Nguyên nhân gây đau đầu và biện pháp điều trị

Mỗi chúng ta ai trong cuộc đời cũng có ít nhất một lần bị đau đầu. Cơn đau xuất hiện thoáng qua hoặc nhanh chóng mất đi khi cơ thể được nghỉ ngơi, dùng thuốc giảm đau hay đơn giản là uống một tách cà phê. Một số trường hợp đau đầu dữ dội có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nguy hiểm như đột quỵ, khối u hoặc cục máu đông. May mắn thay, những vấn đề như vậy hiếm khi xảy ra. Bạn cần phân biệt các trường hợp cấp cứu để có cách giải quyết phù hợp để cơn đau không đe dọa cuộc sống.

Video : Nguyên nhân gây đau đầu? Giải đáp từ các chuyên gia hệ thống y tế Thu Cúc.

Nguyên nhân gây đau đầu

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau đầu. Việc hiểu biết đầy đủ về các nguyên nhân gây đau đôi khi khó đạt được. Chúng ta biết rằng tổ chức não nằm trong hộp sọ có khả năng nhận biết cảm giác đau thông qua mạch máu và hệ thống thần kinh. Bất kỳ tác động nào ảnh hưởng đến da đầu, xoang, răng, cơ và khớp cổ cũng có thể là nguyên nhân gây đau đầu.

Các trường hợp đau đầu nguy hiểm

Cơn đau đầu nếu không nguy hiểm sẽ nhanh chóng mất đi sau một vài điều chỉnh của cơ thể. Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo cần lưu ý khi bị đau đầu:

  • Đau đầu xuất hiện sau 50 tuổi
  • Tính chất đau khác cơn đau bình thường
  • Đau đầu dữ dội
  • Đau tăng khi ho hoặc vận động
  • Triệu chứng đau ngày càng tồi tệ hơn
  • Xuất hiện thay đổi nhân cách và các vấn đề tâm thần
  • Đau đầu kèm theo sốt, cứng cổ, lú lẫn, giảm tỉnh táo hoặc trí nhớ, hoặc các triệu chứng thần kinh như rối loạn thị giác, nói lắp, run, tê bì hoặc co giật
  • Đau đầu kèm theo đau mắt đỏ
  • Đau đầu kèm theo đau và nhức gần thái dương
  • Đau đầu sau một cú đánh vào đầu
  • Đau đầu cản trở các hoạt động bình thường hàng ngày
  • Đau đầu đến đột ngột làm bạn thức giấc
  • Đau đầu xuất hiện ở bệnh nhân ung thư hoặc suy giảm miễn dịch

Các loại đau đầu

Có hơn 300 loại đau đầu, nhưng chỉ khoảng 10% các trường hợp có nguyên nhân rõ ràng. Những trường hợp không tìm thấy nguyên nhân được gọi là đau đầu nguyên phát. Dưới đây tóm tắt về một số chứng đau đầu phổ biến.

Đau đầu dạng căng thẳng

Xảy ra ở khoảng ba trong số bốn người trưởng thành, đau đầu dạng căng thẳng là bệnh phổ biến nhất trong số các chứng đau đầu. Trong hầu hết các trường hợp, cơn đau ở mức độ nhẹ đến trung bình, không thường xuyên xảy ra. Một số người bị đau đầu nghiêm trọng với tần suất xuất hiện lên đến 3 hoặc 4 ngày trong tuần.

Đau đầu dạng căng thẳng điển hình có tính chất của một cơn đau âm ỉ, bóp nghẹt ở hai bên đầu. Trong trường hợp bị nặng, cảm giác bóp nghẹt khiến vai và cổ cũng có thể bị đau. Nguyên nhân đau đầu dạng căng thẳng là do phải chịu áp lực trong cuộc sống, cảm xúc tiêu cực hoặc tình trạng căng cơ kéo dài. Cơn đau có thể kéo dài từ 20 phút cho đến 2 giờ.

Nếu thỉnh thoảng bị đau đầu dạng căng thẳng, bạn có thể tự giải quyết bằng cách sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như Acetaminophen (Tylenol) hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Aspirin, Naproxen (Aleve) hoặc Ibuprofen (Motrin, Advil) Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để thuốc có tác dụng và hạn chế tác dụng phụ. Sử dụng đệm sưởi hoặc thư giãn dưới vòi sen nước ấm có thể hữu ích; một số người cảm thấy tốt hơn sau một giấc ngủ ngắn hoặc một bữa ăn nhẹ.

Nếu bạn thường xuyên bị đau đầu dạng căng thẳng, hãy tìm nguyên nhân gây ra để tránh tiếp xúc. Đừng để cơ thể quá mệt mỏi hoặc bỏ bữa. Học các kỹ thuật thư giãn; yoga, thiền định. Nếu bạn bị nghiến răng vào ban đêm, sử dụng một miếng cắn để khắc phục vấn đề này.

Nếu bạn cần thêm trợ giúp, trao đổi với bác sĩ để sử dụng thuốc giảm đau mạnh hơn hoặc thuốc giãn cơ giúp kiểm soát cơn đau nhức đầu. Nhiều người bị đau đầu dạng căng thẳng tái phát có thể phải dùng thuốc chống trầm cảm ba vòng như Amitriptyline (Elavil, generic). May mắn thay, hầu hết những đau đầu dạng căng thẳng đáp ứng tốt với các biện pháp thư giãn thông thường.

Đau nửa đầu

Chứng đau nửa đầu ít xảy ra nhưng chúng nghiêm trọng hơn so với đau đầu dạng căng thẳng. Tỷ lệ gặp ở nữ cao hơn ở nam 2 đến 3 lần. Một nghiên cứu của Harvard trên 20.084 nam giới tuổi từ 40 đến 84 báo cáo rằng chứng đau nửa đầu làm tăng nguy cơ đau tim lên 42%, do vậy những người đàn ông bị chứng đau nửa đầu nên chú ý đến sức khỏe tim mạch của mình.

Các nhà thần kinh học cho rằng chứng đau nửa đầu là do những thay đổi trong lưu lượng máu não và hoạt động của tế bào thần kinh. Di truyền đóng một vai trò nhất định vì 70% bệnh nhân đau nửa đầu có ít nhất một người thân cũng mắc chứng bệnh này.

Các tác nhân gây đau nửa đầu.  Mặc dù chứng đau nửa đầu có thể xảy ra không có dấu hiệu báo trước, nhưng nó thường do một số tác nhân gây ra.

Các tác nhân chính gây đau nửa đầu

  • Thay đổi thời tiết: độ ẩm, nhiệt độ
  • Thiếu ngủ hoặc ngủ quá nhiều
  • Mệt mỏi
  • Căng thẳng cảm xúc
  • Các yếu tố kích thích cảm giác: đèn sáng hoặc nhấp nháy, tiếng ồn lớn, mùi khó chịu
  • Các yếu tố liên quan chế độ ăn uống:
  • Bỏ bữa
  • Sử dụng rượu đặc biệt là rượu vang đỏ
  • Sô cô la
  • Muối trong các sản phẩm chế biến sẵn
  • Pho mát già
  • Sử dụng nhiều caffein hoặc dừng đột ngột
  • Bột ngọt (trong các món ăn Châu Á và thực phẩm chế biến sẵn)

Các triệu chứng đau nửa đầu

Chứng đau nửa đầu thường xuất hiện vào buổi tối hoặc trong khi ngủ. Một số trường hợp cơn đau xuất hiện vài giờ trước khi cơ thể nhận thấy các biểu hiện khác mệt mỏi, trầm cảm, uể oải, cáu kỉnh hoặc bồn chồn. Vì biểu hiện khác nhau nên nhiều người nhầm tưởng chứng đau nửa đầu với đau đầu dạng căng thẳng.

Khoảng 20% trường hợp chứng đau nửa đầu xuất hiện triệu chứng thần kinh khu trú thoáng qua hay tên khoa học là aura. Aura có thể gây rối loạn thị lực, rối loạn cảm giác hay rối loạn ngôn ngữ. Sự xuất hiện của nhứng triệu chứng này đôi khi làm bạn lầm tưởng rằng mình sắp bị đột quỵ mà bỏ qua chẩn đoán chứng đau nửa đầu.

Phần lớn chứng đau nửa đầu xuất hiện mà không có dấu hiệu báo trước. Trong trường hợp điển hình, cơn đau xuất hiện một bên, thường bắt đầu quanh mắt và thái dương trước khi lan ra sau. Đau dữ dội kèm cảm giác nhói hoặc theo nhịp đập. Triệu chứng đi kèm thường gặp là buồn nôn, một số trường hợp có thể gặp tình trạng chảy nước mắt, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi. Nếu những triệu chứng này chiếm ưu thế rất dễ chẩn đoán nhầm với bệnh viêm xoang. Một cách để ghi nhớ đặc điểm của chứng đau nửa đầu là nhớ từ POUND

  • P là pulsating cơn đau theo nhịp đập
  • O là one-day thời gian kéo dài cơn đau là một ngày nếu không được điều trị
  • U là unilateral thể hiện tính chất đau một bên
  • N là nausea buồn nôn và nôn
  • D là disabling cảm giác bất lực. 

Cơn đau làm bạn mất tập trung thậm chí mất kiểm soát.

Nếu không điều trị, các cơn đau nửa đầu thường kéo dài từ 4 đến 24 giờ. 4 giờ đau là thời gian quá dài có thể quá sức chịu đựng do vậy việc điều trị sớm là cần thiết.

Điều trị chứng đau nửa đầu

Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như Acetaminophen, Aspirin, Ibuprofen, Naproxen.
 Sự kết hợp của thuốc giảm đau và caffein đều có hiệu quả nếu bạn dùng đủ liều sớm ngay khi cơn đau bắt đầu.

Các loại thuốc khác bao gồm Sumatriptan (Imitrex), Zolmitriptan (Zomig) và Rizatriptan (Maxalt). Triptans giúp giảm đau hiệu quả trong vòng hai giờ ở 70% bệnh nhân; đáp ứng tốt nhất nếu bắt đầu điều trị sớm. Một số bệnh nhân cần sử dụng liều thứ hai sau 12 đến 24 giờ. Cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng cũng như trao đổi với bác sĩ điều trị để lựa chọn loại thuốc phù hợp, hạn chế tác dụng phụ. Bệnh nhân có bệnh lý tim mạch và người đang điều trị thuốc trầm cảm liều cao càn tham vấn ý kiến bác sĩ về nguy cơ khi sử dụng thuốc.

Trao đổi với bác sĩ đề tìm phương pháp điều trị đau nửa đầu phù hợp nhất với bạn. Hãy lưu ý nguy cơ lạm dụng thuốc ảnh hưởng đến việc điều trị sau này khi các cơn đau tái phát, việc giảm đau sẽ gặp khó khăn hơn. Vì vậy, nếu việc điều trị thường xuyên xảy ra khoảng 2 đến 3 lần mỗi tuần thì nên cân nhắc sử dụng thuốc phòng bệnh.

Phòng ngừa chứng đau nửa đầu

Có thể ngăn ngừa chứng đau nửa đầu nếu nắm được các tác nhân kích thích cơn đau. Các loại thuốc có tác dụng phòng ngừa hiệu quả trong một số trường hợp bao gồm thuốc chẹn beta giao cảm (như Propranolol, Nadolol và Atenolol), thuốc chống trầm cảm (Amitriptyline), thuốc chống co giật (như Topiramate và Valproate). Những trường hợp khó khăn có thể trao đổi với bác sĩ chuyên khoa thần kinh.

Đau đầu cụm

Đau đầu cụm là chứng đau đầu không phổ biến nhưng rất nghiêm trọng, thường gặp ở nam giới với tỷ lệ mắc cao gấp 5 lần. Đàn ông trung niên có tiền sử hút thuốc nguy cơ cao mắc đau đầu cụm.

Cơn đau xảy ra theo chu kỳ có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, loại đau này hiếm khi nguy hiểm đến tính mạng. Cơn đau dữ dội xuất hiện đột ngột một bên đầu. Mắt bên đau đỏ và chảy nước mắt, có thể sụp mí. Cơn đau khởi phát đột ngột và kéo dài từ 30 đến 60 phút. Hầu hết những người bị bệnh trở nên bồn chồn và kích động trong cơn đau; không thể ngồi yên, họ tăng cường hoạt động thậm chí có biểu hiện kích động, mất kiểm soát như đập đầu vào tường. Cơn đau kèm triệu chứng buồn nôn và nhạy cảm ánh sáng.

Thở oxy lưu lượng cao có tác dụng cắt cơn đau. Sumatriptan thường có hiệu quả đối với chứng đau đầu cụm, đặc biệt khi sử dụng đường tiêm. Các thuốc nhóm triptan khác cũng có thể sử dụng. Một số bệnh nhân đáp ứng tốt với lidocain dạng nhỏ mũi, tiêm dihydroergotamine. Thuốc hiệu quả nhất để ngăn ngừa các cơn đau đầu cụm là verapamil, một loại thuốc chẹn kênh canxi. Các loại thuốc có tác dụng khác như divalproex, topiramate và lithium.

Các loại đau đầu khác

Có hàng trăm tình trạng liên quan đến đau đầu như là:

  • Tác dụng phụ của thuốc: Nhiều loại thuốc có tác dụng phụ gây đau đầu. Có vẻ là nghịch lý, nhưng một số thuốc giảm đau khi đau đầu lại gây ra tình trạng lạm dụng thuốc hoặc đau đầu tái phát. Những người bị chứng đau nửa đầu dễ rơi vào vòng luẩn quẩn của việc đau đầu-uống thuốc-đau đầu-uống thuốc. Nếu bạn bị đau đầu thường xuyên và việc sử dụng thuốc kéo dài 10 đến 15 ngày một tháng, bạn có thể bị đau đầu do lạm dụng thuốc. Cách để khắc phục là ngừng hoặc giảm liều. Với bất kỳ thay đổi nào trong việc điều trị cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Thuốc corticosteroid như prednisone có thể giúp kiểm soát cơn đau trong thời gian cai nghiện.
  • Đau đầu do viêm xoang: Viêm xoang cấp tính gây đau nhức vùng trán, xung quanh mũi, mắt, má hoặc răng hàm trên. Cúi lưng về phía trước làm tăng cơn đau. Chảy nước mũi đặc, nghẹt mũi và sốt xác định là biểu hiện của tình trạng viêm xoang. Khi tình trạng nhiễm trùng cấp tính khỏi, cơn đau sẽ biến mất. Viêm xoang không phải là nguyên nhân phổ biến gây đau đầu mãn tính hoặc tái phát.
  • Đau đầu do lạnh: Một số người bị đau đầu đột ngột, đau buốt khi họ ăn bất cứ thứ gì lạnh. Cơn đau sẽ chấm dứt trong vòng chưa đầy một phút, ngay cả khi bạn tiếp tục ăn. Nếu bạn cảm thấy khó chịu vì đau đầu khi ăn đồ lạnh, hãy thử ăn chậm hoặc hâm nóng thức ăn sau khi lấy ra từ tủ lạnh.
  • Đau đầu do tăng huyết áp: Trừ những trường hợp huyết áp tăng quá cao, tăng huyết áp mức độ vừa không gây đau đầu. Trên thực tế, hầu hết những người bị  huyết áp cao không có bất kỳ triệu chứng nào. Một nghiên cứu trên 51.234 người đã báo cáo rằng tăng huyết áp có liên quan đến việc giảm tỷ lệ đau đầu. Không gây đau đầu không có nghĩa là tăng huyết áp không nguy hiểm. Tăng huyết áp dẫn đến đột quỵ, đau tim, suy tim và bệnh thận, vì vậy tất cả nam giới nên kiểm tra huyết áp của mình, sau đó thực hiện các bước để điều chỉnh tình trạng bất thường.
  • Đau đầu do tập thể dục và quan hệ tình dục: Tập thể dục không thường xuyên, gắng sức có thể gây đau đầu. Khởi động dần dần hoặc điều trị bằng thuốc chống viêm trước khi tập thể dục có thể ngăn ngừa đau đầu. 

Quan hệ tình dục cũng có thể gây đau đầu; một số nam giới ghi nhận việc xuất hiện đau đầu âm ỉ thậm chí đau dữ dội sau quan hệ. Một số người có thể ngăn ngừa đau đầu khi đạt cực khoái bằng cách uống NSAID từ 30 đến 60 phút trước khi quan hệ.

Kiểm tra tình trạng đau đầu

Y học hiện đại có nhiều phương tiện hỗ trợ chẩn đoán cũng như tìm nguyên nhân. Tuy nhiên, đối với hầu hết các trường hợp đau đầu, khai thác tiền sử và bệnh sử đã có thể định hướng chẩn đoán. Việc chụp CT, MRI và EEG (ghi điện não đồ) cho kết quả gần như bình thường trong các trường hợp đau đầu dạng căng thẳng, đau nửa đầu và đau đầu cụm. Tuy nhiên, những xét nghiệm này lại rất quan trọng ở những bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo cơn đau đầu đáng lo ngại gặp trong đột quỵ, chấn thương sọ não...

Sống chung với những cơn đau đầu triền miên

Việc thỉnh thoảng xuất hiện một vài cơn đau đầu trong cuộc sống không phải vấn đề khó giải quyết. Hầu hết các trường hợp có thể giảm đau một cách đơn giản bằng việc thay đổi thói quen sinh hoạt, hoặc dùng thuốc loại không kê đơn. Các kỹ thuật thư giãn, liệu pháp phản hồi sinh học, tập yoga và châm cứu cũng có tác dụng giảm đau. Học cách nhận biết những dấu hiệu đau đầu nguy hiểm cần can thiệp cấp cứu kịp thời. Trao đổi với bác sĩ để xây dựng một chương trình ngăn ngừa và điều trị chứng đau nửa đầu và các chứng đau đầu nghiêm trọng khác. Tránh việc lạm dụng thuốc và rơi vào vòng lặp luẩn quẩn của  tình trạng đau đầu do phụ thuộc thuốc gây ra.

Xem thêm :

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!