Vòng tránh thai là một dụng cụ nhỏ có hình chữ T, có tác dụng ngăn không cho tinh trùng gặp trứng, đồng thời còn phòng ngừa các trường hợp như quên sử dụng bao cao su và quên uống thuốc tránh thai.
Nhưng làm thế nào để bác sĩ có thể đưa vòng tránh thai vào bên trong cơ thể?
Đừng lo lắng vì đặt vòng là thủ thuật đơn giản và nhanh chóng chỉ trong một lần hẹn. Cuộc hẹn chỉ kéo dài khoảng 30 phút, nhưng hiệu quả tránh thai có thể kéo dài 3-10 năm và dễ dàng tháo bỏ ngay khi bạn muốn có em bé.
Nếu có bất kỳ thắc mắc gì, hãy hỏi bác sĩ.
Đặt câu hỏi trước khi làm thủ thuật sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn và việc đặt vòng trở nên dễ dàng hơn.
Quy trình đặt vòng tránh thai
Video: Đặt vòng tránh thai như thế nào ?
Trước khi bắt đầu, y tá hoặc bác sĩ sẽ hỏi bạn một số câu hỏi liên quan đến bệnh sử để lựa chọn loại vòng tránh thai phù hợp.
Có 5 loại:
Mirena, Kyleena, Liletta và Skyla là các vòng tránh thai nội tiết, giải phóng một lượng nhỏ progestin levonorgestrel. Hiệu quả tránh thai từ 3-5 năm, tùy thuộc từng loại.
Loại thứ năm, ParaGard, là vòng tránh thai bằng đồng, không chứa nội tiết tố và hiệu quả tránh thai lên đến 10 năm.
Một số trường hợp chống chỉ định với vòng tránh thai nội tiết. Khi đó, bác sĩ có thể sử dụng vòng tránh thai bằng đồng.
Trước khi bắt đầu đặt vòng, bác sĩ sẽ giải thích quy trình, cũng như giải đáp thắc mắc của bệnh nhân và làm một số thủ tục hành chính khác.
Bác sĩ cũng có thể cho bạn uống thuốc giảm đau, chẳng hạn như Motrin, để giảm đau và giảm cơn co tử cung.
Thử thai trước khi đặt vòng
Bệnh nhân cần phải thử thai trước khi làm thủ thuật, trừ khi đang trong ngày hành kinh.
Kimberly Langdon, MD, một bác sĩ sản phụ khoa có trụ sở tại Ohio, giải thích rằng nếu như đặt vòng trong giai đoạn đầu của thai kỳ có thể gây sảy thai.
Tuy nhiên, nếu bạn đang sử dụng một hình thức tránh thai nội tiết khác hoặc đặt vòng vào đầu kỳ kinh, thì việc thử thai có thể không cần thiết.
“Nhiều bác sĩ sẽ chọn đặt vòng trong thời gian vừa hết kinh nguyệt vì khi ấy cổ tử cung hơi mở” - Kecia Gaither, MD, được chứng nhận về sản phụ khoa và y học thai nhi đồng thời là giám đốc dịch vụ chu sinh tại NYC Health cho biết.
Bác sĩ cũng có thể lấy mẫu vùng chậu để làm xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục.
Khám phụ khoa
Bác sĩ khám phụ khoa để xác định hướng tử cung của bệnh nhân. Tử cung có thể ngả trước, ngả sau hoặc ở vị trí bình thường.
Kiểm tra còn để xác định kích thước, mật độ và tính di động của tử cung và có dấu hiệu của nhiễm trùng không.
Bác sĩ thường thực hiện thăm khám phụ khoa bằng hai tay: hai ngón tay đặt trong âm đạo, tay còn lại đặt trên bụng.
Sử dụng mỏ vịt
Mỏ vịt là dụng cụ bằng kim loại chuyên dụng trong thăm khám phụ khoa. Mỏ vịt được đưa vào âm đạo để bộc lộ, cho phép bác sĩ có thể quan sát cổ tử cung của bệnh nhân.
Theo Gaither, sau khi đưa mỏ vịt vào âm đạo, bác sĩ sẽ sát khuẩn âm đạo nhằm mục đích giảm nguy cơ nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, bác sĩ sử dụng thuốc tê tại chỗ như Lidocain sau khi sát khuẩn để giảm thiểu sự khó chịu cho bệnh nhân.
Tiếp theo, bác sĩ sẽ chỉnh cho trục tử cung và cổ tử cung thẳng hàng bằng cách sử dụng kìm kẹp cổ tử cung.
Xác định độ sâu tử cung
Mặc dù vòng tránh thai chỉ có một kích thước, bác sĩ vẫn cần đo chiều dài của ống cổ tử cung và tử cung.
