Video Tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu có thể được chữa khỏi dễ dàng bằng thuốc kháng sinh.
Các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu
Các triệu chứng của nhiễm trùng bàng quang thường xuất hiện đột ngột bao gồm:
- Tiểu đau và tiểu buốt
- Tiểu rắt
- Tiểu gấp
- Đau ở giữa bụng dưới, ngay trên xương mu
- Có máu trong nước tiểu
Các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu liên quan đến thận bao gồm những triệu chứng sau, ngoài những triệu chứng trước đó:
- Đau hai bên hông lưng không thay đổi khi thay đổi tư thế
- Sốt và ớn lạnh
- Buồn nôn, nôn
Một số triệu chứng nhất định của viêm tuyến tiền liệt bao gồm:
- Sốt
- Ớn lạnh
- Mệt mỏi
- Tiểu khó hoặc tiểu nhỏ giọt
- Đau vùng xương chậu hoặc đáy chậu (khu vực giữa trực tràng và bìu)
Nguyên nhân của nhiễm trùng đường tiểu
Hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu là do vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) sẵn trong cơ thể. Vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu qua niệu đạo (là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài qua dương vật).
Nhiễm trùng đường tiểu thường gặp ở phụ nữ hơn vì niệu đạo của họ ngắn hơn vì thế vi khuẩn sẽ di chuyển một khoảng cách ngắn hơn để đến bàng quang. Nếu nam giới quan hệ tình dục với phụ nữ bị nhiễm trùng đường tiểu thì họ sẽ không bị lây bệnh, bởi vì nhiễm trùng thường do vi khuẩn có sẵn trong đường tiết niệu của họ.
Nhiễm trùng đường tiểu ở nam giới thường gặp hơn ở những bệnh nhân lớn tuổi. Một lý do là nam giới lớn tuổi có nhiều khả năng bị phì đại tuyến tiền liệt hay còn gọi là tăng sản tuyến tiền liệt lành tính. Tuyến tiền liệt bao quanh cổ bàng quang, nơi niệu đạo nối với bàng quang. Sự phì đại của tuyến tiền liệt có thể làm nghẹt cổ bàng quang, khiến nước tiểu khó chảy ra ngoài hơn. Nếu bàng quang không rỗng hoàn toàn, vi khuẩn sẽ bị giữ lại trong bàng quang, phát triển và gây bệnh .
Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm:
- Bất động trong thời gian dài
- Không uống đủ nước
- Phẫu thuật đường tiết niệu gần đây
- Đái tháo đường
- Chưa cắt bao quy đầu
- Đại tiện không tự chủ
- Quan hệ tình dục qua đường hậu môn khiến niệu đạo tiếp xúc với nhiều vi khuẩn hơn
Chẩn đoán nhiễm trùng đường tiểu
Để chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu, bác sĩ sẽ khám và hỏi về các triệu chứng, tiền sử nhiễm trùng đường tiểu. Người bệnh cũng có thể cần phải xét nghiệm hoặc cấy nước tiểu để tìm kiếm vi khuẩn trong nước tiểu.
Nếu nghi ngờ tuyến tiền liệt phì đại, bác sĩ có thể thăm trực tràng để khám tuyến tiền liệt qua thành trực tràng.
Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu
Nếu bị nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh nhân cần được điều trị thuốc kháng sinh. Tùy thuộc vào loại kháng sinh mà bác sĩ kê đơn, người bệnh sẽ uống một hoặc hai lần một ngày trong 5 đến 7 ngày hoặc nhiều hơn.
Uống đủ nước cũng rất quan trọng. Bệnh nhân có thể giảm lượng nước uống vào nếu cảm thấy khó chịu khi đi tiểu. Đi tiểu có thể giúp loại bỏ vi khuẩn khỏi cơ thể vì thế bệnh nhân cần uống đủ nước và đi tiểu thường xuyên trong khi dùng thuốc kháng sinh.
Nhiều người uống nước ép nam việt quất khi nhiễm trùng đường tiểu với hy vọng giảm nguy cơ nhiễm trùng. Các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm với chuột cho thấy một số chất trong nước ép nam việt quất làm giảm số lượng vi khuẩn trong bàng quang. Tuy nhiên, không có bằng chứng chắc chắn rằng uống nước ép nam việt quất trong thời gian nhiễm trùng tiểu sẽ loại bỏ nhiễm trùng hoặc tăng tốc độ hồi phục.
Phục hồi sau nhiễm trùng đường tiểu
Sau khi điều trị kháng sinh, các triệu chứng sẽ giảm rõ rệt trong vòng 2 đến 3 ngày. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm sau khi dùng thuốc, hãy đến gặp bác sĩ.
Điều quan trọng là phải uống hết thuốc kháng sinh được kê đơn, ngay cả khi bạn cảm thấy tốt hơn. Ngừng thuốc kháng sinh sớm có thể làm vi khuẩn kháng kháng sinh. Trên thực tế, dung thuốc không đủ liệu trình sẽ chỉ tiêu diệt được những vi khuẩn yếu, để lại các chủng mạnh hơn và kháng thuốc hơn.
Phòng bệnh
Để ngăn ngừa UTIs, điều quan trọng nhất là giảm khả năng vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu. Các biện pháp có thể thực hiện bao gồm:
- Đi tiểu khi cảm thấy cần, không được nhịn tiểu.
- Uống đủ nước. Điều đó có nghĩa là uống khi khát và uống trong bữa ăn. Khi trời nóng hoặc hoạt động trong thời tiết nóng bức, hãy uống thêm nước. Tất cả các chất lỏng đều được coi là cung cấp đủ nước, bao gồm nước ngọt, cà phê và trà.
- Sau khi đi vệ sinh, lau từ trước ra sau.
- Giữ vùng kín sạch sẽ và khô ráo.
Tiên lượng
Nhiễm trùng đường tiết niệu ở nam giới ít gặp hơn ở nữ giới nhưng có nguyên nhân và cách điều trị tương tự. Bệnh thường sẽ khỏi sau khi điều trị kháng sinh từ 5 đến 7 ngày. Nam giới bị nhiễm trùng đường tiểu kéo dài, hoặc nhiễm trùng đường tiểu tái phát thường xuyên, cần được bác sĩ đánh giá các tình trạng như nhiễm trùng tuyến tiền liệt (viêm tuyến tiền liệt).
Xem thêm:
- 6 phương pháp điều trị tại nhà cho nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs)
- Bạn có thể quan hệ tình dục khi đang nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) không?
- Những điều cần biết về điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu khi mang thai
- Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI): Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
- Những điều cần biết về thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu