Các hạch bạch huyết, còn được gọi là các tuyến bạch huyết, đóng một vai trò quan trọng trong khả năng chống lại nhiễm trùng của cơ thể. Chúng có chức năng như bộ lọc, bắt vi rút, vi khuẩn và các nguyên nhân gây bệnh khác trước khi chúng có thể lây nhiễm sang các bộ phận khác của cơ thể bạn. Các khu vực phổ biến mà bạn có thể nhận thấy các hạch bạch huyết sưng lên bao gồm cổ, dưới cằm, nách và bẹn.
Video: Tình trạng sưng hạch ở cổ
Trong một số trường hợp, bạn không cần làm gì hoặc chườm ấm để điều trị nổi hạch. Tuy nhiên, nếu nhiễm trùng tiến triền nặng hoặc các bệnh khác thì việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân.
Triệu chứng khi bị nổi hạch
Hệ thống bạch huyết là một mạng lưới các cơ quan, mạch máu và các hạch bạch huyết nằm khắp cơ thể. Nhiều hạch bạch huyết nằm tập trung ở vùng đầu và cổ, và khi to lên sẽ có thể cảm nhận thấy ở các vị trí này, cũng như các hạch ở vùng nách và vùng bẹn của bạn.
Các hạch bạch huyết bị to lên là dấu hiệu bất thường. Khi bị nổi hạch, bạn có thể nhận thấy:
- Sưng và đau ở các vị trí có hạch to
- Có thể có kích thước bằng hạt đậu hoặc hạt lạc, hoặc thậm chí lớn hơn
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây nổi hạch, các dấu hiệu và triệu chứng khác mà bạn có thể gặp phải bao gồm:
- Chảy nước mũi, đau họng, sốt và các dấu hiệu khác của nhiễm trùng đường hô hấp trên
- Nổi nhiều hạch tại nhiều vị trí cơ thể của bạn. Khi điều này xảy ra, đây có thể là bằng chứng cho thấy nhiễm trùng nặng, chẳng hạn như nhiễm HIV hoặc tăng bạch cầu đơn nhân (bệnh bạch cầu), hoặc rối loạn hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như bệnh lupus hoặc viêm khớp dạng thấp
- Các hạch cứng, cố định, to lên nhanh chóng có khả năng do ung thư các cơ quan hoặc ung thư hạch
- Sốt
- Đổ mồ hôi ban đêm
Khi nào cần đi khám?
Một số hạch bạch huyết bị to lên sẽ trở lại bình thường khi cơ thể hết nhiễm trùng. Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn lo lắng hoặc nếu nổi hạch bạch và kèm theo các dấu hiệu sau:
- Không có nguyên nhân nhiễm trùng rõ ràng
- Hạch tiếp tục to lên hoặc tồn tại trong 2 đến 4 tuần
- Sờ hạch cứng, nhầy hoặc không di chuyển khi bạn ấn vào chúng
- Kèm theo sốt dai dẳng, đổ mồ hôi ban đêm hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân
- Hoặc bất kì khi nào hạch to gây khó thở hoặc khó nuốt
Nguyên nhân bị nổi hạch
Các hạch bạch huyết là những cụm tế bào nhỏ, hình tròn hoặc hình hạt đậu. Bên trong các hạch bạch huyết là sự kết hợp của nhiều loại tế bào khác nhau của hệ thống miễn dịch. Các tế bào chuyên biệt này có chức năng như các màng lọc dịch bạch huyết và bảo vệ cơ thể bạn bằng cách tiêu diệt những kẻ xâm lược.
Các hạch bạch huyết nằm theo các cụm và mỗi cụm phụ trách một khu vực cụ thể trên cơ thể bạn. Bạn có thể dễ dàng nhận thấy hạch to ở một số khu vực nhất định, chẳng hạn như các hạch bạch huyết ở cổ, dưới cằm, ở nách và ở bẹn. Vị trí nổi hạch có thể giúp xác định nguyên nhân cơ bản.
Nguyên nhân phổ biến nhất của nổi hạch là do nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm vi rút, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường. Các nguyên nhân khác có thể gây hạch to bao gồm:
- Các nhiễm trùng thường gặp
- Viêm họng
- Sởi
- Viêm tai
- Viêm răng/ lợi
- Bệnh tăng bạch cầu
- Nhiễm trùng da hoặc phần mềm
- Nhiễm vi rút HIV
- Các nhiễm trùng hiếm gặp
- Lao
- Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như giang mai
- Bệnh do Toxoplasma- một loại kí sinh trùng có trong phân mèo nhiễm bệnh hoặc trong thịt sống
- Sốt “mèo cào”- một nhiễm trùng do vi khuẩn từ vết cào của mèo
- Các bệnh của hệ miễn dịch
- Lupus: một bệnh nhiễm trùng mạn tính gây ảnh hưởng đến đa cơ quan như khớp, da, thận, máu, tim và phổi
- Viêm khớp dạng thấp: bệnh nhiễm trùng mạn tính ảnh hưởng đến các thành phần bên trong các khớp (bao hoạt dịch, sụn,…).
- Ung thư
- U lympho: loại ung thư của hệ bạch huyết
- Lơ xơ mi (Leukemia): ung thư của hệ tạo máu như tủy xương và hệ miễn dịch
- Các loại ung thư cơ quan khác di căn hạch
- Các nguyên nhân khác có thể xảy ra nhưng hiếm gặp bao gồm một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chống co giật phenytoin (Dilantin) và thuốc phòng ngừa bệnh sốt rét.
Biến chứng
Nếu nhiễm trùng là nguyên nhân gây nổi hạch và không được điều trị, có thể hình thành áp xe tại hạch. Áp xe là một ổ mủ khu trú do nhiễm trùng, chứa mủ bao gồm tế bào bạch cầu, mô chết và vi khuẩn hoặc những tác nhân xâm lược khác. Áp xe có thể phải dẫn lưu và điều trị kháng sinh.
Chẩn đoán khi bị nổi hạch
Để chẩn đoán nguyên nhân, bác sĩ có thể sẽ hỏi các thông tin:
- Tiền sử bệnh: Thời gian và dấu hiệu của nổi hạch cũng như các triệu chứng khác
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ kiểm tra các hạch bạch huyết gần bề mặt da của bạn để biết kích thước, độ mềm và kết cấu. Vị trí nổi hạch và các dấu hiệu và triệu chứng khác của bạn sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho việc tìm nguyên nhân bệnh.
- Xét nghiệm máu: Một số xét nghiệm máu có thể giúp xác định hoặc loại trừ các nguyên nhân nghi ngờ. Các xét nghiệm cụ thể sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân mà bác sĩ nghĩ đến, nhưng hầu như bao giờ cũng có xét nghiệm công thức máu. Xét nghiệm này giúp đánh giá tổng quát về tế bào trong máu của bạn và phát hiện một số các rối loạn, bao gồm cả nhiễm trùng và bệnh bạch cầu.
- Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang ngực hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) vùng bị ảnh hưởng có thể giúp xác định các nguồn nhiễm trùng tiềm ẩn hoặc tìm các khối u.
- Sinh thiết hạch: Bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm sinh thiết để xác định chẩn đoán. Bác sĩ sẽ lấy sinh thiết từ một kim nhỏ chọc vào hạch bạch huyết hoặc thậm chí lấy bộ hạch bạch huyết để kiểm tra dưới kính hiển vi.
Điều trị khi bị nổi hạch
Các hạch bạch huyết bị to lên do vi rút gây ra thường trở lại bình thường sau khi tình trạng nhiễm vi rút khỏi. Thuốc kháng sinh không hữu ích để điều trị nhiễm vi rút. Điều trị hạch to do các nguyên nhân khác tùy thuộc vào từng loại nguyên nhân:
- Nhiễm trùng: Phương pháp điều trị phổ biến nhất cho nổi hạch do nhiễm vi khuẩn là thuốc kháng sinh. Nếu các hạch bạch huyết to lên là do nhiễm HIV, bạn sẽ được điều trị đặc hiệu bằng thuốc kháng vi rút.
- Các bệnh hệ miễn dịch: Nếu các hạch bạch huyết to lên là do một số bệnh lý, chẳng hạn như bệnh lupus hoặc viêm khớp dạng thấp, thì việc điều trị được chỉ định cụ thể cho từng thể bệnh.
- Ung thư: Tùy thuộc vào loại ung thư, việc điều trị có thể bao gồm phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị.
Theo dõi và điều trị tại nhà
Nếu các hạch bạn to nhưng ấn mềm và đau, bạn có thể giảm bớt triệu chứng bằng cách thực hiện các bước sau:
- Đắp một miếng gạc ấm: Đắp một miếng gạc ấm và ẩm, chẳng hạn như khăn mặt nhúng vào nước nóng và vắt lên vùng bị đau.
- Uống thuốc giảm đau không kê đơn: Chúng bao gồm aspirin, ibuprofen, hoặc paracetamol (Tylenol, những loại khác). Thận trọng khi dùng aspirin. Mặc dù aspirin được chấp thuận sử dụng cho trẻ em trên 2 tuổi, nhưng trẻ em và thanh thiếu niên đang hồi phục sau bệnh thủy đậu hoặc các triệu chứng giống cúm không nên dùng aspirin. Cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng loại thuốc này.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Bạn cần nghỉ ngơi và bù đủ dinh dưỡng cho cơ thể để hỗ trợ phục hồi.
Cần chuẩn bị gì trước khi đi khám
- Liệt kê bất kỳ triệu chứng nào bạn đang gặp phải và trong thời gian bao lâu. Trong số các triệu chứng khác, bác sĩ sẽ muốn biết liệu bạn có các triệu chứng giống cúm, chẳng hạn như sốt hoặc đau họng hay không, và có thể hỏi liệu bạn có nhận thấy những thay đổi về cân nặng của mình hay không. Lập danh sách mọi triệu chứng, từ nhẹ đến nặng, mà bạn đã nhận thấy kể từ khi các hạch của bạn bắt đầu nổi lên.
- Lập danh sách tất cả những lần tiếp xúc gần đây với các nguồn lây nhiễm có thể xảy ra. Những điều này có thể bao gồm đi du lịch nước ngoài, đi bộ đường dài ở những khu vực được biết là có bọ ve, ăn thịt chưa nấu chín, bị mèo cào hoặc tham gia vào hành vi tình dục có nguy cơ cao hoặc quan hệ tình dục với bạn tình mới.
- Lập danh sách các thông tin y tế quan trọng của bạn, bao gồm các bệnh lý khác mà bạn đang được điều trị và tên các loại thuốc bạn đang dùng. Bao gồm mọi loại thuốc theo toa và không kê đơn mà bạn sử dụng, cũng như bất kỳ loại vitamin và chất bổ sung nào.
- Liệt kê các câu hỏi để hỏi bác sĩ của bạn.
- Một số câu hỏi bạn có thể hỏi bác sĩ
- Điều gì gây ra các triệu chứng của tôi?
- Các nguyên nhân khác có thể gây ra các triệu chứng của tôi là gì?
- Tôi cần những loại xét nghiệm nào?
- Bác sĩ dự kiến sẽ chỉ định phương pháp điều trị nào?
- Tôi sẽ bắt đầu cảm thấy tốt hơn nhanh chóng đến mức nào?
- Tôi có bị lây không? Làm cách nào để giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác?
- Làm cách nào để phòng điều này xảy ra trong tương lai?
- Tôi có những bệnh lý khác. Tôi có cần thay đổi phương pháp điều trị mà tôi đang sử dụng không?
- Có thuốc thay thế chung cho loại thuốc bác sĩ đang kê đơn cho tôi không?
- Bác sĩ có tài liệu quảng cáo hoặc tài liệu in, tài liệu điện tử nào khác mà tôi có thể mang theo không?
- Bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn những câu hỏi sau:
- Các triệu chứng của bạn là gì?
- Lần đầu tiên bạn bắt đầu gặp các triệu chứng là khi nào?
- Các hạch bạch huyết bị sưng có lớn dần theo thời gian không?
- Các hạch của bạn sờ mềm hay cứng?
- Bạn có bị sốt hoặc đổ mồ hôi ban đêm không?
- Bạn có giảm cân mà không rõ lý do?
- Bạn có bị đau họng hoặc khó nuốt không?
- Bạn đã từng bị khó thở chưa?
- Thói quen đi đại tiện của bạn có thay đổi không?
- Bạn đang dùng thuốc gì?
- Gần đây bạn có đi du lịch đến một quốc gia khác hoặc đến các vùng có dân cư sinh sống không? Có ai đi du lịch với bạn bị ốm không?
- Gần đây bạn có tiếp xúc với động vật mới không? Bạn có bị cắn hoặc bị trầy xước không?
- Gần đây bạn có quan hệ tình dục với một đối tác mới không?
- Bạn có thực hành tình dục an toàn không?
- Bạn có hút thuốc không? Trong bao lâu?
Xem thêm: