Về mô học, túi mật được cấu tạo từ 4 lớp:
- Lớp niêm mạc (lớp trong cùng)
- Lớp cơ
- Lớp mô liên kết
- Lớp thanh mạc (lớp ngoài cùng)
Ung thư túi mật bắt nguồn từ lớp niêm mạc và phát triển ra ngoài. Ở giai đoạn sớm, nó thường được phát hiện một cách tình cờ sau khi phẫu thuật cắt túi mật. Còn lại, ung thư túi mật thường được phát hiện muộn khi ung thư đã tiến triển.
Ung thư túi mật có thể xâm lấn sang các khu vực khác trên cơ thể không?
Có. Đây được gọi là ung thư di căn. Ung thư có thể xâm lấn vào các khu vực khác qua:
- Các mô lân cận: Ung thư có thể xâm lấn sang các mô xung quanh túi mật.
- Hệ bạch huyết: Ung thư đi vào các mạch bạch huyết để đến các khu vực khác.
- Máu: Ung thư có thể di chuyển trong các mạch máu để đến các cơ quan khác.
Ung thư được đặt tên theo nơi chúng bắt nguồn. Nếu bị ung thư ở gan nhưng tế bào ung thư bắt nguồn từ túi mật, đó gọi là ung thư túi mật di căn gan.
Các giai đoạn của ung thư túi mật
Một trong những mối quan tâm lớn nhất về ung thư là liệu nó có di căn hay không. Để đánh giá tình trạng di căn, bác sĩ sẽ chẩn đoán giai đoạn bệnh. Giai đoạn càng cao thì ung thư càng lan rộng. Các giai đoạn ung thư túi mật là:
- Giai đoạn 0 (còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ): Ung thư khu trú ở lớp niêm mạc của túi mật.
- Giai đoạn 1: Ung thư đã lan đến lớp cơ.
- Giai đoạn 2: Ung thư đã lan đến lớp mô liên kết.
- Giai đoạn 3: Ung thư đã xâm lấn gan hoặc các cơ quan lân cận, lớp thanh mạc và hạch bạch huyết.
- Giai đoạn 4: Ung thư đã di căn đến hơn 3 hạch bạch huyết lân cận, các mạch máu lân cận và/hoặc đến các cơ quan xa túi mật.
Tỷ lệ mắc ung thư túi mật
Ung thư túi mật là loại ung thư hiếm gặp. Từ năm 2007 đến 2011, mỗi năm có khoảng 3.700 người Mỹ được chẩn đoán mắc ung thư túi mật và khoảng 2.000 người tử vong.
Yếu tố nguy cơ gây ung thư túi mật
Nữ giới có nguy cơ bị ung thư túi mật cao hơn nam giới. Một số yếu tố nguy cơ khác như:
- Hút thuốc lá.
- Tiếp xúc với hóa chất sử dụng trong ngành dệt may và ngành sản xuất cao su.
- Tiền sử viêm xơ đường mật nguyên phát (Primary sclerosing cholangitis – PSC).
- Có nang ống mật chủ.
- Người cao tuổi. Độ tuổi trung bình khi được chẩn đoán bệnh là 72.
- Béo phì.
- Tiền sử polyp túi mật, viêm và/hoặc nhiễm trùng túi mật.
- Tiền sử nhiễm vi khuẩn salmonella.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh.
Sỏi mật không phải là nguyên nhân gây ung thư túi mật, nhưng nó làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Ung thư túi mật có di truyền không?
Không, ung thư túi mật không phải là bệnh di truyền.
Ung thư túi mật có gây đau không?
Đau bụng có thể là một triệu chứng của ung thư túi mật.
Ung thư túi mật có thể bị nhầm với sỏi mật không?
Cả sỏi mật và ung thư túi mật đều có thể gây đau hạ sườn phải, tương ứng với vị trí của túi mật. Đôi khi, ung thư túi mật được phát hiện tình cờ khi người bệnh được chẩn đoán sỏi mật.
Ung thư túi mật có gây tử vong không? Tỷ lệ sống của ung thư túi mật là bao nhiêu?
Ung thư túi mật thường chỉ phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, 43% trường hợp ung thư túi mật được chẩn đoán sau khi ung thư di căn đến các cơ quan hoặc hạch bạch huyết lân cận và 42% được phát hiện sau khi ung thư di căn đến các cơ quan hoặc hạch bạch huyết ở xa. Vì thường phát hiện ở giai đoạn đã di căn sang các vùng khác nhau của cơ thể, ung thư túi mật có thể gây tử vong.
Các nguyên nhân và triệu chứng của ung thư túi mật
Nguyên nhân gây ung thư túi mật
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây ung thư túi mật.
Các triệu chứng của ung thư túi mật
Ung thư túi mật rất khó phát hiện sớm vì thiếu các triệu chứng điển hình. Các triệu chứng thường bị nhầm lẫn là của những bệnh lý khác ít nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, vị trí của túi mật khiến việc phát hiện ung thư trở nên khó khăn hơn. Các triệu chứng dưới đây có thể là dấu hiệu của ung thư túi mật:
- Hội chứng hoàng đản (Vàng da, vàng mắt)
- Đau thượng vị
- Sốt
- Buồn nôn và nôn mửa
- Chướng bụng
- Sờ thấy khối ở bụng
Chẩn đoán ung thư túi mật
Các triệu chứng rất ít khi xuất hiện trong giai đoạn sớm và chúng thường tương tự với các triệu chứng của nhiều bệnh khác nên ung thư túi mật thường được chẩn đoán muộn. Ung thư thường được phát hiện do người bệnh bị sỏi mật hoặc cần cắt bỏ túi mật.
Nếu nghi ngờ người bệnh bị ung thư túi mật, bác sĩ sẽ thăm khám và hỏi bệnh. Sau đó, họ sẽ chỉ định các xét nghiệm khác, bao gồm:
Xét nghiệm máu:
- Xét nghiệm hóa sinh máu: Đánh giá nồng độ của các chất cụ thể trong máu, bao gồm cả những chất chỉ điểm ung thư.
- Xét nghiệm chức năng gan: Đánh giá nồng độ của một số chất do gan thải ra, chúng có thể liên quan đến ung thư túi mật.
- Định lượng CEA (kháng nguyên carcinoembryonic): CEA là một chất chỉ điểm khối u do cả tế bào khỏe mạnh và tế bào ung thư tiết ra. Nồng độ chất này thường tăng trong ung thư.
- Định lượng CA 19-9: CA 19-9 được sản xuất bởi cả tế bào khỏe mạnh và tế bào ung thư. Nồng độ chất này tăng lên có thể là dấu hiệu của ung thư túi mật hoặc ung thư tụy.
Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh:
- Siêu âm ổ bụng: Sử dụng sóng siêu âm để đánh giá hình ảnh của các cơ quan trong ổ bụng.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Đây là một phương pháp sử dụng tia X để dựng hình ảnh chi tiết của các cơ quan nội tạng.
- Chụp X-quang phổi.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Máy tính sẽ dựng lên hình ảnh các bộ phận của cơ thể bằng cách phân tích tín hiệu do sóng từ trường, sóng siêu âm truyền về.
- Nội soi chụp mật tụy ngược dòng (Endoscopic retrograde cholangiopancreatography – ERCP): ERCP là một thủ thuật dùng ống nội soi và tia X để quan sát ống tụy và ống mật. Ung thư túi mật có thể gây hẹp các ống này.
- Siêu âm nội soi.
Các xét nghiệm khác:
- Sinh thiết: Đây là xét nghiệm kiểm tra các mô hoặc tế bào dưới kính hiển vi để phát hiện ung thư.
- Nội soi ổ bụng: Đây là phương pháp sử dụng phẫu thuật nội soi để quan sát bên trong ổ bụng. Bác sĩ sẽ đưa ống nội soi vào bụng qua một vết rạch nhỏ trên thành bụng.
Điều trị ung thư túi mật
Video: Phòng và điều trị ung thư túi mật
Bác sĩ chuyên khoa nào sẽ điều trị ung thư túi mật?
Người bị ung thư túi mật có thể được điều trị bởi các bác sĩ thuộc chuyên khoa:
- Chuyên khoa Ngoại ung thư: Điều trị ung thư bằng phẫu thuật.
- Chuyên khoa Nội ung thư: Điều trị ung thư bằng hóa chất và các loại thuốc khác.
- Chuyên khoa Xạ trị: Điều trị ung thư bằng tia phóng xạ.
- Chuyên khoa Tiêu hóa
Ung thư túi mật có chữa khỏi được không? Điều trị ung thư túi mật như thế nào? Những loại thuốc nào có thể giúp điều trị ung thư túi mật?
Để chữa khỏi ung thư túi mật, cần phải phát hiện ung thư trước khi nó di căn sang các cơ quan khác. Giai đoạn ung thư ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Ung thư khu trú (giai đoạn 1) có thể được điều trị bằng:
- Phẫu thuật: Thông thường, bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt bỏ túi mật và mô lân cận. Các hạch bạch huyết nằm gần túi mật và một phần gan gần túi mật cũng có thể bị cắt bỏ.
- Xạ trị: sử dụng tia bức xạ cường độ cao để tiêu diệt các tế bào ung thư hoặc ngăn chặn chúng phát triển, đồng thời hạn chế tối đa tổn thương cho các tế bào khỏe mạnh. Trong quá trình xạ trị, máy chiếu tia bức xạ sẽ trực tiếp chiếu tia vào vị trí của ung thư. Xạ trị có thể gây ra một số tác dụng phụ như: tổn thương da, buồn nôn và nôn, mệt mỏi, tổn thương gan và/hoặc tiêu chảy.
- Hóa trị: Sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chúng phát triển. Thuốc hóa chất có thể dùng đường tiêm hoặc đường uống. Một số thuốc hóa chất bao gồm Gemcitabine (Gemzar), cisplatin (Platinol), 5-fluorouracil (5-FU), capecitabine (Xeloda) và oxaliplatin (Eloxatin). Tác dụng phụ của hóa trị bao gồm mệt mỏi, dễ bầm tím, dễ chảy máu, nhiễm trùng, rụng tóc, loét miệng, chán ăn, tiêu chảy, buồn nôn và nôn.
Một số thử nghiệm lâm sàng đang áp dụng các phương pháp điều trị mới như:
- Các chất nhạy cảm phóng xạ
- Liệu pháp điều trị đích
- Liệu pháp miễn dịch
Phẫu thuật ung thư túi mật như thế nào?
Phẫu thuật ung thư túi mật thường là phẫu thuật nội soi với đường mổ nhỏ. Ngoài việc cắt bỏ túi mật, bác sĩ phẫu thuật cũng có thể cắt bỏ các mô xung quanh túi mật. Phẫu thuật cắt túi mật đơn giản chỉ cắt bỏ túi mật. Phẫu thuật cắt túi mật mở rộng là cắt túi mật cộng với phần mô xung quanh túi mật.
Phẫu thuật điều trị ung thư túi mật là phẫu thuật nội trú hay ngoại trú?
Hãy hỏi bác sĩ về thời gian nằm viện khi bạn phải phẫu thuật.
Bác sĩ chuyên khoa nào sẽ thực hiện phẫu thuật?
Bác sĩ chuyên khoa Ngoại ung thư.
Điều gì xảy ra sau khi phẫu thuật ung thư túi mật?
Bạn có thể cần phải phẫu thuật bổ sung. Bạn cũng có thể cần điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị để giảm nguy cơ ung thư tái phát.
Những việc nên làm sau khi về nhà
Bạn cần đi tái khám đúng hẹn. Bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm bổ sung mỗi 6 tháng/lần trong ít nhất 2 năm.
Phẫu thuật cắt túi mật có tác dụng phụ nào không?
Phẫu thuật luôn đi kèm với các rủi ro cần phải cân nhắc, bao gồm:
- Chảy máu
- Hình thành cục máu đông
- Viêm phổi
- Các biến chứng do gây mê
- Nhiễm trùng
Thời gian hồi phục sau phẫu thuật
Bạn có thể hồi phục sau vài tuần từ khi phẫu thuật.
Chăm sóc giảm nhẹ là gì?
Chăm sóc giảm nhẹ là phương pháp kiểm soát các triệu chứng khi bệnh không còn khả năng chữa khỏi. Bác sĩ có thể chỉ định chăm sóc giảm nhẹ trong khi điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị nếu người bệnh không thể phẫu thuật.
Phòng ngừa ung thư túi mật
Làm thế nào để phòng ngừa ung thư túi mật?
Không có biện pháp nào có thể ngăn ngừa ung thư túi mật. Bạn có thể tránh một số yếu tố nguy cơ của ung thư túi mật bằng chế độ ăn uống điều độ và duy trì cân nặng hợp lý. Tuy nhiên, những biện pháp này không thể phòng ngừa ung thư túi mật một cách tuyệt đối.
Hiện không có loại thực phẩm chức năng nào có thể giúp ngăn ngừa ung thư túi mật.
Tiên lượng của ung thư túi mật
Tiên lượng của ung thư túi mật như thế nào?
Tiên lượng của ung thư túi mật phụ thuộc vào:
- Giai đoạn ung thư
- Ung thư có được cắt bỏ hoàn toàn không
- Có phải là ung thư tái phát hay không
- Sức khỏe tổng thể của người bệnh
Ung thư túi mật có tự khỏi được không?
Không. Ung thư túi mật cần được điều trị.
Khi nào người bệnh có thể đi làm/đi học trở lại?
Hãy hỏi bác sĩ về thời điểm có thể sinh hoạt bình thường trở lại.
Ung thư túi mật có thể tiến triển nặng hơn không?
Theo thời gian, ung thư có thể xâm lấn và di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.
Ung thư túi mật có thể tái phát sau khi được điều trị không?
Có, ung thư túi mật có thể tái phát. Sau khi được điều trị, nó có thể tái phát ở vị trí của túi mật hoặc xuất hiện ở một cơ quan khác (do ung thư chưa được loại bỏ hoàn toàn).
Thời điểm cần đi khám
Hãy đi khám ngay khi bạn gặp các triệu chứng của ung thư túi mật. Điều quan trọng là ung thư phải được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.
Các câu hỏi về bệnh ung thư túi mật
Bạn có thể đặt ra các câu hỏi dưới đây cho bác sĩ:
- Tôi đang ở giai đoạn nào của bệnh?
- Phương pháp điều trị tốt nhất cho tôi là gì?
- Khi nào tôi có thể bắt đầu điều trị?
Một số lưu ý
Ung thư túi mật là một căn bệnh hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng. Không giống các bệnh ung thư khác có triệu chứng ở giai đoạn sớm, ung thư túi mật thường chỉ xuất hiện triệu chứng ở giai đoạn muộn. Vì vậy, hãy đi khám càng sớm càng tốt nếu bạn gặp các triệu chứng của ung thư túi mật.
Xem thêm: