Bài tập đồng phân amin
1. Lý thuyết amin
1.1. Khái niệm
Khi thay thế một hay nhiều nguyên tử hiđro trong phân tử NH3 bằng một hay nhiều gốc hiđrocacbon ta được amin.
Ví dụ:
1.2. Danh pháp
Cách gọi tên theo danh pháp gốc – chức: Tên gốc hiđrocacbon + amin
Ví dụ: CH3NH2 (Metylamin), C2H5–NH2 (Etylamin), CH3CH(NH2)CH3 (Isopropylamin), …
Cách gọi tên theo danh pháp thay thế: Tên hiđrocacbon + vị trí + amin
Ví dụ: CH3NH2 (Metanamin), C2H5–NH2 (Etanamin), CH3CH(NH2)CH3 (Propan - 2 - amin), ...
Tên thông thường chỉ áp dụng với một số amin:
Tên gọi của một số amin
Lưu ý:
– Tên các nhóm ankyl đọc theo thứ tự chữ cái a, b, c, … + amin.
– Với các amin bậc 2 và 3, chọn mạch dài nhất chứa N làm mạch chính:
+ Có 2 nhóm ankyl → thêm 1 chữ N ở đầu.
Ví dụ: CH3–NH–C2H5: N–etyl metyl amin.
+ Có 3 nhóm ankyl → thêm 2 chữ N ở đầu (nếu trong 3 nhóm thế có 2 nhóm giống nhau).
Ví dụ: CH3–N(CH3)–C2H5: N, N–etyl đimetyl amin.
+ Có 3 nhóm ankyl khác nhau → 2 chữ N cách nhau 1 tên ankyl.
Ví dụ: CH3–N(C2H5)–C3H7: N–etyl–N–metyl propyl amin.
– Khi nhóm –NH2 đóng vai trò nhóm thế thì gọi là nhóm amino.
Ví dụ: CH3CH(NH2)COOH (axit 2–aminopropanoic).
1.3. Đồng phân
Đồng phân của một chất hữu cơ khá phức tạp và có nhiều loại: đồng phân mạch hở (đồng phân mạch cacbon), đồng phân hình học, đồng phân nhóm chức, đồng phân dẫn xuất, đồng phân amin bậc 1, đồng phân amin bậc 2, đồng phân amin bậc 3, ...
2. Phương pháp viết đồng phân amin
- Xác định độ bất bão hòa của phân tử (số liên kết , số vòng); với hợp chất CxHyNzOt theo biểu thức :
δ = (2x + 2 + z - y)/2
- Xác định các loại mạch cacbon: Mạch không nhánh, mạch có nhánh, vòng...
- Các loại nhóm chức, vị trí nhóm chức...
- Tên gọi theo tên thông tường, tên gốc chức, tên thay thế.
3. Ví dụ minh họa
Ví dụ 1 : Ứng với công thức phân tử C4H11N có bao nhiêu công thức cấu tạo của amin:
A. 8 B.7 C.6 D.5
Hướng dẫn giải :
δ = (2.4+2+1-11)/2 = 0
⇒ Amin no, mạch hở
Amin bậc 1:
CH3 – CH2 – CH2 – CH2 – NH2
CH3 – CH2 – CH(NH2) – CH3
CH3 – CH(CH3) – CH2 – NH2
(CH3)2 – C(NH2) – CH3
Amin bậc 2:
CH3 – CH2 – CH2 – NH – CH3
(CH3)2 – CH – NH – CH3
CH3 – CH2 – NH – CH2 – CH3
Amin bậc 3:
CH3 – CH2 – N – (CH3)2
⇒ 8 công thức
→ Đáp án A
Ví dụ 2 : Amin (CH3)2CHCH2 – NH2 có tên gọi là:
A. 2-metylpropan – 1 – amin
B. 2-metylpropan – 3 – amin
C. Metylpropylamin
D. 2 – Metylpropyl – 1 – amin
→ Đáp án A
Ví dụ 3 : Hỗn hợp 1,07g hai amin đơn chức bậc nhất kế tiếp nhau trong dãy đồng đẳng phản ứng vừa hết với axit nitro ở nhiệt độ thường tạo nên dung dịch X. Cho X tác dụng với Na dư thu được 0,03 mol H2. Xác định công thức 2 amin:
A. C3H7NH2 và C4H9NH2
B. C2H5NH2 và C3H7NH2
C. CH3NH2 và C2H5NH2
D. CH3NH2 và C3H7NH2
Hướng dẫn giải :
Đặt công thức chung của 2 amin là: R−NH2
R−NH2 + HONO → R−OH + N2 + H2O
X gồm R−OH và H2O phản ứng với Na:
nR−OH + nH2O = 2nH2 = 0,06
⇒ nR−OH = nH2O = 0,03 mol = n R−NH2
⇒ R−OH = 1,07 : 0,03 = 35,6 ⇒ R− = 18,6
⇒ -CH3 (15) và -C2H5 (29)
→ Đáp án C
4. Bài tập vận dụng (có đáp án)
Câu 1:Cho 0,15 mol H2NC3H5(COOH)2 (axitglutamic) vào175 ml dung dịch HCl 2M, thu được dung dịch X. Cho NaOH dư vào dung dịch X. Sau khi các phản ứng xảy ra hoàn toàn, số mol NaOH đã phản ứng là
A. 0,50.
B. 0,65.
C. 0,70.
D. 0,55.
Lời giải:
Số mol NaOH phản ứng với dung dịch X bằng số mol NaOH phản ứng với HCl và axit glutamic ban đầu.
→ nNaOH = 2 x n axit glutamic + nHCl = 2. 0,15 + 2 .0,175 = 0,65 mol
→ Đáp án B
Câu 2: Thuỷ phân hoàn toàn 1 mol pentapeptit X, thu được 2 mol glyxin (Gly), 1 mol alanin (Ala), 1 mol valin (Val) và 1 mol Phenylalanin (Phe). Thuỷ phân không hoàn toàn X thu được đipeptit Val-Phe và tripeptit Gly-Ala-Val nhưng không thu được đipeptit Gly-Gly. Chất X có công thức là
A. Gly-Phe-Gly-Ala-Val
B. Gly-Ala-Val-Val-Phe
C. Gly-Ala-Val-Phe-Gly
D. Val-Phe-Gly-Ala-Gly
Lời giải:
Thủy phân → X Val-Phe + Gly-Ala-Val
→ X có đoạn Gly-Ala-Val-Phe
Thủy phân X không thu được Gly-Gly nên mắt xích Gly còn lại xếp vào cuối: Gly-Ala-Val-Phe-Gly
Gly-Ala-Val-Phe-Gly
→ Đáp án C
Câu 3: Khi nói về peptit và protein, phát biểu nào sau đây là sai ?
A. Liên kết của nhóm CO với nhóm NH giữa hai đơn vị α-amino axit được gọi là liên kết peptit.
B. Tất cả các protein đều tan trong nước tạo thành dung dịch keo.
C. Protein có phản ứng màu biure với Cu(OH)2.
D. Thủy phân hoàn toàn protein đơn giản thu được các α-amino axit.
Lời giải:
B sai do chỉ có protein hình cầu tan trong nước tạo thành dung dịch keo, còn protein hình sợi hoàn toàn không tan trong nước.
→ Đáp án B
Câu 4: Thủy phân hết m gam tetrapeptit Ala-Ala-Ala-Ala (mạch hở) thu được hỗn hợp gồm 28,48 gam Ala, 32 gam Ala-Ala và 27,72 gam Ala-Ala-Ala. Giá trị của m là
A. 90,6.
B. 111,74.
C. 81,54.
D. 66,44.
Lời giải:
Sản phẩm thủy phân gồm:
n Ala = 0,32mol
n Ala-Ala = 0,2 mol
n Ala-Ala-Ala = 0,12 mol
Bảo toàn Ala:
4.n Ala-Ala-Ala-Ala = nAla + 2.n Ala-Ala + 3.n Ala-Ala-Ala
→ n Ala-Ala-Ala-Ala = 0,27 mol
→ m Ala-Ala-Ala-Ala = 81,54 mol
→ Đáp án C
Câu 5: Dung dịch nào sau đây làm quỳ tím đổi thành màu xanh?
A. Dung dịch alanin
B. Dung dịch glyxin
C. Dung dịch lysin
D. Dung dịch valin
Lời giải:
Các chất trên đều là amino axit. Ala, Gly, Val đều có 1 nhóm –NH2 và 1 nhóm –COOH nên môi trường trung tính, không làm đổi màu quỳ Lysin có 2 nhóm –NH2 và 1 nhóm –COOH nên làm đổi quỳ thành màu xanh (môi trường bazo)
→ Đáp án C
Câu 6: Cho ba dung dịch có cùng nồng độ mol: (1) H 2 NCH 2 COOH, (2) CH 3 COOH, (3) CH 3 CH 2 NH 2 . Dãy xếp theo thứ tự pH tăng dần là:
A. (3), (1), (2)
B. (1), (2), (3)
C. (2) , (3) , (1)
D. (2), (1), (3)
Lời giải:
(1) H2NCH2COOH: trung tính
(2) CH3COOH: tính axit
(3) CH3CH2NH2: bazo
→ Đáp án D
Câu 7: Hỗn hợp M gồm một anken và hai amin no, đơn chức, mạch hở X và Y là đồng đẳng kế tiếp (M x < M y ). Đốt cháy hoàn toàn một lượng M cần dùng 4,536 lít O2 (đktc) thu được H2 O, N2 và 2,24 lít CO2 (đktc). Chất Y là
A. etylmetylamin.
B. butylamin.
C. etylamin.
D. propylamin.
Lời giải:
nO2 = 0,2025 mol ; nCO2 = 0,1mol
Bảo toàn O → nH2 O = 0,205 mol
→ nM > 0,07
→ X là CH5 N và Y là C2 H7 N
→ Đáp án C
Câu 8: Hỗn hợp X gồm 2 amino axit no (chỉ có nhóm chức –COOH và –NH2trong phân tử), trong đó tỉ lệ mO: mN = 80: 21. Để tác dụng vừa đủ với 3,83 gam hỗn hợp X cần 30 ml dung dịch HCl 1M. Mặt khác, đốt cháy hoàn toàn 3,83 gam hỗn hợp X cần 3,192 lít O2(đktc). Dẫn toàn bộ sản phẩm cháy (CO2 , H2 O và N2) vào nước vôi trong dư thì khối lượng kết tủa thu được là
A. 20 gam.
B. 13 gam.
C. 10 gam.
D. 15 gam.
Lời giải:
Ta có nNH2 = nHCl = 0,03 mol ⇒ mN = 0,03.14 = 0,42g
Do mO : mN = 80 : 21
⇒ mO = 1,6g ⇒ nO = 0,1 mol
Khi đốt cháy X: Đặt nCO2 = x mol ; nH2O = y mol
⇒ Bảo toàn O: 2x + y = 0,1 + 0,285 = 0,385 mol
Có mX + mO2 = mCO2 + mH2O + mN2 ⇒ 44x + 18y = 7,97 g
⇒ x = 0,13 mol
⇒ mkết tủa = 0,13 . 100 = 13 g
→ Đáp án B
Câu 9: Cho 21 gam hỗn hợp gồm glyxin và axit axetic tác dụng vừa đủ với dung dịch KOH, thu được dung dịch X chứa 32,4 gam muối. Cho X tác dụng với dung dịch HCl dư, thu được dung dịch chứa m gam muối. Giá trị của m là
A. 44,65
B. 50,65
C. 22,35
D. 33,50
Lời giải:
Đặt a, b là số mol NH2-CH2-COOH và CH3-COOH
75a + 60b = 21 (1)
113a + 98b = 32,4 (2)
Từ (1) và (2) → a = 0,2 và b = 0,1
Dung dịch X chứa NH2-CH2-COOK (0,2 mol) và CH3COOK (0,1 mol)
X với HCl dư → Muối NH3Cl-CH2-COOH(0,2) và KCl(0,3)
→ m muối = 44,65g
→ Đáp án A
Câu 10: Cho dãy các chất sau: toluen, phenyl fomat, fructozơ, glyxylvalin (Gly-val), etylen glicol, triolein. Số chất bị thủy phân trong môi trường axit là:
A. 6
B. 3
C. 4
D. 5
Lời giải:
Các chất bị thủy phân là các: este – peptit – protein ... phenyl fomat, glyxylvalin (Gly-val), triolein.
→ Đáp án B
Câu 11: Cho 100 ml dung dịch amino axit X nồng độ 0,4M tác dụng vừa đủ với 80 ml dung dịch NaOH 0,5M, thu được dung dịch chứa 5 gam muối. Công thức của X là
A. H2 NC3 H6 COOH
B. H2 NC3 H5 (COOH)2
C. (H2 N)C4 H7 COOH
D. H2 NC2 H4 COOH
Lời giải:
nX = nNaOH = 0,04 mol → Phân tử X có 1 nhóm COOH
→ Muối có dạng (NH2)X R-COONa (0,04 mol)
→ M muối = 125
→ R + 16x = 58
→ R = 42, x = 1 (-C3H6-) là nghiệm thỏa mãn.
X là NH2-C3H6-COOH
→ Đáp án A
Câu 12: Cho X là hexapeptit, Ala-Gly-Ala-Val-Gly-Val và Y là tetrapeptit Gly-Ala-Gly-Glu. Thủy phân hoàn toàn m gam hỗn hợp gồm X và Y thu được 4 amino axit, trong đó có 30 gam glyxin và 28,48 gam alanin. Giá trị của m là
A. 77,6
B. 83,2
C. 87,4
D. 73,4
Lời giải:
Đặt x, y là số mol X, Y
Bảo toàn Gly → nGly = 2x + 2y = 0,4 mol
Bảo toàn Ala → nAla = 2x + y = 0,32 mol
→ x = 0,12 và y = 0,08
→ m = 472x + 332y = 83,2g
→ Đáp án B
Câu 13: Cho 0,76 gam hỗn hợp X gồm hai amin đơn chức, có số mol bằng nhau, phản ứng hoàn toàn với dung dịch HCl dư, thu được 1,49 gam muối. Khối lượng của amin có phân tử khối nhỏ hơn trong 0,76 gam X là
A. 0,45 gam.
B. 0,38 gam.
C. 0,58 gam.
D. 0,31 gam
Lời giải:
→ Mỗi amin có số mol là 0,01
Đặt khối lượng phân tử của 2 amin lần lượt là a và b g
→ mX = 0,01.a + 0,01.b = 0,76
→ a + b = 76
→ a = 31 (CH5N) và b = 45 (C2H7N) là nghiệm duy nhất.
→ mCH5N = 0,31 gam
→ Đáp án D
Câu 14: Phát biểu nào sau đây là sai ?
A. Cho Cu(OH)2 vào dung dịch lòng trắng trứng thấy xuất hiện màu vàng.
B. Dung dịch lysin làm xanh quỳ tím.
C. Anilin tác dụng với nước Brom tạo thành kết tủa trắng.
D. Dung dịch glyxin không làm đổi màu quỳ tím.
Lời giải:
Đáp án A sai vì cho Cu(OH)2 vào dung dịch lòng trắng trứng thấy xuất hiện màu tím.
Đáp án B đúng vì lysin có môi trường bazơ nên làm xanh quỳ tím.
Đáp án C đúng. C6 H5 NH2 + 3Br2 → (2,4,6)-Br3 C6 H2 OH↓ + 3HBr
Đáp án D đúng vì glyxin có môi trường trung tính nên không làm đổi màu quỳ tím.
→ Đáp án A
Câu 15: Hỗn hợp X gồm ba peptit đều mạch hở có tỉ lệ mol tương ứng là 1:1:3. Thủy phân hoàn toàn m gam X, thu được hỗn hợp sản phẩm gồm 14,24 gam alanin và 8,19 gam valin. Biết tổng số liên kết peptit trong phân tử của ba peptit trong X nhỏ hơn 13. Giá trị của m là
A. 18,83
B. 18,29
C. 19,19
D. 18,47
Lời giải:
nAla = 0,16 mol; nVal = 0,07mol
→ nAla : nVal = 16 : 7
Gọi 3 peptit là A, B, C.
A + B + 3C → [(Ala)16(Val)7]k + 4H2O
→ 23k – 1 < 39
→ k = 1 là nghiệm duy nhất.
Vậy: A + B + 3C → (Ala)16(Val)7 + 4H2O
0,01 0,04
→ mX = m(Ala)16(Val)7 + mH2O = 19,19g
→ Đáp án C
Câu 16: Có bao nhiêu tripeptit (mạch hở) khi thủy phân hoàn toàn đều thu được sản phẩm gồm alanin và glyxin?
A. 8.
B. 5.
C. 7.
D. 6.
Lời giải:
Ala-Ala-Gly; Gly-Ala-Ala; Ala-Gly-Ala; Gly-Ala-Gly; Gly-Gly-Ala; Ala-Gly-Gly
→ Đáp án D
Câu 17: Amino axit X trong phân tử có một nhóm –NH2 và một nhóm –COOH. Cho 26,7 gam X phản ứng với lượng dư dung dịch HC1, thu được dung dịch chứa 37,65 gam muối. Công thức của X là
A. H2N-[CH2]4-COOH.
B. H2N-[CH2]2-COOH.
C. H2N-[CH2]3-COOH.
D. H2N-CH2-COOH.
Lời giải:
Đặt CT của X là H2NRCOOH
26,7(g) X + ?HCl → 37,65(g) Muối.
Bảo toàn khối lượng: mHCl = 10,95(g) ⇒ nX = nHCl = 0,3 mol.
→ Đáp án B
Câu 18: Hỗn hợp X gồm 2 chất có công thức phân tử là C3H12N2O3 và C2H8N2O3. Cho 3,40 gam X phản ứng vừa đủ với dung dịch NaOH (đun nóng), thu được dung dịch Y chỉ gồm các chất vô cơ và 0,04 mol hỗn hợp 2 chất hữu cơ đơn chức (đều làm xanh giấy quỳ tím ẩm). Cô cạn Y, thu được m gam muối khan. Giá trị của m là:
A. 3,12
B. 2,76
C. 3,36
D. 2,97
Lời giải:
Hai chất là (CH3-NH3)2CO3 a mol và C2H5-NH3NO3 b mol.
→ mhh = 124a + 108b = 3,4 g
Và nkhí = 2a + b = 0,04 mol
→ a = 0,01 và b = 0,02
→ Muối khan: mNa2CO3 + mNaNO3 = 2,76 gam
→ Đáp án B
Câu 19: Thủy phân 14,6 gam Gly-Ala trong dung dịch NaOH dư thu được m gam muối. Giá trị của m là
A. 16,8.
B. 20,8.
C. 18,6.
D. 20,6.
Lời giải:
Phản ứng : Gly−Ala + 2NaOH → GlyNa + AlaNa + H2O
⇒ mmuối = 97n GlyNa + 111 nAlaNa =20,8gam
→ Đáp án B
Xem thêm các dạng bài tập Hóa Học hay khác:
30 Bài tập về Axit glutamic (2024) có đáp án chi tiết nhất
30 Bài tập Anilin tác dụng với dung dịch brom (2024) có đáp án chi tiết nhất
30 Bài tập Xà phòng hóa chất béo (2024) có đáp án
30 Bài tập về Nhận biết một số chất vô cơ (2024) có đáp án chi tiết nhất
30 Bài tập về Cấu tạo và tính chất của amin, amino axit và protein (2024) có đáp án chi tiết nhất