Thiếu máu ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Thiếu máu là một tình trạng phổ biến ở trẻ em. Theo báo cáo vào năm 2019 của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO), có đến 39,8% trẻ em từ 6 – 59 tháng tuổi bị thiếu máu. Tình trạng này xảy ra khi máu giảm số lượng tế bào hồng cầu hoặc giảm huyết sắc tố (Hemoglobin – một loại protein giúp vận chuyển oxy có trong hồng cầu).

Video CẨN TRỌNG: Trẻ 6 tháng - 1 tuổi bị THIẾU MÁU DO THIẾU SẮT! Nhận biết sớm dấu hiệu thiếu máu ở trẻ

Hầu hết các loại thiếu máu đều có thể điều trị được. Việc điều trị tình trạng thiếu máu có thể kéo dài nên hãy kiên nhẫn tuân thủ điều trị.

Các nguyên nhân phổ biến gây thiếu máu ở trẻ em

 Thiếu máu ở trẻ có thể do các nguyên nhân sau:

  • Giảm sản xuất hồng cầu. Nếu chế độ ăn của trẻ bị thiếu sắt hoặc các chất dinh dưỡng khác thì đây có thể là nguyên nhân gây thiếu máu.
  • Tăng phá hủy hồng cầu. Tình trạng thiếu máu có thể do một số bệnh lý bất thường hồng cầu có tính di truyền như thiếu máu hồng cầu hình liềm (Hemoglobin bên trong hồng cầu bị kết tủa thành một chuỗi dài, khiến hồng cầu trông giống hình lưỡi liềm hoặc hình chữ C – được gọi là hồng cầu hình liềm) hoặc do một bệnh lý trước đó.
  • Giảm hồng cầu do mất máu. Trẻ có thể bị mất máu trong thời gian dài, đôi khi bị mất máu qua phân. Các bé gái cũng có thể bị mất một lượng máu tương đối do ra máu kinh nguyệt nhiều.

Phân loại thiếu máu ở trẻ em

Có một số loại thiếu máu phổ biến ở trẻ em là:

  • Thiếu máu thiếu sắt. Tình trạng thiếu máu này gây ra bởi sự thiếu hụt sắt trong cơ thể.
  • Thiếu máu hồng cầu khổng lồ. Nguyên nhân gây ra loại thiếu máu này là do thiếu axit folic hoặc thiếu vitamin B12.
  • Thiếu máu tan máu. Các tế bào hồng cầu bị phá hủy, thường là do nhiễm trùng nặng hoặc do một số loại thuốc, dẫn đến tình trạng thiếu máu.
  • Thiếu máu hồng cầu hình liềm. Đây là một bệnh lý bất thường hồng cầu có tính di truyền, trong đó các tế bào hồng cầu có hình lưỡi liềm.
  • Thiếu máu Cooley (Thalassemia). Đây là một bệnh lý tan máu bẩm sinh có tính di truyền do bất thường tổng hợp hemoglobin, khiến hồng cầu không bền, dễ bị phá huỷ.
  • Thiếu máu bất sản. Nguyên nhân gây ra là do tủy xương của trẻ không có khả năng sản xuất các tế bào máu.

Các yếu tố nguy cơ gây thiếu máu ở trẻ em

Một số yếu tố nguy cơ có thể gây ra tình trạng thiếu máu ở trẻ em, bao gồm:

  • Trẻ sinh non hoặc nhẹ cân
  • Điều kiện vật chất kém
  • Uống quá nhiều sữa bò khi còn nhỏ (trẻ mới biết đi có thể bị thiếu máu thiếu sắt nếu chúng uống quá nhiều sữa bò)
  • Chế độ ăn thiếu sắt, vitamin hoặc khoáng chất
  • Phẫu thuật hoặc tai nạn gây mất máu
  • Nhiễm trùng
  • Bị bệnh thận hoặc bệnh gan
  • Tiền sử gia đình bị thiếu máu di truyền, thường gặp nhất là thiếu máu hồng cầu hình liềm

Các triệu chứng thiếu máu ở trẻ em

Các triệu chứng thiếu máu ở trẻ em phổ biến nhất là:

  • Tim đập nhanh
  • Rối loạn nhịp thở hoặc khó thở
  • Thiếu năng lượng, dễ mệt mỏi
  • Chóng mặt khi đứng dậy
  • Đau đầu
  • Cáu gắt
  • Đau, sưng lưỡi
  • Vàng mắt, vàng da và niêm mạc miệng
  • Lách to hoặc gan to
  • Chậm lớn
  • Vết thương lâu lành

Thiếu máu có thể khiến trẻ mệt mỏi, dễ cáu gắt. Nguồn ảnh: Kimdeyir.com Thiếu máu có thể khiến trẻ mệt mỏi, dễ cáu gắt. Nguồn ảnh: Kimdeyir.com Thiếu máu thường là biểu hiện của một bệnh lý khác. Nếu nghi ngờ trẻ bị thiếu máu, hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay lập tức. 

