Video Cách phòng trị hiệu quả bệnh rối loạn khớp thái dương hàm
Nguyên nhân chính xác của chứng rối loạn TMJ thường rất khó xác định. Cơn đau có thể do sự kết hợp của nhiều yếu tố chẳng hạn như di truyền, viêm khớp hoặc chấn thương hàm. Một số người bị đau hàm cũng có xu hướng nghiến răng, mặc dù nhiều người có thói quen nghiến răng nhưng lại không bao giờ bị rối loạn TMJ.
Trong hầu hết các trường hợp, cơn đau và sự khó chịu liên quan đến rối loạn TMJ là tạm thời và có thể thuyên giảm bằng cách tự chăm sóc hoặc điều trị không phẫu thuật. Phẫu thuật thường là biện pháp cuối cùng sau khi các biện pháp bảo tồn không thành công.
Triệu chứng của rối loạn khớp thái dương hàm
Các dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn TMJ có thể bao gồm:
- Đau, nhức hàm
- Đau ở một hoặc cả hai khớp thái dương hàm
- Đau nhức trong và xung quanh tai
- Khó nhai hoặc đau khi nhai
- Đau nhức vùng mặt
- Khít hàm – là tình trạng khó khăn khi mở hoặc đóng miệng
Rối loạn TMJ cũng có thể gây ra tiếng click, pop, crack hoặc cảm giác nghiến răng khi bạn mở miệng hoặc nhai. Nhưng nếu không có cảm giác đau hoặc hạn chế đóng mở miệng liên quan đến tiếng click khi cử động hàm thì có thể bạn không cần điều trị rối loạn TMJ.
Khi nào cần đến gặp bác sĩ
Hãy đi khám nếu bạn bị đau, nhức hàm dai dẳng, hoặc nếu bạn không thể đóng hoặc mở miệng hoàn toàn. Bác sĩ, nha sĩ hoặc một chuyên gia về TMJ có thể chẩn đoán, tìm nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị cho bạn.
Nguyên nhân gây rối loạn khớp thái dương hàm
Vận động khớp thái dương hàm là sự kết hợp giữa chuyển động bản lề với chuyển động trượt. Diện khớp của xương hàm dưới và xương thái dương được bao phủ bởi sụn, được ngăn cách nhau bởi một đĩa sụn nhỏ để giữ cho vận động của khớp trơn tru.
Rối loạn TMJ gây đau nếu:
- Đĩa sụn bị mòn hoặc di chuyển ra khỏi vị trí thích hợp của nó
- Đĩa sụn bị tổn thương do viêm khớp
- Khớp bị tổn thương do va đập hoặc tác động khác
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nguyên nhân của rối loạn TMJ là không rõ ràng.
Các yếu tố nguy cơ của rối loạn khớp thái dương hàm
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc rối loạn TMJ bao gồm:
- Các loại viêm khớp khác nhau như viêm khớp dạng thấp và viêm xương khớp
- Chấn thương hàm mặt
- Nghiến răng mãn tính
- Một số bệnh mô liên kết gây ra các vấn đề có thể ảnh hưởng đến TMJ
Chẩn đoán rối loạn khớp thái dương hàm
Bác sĩ hoặc nha sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và kiểm tra khớp thái dương hàm của bạn, bằng cách:
- Nghe và cảm nhận chuyển động của khớp và xương hàm dưới khi bạn mở và đóng miệng
- Quan sát phạm vi chuyển động hàm dưới
- Ấn vào các vùng xung quanh khớp để xác định các vị trí đau hoặc khó chịu
Nếu bác sĩ hoặc nha sĩ nghi ngờ khớp của bạn có vấn đề thì bạn có thể cần:
- Chụp X-quang nha khoa để kiểm tra răng và xương hàm
- Chụp CT để cung cấp hình ảnh chi tiết về xương liên quan đến khớp
- Chụp MRI để phát hiện các vấn đề với đĩa sụn của khớp TMJ hoặc mô mềm xung quanh
Nội soi khớp TMJ đôi khi được sử dụng trong chẩn đoán rối loạn TMJ, bác sĩ sẽ đưa một ống nội soi vào trong khớp để quan sát.
Điều trị rối loạn khớp thái dương hàm
Trong một số trường hợp, các triệu chứng của rối loạn TMJ có thể biến mất mà không cần điều trị. Nếu các triệu chứng vẫn tiếp diễn, bác sĩ có thể đề xuất nhiều lựa chọn điều trị khác nhau, thường có nhiều cách được thực hiện cùng một lúc.
Dùng thuốc
Cùng với các phương pháp điều trị không phẫu thuật khác, dùng các thuốc này có thể giúp giảm đau do rối loạn TMJ:
- Thuốc giảm đau và chống viêm. Nếu thuốc giảm đau không kê đơn không đủ để giảm đau TMJ, bác sĩ hoặc nha sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau mạnh hơn trong một thời gian giới hạn, chẳng hạn như ibuprofen theo đơn.
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng. Những loại thuốc này, chẳng hạn như amitriptyline, được sử dụng chủ yếu để điều trị trầm cảm, nhưng đôi khi chúng được sử dụng với liều lượng thấp để giảm đau, kiểm soát chứng nghiến răng và mất ngủ.
- Thuốc giãn cơ. Những loại thuốc này đôi khi được sử dụng trong vài ngày hoặc vài tuần để giúp giảm đau do co thắt cơ tạo ra.
Trị liệu
Các liệu pháp không dùng thuốc cho rối loạn TMJ bao gồm:
- Đeo máng nhai. Máng nhai là một thiết bị nha khoa được đặt trong miệng để giữ cho các răng thẳng hàng và ngăn ngừa nghiến răng. Loại máng này tương tự như một miếng bảo vệ răng, thường được bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt làm và hướng dẫn bệnh nhân đeo vào.
- Vật lý trị liệu. Cùng với các bài tập để kéo giãn các cơ nhai, còn có thể áp dụng siêu âm, chườm nóng hoặc lạnh.
- Tư vấn. Giúp cung cấp thông tin về các yếu tố và hành vi làm trầm trọng thêm cơn đau, do đó bạn có thể tránh chúng, ví dụ như nghiến răng, chống cằm, hoặc cắn móng tay.
Khi các phương pháp trên không có tác dụng, bác sĩ có thể đề xuất các biện pháp như:
- Chọc dò khớp. Chọc dò là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu bao gồm việc đưa chất lỏng vào bên trong khớp bằng kim nhỏ để loại bỏ các mảnh vụn và các sản phẩm phụ gây viêm.
- Tiêm thuốc. Ở một số người, tiêm corticosteroid vào khớp có thể giúp ích. Thông thường, tiêm độc tố botulinum loại A (Botox, các loại khác) vào các cơ nhai có thể làm giảm đau do rối loạn TMJ.
- Nội soi khớp TMJ. Trong một số trường hợp, phẫu thuật nội soi khớp có thể có hiệu quả như phẫu thuật mở khớp trong việc điều trị các dạng rối loạn TMJ khác nhau. Nội soi khớp TMJ có ít rủi ro và biến chứng hơn so với phẫu thuật mở khớp, nhưng nó cũng có một số hạn chế.
- Mổ lồi câu biến đổi. Phẫu thuật này can thiệp vào TMJ một cách gián tiếp - không vào thẳng khớp – mà bằng phẫu thuật ở xương hàm dưới, có thể giúp điều trị đau và khít hàm.
- Phẫu thuật mở khớp. Nếu không giải quyết được cơn đau bằng các phương pháp điều trị bảo tồn hơn và vấn đề là do cấu trúc trong khớp gây ra, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật mở khớp để sửa chữa hoặc thay thế khớp. Tuy nhiên, phẫu thuật mở khớp có nhiều rủi ro hơn so với các thủ thuật khác và cần được cân nhắc rất cẩn thận, sau khi thảo luận về ưu và nhược điểm.
Nếu bác sĩ đề nghị phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác, hãy nhớ thảo luận về những lợi ích và nguy cơ tiềm ẩn, đồng thời hỏi xem tất cả các lựa chọn có thể của bạn là gì.
Phong cách sống và các biện pháp khắc phục tại nhà
Nhận thức rõ hơn về các thói quen liên quan đến căng thẳng (như cắn chặt hàm, nghiến răng hoặc nhai bút chì) sẽ giúp bạn giảm tần suất chúng. Hãy nghe theo những lời khuyên sau đây để làm giảm các triệu chứng của rối loạn TMJ:
- Tránh lạm dụng các cơ nhai. Hãy ăn thức ăn mềm. Cắt thức ăn thành nhiều miếng nhỏ. Tránh ăn thức ăn dính hoặc dai. Tránh nhai kẹo cao su.
- Kéo giãn và xoa bóp cơ. Bác sĩ, nha sĩ hoặc nhà vật lý trị liệu có thể chỉ cho bạn cách thực hiện các bài tập kéo giãn, xoa bóp các cơ nhai.
- Chườm ấm hoặc lạnh. Chườm đá hoặc ấm lên vùng bị đau có thể giúp giảm đau.
Y học thay thế cho rối loạn khớp thái dương hàm
Các biện pháp y học thay thế có thể giúp kiểm soát cơn đau mãn tính thường liên quan đến rối loạn TMJ. Ví dụ như:
- Châm cứu. Bác sĩ y học cổ truyền sẽ thực hiện châm cứu để giúp giảm đau
- Kỹ thuật thư giãn. Làm chậm nhịp thở và hít thở sâu, đều đặn có thể giúp thư giãn các cơ đang căng thẳng, từ đó giảm đau.
- Phản hồi sinh học. Các thiết bị điện tử theo dõi mức độ căng của các cơ cụ thể có thể giúp bạn thực hành các kỹ thuật thư giãn hiệu quả.
Chuẩn bị cho lần đi khám
Trước tiên, bạn có thể sẽ nói về các triệu chứng TMJ của mình với bác sĩ đa khoa hoặc nha sĩ. Nếu các phương pháp điều trị được đề xuất không đủ làm giảm các triệu chứng, bạn có thể được giới thiệu đến một bác sĩ chuyên về rối loạn TMJ.
Sau đây là các câu hỏi bác sĩ có thể yêu cầu bạn trả lời, bạn nên chuẩn bị trước để tiết kiệm thời gian cho buổi khám:
Các triệu chứng bắt đầu khi nào?
- Bạn đã từng gặp các triệu chứng này trong quá khứ chưa?
- Các triệu chứng có liên tục không hay đến rồi đi?
- Bạn có thường xuyên bị đau đầu, nhức mỏi cổ hoặc đau răng không?
- Có bất kỳ hoạt động nào làm khởi phát cơn đau không?
- Khi bạn cử động hàm thì nó có kêu hoặc bật ra tiếng gì không? Ấn vào khớp hoặc vùng xung quanh có đau không?
- Bạn có gặp vấn đề khi đóng, mở miệng không?
- Mức độ căng thẳng của bạn gần đây có tăng lên không?
- Những loại thuốc và thực phẩm chức năng nào bạn dùng thường xuyên?
Bác sĩ hoặc nha sĩ sẽ hỏi thêm nhiều các câu hỏi dựa trên phản ứng, triệu chứng và yêu cầu của bạn.
Xem thêm: