Đặt vòng tránh thai có đau không? Câu trả lời của chuyên gia

Đặt vòng tránh thai có thể gây khó chịu cho bệnh nhân. Có đến 70% phụ nữ chưa sinh con cho biết họ cảm thấy khó chịu ở mức độ nhẹ đến trung bình trong quá trình đặt vòng.

Video: ĐẶT VÒNG TRÁNH THAI LÀ NHƯ THẾ NÀO? Bệnh viện Từ Dũ.

Thông thường, cảm giác khó chịu chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn. Chưa đến 20% số ca đặt vòng cần sử dụng thêm thuốc giảm đau hoặc điều trị bổ sung bởi quá trình đặt vòng tránh thai thường diễn ra nhanh chóng, chỉ kéo dài trong vài phút. Cảm giác khó chịu bắt đầu biến mất rất nhanh sau khi đặt vòng thành công. 

Trên thực thế, khi vòng tránh thai đi qua vị trí mà bạn cảm thấy khó chịu nhất chỉ diễn ra trong chưa đầy 30 giây. Khi được yêu cầu đánh giá cảm giác đau trên thang điểm từ 0 đến 10 (với 0 là mức độ đau thấp nhất và 10 là mức độ cao nhất), mọi người thường đánh giá mức độ đau của đặt vòng từ 3-6 điểm. 

Hầu hết, các chị em mô tả cơn đau giống như cơn co thắt. Vào thời điểm hoàn tất việc đặt vòng và tháo mỏ vịt ra, mức độ đau được đánh giá giảm xuống từ 0-3 điểm. 

Thông thường, khi đặt vòng, bạn phải trải qua 3 cơn co thắt nhẹ. Cơn co thắt thứ nhất là khi bác sĩ đưa một dụng cụ vào tử cung để bộc lộ. Cơn co thắt thứ hai là khi bác sĩ đo độ sâu của tử cung. Và cơn co thắt thứ ba là khi bác sĩ tiến hành đặt vòng. Cả 3 cơn co thắt đều tương đối nhẹ và cảm giác khó chịu sẽ nhanh chóng biến mất.   

Trong một số trường hợp hiếm gặp, một số phụ nữ có thể có phản ứng nghiêm trọng hơn. Bạn có thể cảm thấy choáng váng và buồn nôn, thậm chí là ngất. Nhưng những phản ứng kể trên rất hiếm gặp và thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, kéo dài chưa đầy một phút. 

Nếu trước đây bạn từng gặp tính trạng đó, hãy thông báo cho bác sĩ để bác sĩ có thể đưa ra kế hoạch phù hợp. 

Tại sao khi đặt vòng tránh thai, một số chị em cảm thấy khó chịu, trong khi những người khác thì không?

Nếu bạn đang thắc mắc về mức độ khó chịu có thể gặp phải khi đặt vòng tránh thai, hãy xem xét các yếu tố sau đây.

Những phụ nữ đã từng đẻ thường sẽ cảm thấy ít khó chịu hơn so với những phụ nữ chưa từng mang thai. Ví dụ, một phụ nữ đã từng đẻ thường có thể mô tả mức độ cơn đau khoảng 3/10, trong khi một phụ nữ chưa từng mang thai sẽ đánh giá mức độ đau khoảng 5-6/10.  

Nếu cảm thấy đau nhiều khi bác sĩ khám vùng chậu hoặc đặt mỏ vịt, bạn cũng có thể cảm thấy đau hơn khi đặt vòng tránh thai. 

Lo lắng, căng thẳng và sợ hãi có thể ảnh hưởng đến cảm nhận đau. Đó là lý do tại sao bác sĩ luôn giải thích tất cả các thắc mắc của bệnh nhân trước khi tiến hành đặt vòng.  

Được giải đáp các thắc mắc, hiểu hết toàn bộ quy trình và tâm lý thoải mái là những yếu tố góp phần làm cho việc đặt vòng trở nên nhẹ nhàng và thuận lợi hơn.

Giải đáp thắc mắc và trấn an bệnh nhân là điều cần thiết trước khi thực hiện thủ thuật. Nguồn ảnh: www.georginastaqueria.comGiải đáp thắc mắc và trấn an bệnh nhân là điều cần thiết trước khi thực hiện thủ thuật. 

Có những phương pháp giảm đau nào khi đặt vòng tránh thai?

Đối với đặt vòng tránh thai định kỳ, hầu hết các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân dùng Ibuprofen trước. Mặc dù các nghiên cứu không cho thấy Ibuprofen giúp giảm đau khi đặt vòng tránh thai, nhưng có tác dụng giảm co thắt sau đó. 

Một phương pháp giảm đau khác là tiêm Lidocain (một loại thuốc tê tại chỗ) xung quanh cổ tử cung. Tuy nhiên, phương pháp này ít được các bác sĩ sử dụng. Nghiên cứu gần đây cho thấy Lidocain có thể hữu ích đối với những phụ nữ chưa từng đẻ thường, nhưng vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để làm rõ vấn đề này. 

Một nghiên cứu nhỏ năm 2017 với đối tượng là thanh thiếu niên và phụ nữ trẻ chưa từng sinh con, khoảng một nửa trong số này được tiêm 10ml Lidocain, với mục đích để gây tê và giảm đau. Nhóm còn lại sử dụng giả dược. 

Sau thủ thuật đặt vòng tránh thai, các nhà nghiên cứu đã so sánh điểm số đánh giá mức độ đau của những người tham gia. Điểm số đánh giá mức độ đau ở nhóm sử dụng Lidocain thấp hơn đáng kể so với nhóm sử dụng giả dược. 

Nói chung, các bác sĩ không thường xuyên sử dụng Lidocain vì bản thân việc tiêm có thể gây khó chịu cho bệnh nhân. Hầu hết mọi người có thể trải qua việc đặt vòng nên việc tiêm Lidocain có thể không cần thiết. Nếu bạn quan tâm đến vấn đề này, hãy trao đổi với bác sĩ. 

Lidocain có thể được sử dụng để giảm đau trong đặt vòng tránh thai. Nguồn ảnh: medesol.comLidocain có thể được sử dụng để giảm đau trong đặt vòng tránh thai. 

Một số bác sĩ kê Misoprostol cho bệnh nhân uống trước khi đặt vòng tránh thai. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy sử dụng Misoprostol có thể khiến bệnh nhân khó chịu hơn vì có thể gây ra các tác dụng phụ thường gặp như buồn nôn, nôn, tiêu chảy và co thắt. 

Thông thường, các bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp “verbocaine” trong quá trình đặt vòng tránh thai. Verbocaine là phương pháp nói chuyện và trấn an bệnh nhân. Đôi khi chỉ một chút xao lãng cũng giúp bạn nhanh chóng vượt qua thủ thuật. 

Tôi muốn đặt vòng tránh thai nhưng lại sợ đau. Tôi nên trao đổi với bác sĩ như thế nào?

Hãy thoải mái trao đổi với bác sĩ về những thắc mắc và lo lắng của bạn trước khi thực hiện thủ thuật. Tuy nhiên, mức độ chịu đau và cảm giác khó chịu còn phụ thuộc vào từng người.  

Trên thực tế, việc đặt vòng tránh thai ít nhiều vẫn gây khó chịu cho bệnh nhân. Khi được giải thích rõ ràng về quy trình, bệnh nhân sẽ an tâm hơn.  

Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn chưa từng khám phụ khoa hay từng gặp khó khăn khi bác sĩ thăm khám vùng chậu, hoặc từng bị tấn công tình dục. Đối với từng trường hợp, bác sĩ sẽ có những phương pháp nhất định để trấn an bệnh nhân.  

Bạn cũng có thể hỏi bác sĩ những phương pháp nào giúp giảm bớt sự khó chịu và phương pháp nào phù hợp với bạn. Đôi khi, đặt lịch hẹn cho một buổi tư vấn là cần thiết. Bởi khi chuyên gia về sức khỏe sẵn sàng lắng nghe và giải đáp thắc mắc giúp bệnh nhân có tâm lý thoải mái và tin tưởng bác sĩ hơn.  

Tôi sợ rằng các phương pháp giảm đau điển hình vẫn không đủ với tôi. Liệu còn phương pháp giảm đau nào khác?

Một số bệnh nhân cần kết hợp nhiều phương pháp giảm đau. Do vậy, hãy trao đổi với bác sĩ để tìm ra những phương pháp giảm đau phù hợp và hiệu quả nhất đối với bạn. 

Ngoài các loại thuốc đã kể trên, Naproxen dạng viên uống hoặc Ketorolac dạng thuốc tiêm cũng được sử dụng để giảm đau, nhất là trong trường hợp bạn chưa từng đẻ thường. Bên cạnh đó, kem hoặc gel bôi tại chỗ chứa Lidocain cũng có tác dụng giảm đau cho bệnh nhân trong quá trình thực hiện thủ thuật. 

Nếu bệnh nhân quá lo lắng và sợ đau khi đặt vòng tránh thai, bên cạnh việc sử dụng thuốc tê hay thuốc giảm đau, việc trấn an bệnh nhân đem lại hiệu quả rõ rệt. Bác sĩ có thể hướng dẫn bệnh nhân tập hít thở, cho bệnh nhân nghe nhạc hoặc đi cùng với người thân. Tất cả những điều trên đều nhằm mục đích mang lại tâm lý thoải mái cho bệnh nhân.   

Một số người có thể cần dùng đến thuốc chống lo âu trước khi đặt vòng tránh thai. Loại thuốc này có thể dùng kết hợp với Ibuprofen hoặc Naproxen, nhưng bệnh nhân cần có người nhà đi cùng. Bạn cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để xem dùng thuốc an thần có thật sự cần thiết và an toàn, phù hợp với bạn hay không.  

Có phải ai cũng có cảm giác khó chịu và bị co thắt tử cung sau khi đặt vòng tránh thai? Khi đó, cần làm gì để giảm cảm giác khó chịu?

Đối với hầu hết mọi người, cảm giác khó chịu do đặt vòng tránh thai thường hết ngay sau khi kết thúc thủ thuật. Tuy nhiên, một số người lại bị co thắt tử cung sau đó. Thuốc giảm đau không kê đơn như Ibuprofen hoặc Naproxen rất hiệu quả trong việc điều trị chứng co thắt. 

Một số chị em cũng nhận thấy rằng nghỉ ngơi, uống trà, tắm nước ấm và chườm ấm cũng có tác dụng giảm đau. Nếu các biện pháp kể trên và thuốc giảm đau không kê đơn đều không có tác dụng, hãy liên hệ ngay với bác sĩ.  

Có thể đi làm bình thường sau khi đặt vòng không?

Khi đặt vòng, mức độ đau với mỗi người là khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều có thể tiếp tục hoạt động bình thường ngay trong ngày. Uống Ibuprofen trước khi đặt vòng có tác dụng giảm cơn co thắt sau đó. 

Sau khi đặt vòng có thể làm việc và sinh hoạt bình thường. Nguồn ảnh: www.kcl.ac.uk Sau khi đặt vòng có thể làm việc và sinh hoạt bình thường. 

Nếu công việc của bạn quá vất vả hoặc đòi hỏi nhiều hoạt động thể chất, hãy sắp xếp công việc để không cần phải đi làm ngay sau khi đặt vòng.  

Không nên làm việc nặng và hạn chế các hoạt động thể thao đòi hỏi nhiều sức lực sau khi đặt vòng tránh thai. Bạn cũng nên lắng nghe cơ thể và nghỉ ngơi là điều cần thiết. 

Cơn co tử cung kéo dài trong bao lâu sau khi đặt vòng?

Thông thường, bạn có thể bị co thắt nhẹ, liên tục, xuất hiện và kéo dài trong vài ngày tới khi tử cung thích nghi với vòng tránh thai. Đối với hầu hết phụ nữ, cơn co tử cung sẽ xuất hiện trong khoảng 1 tuần và biến mất dần sau đó.  

Đối với những chị em sử dụng vòng tránh thai nội tiết, những cơn đau có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt sẽ được cải thiện đáng kể theo thời gian và có thể chị em cũng không bị co thắt tử cung nữa. Nếu như thuốc giảm đau không kê đơn không thể kiểm soát cơn đau hoặc cơn đau ngày một tăng lên, bạn nên đi khám bác sĩ ngay. 

Cần tìm hiểu những gì nếu muốn đặt vòng tránh thai?

Có hai loại vòng tránh thai: vòng tránh thai không chứa nội tiết và vòng tránh thai nội tiết. Bạn nên tìm hiểu về từng loại và lựa chọn loại vòng tránh thai phù hợp với mình.  

Hai loại vòng tránh thai: Vòng tránh thai bằng đồng và vòng tránh thai nội tiết. Nguồn ảnh: www.self.comHai loại vòng tránh thai: Vòng tránh thai bằng đồng và vòng tránh thai nội tiết. 

Ví dụ, nếu kinh nguyệt ra nhiều hoặc bạn bị đau bụng mỗi khi bắt đầu chu kỳ, vòng tránh thai nội tiết là một sự lựa chọn phù hợp bởi có thể giảm bớt cơn đau và kinh nguyệt theo thời gian. 

Một trong những ưu điểm của vòng tránh thai là có tác dụng trong khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, đó là thời gian tối đa mà vòng tránh thai có hiệu quả. Sau khi tháo vòng tránh thai, các chị em lại có thể mang bầu bình thường. Tác dụng của vòng tránh thai có thể dao động từ 1 năm đến 12 năm, tùy thuộc vào loại vòng tránh thai.  

Việc đặt vòng tránh thai sẽ gây khó chịu ít nhiều, nhưng hầu hết chị em đều dễ dàng trải qua. Đây cũng là biện pháp tránh thai đáng để thử bởi tính an toàn, chi phí rẻ, hiệu quả cao và dễ dàng có thai ngay khi tháo vòng. 

Xem thêm:

Câu hỏi liên quan

Hiệu quả của phương pháp đặt vòng tránh thai lên đến hơn 99%, dễ sử dụng và không tốn kém, chúng sẽ có tác dụng ngăn không cho tinh trùng gặp trứng, ngăn trứng làm tổ trong tử cung để phát triển bào thai.
Xem thêm
Đặt vòng tránh thai là phương pháp đơn giản, đem lại hiệu quả tránh thai cao (98 – 99%), kéo dài tới 5– 10 năm.
Xem thêm
Phụ nữ nếu muốn phòng tránh thai bằng cách đặt vòng nên thực hiện vào ngày đầu tiên, ngay sau khi sạch kinh vì khi đó cổ tử cung còn hé mở, việc đặt vòng sẽ dễ dàng hơn.
Xem thêm
Chị em phụ nữ đã có thể đặt vòng tránh thai sau khi sinh khoảng 3 tháng, ngay cả khi có hoặc chưa có kinh nguyệt.
Xem thêm
Vòng tránh thai đã quá hạn sử dụng: Vòng tránh thai thông thường có thời hạn sử dụng là 5 – 10 năm tùy theo từng loại.
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Đặt vòng
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!