Video: Dấu hiệu người phụ nữ sau sinh bị trầm cảm
Hình ảnh một sản phụ ôm đứa con xinh đẹp, khỏe mạnh của mình không phải là điều mà người ta thường nghĩ đến khi nhắc tới chứng sang chấn tâm lý sau sinh con. Tuy nhiên, có một tỉ lệ nhỏ nhưng vô cùng đáng kể phụ nữ bị chấn thương tâm lý sau sinh đến mức phát triển thành các triệu chứng thường thấy ở những người lính sau chiến tranh hoặc nạn nhân của các vụ thảm họa.
Nghiên cứu mới từ Vương quốc Anh cho thấy sang chấn tâm lý sau sinh thường không được chẩn đoán hoặc bị nhầm lẫn với trầm cảm sau sinh. Mặc dù hai chứng rối loạn có thể có cùng một số đặc điểm nhưng phương pháp điều trị khác nhau và điều quan trọng là đều phải thực hiện sàng lọc cho lần sinh nở kế tiếp.
Tiến sĩ, nhà nghiên cứu Stephen Joseph nói: “Mọi người thường không coi việc sinh nở là một chấn thương về mặt y học, tuy nhiên điều đó chắc chắn là có thể.”, Joseph nói. "Điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức về điều này, để những sản phụ sinh con lần đầu - những người đang trải qua các triệu chứng của sang chấn tâm lý sau sinh có thể nhận được sự giúp đỡ họ cần".
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng có từ 2% đến 5% phụ nữ phát triển chứng sang chấn tâm lý sau những ca sinh nở khó và nhiều người khác có các triệu chứng riêng của chứng rối loạn này. Các triệu chứng này có thể bao gồm sự hồi tưởng về sự kiện có thể dẫn đến các cơn hoảng loạn, ác mộng, mất ăn và mất ngủ.
Trong một số trường hợp, sang chấn tâm lý sau sinh có thể khiến quá trình gắn kết giữa mẹ và con trở nên khó khăn hơn.
Joseph chia sẻ: "Một trong những đặc điểm của sang chấn tâm lý sau sinh là chai lỳ cảm xúc; cảm giác vô vọng trống rỗng hoặc cảm thấy cô độc". "Điều này chỉ xuất hiện ở những người lần đầu tiên làm mẹ".
Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Psychology, Health and Medicine số mới nhất, Joseph và Tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Dawn Bailham đã xem xét các nghiên cứu trước đây về chứng sang chấn tâm lý sau sinh với nỗ lực phát triển một bức tranh toàn diện về chứng rối loạn này.
Bailham cho biết rằng sinh mổ khẩn cấp có liên quan đến tần suất mắc sang chấn tâm lý sau sinh cao hơn, tuy vậy vẫn có một số phụ nữ phát triển chứng rối loạn này kể cả sau quá trình sinh thường hoặc sinh mổ có kế hoạch.
"Tôi không nói chứng rối loạn đó phổ biến. Nó rất hiếm xảy ra," cô nói. "Tuy nhiên đối với một số phụ nữ, một vài điều xảy ra trong quá trình chuyển dạ - có thể là do quá bất lực và cảm giác bị phơi bày cơ thể trước nhiều người - có thể dẫn đến điều này".
Nữ hộ sinh và người hướng dẫn điều dưỡng Cheryl Beck, RN, DNSc, đã nghe từ hơn 40 phụ nữ trải qua chứng sang chấn tâm lý sau khi sinh con. Cô ấy nói rằng nhiều người phàn nàn rằng các chuyên gia chăm sóc sức khỏe sinh sản của họ là những người không biết chia sẻ và cảm thông với họ.
Cô dẫn chứng trường hợp một người phụ nữ đã không được bác sĩ thông báo là sẽ sử dụng phương pháp sinh giác hút (phương pháp sinh vacuum) trong quá trình đỡ đẻ. Cô không biết chuyện gì đang xảy ra, và khi ống hút bị vỡ và bác sĩ ngã xuống, cô ấy nghĩ rằng đầu của con mình đã bị xé toạc.
"Không ai nói chuyện với cô ấy và giải thích cho cô ấy biết chuyện gì đang xảy ra", Beck cho biết. "Ngay cả sau khi đứa con của cô ấy ra đời hoàn toàn khỏe mạnh, cô ấy vẫn vô cùng sợ hãi. Chứng sang chấn tâm lý sau sinh của cô ấy đã có thể tránh được bằng cách giao tiếp tốt hơn".
Tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Pauline Slade cũng đã nghiên cứu về chứng sang chấn tâm lý sau khi sinh con. Cô và các đồng nghiệp từ Đại học Sheffield của Anh phát hiện ra rằng thời gian lúc chuyển dạ, cơn đau đẻ hay hình thức sinh nở đều không liên quan đến tình trạng này. Thay vào đó, những phụ nữ cảm thấy họ ít kiểm soát được quá trình sinh nở sẽ dễ bị tổn thương tâm lý hơn.
Slade cho biết, ngày càng có nhiều nhận thức rằng các sự việc thường không liên quan nhưng lại có thể gây ra sang chấn tâm lý. "Mặc dù nó khá hiếm gặp ở các phụ nữ sinh con lần đầu nhưng đó là điều mà mọi người cần phải lưu ý".
Xem thêm :