tuyến cận giáp
Có 3 loại cường tuyến cận giáp: cường tuyến cận giáp nguyên phát, cường tuyến cận giáp thứ phát và cường tuyến cận giáp cấp ba.
Cường tuyến cận giáp nguyên phát
Cường tuyến cận giáp nguyên phát xảy ra khi có bất thường tại ít nhất 1 tuyến cận giáp. Nguyên nhân phổ biến của các bất thường tại tuyến cận giáp bao gồm các khối u lành tính và sự phì đại của ít nhất 2 tuyến cận giáp. Trong một số trường hợp hiếm, ung thư có thể gây ra tình trạng này. Nguy cơ bị cường tuyến cận giáp nguyên phát cũng tăng khi:
- Mắc một số rối loạn di truyền ảnh hưởng đến nhiều loại tuyến của cơ thể như đa u nội tiết
- Có tiền sử thiếu canxi và vitamin D mạn tính
- Đã phơi nhiễm với bức xạ trong quá trình điều trị ung thư
- Đã dùng lithium, một loại thuốc thường được dùng để điều trị chứng rối loạn lưỡng cực
Cường tuyến cận giáp thứ phát
Cường tuyến cận giáp thứ phát xảy ra khi có một bệnh lý nền khiến nồng độ canxi máu thấp bất thường. Hầu hết các trường hợp cường tuyến cận giáp thứ phát là do suy thận mạn tính, dẫn đến nồng độ vitamin D và canxi máu thấp.
Cường tuyến cận giáp cấp ba
Cường tuyến cận giáp cấp ba xảy ra khi tuyến cận giáp tiếp tục sản xuất quá nhiều PTH sau khi nồng độ canxi đã trở lại bình thường. Loại này thường xảy ra ở những người bị bệnh thận.
Các triệu chứng của cường tuyến cận giáp
Các triệu chứng có thể khác nhau từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào loại bệnh.
Cường tuyến cận giáp nguyên phát
Một số bệnh nhân không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc các triệu chứng có thể ở mức độ từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng nhẹ thường gặp như:
- Yếu mệt
- Chán nản
- Nhức mỏi cơ thể
Các triệu chứng nghiêm trọng hơn là:
- Chán ăn
- Táo bón
- Nôn mửa
- Buồn nôn
- Khát nước
- Tiểu nhiều
- Lú lẫn
- Các vấn đề về trí nhớ
- Sỏi thận
Cường tuyến cận giáp thứ phát
Cường tuyến cận giáp thứ phát có thể xuất hiện các bất thường về xương như gãy xương, sưng khớp và biến dạng xương. Các triệu chứng khác phụ thuộc vào bệnh lý nền như suy thận mạn tính hoặc thiếu vitamin D trầm trọng.
Chẩn đoán cường tuyến cận giáp
Bác sĩ có thể nghi ngờ bạn bị cường tuyến cận giáp nếu xét nghiệm máu định kỳ cho thấy nồng độ canxi máu cao. Để chẩn đoán xác định, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm khác.
Xét nghiệm máu
Các xét nghiệm máu bổ sung có thể giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn. Xét nghiệm máu có thể phát hiện tình trạng tăng nồng độ PTH, tăng nồng độ phosphatase kiềm và giảm nồng độ phốt pho.
Xét nghiệm nước tiểu
Xét nghiệm nước tiểu có thể giúp bác sĩ xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng cường tuyến cận giáp và xác định nguyên nhân của nó có bắt nguồn từ bệnh thận không. Xét nghiệm này sẽ đánh giá nồng độ canxi trong nước tiểu.
Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh của thận
Bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang ổ bụng để kiểm tra các bất thường của thận.
Điều trị cường tuyến cận giáp
Cường tuyến cận giáp nguyên phát
Không cần điều trị nếu chức năng thận còn tốt, nồng độ canxi máu chỉ tăng nhẹ hoặc mật độ xương bình thường. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể kiểm tra 1 lần/năm và chỉ định xét nghiệm nồng độ canxi máu 2 lần/năm.
Nên theo dõi lượng canxi và vitamin D trong chế độ ăn uống. Cần uống nhiều nước để giảm nguy cơ bị sỏi thận. Cần tập thể dục thường xuyên để giúp xương chắc khỏe.
Nếu cần thiết phải điều trị, phẫu thuật là phương pháp điều trị thường được áp dụng. Quy trình phẫu thuật bao gồm cắt bỏ các tuyến cận giáp bị phì đại hoặc các khối u của tuyến cận giáp. Các biến chứng hiếm gặp có thể là tổn thương dây thần kinh thanh quản và giảm nồng độ canxi máu mạn tính.
Calcimimetic, nhóm thuốc hoạt động giống như canxi ở trong máu, là một phương pháp điều trị khác. Những loại thuốc này có thể “đánh lừa” tuyến cận giáp, làm giảm sản xuất PTH. Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc này trong một số trường hợp phẫu thuật không thành công hoặc không thể phẫu thuật.
Nhóm thuốc bisphophonat ngăn cản việc huy động canxi từ xương, giúp giảm nguy cơ loãng xương.
Liệu pháp hormone thay thế có thể giúp xương giữ canxi lại. Liệu pháp này có thể điều trị loãng xương cho phụ nữ sau mãn kinh, mặc dù có những nguy cơ liên quan đến việc sử dụng kéo dài như tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư và bệnh tim mạch.
Cường tuyến cận giáp thứ phát
Nguyên tắc điều trị của cường tuyến cận giáp thứ phát là đưa nồng độ PTH trở lại bình thường bằng cách điều trị bệnh lý nền. Sử dụng vitamin D đối với trường hợp thiếu hụt vitamin D trầm trọng. Sử dụng vitamin D và canxi đối với trường hợp suy thận mạn tính. Có thể dùng thuốc và lọc máu với trường hợp suy thận mạn tính.
Các biến chứng của cường tuyến cận giáp
Một trong các biến chứng của cường tuyến cận giáp là loãng xương. Các triệu chứng phổ biến bao gồm gãy xương và giảm chiều cao do gãy thân đốt sống (cột sống). Biến chứng này có thể xuất hiện do sản xuất PTH dư thừa, dẫn đến việc mất quá nhiều canxi từ xương, khiến xương yếu đi. Loãng xương thường xảy ra khi nồng độ canxi máu quá cao và xương bị thiếu canxi kéo dài.
Loãng xương làm tăng nguy cơ bị gãy xương. Bác sĩ có thể kiểm tra các dấu hiệu loãng xương bằng cách chụp X-quang xương hoặc đo mật độ xương. Xét nghiệm này đo nồng độ canxi và khoáng chất trong xương bằng các thiết bị X-quang đặc biệt.
Tổng kết
Theo Cleveland Clinic, phẫu thuật có thể chữa khỏi hầu hết các trường hợp cường tuyến cận giáp. Nếu lựa chọn theo dõi tình trạng này thay vì điều trị, bạn có thể áp dụng lối sống lành mạnh như uống nhiều nước và tập thể dục thường xuyên để ngăn ngừa các triệu chứng. Cũng nên theo dõi lượng canxi và vitamin D trong chế độ ăn uống.
Xem thêm: