Túi mật: Vị trí, chức năng và các bệnh lý thường gặp

Túi mật là một cơ quan nằm trong ổ bụng. Chức năng của nó là dự trữ mật để sử dụng trong quá trình tiêu hóa. Khi ăn, túi mật co bóp để đưa mật vào ruột non.

Các bệnh lý túi mật như sỏi mật là các bệnh đường tiêu hóa phổ biến. Người ta ước tính rằng có tới 20 triệu người Mỹ bị sỏi mật. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về túi mật, bao gồm chức năng và các triệu chứng của bệnh lý túi mật.

Chức năng của túi mật

Video: Chức năng của túi mật trong cơ thể

Túi mật là một phần của hệ thống đường mật. Hệ thống này bao gồm gan, túi mật và các ống mật, có chức năng sản xuất, dự trữ và bài tiết mật.

Dịch mật là dịch đặc có màu xanh lá, nâu hoặc vàng. Dịch mật được gan sản xuất, có vai trò tiêu hóa chất béo. Người ta ước tính rằng gan có thể sản xuất 700 – 1000 ml dịch mật/ngày.

Trong bữa ăn, dịch mật di chuyển từ gan xuống ruột non. Tuy nhiên, khi không tiêu hóa, dịch mật sẽ được cô đặc và dự trữ ở túi mật. Túi mật thường chứa từ 30 – 80 ml mật cô đặc. Khi ăn bữa ăn nhiều chất béo, túi mật sẽ co bóp để đưa mật vào ruột non.

Vị trí của túi mật

Túi mật nằm ở góc hạ sườn phải, phía dưới của gan. Nó có kích thước gần bằng một quả lê nhỏ.

Các triệu chứng điển hình của bệnh lý túi mật

Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh lý túi mật là đau. Đau túi mật có tính chất:

  • Đột ngột
  • Tăng lên nhanh chóng
  • Xuất hiện ở hạ sườn phải nhưng cũng có thể đau ở lưng phải
  • Xảy ra sau bữa ăn, thường vào buổi tối
  • Kéo dài từ vài phút đến hàng giờ
Đau hạ sườn phải là triệu chứng thường gặp của các bệnh lý ở túi mật. Nguồn ảnh: Artisansofmedicine.comĐau hạ sườn phải là triệu chứng thường gặp của các bệnh lý ở túi mật. Nguồn ảnh: Artisansofmedicine.com

Các triệu chứng khác của đường tiêu hóa như buồn nôn và nôn cũng có thể là biểu hiện của bệnh lý ở đường mật.

Các bệnh lý túi mật thường gặp nhất

Sỏi mật

Sỏi mật là những khối rắn hình thành trong túi mật. Chúng có thể được tạo thành từ cholesterol hoặc muối mật (bilirubin) và có nhiều kích thước khác nhau.

Không rõ nguyên nhân gây ra sỏi mật nhưng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi mật như:

  • Nữ giới
  • Thừa cân
  • Ăn nhiều dầu mỡ hoặc thực phẩm chứa nhiều cholesterol

Nhiều người bị sỏi mật không có triệu chứng. Tuy nhiên, nếu sỏi gây tắc mật thì người bệnh có thể thấy đau. Khi sỏi mật có triệu chứng không được điều trị, nó có thể dẫn đến nhiều biến chứng.

Viêm túi mật

Viêm túi mật là tình trạng túi mật bị viêm, thường là biến chứng của tắc mật do sỏi. Các nguyên nhân khác có thể gây viêm túi mật bao gồm u đường mật, nhiễm trùng hoặc các bệnh lý về mạch máu.

Một số triệu chứng phổ biến nhất của viêm túi mật bao gồm:

  • Đau dữ dội ở hạ sườn phải hoặc quanh rốn
  • Đau lan lên vai hoặc lưng bên phải
  • Đau bụng, đặc biệt khi chạm vào
  • Sốt
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa

Nếu không được điều trị, viêm túi mật có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như vỡ túi mật hoặc nhiễm trùng đường mật.

Đối với điều trị viêm túi mật, tình trạng viêm có thể giải quyết bằng thuốc nhưng người bệnh cũng có thể phải cắt bỏ túi mật.

Viêm túi mật không do sỏi

Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị viêm túi mật mà nguyên nhân không phải do sỏi mật. Tình trạng này xảy ra ở khoảng 5% trường hợp viêm túi mật cấp.

Viêm túi mật không do sỏi có thể xuất hiện ở những người bị chấn thương bụng hoặc những người phải nằm lâu trên giường bệnh. Nguyên nhân có thể là do túi mật bị thiếu oxy, khiến mật bị tích tụ lại.

Viêm túi mật không do sỏi thường được điều trị bằng cách cắt bỏ túi mật.

Sỏi ống mật chủ

Sỏi mật có thể rời khỏi túi mật và bị mắc kẹt trong ống mật chủ. Nguồn ảnh: Healthline.comSỏi mật có thể rời khỏi túi mật và bị mắc kẹt trong ống mật chủ. Nguồn ảnh: Healthline.com

Sỏi ống mật chủ xảy ra khi sỏi mật rơi xuống và làm tắc ống mật chủ. Đây là ống dẫn mật từ gan đến ruột non. Khi ống mật chủ bị tắc, mật bị ứ lại trong gan.

Người bị sỏi ống mật chủ thường bị đau hạ sườn phải và các triệu chứng khác như:

  • Vàng da hoặc vàng mắt (còn gọi là hội chứng hoàng đản)
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Phân bạc màu
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa

Tình trạng này có thể được điều trị bằng cách phẫu thuật lấy sỏi qua nội soi. Bác sĩ cũng có thể cắt túi mật để ngăn sỏi tái phát.

Polyp túi mật

Polyp túi mật là khối u phát triển vào bên trong túi mật. Khoảng 95% các polyp là lành tính (không phải ung thư).

Hầu hết những người có polyp thường không có triệu chứng và được phát hiện tình cờ qua siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT scan) định kỳ. Tuy nhiên, một số trường hợp polyp túi mật có triệu chứng như đau hạ sườn phải và buồn nôn.

Polyp túi mật không triệu chứng có thể được theo dõi kích thước qua siêu âm. Cắt túi mật có thể được chỉ định trong trường hợp polyp túi mật có triệu chứng hoặc polyp có kích thước lớn.

Một số bệnh lý túi mật ít gặp khác

Một số bệnh lý túi mật khác ít gặp hơn bao gồm:

  • Ung thư túi mật. Ung thư túi mật là một loại ung thư hiếm gặp. Tuy chưa biết rõ nguyên nhân gây bệnh nhưng các yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc ung thư túi mật bao gồm nữ giới, có sỏi mật hoặc béo phì.
  • Áp xe túi mật. Tình trạng này xảy ra khi dịch mủ khu trú trong túi mật. Nó có thể là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh viêm túi mật tắc nghẽn do sỏi.
  • Vôi hóa thành túi mật (Túi mật sứ). Túi mật sứ là một bệnh lý hiếm gặp do canxi tích tụ ở thành của túi mật, gây ra các triệu chứng tương tự như sỏi mật. Nguyên nhân gây ra tình trạng này hiện vẫn chưa được làm sáng tỏ.
  • Vỡ túi mật. Tình trạng này xảy ra khi túi mật bị viêm, sưng to khiến túi mật bị vỡ hoặc rách. Vỡ túi mật là một tình trạng cấp cứu đe dọa đến tính mạng.

Cách phòng ngừa bệnh lý túi mật

Các biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý túi mật bao gồm:

  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, rau củ và trái cây.
  • Sử dụng chất béo tốt như dầu ô liu và dầu cá.
  • Tránh các loại thực phẩm có nhiều đường, carbohydrate tinh chế hoặc có nhiều chất béo xấu.
  • Duy trì cân nặng hợp lý. Thừa cân hoặc béo phì là một yếu tố nguy cơ của sỏi mật. Nếu bạn cần giảm cân, hãy lên kế hoạch giảm cân từ từ.
  • Ăn đúng bữa. Bỏ bữa hoặc nhịn ăn có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi mật.

Phẫu thuật cắt túi mật

Túi mật có thể được cắt bỏ trong trường hợp cần thiết, đặc biệt là khi sỏi mật gây đau, tắc mật hoặc viêm túi mật.

Những người đã cắt bỏ túi mật có thể sống bình thường. Gan vẫn sẽ sản xuất dịch mật để tiêu hóa thức ăn. Tuy nhiên, dịch mật tiết ra sẽ di chuyển trực tiếp xuống ruột non mà không được dự trữ trong túi mật.

Sau khi cắt bỏ túi mật, người bệnh cần phải điều chỉnh chế độ ăn để cơ thể thích nghi với sự thay đổi này, bao gồm:

  • Tăng dần các loại thực phẩm giàu chất xơ. Nếu ăn quá nhiều chất xơ ngay sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể bị chướng bụng hoặc tiêu chảy.
  • Tránh ăn nhiều dầu mỡ.
  • Hạn chế uống cà phê hoặc các loại đồ uống có caffein.

Thời điểm cần đi khám

Nếu xuất hiện các triệu chứng của bệnh lý túi mật, người bệnh cần đi khám bác sĩ. Triệu chứng đau do sỏi mật thường xảy ra đột ngột sau khi ăn và thường ở hạ sườn phải.

Người bệnh cần đi cấp cứu ngay nếu bị đau bụng dữ dội, kéo dài hơn 5 giờ hoặc đau bụng đi kèm với triệu chứng:

  • Sốt
  • Rét run
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Vàng da hoặc vàng mắt (Hội chứng hoàng đản)
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Phân bạc màu

Kết luận

Túi mật nằm ở hạ sườn phải, có chức năng dự trữ mật do gan sản xuất.

Có nhiều bệnh lý túi mật, trong đó phổ biến nhất là sỏi mật. Sỏi mật không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như tắc mật và viêm túi mật.

Hãy đi khám nếu bạn bị đau hạ sườn phải, đặc biệt là sau khi ăn. Đây có thể là một triệu chứng của sỏi mật.

Đau dữ dội ở hạ sườn phải kèm theo buồn nôn, nôn hoặc sốt rét run có thể là dấu hiệu của một tình trạng cấp cứu, cần được đưa đến bệnh viện gấp.

Xem thêm:

Câu hỏi liên quan

Nếu sỏi túi mật của bạn quá lớn và được bác sỹ khuyên cắt túi mật thì bạn nên cắt sớm, bởi nếu để lâu dễ xảy ra biến chứng như vỡ túi mật, viêm túi mật cấp, nhiễm trùng ổ bụng… Và những biến chứng này có thể đe dọa tính mạng nếu không điều trị kịp thời. Đồng thời, bạn an tâm rằng cắt túi mật không ảnh hưởng đến chức năng sinh lý hay khả năng sinh sản. Bạn chỉ cần lưu ý có chế độ ăn uống khoa học, sinh hoạt điều độ sau 3-6 tháng đầu mới cắt túi mật, vì giai đoạn này bạn có thể gặp phải một số triệu chứng khó chịu như đau hạ sườn phải, đầy trướng bụng, khó tiêu, táo lỏng thất thường. Để khắc phục những điều này, bạn lưu ý ăn giảm dầu mỡ, ăn các thức ăn dễ tiêu hóa, chia nhỏ bữa ăn, ăn các thực phẩm giàu chất xơ như rau củ quả, ngũ cốc, thực phẩm giàu chất béo omega-3 như dầu oliu, các loại cá… Đặc biệt bạn nên vận động nhẹ nhàng mỗi ngày ít nhất 30 phút, và khám bệnh định kỳ 3-6 tháng/lần.
Xem thêm
Thông thường nếu bạn mổ ở các bệnh viện công thì chi phí mổ rơi vào khoảng từ 5 đến 7 triệu đồng. Ngoài ra còn các chi phí khác như tiền giường, thuốc men, chi phí ăn uống… Để biết được con số gần chính xác nhất bạn nên liên hệ bác sĩ hay bệnh viện bạn định phẫu thuật để được hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra, nếu bạn có thẻ bảo hiểm y tế, bạn sẽ được giảm một phần chi phí. Trường hợp bạn mổ ở các bệnh viên tư hay mổ dịch vụ. Thì chi phí mổ rơi vào khoảng 10 đến 15 triệu đồng tuỳ từng bệnh viện. Ngoài ra chưa tính chi phí giường bệnh, ăn uống, thuốc men…
Xem thêm
Quay trở lại với sữa anlene, phần lớn các loại đều chứa khá nhiều chất béo. Vì vậy, bạn nên hạn chế cho người bệnh dùng. Đặc biệt là thời điểm ngay sau phẫu thuật, vì đây là thời gian nhạy cảm, cơ thể chưa có cơ chế thích nghi với việc không có túi mật. Để sau khi sức khỏe người bệnh ổn định, không bị rối loạn tiêu hóa, bạn có thể cho bác thử dùng sữa anlene loại ít béo hơn. Nhưng phải theo dõi phản ứng của người bệnh để điều chỉnh.
Xem thêm
Các thực phẩm bạn nên kiêng khi có polyp túi mật hoặc muốn có một túi mật khỏe mạnh gồm: Dầu thực vật Dầu lạc (đậu phộng) Tinh bột tinh chế (bánh mì trắng, mì ống…) Thực phẩm giàu chất béo hoặc đồ chiên nhiều dầu mỡ Thực phẩm chế biến sẵn Thực phẩm nhiều cholesterol Đồ uống có gas
Xem thêm
Với sự tiến bộ của khoa học y học, các bệnh viện đã có thể phẫu thuật để điều trị sỏi mật. Chi phí mổ tùy thuộc vào chất lượng và dịch vụ tại từng bệnh viện. Thông thường, mức giá mổ sỏi thận dao động như sau: Mổ nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) chi phí khoảng 3.3 triệu đồng/ ca. Mổ nội soi lấy ống mật chủ chi phí khoảng 4.5 triệu đồng/ ca. Mổ nội soi cắt túi mật chi phí khoảng 5.7 triệu đồng/ ca.
Xem thêm
2.1.Đau bụng sau bữa ăn 2.2.Buồn nôn 2.3.Đau ngực 2.4.Vàng da 2.5.Đau bụng liên tục 2.6.Sốt hoặc ớn lạnh 2.7.Thay đổi màu của chất thải 2.8.Tiêu chảy mãn tính 2.9.Ợ nóng, khó tiêu 2.10.Đau khi hít thở sâu
Xem thêm
Mổ nội soi cắt túi mật được xếp vào phẫu thuật tầng bụng trên, thường không ảnh hưởng gì tới phần bụng dưới đang hành kinh. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ phải làm các xét nghiệm đánh giá sức khoẻ người bệnh hiện tại (thường là mổ chương trình) để đảm bảo cơ thể người bệnh chịu được cuộc mổ nên bạn có thể an tâm làm theo y lệnh. Nếu là mổ cấp cứu thì bắt buộc phải thực hiện, không có lý do trì hoãn bạn nhé!
Xem thêm
Một số trường hợp kích thước sỏi có trong túi mật chỉ vài mm lại có chỉ định phải mổ, trong khi có những người sỏi trong túi mật lớn đến 1 - 2cm chưa phải can thiệp ngoại khoa. Các chuyên gia về gan mật cho biết: “Với sỏi túi mật chưa có triệu chứng thì chưa cần phẫu thuật và ngược lại, với trường hợp sỏi túi mật gây viêm túi mật mãn tính hoặc gây biến chứng cấp tính có nguy cơ đe dọa tính mạng thì sỏi nhỏ như hạt cát vẫn có chỉ định cắt túi mật. Do vậy, có thể nói cắt túi mật không hoàn toàn chỉ dựa vào kích thước sỏi lớn hay bé” Tất cả các trường hợp sỏi mật có triệu chứng đều có chỉ định điều trị bất kể kích thước và số lượng sỏi. Với sỏi mật không triệu chứng thì vai trò của mổ cắt túi mật và các phương pháp điều trị khác là không rõ ràng. Tuy nhiên một vài trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao ung thư túi mật như túi mật sứ, sỏi kết hợp với polyp túi mật lớn hơn 10mm, sỏi lớn hơn 25 mm... thì cần phải áp dụng mổ sỏi mật.
Xem thêm
Viêm túi mật có phải mổ hay không phụ thuộc vào tình trạng bệnh. Nguyên nhân gây bệnh viêm túi mật phần lớn là do sỏi hình thành ở túi mật. Sỏi ở túi mật về lâu dài sẽ gây tắc nghẽn ống dẫn mật, làm thành mật dày lên và tạo nên viêm nhiễm.
Xem thêm
Polyp túi mật còn gọi là u nhú niêm mạc tuyến túi mật, là một dạng tổn thương dạng u hoặc giả u phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật. Polyp túi mật xuất hiện ở mọi lứa tuổi và không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ mắc theo giới tính, chủng tộc. Đặc biệt, các hình ảnh này nhìn thấy thường qua sàng lọc khám sức khỏe định kỳ hàng năm, có tầm soát siêu âm bụng tổng quát. 92% polyp túi mật có bản chất lành tính, hoàn toàn có thể chung sống hòa bình với polyp túi mật nên phần lớn người bệnh không cần đến can thiệp gì. Mặt khác, túi mật là một cấu trúc của hệ thống đường dẫn mật, có vai trò tham gia điều hòa bài tiết mật và tiêu hóa thức ăn, do đó, hoàn toàn không thể tùy ý thực hiện cắt bỏ khi chưa có chỉ định đúng đắn.
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Túi mật
Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!