Polyp túi mật: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Đa số những người bị polyp túi mật thường không có triệu chứng mà được phát hiện tình cờ qua siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT scan). Mặc dù một số polyp túi mật có thể phát triển thành ung thư nhưng phần lớn chúng là lành tính. Nếu polyp nhỏ hơn 1 cm và không gây ra triệu chứng, người bệnh có thể không cần điều trị.

Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để biết thêm về các triệu chứng và biến chứng có thể xảy ra của polyp túi mật. Bên cạnh đó, bài viết cũng sẽ chỉ ra mối liên quan giữa polyp túi mật và ung thư túi mật cũng như các phương pháp điều trị.

Polyp túi mật là gì?

Video: Polyp túi mật

Polyp có thể hình thành ở nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể, trong đó có cả túi mật. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng polyp túi mật ảnh hưởng từ 0,3 – 9,5% dân số.

Polyp túi mật là tổn thương dạng u hoặc giả u phát triển lồi vào trong lòng túi mật. Polyp có thể có hoặc không có cuống.

Có 3 loại polyp túi mật chính: Giả polyp, polyp viêm và polyp túi mật thực sự.

Giả polyp

Giả polyp, còn gọi là polyp cholesterol, là loại polyp phổ biến nhất, chiếm 60 – 90% các trường hợp polyp túi mật. Giả polyp là tổn thương không phải ung thư, có bản chất là cholesterol.

Giả polyp đôi khi là biểu hiện của một bệnh lý túi mật như viêm túi mật mạn tính. Đây là tình trạng viêm túi mật xảy ra khi túi mật không thể co bóp tống hết dịch mật xuống ruột non.

Polyp viêm

Polyp viêm chiếm 5 – 10% các trường hợp polyp túi mật. Chúng cho thấy tình trạng viêm trong thành túi mật.

Polyp viêm thường xuất hiện ở những người đã từng bị viêm túi mật nhiều lần hoặc những người có cơn đau sỏi mật cấp tính (do sỏi mật làm tắc ống mật, thường xảy ra sau khi ăn).

Giống như giả polyp, polyp viêm sẽ không phát triển thành ung thư túi mật.

Polyp túi mật thực sự

Polyp túi mật thực sự là loại polyp rất hiếm gặp và có khả năng phát triển thành ung thư.

Những polyp này thường có kích thước từ 5 – 20 mm. Các polyp có kích thước lớn hơn 1 cm có nhiều khả năng trở thành ung thư.

Nếu người bệnh có polyp lớn, bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ túi mật.

Triệu chứng của polyp túi mật

Polyp túi mật có thể gây đau hạ sườn phải. Nguồn ảnh: Pinterest.comPolyp túi mật có thể gây đau hạ sườn phải. Nguồn ảnh: Pinterest.com

Polyp túi mật có thể không gây ra triệu chứng. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ phát hiện polyp một cách tình cờ qua siêu âm hoặc CT scan.

Tuy nhiên, polyp túi mật cũng có thể gây ra các triệu chứng sau:

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây polyp túi mật

Dư thừa cholesterol hoặc muối mật trong dịch mật sẽ làm tăng nguy cơ hình thành polyp túi mật. Dịch mật được sản xuất tại gan và được dự trữ trong túi mật. Chức năng chính của dịch mật là chuyển hóa chất béo.

Polyp túi mật cũng liên quan đến việc hình thành sỏi mật. Trong nhiều trường hợp, người bệnh có cả polyp túi mật và sỏi mật.

Ngoài ra, một đánh giá năm 2019 cho biết, các bệnh lý sau đây có thể làm tăng nguy cơ hình thành polyp túi mật thực sự:

  • Bệnh đa polyp gia đình (Familial polyposis – FAP) có tính di truyền
  • Hội chứng Gardner, đây là một hội chứng tương tự FAP
  • Hội chứng Peutz-jeghers có tính di truyền
  • Viêm gan B – một bệnh nhiễm trùng cấp tính hoặc mạn tính

Các biến chứng của polyp túi mật

Đa số polyp túi mật là giả polyp hoặc polyp viêm. Những polyp này không gây ra biến chứng và không liên quan đến việc hình thành ung thư.

Tuy nhiên, tất cả các polyp túi mật đều cần phải được theo dõi. Việc cắt bỏ túi mật chỉ cần thiết nếu polyp gây ra các triệu chứng hoặc nếu polyp lớn hơn 1 cm.

Biến chứng cần quan tâm nhất của polyp túi mật thực sự là ung thư túi mật.

Mối liên quan giữa polyp túi mật và ung thư túi mật

Polyp túi mật thực sự có thể tiến triển thành ung thư túi mật. Nguồn ảnh: Healthjade.netPolyp túi mật thực sự có thể tiến triển thành ung thư túi mật. Nguồn ảnh: Healthjade.net

Chỉ có polyp túi mật thực sự mới có liên quan đến ung thư. Ung thư túi mật được phân thành các giai đoạn từ 0 – 5, trong đó giai đoạn 5 là giai đoạn nặng nhất.

Tỷ lệ sống sau 5 năm đối với ung thư túi mật giai đoạn 1 là dưới 50%.

Chỉ có dưới 10% các trường hợp ung thư túi mật được phát hiện ở giai đoạn 0 hoặc giai đoạn 1. Đa số các trường hợp ung thư túi mật được chẩn đoán sau giai đoạn 1.

Dưới đây là các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ hình thành ung thư túi mật:

  • Trên 50 tuổi
  • Có tiền sử viêm xơ đường mật nguyên phát (Sclerosing Cholangitis)
  • Có polyp phẳng hoặc polyp không có cuống, đi kèm với dày thành túi mật

Khác với polyp túi mật thực sự, một nghiên cứu chỉ ra rằng những người có giả polyp hoặc polyp viêm hầu như không có nguy cơ phát triển thành ung thư túi mật.

Tuy nhiên, tất cả các polyp túi mật đều cần được theo dõi chặt chẽ. Những polyp lớn hơn 1 cm có nguy cơ trở thành ung thư cao hơn. Khi polyp có kích thước lớn, bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ túi mật.

Điều trị polyp túi mật

Giả polyp và polyp viêm có kích thước nhỏ hơn 1 cm, không gây ra triệu chứng thì không cần điều trị.

Tuy nhiên, tất cả các polyp túi mật sẽ được theo dõi bằng siêu âm. Trong đó, lần đầu siêu âm là sau 6 tháng từ khi phát hiện polyp. Sau đó, người bệnh sẽ được siêu âm định kỳ hàng năm.

Nếu polyp tăng kích thước từ 2 mm trở lên so với lần siêu âm trước đó, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị.

Điều trị polyp túi mật bằng phẫu thuật cắt bỏ túi mật theo một trong 2 phương pháp sau:

Cắt túi mật bằng phẫu thuật mở: Bác sĩ sẽ cắt bỏ túi mật qua đường rạch dài ở hạ sườn phải.

Cắt túi mật nội soi: Bác sĩ sẽ cắt bỏ túi mật qua các đường rạch nhỏ trên bụng.

Theo các nhà nghiên cứu, tỷ lệ tử vong của phẫu thuật nội soi thấp hơn so với phẫu thuật mở.

Tuy nhiên, cắt túi mật nội soi có thể gây ra một số biến chứng như:

  • Tổn thương ống mật
  • Chảy máu, tụ máu
  • Áp xe dưới gan

Các biện pháp phòng ngừa polyp túi mật

Tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm nồng độ cholesterol máu. Nguồn ảnh: Pinterest.comTập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm nồng độ cholesterol máu. Nguồn ảnh: Pinterest.com

Hiện nay, phương pháp duy nhất để điều trị polyp túi mật là phẫu thuật cắt túi mật.

Những người bị tăng cholesterol máu có thể tăng nguy cơ hình thành polyp cholesterol. Giảm nồng độ cholesterol máu có thể giúp ngăn ngừa hình thành các polyp cholesterol.

Hội Tim mạch học Hoa Kỳ (American College of Cardiology – ACA) và nhiều tổ chức khác đã đưa ra khuyến nghị về chế độ ăn cho những người bị tăng cholesterol máu.

Chế độ ăn làm giảm cholesterol máu bao gồm nhiều loại thực phẩm như:

  • Rau xanh
  • Trái cây
  • Các loại ngũ cốc nguyên cám
  • Các loại đậu
  • Sữa ít béo
  • Thịt gia cầm nạc
  • Hải sản

Những người bị tăng cholesterol máu cũng nên hạn chế ăn các loại thực phẩm như:

  • Đồ ngọt
  • Đồ uống có đường
  • Các loại thịt đỏ

ACA cũng khuyến nghị những người bị tăng cholesterol máu nên tập thể dục thường xuyên từ 3 – 4 lần/tuần. Mỗi buổi tập nên kéo dài 40 phút với các bài tập cường độ vừa phải hoặc cường độ cao.

Ngoài ra, một số người cũng cần dùng thuốc làm giảm cholesterol máu.

Kết luận

Polyp túi mật có thể không gây ra các triệu chứng. Đa số các polyp túi mật không phải là ung thư nhưng chúng vẫn cần được theo dõi thường xuyên.

Phẫu thuật là cần thiết nếu polyp gây ra các triệu chứng hoặc nếu polyp có kích thước lớn hơn 1 cm. Ngoài ra, người bệnh cũng cần phẫu thuật nếu polyp tăng kích thước từ 2 mm trở lên so với lần siêu âm trước đó.

Polyp túi mật thực sự là loại polyp rất hiếm gặp và nó có thể tiến triển thành ung thư túi mật. Phương pháp điều trị ung thư túi mật là phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Tỷ lệ sống của những người bị ung thư túi mật sẽ cao hơn nếu được phát hiện và điều trị sớm.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!