Những người bị cúm có khả năng lây cho người khác cao nhất vào ngày thứ ba đến ngày thứ tư sau khi mắc bệnh. Vì vậy, phát hiện sớm các triệu chứng của cảm cúm sẽ giúp giảm khả năng lây nhiễm cho người khác. Và việc điều trị sớm cũng sẽ làm giảm nhẹ các triệu chứng nhiều hơn.
Video Cách phân biệt cảm lạnh, cúm và COVID-19
Bệnh COVID – 19, gây ra do virus SARS-CoV-2, có thể có những triệu chứng tương tự với cúm nhưng đây là hai bệnh khác nhau. COVID – 19 có các triệu chứng phổ biến là ho khan, ho dai dẳng, sốt và mệt mỏi.
Bài viết này sẽ nói về các triệu chứng phổ thông ở giai đoạn sớm của cảm cúm cũng như cách điều trị và phòng ngừa căn bệnh này.
Các triệu chứng sớm của bệnh cúm
Các triệu chứng sớm của cúm xuất hiện sau 1 tới 4 ngày kể từ khi tiếp xúc với virus. Ban đầu, các triệu chứng sẽ gần tương tự với các triệu chứng của cảm lạnh thông thường, bao gồm:
- Mệt mỏi
- Chảy nước mũi
- Hắt xì
- Đau họng
Những triệu chứng này sẽ nhanh chóng trở nên trầm trọng hơn và có thể xuất hiện thêm các triệu chứng khác như sau:
- Ớn lạnh
- Mệt mỏi nhiều
- Sốt trên 38oC
- Đau đầu
- Đau cơ
- Nghẹt mũi
- Ho dai dẳng
- Đổ mồ hôi
Một số chủng cúm cũng có thể gây ra các vấn đề về đường tiêu hóa, ví dụ như buồn nôn, tiêu chảy hoặc nôn mửa.
Không phải ai bị cúm cũng sẽ phải trải qua tất cả các triệu chứng này. Một số người sẽ bị nặng hơn, trong khi một số khác lại có triệu chứng nhẹ hơn.
Các triệu chứng của COVID – 19
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), các triệu chứng của COVID – 19 sẽ xuất hiện sau 2 đến 14 ngày kể từ khi phơi nhiễm với virus.
Các triệu chứng bao gồm:
- Sốt
- Ho
- Thở nhanh
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bổ sung thêm các triệu chứng sau:
- Đau và nhức mỏi người
- Nghẹt mũi
- Chảy nước mũi
- Đau họng
- Tiêu chảy
Trong trường hợp nặng, các triệu chứng có thể là:
- Thở khó
- Đau hoặc tức ngực dai dẳng
- Mặt xanh, da nhợt
- Nhầm lẫn và thay đổi ý thức
Nếu bạn hay người thân có các triệu chứng này, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.
Triệu chứng của cúm theo từng độ tuổi
Các lứa tuổi khác nhau sẽ có các triệu chứng khác nhau. Các dấu hiệu cảnh báo nguy cấp cũng khác nhau giữa người lớn và trẻ em.
Trẻ em
Ngoài những triệu chứng đã nêu trên, các dấu hiệu khác của nhiễm virus cúm ở trẻ đã biết đi và trẻ lớn hơn bao gồm:
- Ít hoạt động hơn
- Khóc không ra nước mắt
- Tiểu khó hoặc tiểu ít
- Uống ít nước hơn
- Phát ban kèm sốt
- Tương tác ít
- Ăn ít
- Ngủ nhiều hơn
Một số triệu chứng trong danh sách trên – như khóc không ra nước mắt hoặc tiểu ít – là dấu hiệu của việc mất nước. Mất nước ở trẻ em có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không xử trí kịp thời.
Khi lo lắng về những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cảm cúm ở con, bố mẹ hãy tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ.
Mặt khác, trẻ em mắc COVID – 19 sẽ có những triệu chứng gần giống với người lớn nhưng những triệu chứng ở trẻ em thường nhẹ hơn. Tuy nhiên, những trẻ có các bệnh lý nền sẽ có nguy cơ cao bị những triệu chứng trầm trọng hơn.
Theo CDC, trẻ em mắc COVID – 19 sẽ có những triệu chứng gần giống bị cảm lạnh như:
- Sốt
- Chảy nước mũi
- Ho
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn chưa biết chính xác mức độ ảnh hưởng của COVID – 19 lên trẻ em. Bất kì độ tuổi nào mắc COVID – 19 mà có biểu hiện triệu chứng đều cần sự giám sát chặt chẽ. Nếu các triệu chứng của trẻ trở nên nặng hơn, như thở khó hơn, bố mẹ cần gọi cấp cứu. Cũng tương tự như vậy với người lớn.
Các dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ
Các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, cần điều trị khẩn cấp ở trẻ bao gồm:
- Mặt, môi xanh xao, nhợt nhạt
- Tức ngực
- Khó thở hoặc thở nhanh
- Sốt trên 38oC (hoặc dấu hiệu sốt ở trẻ sơ sinh dưới 12 tuần tuổi)
- Sốt hoặc ho nặng hơn (dù trước đó đã được cải thiện)
- Không tỉnh táo hoặc ít tương tác với người khác khi thức
- Không muốn di chuyển hoặc đi (do đau cơ nhiều)
- Co giật
- Mất nước và không được xử trí
- Các bệnh lý mạn tính trở nên trầm trọng hơn
Những trẻ có những triệu chứng nặng của cúm như trên cần tới sự chăm sóc y tế.
Người lớn
Người lớn cần tới sự chăm sóc y tế khi có những triệu chứng sau:
- Thở khó
- Sốt hoặc ho nặng hơn dù trước đó đã có cải thiện
- Không tiểu được
- Đau ngực hoặc đau dạ dày dai dẳng
- Chóng mặt hoặc lú lẫn dai dẳng
- Co giật
- Đau cơ nhiều
- Khó thở
- Yếu và mất thăng bằng
- Các bệnh lí khác trở nên trầm trọng hơn
Ngoài ra, người lớn tuổi, đặc biệt là những người từ 65 tuổi trở lên, có nguy cơ cao mắc các biến chứng nghiêm trọng khi bị cúm. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị rằng cần điều trị kịp thời cho đối tượng này khi có các triệu chứng cúm.
Người lớn tuổi rất dễ bị mất nước do càng lớn tuổi càng ít nhận thức được việc khát và giảm nhu cầu đi tiểu.
Vì thế, những người ở độ tuổi này và những người chăm sóc họ cần nhận thức được những dấu hiệu và cách điều trị của việc mất nước. Các triệu chứng của mất nước bao gồm:
- Tâm trí hoang mang
- Nước tiểu sẫm màu
- Chóng mặt
- Mệt mỏi
- Đi tiểu ít
Khát khô cổ cũng là một dấu hiệu của việc mất nước. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu, dấu hiệu này không áp dụng được cho người lớn tuổi. Không nên đợi cho tới khi cơn khát trở nên trầm trọng mới tìm cách điều trị.
Những người lớn tuổi mắc COVID – 19 sẽ có các triệu chứng nặng hơn, ví dụ như khó thở. Các đối tượng khác có nguy cơ cao hơn bao gồm những người có bệnh lý tiềm ẩn như tiểu đường, tim mạch, phổi, ung thư và huyết áp cao.
Phòng ngừa cúm
Có nhiều cách giúp giảm nguy cơ mắc cúm. Một trong những cách hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng cúm hàng năm. Đó là khuyến cáo của CDC Hoa Kỳ với mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên, bao gồm cả phụ nữ có thai.
Có một số trường hợp ngoại lệ nên trao đổi với bác sĩ của họ trước khi tiêm vaccine phòng cúm.
Những phương pháp khác giúp phòng ngừa cúm là:
- Tránh tiếp xúc với những người bị cúm
- Ở nhà khi bị cúm, tránh lây bệnh cho người khác
- Rửa tay kĩ và thường xuyên bằng xà phòng trong ít nhất 20s
- Tránh chạm tay lên mặt
- Khi không thể rửa tay, sử dụng nước sát khuẩn tay nhanh chứa nồng độ cồn ít nhất là 60%
Trong một số trường hợp, ví dụ như đại dịch COVID – 19, các chuyên gia sẽ yêu cầu mọi người giữ khoảng cách với nhau, tối thiểu là 2m ở những nơi công cộng. Đeo khẩu trang cũng có thể giúp giảm nguy cơ lây lan virus.
Điều trị
Điều trị cảm cúm bằng cách uống đủ nước và nghỉ ngơi. Tuy nhiên, những người có nguy cơ biến chứng cao hơn hoặc những người có những triệu chứng nghiêm trọng hơn sẽ cần can thiệp nhiều hơn.
Phương pháp điều trị tùy theo từng người. Nó phụ thuộc vào tuổi, sức khỏe cũng như chủng loại cúm và triệu chứng mà họ có. Bệnh nhân có thể được dùng thuốc điều trị hoặc dùng một số mẹo tại nhà.
Điều trị tại nhà
Các phương pháp điều trị cúm tại nhà bao gồm:
- Uống nhiều nước, từ nước lọc tới nước hoa quả, súp, nước dùng
- Nghỉ ngơi nhiều nhất có thể
- Bù nước, bù điện giải để tránh mất nước
- Sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau không kê đơn
Trẻ em và trẻ vị thành niên cần dùng thuốc giảm đau phù hợp với lứa tuổi. Aspirin không được dùng cho trẻ em do nguy cơ mắc hội chứng Reye. Đây là một bệnh hiếm gặp có thể gây tử vong.
Thuốc kê đơn
Bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc kháng virus dạng uống hoặc dạng hít. Loại thuốc này sẽ làm giảm thời gian bị cúm. Điều trị bằng thuốc kháng virus phải bắt đầu trong vòng 2 ngày kể từ khi bị bệnh.
Một số ví dụ của thuốc kháng virus:
- Baloxavir (Xofluza)
- Oseltamivir (Tamiflu)
- Peramivir (Rapivab)
- Zanamivir (Relenza)
Thời điểm cần đi khám
Tuy rất nhiều người đã điều trị cúm ở nhà thành công nhưng trẻ em và người lớn tuổi có nhiều nguy cơ bị biến chứng hơn và nên đi khám bác sĩ. Người trưởng thành có những triệu chứng cúm nặng, hệ thống miễn dịch bị suy giảm hoặc có các bệnh lý mãn tính cũng nên đi khám.
Những người muốn tiêm vaccine phòng cúm hoặc tìm hiểu thêm về chúng nên trao đổi với bác sĩ. Mặc dù CDC Hoa Kỳ khuyến cáo nên tiêm chủng vào cuối thàng 10 hàng năm nhưng bạn vẫn có thể tiêm trong suốt mùa cúm.
Đặc biệt, những người đang cảm thấy khó thở cần được can thiệp y tế ngay lập tức.
Kết luận
Hầu hết mọi người bị cúm sẽ khỏi trong vòng vài ngày tới 2 tuần mà không có biến chứng gì.
Một trong những biến chứng phổ thông nhất của bệnh cúm là viêm phổi, đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, những người có bệnh lí tiềm ẩn và người lớn tuổi. Nếu có các dấu hiệu cảnh báo tình trạng bệnh đang diễn biến xấu đi thì cần phải điều trị kịp thời.
Tiêm phòng vaccine cúm và áp dụng các phương pháp phòng chống cúm sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh này. Nếu các triệu chứng cúm xuất hiện, cần điều trị kịp thời. Việc điều trị tại nhà cũng có thể giảm khả năng bị biến chứng.
Xem thêm:
- Cảm cúm hay cảm lạnh: Làm thế nào để phân biệt?
- Cảm cúm trong thai kì: Những điều bạn nên biết
- Các triệu chứng cảm cúm ở trẻ em: Khi nào cần giúp đỡ, điều trị và hơn nữa
- Cảm cúm kéo dài bao lâu? Giai đoạn ủ bệnh, lây nhiễm và biện pháp điều trị
- Các biến chứng của cảm cúm: Yếu tố nguy cơ, tìm kiếm sự giúp đỡ và hơn nữa
- Cảm cúm: Thực phẩm nên ăn và nên tránh
- 10 cách điều trị cảm cúm tại nhà đơn giản, hiệu quả
- 12 mẹo để hồi phục nhanh khi bị cúm