Sưng hạch bạch huyết: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Thông thường, hạch to (hay còn gọi là sưng hạch bạch huyết) không phải là tình trạng quá đáng lo. Chúng chỉ đơn giản là một dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch đang chống lại nhiễm trùng hoặc bệnh tật. Nhưng nếu hạch to ra mà không rõ nguyên nhân, cần đi khám bác sĩ để loại trừ các bệnh lý nghiêm trọng.

Video: Hạch bạch huyết 

Sưng hạch bạch huyết là bệnh gì?

Khi có một số hạch to hay u cục nhìn thấy hoặc sờ thấy ở hai bên cổ, thì có thể bạn đang không hoàn toàn khỏe mạnh. Những u cục này sờ mềm, có thể nhìn thấy khi nổi rõ, thậm chí có thể hơi đau.

Tình trạng sưng hạch bạch huyết thường gặp và đa phần tiên lượng tốt. Hạch to bằng hạt đậu là một trong những phản ứng tự nhiên của cơ thể đối với bệnh tật hoặc nhiễm trùng. Điều đó cho thấy rằng hệ thống miễn dịch mạnh mẽ và khỏe mạnh của cơ thể đang làm việc để loại bỏ nhiễm trùng và / hoặc virus , vi khuẩn xâm nhập.

Nhiều người có thể nhầm với viêm tuyến nước bọt mang tai, nhưng hạch to không phải là một tuyến chế tiết, mà là một phần của hệ bạch huyết. Hạch bạch huyết là một trong những hệ thống ít được biết đến của cơ thể, nó chịu trách nhiệm tham gia miễn dịch bảo vệ cơ thể.

Hạch to nghĩa là hệ miễn dịch đang hoạt động giống như các bộ lọc giúp cơ thể loại bỏ vi trùng, tế bào hoặc các vật chất lạ khác qua dịch bạch huyết (một chất lỏng trong suốt hoặc hơi vàng được tạo ra bởi các tế bào bạch cầu, protein và chất béo).

Hạch to thường xảy ra ở nhóm hạch vùng cổ. Nhưng các hạch bạch huyết ở bẹn, dưới cằm và nách cũng có thể sưng to. Bạn có thể sờ được hạch ngoại vi nổi to bằng các đầu ngón tay: hạch đầu mặt cổ, hạch nách, hạch bẹn, hạch thượng đòn.

Bạn cũng có các hạch bạch huyết khắp cơ thể mà bạn không sờ được. Hệ bạch huyết có thể gồm 600 hạch (số lượng chính xác thực sự thay đổi theo từng người). Phân bố ở khắp các cơ quan:

  • Cổ.
  • Hàm.
  • Ngực.
  • Cánh tay.
  • Bụng.
  • Chân.

Triệu chứng và nguyên nhân sưng hạch bạch huyết

Nguyên nhân nào gây sưng hạch bạch huyết?

Nguyên nhân phổ biến nhất gây hạch to vùng cổ là nhiễm trùng đường hô hấp trên. Hạch to có thể xuất hiện trong 10-14 ngày thì tự hết. Ngay sau khi nhiễm trùng giảm, bạn bắt đầu cảm thấy tốt hơn, hạch cũng bớt to, mặc dù có thể mất một vài tuần nữa để biến mất hoàn toàn.

Các vi khuẩn và virus khác có thể khiến các hạch bạch huyết sưng lên gồm:

Các hạch bạch huyết trở nên lớn hơn khi có nhiều tế bào máu đến để chống lại nhiễm trùng. Về cơ bản, tất cả chúng đều dồn vào nhau, gây tăng áp lực và hạch sưng lên.

Thông thường, các hạch nổi to thường sẽ gần với vị trí nhiễm trùng. (Điều đó có nghĩa là một người bị viêm họng liên cầu khuẩn có thể bị nổi hạch vùng cổ.)

Chẩn đoán và xét nghiệm sưng hạch bạch huyết

Làm thế nào để chẩn đoán hạch to?

Hạch to không phải là một bệnh, chúng là một triệu chứng. Thông thường, chẩn đoán nghĩa là xác định chính xác nguyên nhân gây hạch to.

Bên cạnh khám sức khỏe định kỳ và tiền sử bệnh, bác sĩ sẽ đánh giá các hạch sờ thấy theo các tính chât sau: 

  • Kích cỡ
  • Đau hoặc mềm khi sờ
  • Mật độ (chắc hoặc mềm) 
  • Di động (hạch to có thể di động hoặc không)
  • Vị trí (các bệnh cụ thể có thể liên quan đến vị trí nổi hạch)

Bác sĩ sẽ tìm hiểu xem hạch to có phải do bất kỳ loại thuốc nào bạn đang dùng hay không. Một số loại thuốc, như thuốc chống động kinh phenytoin (Dilantin®) có thể gây hạch to.

Nếu hạch to không rõ nguyên nhân, không kèm dấu hiệu nhiễm trùng cơ quan lân cận có thể là một dấu hiệu đáng ngại. Vì vậy, nếu bạn nổi hạch mà không kèm cảm lạnh, cúm, nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc nhiễm trùng da, bạn sẽ được bác sĩ chỉ định thêm các xét nghiệm khác, như công thức máu, chụp cắt lớp hoặc sinh thiết.

Trong một số trường hợp, hạch to là triệu chứng của ung thư, như là ung thư hạch (u lympho). Các nguyên nhân khác ít phổ biến hơn gây hạch to như chấn thương, AIDS và ung thư khác di căn hạch.

Điều trị sưng hạch bạch huyết

Điều trị triệu chứng hạch to?

Nếu các hạch to tại một vùng của cơ thể, đó là hạch to khu trú. Và hầu hết các trường hợp đó là do virus vì vậy không cần điều trị gì vẫn có thể tự khỏi. Các hạch sẽ dần trở lại kích thước bình thường.

Đối với một số bệnh nhiễm trùng (như đau mắt đỏ hoặc nấm da), bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus hoặc kháng sinh để bệnh nhân nhanh khỏi.

Khi hạch to xuất hiện ở hai hoặc nhiều khu vực (nổi hạch toàn thân), nó thường là triệu chứng của một bệnh toàn thân nghiêm trọng hơn như là:

  • Các bệnh tự miễn (như lupus hoặc viêm khớp dạng thấp).
  • Nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma.
  • Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (như HIV hoặc giang mai).
  • Nhiễm trùng do vi khuẩn (như bệnh Lyme hoặc sốt thương hàn).
  • Nhiễm siêu vi (như bệnh sởi hoặc Epstein-Barr).
  • Các bệnh ung thư (như ung thư hạch bạch huyết hoặc bệnh bạch cầu).

Những tình trạng này cần được điều trị tích cực hơn trong thời gian dài hơn. Các hạch này sẽ không biến mất cho đến khi điều trị xong.

Cách giảm đau khi nổi hạch

Bạn có thể cảm thấy hạch bạch huyết bị sưng sẽ hơi đau và mềm. Hãy thử sử dụng một miếng gạc ấm (hoặc túi chườm nóng) và các loại thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen (Advil®, Motrin®) và acetaminophen (Tylenol®). Những phương pháp điều trị này sẽ không giúp hạch giảm sưng, nhưng chúng sẽ giúp giảm đau tạm thời cho đến khi cơ thể chống lại nhiễm trùng hoặc khỏi bệnh.

Hạch to có lây không?

Không, bản thân các hạch to không lây. Nhưng nếu chúng được gây ra do một loại virus gây bệnh truyền nhiễm (như cảm lạnh và cúm), bạn có thể lây virus cho gia đình và những người xung quanh.

Phòng bệnh sưng hạch bạch huyết

Có thể ngăn ngừa hạch to không?

Bạn không cần ngăn ngừa cơ thể nổi hạch. Chúng là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chống lại nhiễm trùng hoặc bệnh tật. Nếu bạn ghét cảm giác khó chịu khi hạch to, cách tốt nhất là bạn nên tránh lây nhiễm các loại virus thông thường bằng các cách sau:

  • Rửa tay đúng cách
  • Tránh chạm tay vào mắt và mũi
  • Tránh xa những người bị bệnh
  • Khử trùng các bề mặt trong nhà hoặc không gian làm việc
  • Ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh và tập thể dục

Tiên lượng 

Khi nào cần đi khám?

Hầu hết các hạch bạch huyết sưng không phải là nguyên nhân đáng lo ngại và sẽ biến mất khi tình trạng nhiễm trùng của bạn khỏi hẳn.

Đi khám bác sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây báo hiệu những bệnh nghiêm trọng: 

  • Các hạch bạch huyết có đường kính từ 2cm trở lên
  • Các hạch rất đau, cứng, không di động hoặc tiến triển nhanh chóng
  • Các hạch chảy mủ hoặc dịch bất thường
  • Các triệu chứng như sụt cân, đổ mồ hôi đêm, sốt kéo dài, mệt mỏi, khó thở
  • Nổi hạch thượng đòn (dưới xương đòn 2 bên) hoặc phần dưới cổ (triệu chứng này thường gặp trong bệnh ung thư)
  • Da đỏ hoặc bị viêm xung quanh hạch

Hạch to có gây tử vong không?

Không, sưng hạch bạch huyết không gây tử vong. Nếu chỉ có một triệu chứng nổi hạch thì đó đơn giản là một dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch đang chống lại nhiễm trùng hoặc bệnh tật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, hạch to là triệu chứng của các bệnh lý nghiêm trọng, chẳng hạn như ung thư hệ bạch huyết (u lympho), có thể gây tử vong.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!