Suy tuyến cận giáp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Suy tuyến cận giáp là một tình trạng hiếm gặp, xảy ra khi các tuyến cận giáp nằm ở cổ không sản xuất đủ hormone tuyến cận giáp (Parathyroid hormone – PTH). Tuyến cận giáp gồm 4 tuyến nhỏ nằm gần hoặc ở sau tuyến giáp. Mỗi tuyến có kích thước bằng hạt gạo.

Chức năng chính của hormone PTH là điều hòa nồng độ canxi trong cơ thể. Nó cũng điều hòa nồng độ phốt pho và có vai trò trong việc hình thành vitamin D dạng hoạt động. Tất cả những hoạt động này đều cần thiết để duy trì sự cân bằng nồng độ canxi.

Sản xuất quá ít PTH khiến nồng độ canxi máu giảm và nồng độ phốt pho máu tăng. Tình trạng này có thể không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào khi phát hiện sớm, nhưng nó cần được theo dõi và điều trị suốt đời.

Nguyên nhân của suy tuyến cận giáp

Nguyên nhân của suy tuyến cận giáp bao gồm:

  • Tổn thương hoặc đã cắt bỏ tuyến cận giáp
  • Hội chứng Digeorge, là một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến sự phát triển của một số hệ cơ quan
  • Di truyền
  • Bệnh tự miễn
  • Phơi nhiễm bức xạ trong quá trình xạ trị ung thư
  • Nồng độ magiê máu thấp

Các triệu chứng của suy tuyến cận giáp

Nồng độ canxi máu thấp là nguyên nhân gây ra nhiều triệu chứng của suy tuyến cận giáp như:

  • Đau cơ hoặc chuột rút
  • Ngứa ngáy, bỏng rát hoặc tê ở đầu ngón tay, ngón chân và môi
  • Co thắt cơ, đặc biệt là quanh miệng
  • Rụng tóc
  • Khô da
  • Móng tay dễ gãy
  • Mệt mỏi
  • Lo lắng hoặc trầm cảm
  • Đau bụng kinh
  • Co giật

Trẻ em bị suy tuyến cận giáp cũng có thể bị đau đầu, nôn mửa hoặc các vấn đề về răng miệng như men răng yếu hoặc răng kém phát triển.

Chẩn đoán suy tuyến cận giáp

Bác sĩ sẽ hỏi bệnh và thăm khám tổng thể để phát hiện các triệu chứng như khô da, co thắt cơ và rụng tóc.

Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ của những chất sau:

  • Canxi
  • Phốt pho
  • Magiê
  • PTH

Các xét nghiệm bổ sung khác như:

  • Xét nghiệm nồng độ canxi trong nước tiểu để xác định tình trạng dư thừa canxi trong nước tiểu.
  • Điện tâm đồ (Electrocardiogram – ECG) để đo hoạt động điện của tim. Xét nghiệm này có thể cho thấy nhịp tim bất thường, một biểu hiện có thể do thiếu canxi.
  • Chụp X-quang và đo mật độ xương có thể giúp đánh giá hậu quả của tình trạng giảm nồng độ canxi máu đến xương.

Ngoài ra, bác sĩ có thể kiểm tra sự phát triển bất thường của răng và tình trạng chậm phát triển ở trẻ để chẩn đoán suy tuyến cận giáp.

Điều trị suy tuyến cận giáp

Có nhiều phương pháp điều trị suy tuyến cận giáp. Mục tiêu là khôi phục nồng độ canxi và khoáng chất về mức bình thường.

Điều trị ban đầu bằng cách uống bổ sung canxi carbonat và vitamin D dạng viên. Vitamin D được chỉ định vì nó giúp cơ thể hấp thu canxi và thải phốt pho.

Bác sĩ sẽ xác định liều canxi và vitamin D thích hợp. Họ sẽ theo dõi định kỳ nồng độ các chất sau đây để đảm bảo chúng nằm trong phạm vi bình thường:

  • Canxi
  • Phốt pho
  • Magiê
  • PTHH 

Bác sĩ có thể chỉ định bổ sung thực phẩm chức năng hàng ngày để giúp ổn định nồng độ canxi. Hầu hết các trường hợp suy tuyến cận giáp phải bổ sung thực phẩm chức năng suốt đời.

Nếu nồng độ canxi ở mức nguy hiểm đến tính mạng hoặc xuất hiện tình trạng co cơ, bác sĩ sẽ chỉ định truyền canxi qua đường tĩnh mạch. Nó làm giảm các triệu chứng nhanh chóng hơn vì canxi đi trực tiếp vào máu.

Bác sĩ cũng có thể chỉ định thuốc lợi tiểu để làm giảm nồng độ canxi thải qua nước tiểu.

Chế độ ăn uống của người bị suy tuyến cận giáp

Chế độ ăn uống của người bị suy tuyến cận giáp nên chứa nhiều canxi và ít phốt pho. Uống 6 – 8 cốc nước mỗi ngày cũng có thể giúp cơ thể không bị mất các chất dinh dưỡng cần thiết. Thực phẩm giàu canxi bao gồm:

  • Đậu
  • Hạnh nhân
  • Rau màu xanh đậm
  • Các sản phẩm từ sữa
  • Ngũ cốc
  • Nước cam
  • Yến mạch
  • Mận khô
  • Quả mơ

Một số loại thực phẩm giàu phốt pho có thể làm giảm đáng kể nồng độ canxi máu nên tránh:

  • Nước ngọt
  • Trứng
  • Thịt đỏ
  • Thực phẩm tinh chế như bánh mì trắng và mì ống
  • Chất béo chuyển hóa, chất này có thể xuất hiện trong bánh nướng
  • Cà phê
  • Rượu bia
  • Thuốc lá

Hãy nhờ bác sĩ tư vấn về chế độ ăn uống và thực phẩm chức năng để đảm bảo bổ sung đủ vitamin và chất dinh dưỡng cần thiết.

Các biến chứng tiềm ẩn của suy tuyến cận giáp

Chẩn đoán và điều trị sớm có thể làm giảm đáng kể nguy cơ biến chứng do suy tuyến cận giáp. Các biến chứng do nồng độ canxi máu thấp vẫn có thể xảy ra nhưng chúng có thể được cải thiện khi điều trị, có thể gặp:

  • Cơn tetany, biểu hiện là các cơ co cứng như chuột rút kéo dài từ bàn tay đến ngón tay
  • Răng dị dạng
  • Rối loạn nhịp tim hoặc nhịp tim không đều
  • Dị cảm hoặc cảm giác ngứa ran ở môi, lưỡi, ngón tay và bàn chân

Giảm nồng độ canxi máu có thể dẫn tới cơn tetany. Nguồn ảnh: Prognohealth.comTuy nhiên, một số biến chứng không thể cải thiện nếu không được chẩn đoán sớm như:

  • Đục thủy tinh thể
  • Canxi lắng đọng trong não
  • Suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em
  • Chậm phát triển trí tuệ ở trẻ em

Tổng kết

Bác sĩ sẽ theo dõi nồng độ canxi và phốt pho thông qua xét nghiệm máu định kỳ. Các xét nghiệm này được thực hiện hàng tuần hoặc hàng tháng sau khi chẩn đoán bệnh.

Sau khi điều trị ổn định, xét nghiệm máu sẽ được thực hiện 2 lần/năm. Nếu có bất kỳ thay đổi nào về nồng độ canxi hoặc phốt pho, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều canxi bổ sung cho phù hợp.

suy tuyến cận giáp là một bệnh mạn tính nên bệnh nhân cần duy trì các phương pháp điều trị và thay đổi chế độ ăn uống trong suốt cuộc đời. Hầu hết các trường hợp có thể kiểm soát triệu chứng bằng các điều trị lâu dài thích hợp.

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!