Chẩn đoán thiếu máu ở trẻ em

Chẩn đoán thiếu máu dựa trên các triệu chứng lâm sàng kết hợp với một số xét nghiệm máu. Bác sĩ sẽ:

  • Hỏi về các triệu chứng của trẻ
  • Hỏi về chế độ ăn của trẻ
  • Hỏi xem có thành viên nào trong gia đình bị thiếu máu không
  • Thăm khám lâm sàng

Bác sĩ cũng có thể chỉ định xét nghiệm máu và soi máu ngoại vi để kiểm tra hình dạng, kích thước của hồng cầu; kiểm tra nồng độ hemoglobin và nồng độ sắt trong máu; kiểm tra các triệu chứng thiếu máu khác có thể xảy ra.

Tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm chọc hút tủy xương hoặc sinh thiết tủy xương. Tủy xương là mô xốp bên trong xương và là nơi sản xuất các tế bào máu. Bác sĩ sẽ đưa kim vào xương và lấy một mẫu nhỏ để làm xét nghiệm.

Sau khi xác định được nguyên nhân gây thiếu máu của trẻ, bác sĩ sẽ lập kế hoạch điều trị.

Điều trị thiếu máu ở trẻ em

Điều trị thiếu máu ở trẻ em phụ thuộc vào các triệu chứng, độ tuổi, sức khỏe tổng thể và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Một số loại thiếu máu không cần điều trị. Tuy nhiên, cũng có các loại thiếu máu phải sử dụng thuốc, truyền máu, phẫu thuật hoặc ghép tế bào gốc.

Các biện pháp điều trị phổ biến nhất đối với tình trạng thiếu máu ở trẻ em bao gồm:

  • Bổ sung vitamin và khoáng chất dạng nhỏ giọt hoặc dạng viên
  • Bổ sung thực phẩm chức năng chứa sắt
  • Thay đổi chế độ ăn của trẻ
  • Ngừng sử dụng các loại thuốc gây thiếu máu
  • Sử dụng thuốc được bác sĩ chỉ định
  • Phẫu thuật cắt lách
  • Truyền máu
  • Ghép tế bào gốc

Phòng ngừa thiếu máu ở trẻ em

Tình trạng thiếu máu do thiếu sắt hoặc do thiếu các chất dinh dưỡng ở trẻ em có thể được ngăn ngừa bằng chế độ ăn hợp lý. 

Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp phòng ngừa một số loại thiếu máu ở trẻ em. Nguồn ảnh: Verywellhealth.comTránh cho trẻ dưới 12 tháng tuổi uống sữa bò. Uống sữa bò sớm có thể làm giảm khả năng hấp thu sắt ở ruột non và khiến trẻ đi ngoài phân máu.

Trẻ bú mẹ sẽ được cung cấp sắt đầy đủ trong 4 tháng đầu. Khi được 4 tháng tuổi, trẻ nên được bổ sung thêm sắt cho đến khi có thể nhận đủ sắt từ chế độ ăn hàng ngày. Nếu trẻ đang bú sữa công thức, hãy sử dụng sữa bột được bổ sung thêm sắt.

Hãy cho trẻ ăn các loại thực phẩm chứa nhiều sắt. Sữa có thể khiến trẻ cảm thấy no nhưng lại chứa ít sắt, điều này có thể hạn chế việc ăn các thực phẩm giàu sắt khác. Thực phẩm chứa nhiều sắt bao gồm các loại đậu, lòng đỏ trứng, mật rỉ đường, khoai tây, cà chua, nho khô và thịt đỏ.

Nếu trẻ mắc bệnh lý bất thường hồng cầu có tính di truyền, bác sĩ sẽ hướng dẫn điều trị, theo dõi và dự phòng các biến chứng.

Xem thêm: 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!