Độ sâu tử cung trung bình khoảng 6-9 cm và việc đo đạc nhằm đặt vòng tránh thai vào đúng vị trí, không đưa quá sâu hoặc sai góc. Nếu vòng tránh thai đặt sai vị trí có thể dẫn đến một số hậu quả nghiêm trọng, thậm chí gây thủng tử cung.
Bác sĩ tiến hành đo độ sâu tử cung bằng thước đo chuyên dụng, có đầu tròn để khi đưa vào không gây tổn thương tử cung.
Đặt vòng tránh thai
Bác sĩ lấy vòng tránh thai ra từ túi vô khuẩn, bẻ hai cánh tay của chữ T và nhét vào ống đặt. Vòng tránh thai được đặt vào tử cung bằng đúng độ sâu mà bác sĩ đã đo trước đó.
Ống đặt sẽ có một pít-tông để đưa vòng tránh thai vào đúng vị trí. Khi vòng tránh thai được đẩy ra khỏi ống, các cánh tay sẽ mở ra thành hình chữ “T”.
Khi đã vào đúng vị trí, vòng tránh thai có sợi dây luồn qua cổ tử cung vào ống âm đạo. Sợi dây sau đó sẽ được cắt ngắn nhưng chừa lại khoảng 2-3 cm kể từ mép ngoài cổ tử cung.
Dựa vào những sợi dây này, bác sĩ có thể kiểm tra xem vòng tránh thai còn nằm đúng vị trí hay không. Một số người có thể cảm nhận được sợi dây khi đưa ngón tay vào ống âm đạo.
Siêu âm để kiểm tra vị trí vòng tránh thai
Nếu nghi ngờ về vị trí đặt vòng tránh thai chưa đúng, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm qua âm đạo hoặc ổ bụng để kiểm tra.
Tuy nhiên, việc kiểm tra bằng siêu âm rất ít khi được chỉ định.
Theo dõi sau đặt vòng
Sau khi đặt vòng, bác sĩ sẽ đưa cho bạn giấy hẹn, trên đó có ghi rõ thông tin của loại vòng tránh thai, ngày đặt vòng và ngày tháo vòng.
Sau đó, bạn sẽ ngồi theo dõi xem có bị co thắt tử cung hay chảy máu âm đạo nhẹ không, Diana Torres, nữ hộ sinh được chứng nhận và hành nghề Sản phụ khoa tại Trung tâm Y tế Bệnh viện Jamaica ở NYC, giải thích.
Một số chị em có thể cảm thấy hơi chóng mặt sau khi làm thủ thuật.
Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn ngồi lại theo dõi trong một khoảng thời gian, nhưng bạn cũng có thể xin về nếu cảm thấy không có vấn đề gì bất thường.
Quá trình đặt vòng diễn ra trong bao lâu?
Quá trình đặt vòng thực tế sẽ chỉ mất khoảng một hoặc hai phút. Tuy nhiên cả tư vấn, dặn dò và theo dõi sau đặt vòng có thể mất khoảng 30 phút hoặc lâu hơn.
Đặt vòng có đau không?
Đặt vòng có đau hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như:
- Khả năng chịu đau của từng người
- Chiều dài ống cổ tử cung
- Các vấn đề về sức khỏe trước đây chẳng hạn như đã từng ngất do thần kinh phế vị.
- Đã từng đẻ thường hay chưa?
- Uống thuốc trước khi đặt vòng
- Bác sĩ có gây tê tại chỗ khi tiến hành thủ thuật không?
Đối với nhiều người, quá trình đặt vòng gây cảm giác khó chịu nhiều hơn là đau.
Torres nói: “Bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng co thắt tử cung nhẹ trong và sau khi đặt vòng vài giờ.”
Một số phụ nữ lại cảm thấy như bị kim châm trong khi đặt vòng. Tuy nhiên, cảm giác này thường biến mất khá nhanh.
Một số ít chị em cảm thấy đau từ trung bình đến nặng, có thể bị co thắt tử cung dữ dội, co cứng bụng, đổ mồ hôi, buồn nôn, nôn. Đối với những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể ngất xỉu.
Những tác dụng phụ này thường giảm dần trong vài giờ sau đó hoặc kéo dài đến ngày hôm sau.
Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau và tư vấn, dặn dò sau đặt vòng.
Làm thế nào để bớt lo lắng, căng thẳng và giảm đau khi đặt vòng?
Gaither cho biết: Bệnh nhân thường được khuyến cáo dùng thuốc chống viêm không steroid hoặc NSAID trước khi đặt vòng. Một số loại thuốc hay được sử dụng như Aspirin, Naproxen, Ibuprofen.
Tuy nhiên, đối với một số bệnh nhân, thuốc giảm đau không kê đơn không đủ để ngăn ngừa hoặc giảm bớt sự khó chịu, bất kể liều lượng cao đến đâu.
Nếu bạn còn nhiều băn khoăn, lo lắng về thủ thuật đặt vòng, hãy trao đổi với bác sĩ.
Thông thường, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để bạn dùng trước và sau khi làm thủ thuật để giảm thiểu sự khó chịu và hỗ trợ quá trình phục hồi.
Đơn thuốc có thể chứa các loại thuốc:
- Làm mềm cổ tử cung như Misoprostol (Cytotec)
- Giảm lo lắng như Lorazepam (Ativan) hoặc Diazepam (Valium)
- Giảm đau như Diclofenac (Flector), Hydrocodone (Zohydro ER) hoặc kết hợp Acetaminophen và Codeine Phosphate (Tylenol-3)
Bên cạnh đó, bác sĩ có thể thực hiện một số điều sau đây để giảm đau và khó chịu cho bệnh nhân:
- Gây tê cục bộ, tiêm và/hoặc bôi tê tại chỗ, để làm tê cổ tử cung.
- Nitơ oxit, còn được gọi là khí cười, được hít qua mặt nạ thở có tác dụng giảm đau.
- Gây mê toàn thân bằng cách tiêm tĩnh mạch hoặc hít qua mặt nạ thở.
Rủi ro và tác dụng phụ
Sau khi đặt vòng, tử cung co thắt và đau lưng có thể xuất hiện trong vòng vài giờ, thậm chí vài ngày. Túi sưởi có thể giúp giảm đau và giảm khó chịu sau đặt vòng.
Một số người bị ra đốm máu li ti sau khi đặt vòng tránh thai, nhưng tình trạng này sẽ biến mất trong vòng 3 đến 6 tháng.
- Một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất của vòng tránh thai là thay đổi chu kỳ kinh nguyệt
Torres nói: “Với vòng tránh thai bằng đồng, bạn có thể ra nhiều hơn trong vài chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Đôi khi, bạn cũng bị đau bụng kinh nặng hơn so với trước khi đặt vòng.”
“Tuy nhiên, kinh nguyệt có thể ít đi hoặc biến mất khi đặt vòng tránh thai nội tiết, và chứng đau bụng kinh có thể cải thiện rất nhiều.” Torres nói.
- Vòng tránh thai có thể bị di lệch
Điều này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nhưng phổ biến nhất trong ba tháng đầu tiên sau đặt vòng. Vòng tránh thai thường bị tuột ra ngoài khi hành kinh hoặc đi đại tiện.
Đây là lý do tại sao bạn nên kiểm tra miếng lót, băng vệ sinh hoặc cốc nguyệt san khi trong kỳ kinh nguyệt, để đảm bảo vòng tránh thai không bị rơi ra ngoài.
Một số người cho rằng việc sử dụng cốc nguyệt san có thể làm vòng tránh thai bị sai vị trí, thậm chí là làm tuột vòng. Nghiên cứu năm 2012 đã bác bỏ điều này.
- Vòng tránh thai có thể đâm xuyên thành tử cung
Langdon giải thích: “Vòng tránh thai có thể dính vào thành tử cung hoặc chui tử cung và nằm trong khoang chậu. Trong những trường hợp như thế này cần phẫu thuật để lấy bỏ vòng tránh thai.
Trên thực tế, trường hợp như thế vô cùng hiếm gặp. Tuy nhiên cũng có thể gặp trong thủ thuật đặt vòng.
- Mang thai và một số biến chứng
Cứ 100 người đặt vòng tránh thai thì có ít hơn 1 người mang thai.
Nếu mang thai, bạn cần phải tháo vòng tránh thai càng sớm càng tốt. Vòng tránh thai nằm trong tử cung càng lâu thì nguy cơ chửa ngoài tử cung và các biến chứng nguy hiểm khác càng cao.
Vòng tránh thai có gây viêm nhiễm? Trái ngược với suy nghĩ thông thường, một số chuyên gia chăm sóc sức khỏe cho biết: Các vòng tránh thai hiện đại không gây ra hoặc làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm vùng chậu.
Cần chuẩn bị gì trước khi đặt vòng?
- Sắp xếp thời gian
Mặc dù hầu hết chị em đều có thể tự đi về sau khi đặt vòng, nhưng bạn có thể nhờ ai đó đi cùng trong trường hợp bạn bị co thắt tử cung nhiều hoặc không muốn tự đi xe về.
Nhiều người có thể tiếp tục công việc ngay sau đó. Tuy nhiên, nhiều người lại cảm thấy nghỉ ngơi là điều cần thiết.
Vì vậy, nếu được, hãy sắp xếp công việc để bạn có thể nghỉ ngơi cả ngày hôm đó.
Tương tự như vậy, hãy sắp xếp những việc trong gia đình và có thể nhờ người chăm sóc sau đặt vòng để yên tâm hơn.
- Các vật dụng nên chuẩn bị
Bạn cũng nên chuẩn bị những vật dụng dưới đây để sử dụng sau khi đặt vòng:
- Túi sưởi
- Túi chườm lạnh
- Miếng lót hoặc băng vệ sinh
- Thuốc giảm đau không kê đơn như Acetaminophen (Tylenol) hoặc Naproxen (Aleve).
- Một chai nước hoặc nước trái cây để đề phòng trường hợp bạn bị buồn nôn hoặc chóng mặt.
- Đồ ăn nhẹ để tránh bị đói.
- Sách hoặc tạp chí, điện thoại hay máy tính bảng để thư giãn và nhanh chóng quên đi cơn đau hay cảm giác khó chịu.
- Vào ngày đặt vòng tránh thai
Sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và mặc quần áo thoải mái nhất như quần lót cotton, áo khoác rộng, áo phông và giày bệt.
Bạn cũng nên mang theo nước và đồ ăn nhẹ khi đi xe về nhà.
- Sau khi đặt vòng bao lâu có thể quan hệ tình dục?
Bạn có thể quan hệ tình dục bất kỳ khi bạn muốn sau khi đặt vòng tránh thai, trừ trường hợp đặt vòng tránh thai ngay sau sinh.
Torres nói: “Bệnh nhân có thể có quan hệ tình dục thâm nhập vào cùng ngày đặt vòng, nhưng tôi thường yêu cầu bệnh nhân không quan hệ trong ít nhất 24 giờ để phòng trường hợp bị ra máu li ti hoặc co thắt cổ tử cung và tránh có thai ngoài ý muốn. Tất cả các hoạt động khác là tùy thuộc vào mong muốn và sở thích của bệnh nhân."
Tuy nhiên, bạn cũng có thể sử dụng thêm biện pháp tránh thai dự phòng như bao cao su ngay sau khi đặt vòng.
Lưu ý: Không phải tất cả các vòng tránh thai đều có tác dụng tránh thai ngay sau khi đặt.
Vòng tránh thai ParaGard, Mirena và Liletta có tác dụng tránh thai ngay sau khi đặt.
Một số loại vòng tránh thai khác chỉ có hiệu quả ngay lập tức nếu được đặt trong 7 ngày đầu tiên của kỳ kinh. Nếu không, vòng tránh thai chỉ có hiệu quả sau 7 ngày kể từ ngày đặt vòng.
Chính vì vậy, một số chuyên gia khuyên bạn nên sử dụng bao cao su hoặc phương pháp tránh thai khác trong tháng đầu tiên sau khi đặt vòng để giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Một số lưu ý khác
Thông thường, bạn sẽ được hẹn tái khám từ 6 đến 8 tuần sau khi đặt vòng.
Tại cuộc hẹn này, bác sĩ sẽ kiểm tra các sợi dây để đảm bảo chúng ở đúng vị trí và không cần phải cắt thêm.
Đây cũng là lúc để bạn phản ánh về bất kỳ vấn đề nào mà bạn hoặc đối tác của bạn gặp phải khi quan hệ tình dục.
Nếu sợi dây gây khó chịu cho bạn hoặc bạn tình, bác sĩ có thể cắt đi một chút.
Liên hệ ngay với bác sĩ nếu:
Langdon lưu ý rằng: Bất kỳ cơn đau dai dẳng, ra máu âm đạo li ti, tiết dịch hôi hoặc cơn sốt cũng nên phản ánh lại với bác sĩ.
Trong trường hợp nghi ngờ có thai, hãy liên hệ ngay với bác sĩ.
Tổng kết
Lo lắng, căng thẳng trước khi đặt vòng là điều khó tránh khỏi.
Mặc dù bạn có thể cảm thấy khó chịu trong đặt vòng và kèm theo những cơn co thắt tử cung sau đó, nhưng đừng lo, các triệu chứng này sẽ biến mất không lâu sau đó.
Đặt vòng có thể gây khó chịu cho các chị em nhưng cũng rất đáng để thử bởi đây là một trong những biện pháp tránh thai hiệu quả nhất hiện nay với tỷ lệ lên đến hơn 99%.
Xem thêm: