Các triệu chứng cảm cúm ở trẻ thường giống với người lớn. Những triệu chứng này bao gồm:
- Sốt
- Chóng mặt
- Chán ăn
- Đau nhức cơ
- Mệt mỏi
- Tắc nghẽn ngực
- Ho
- Ớn lạnh và rùng mình
- Đau đầu
- Viêm họng
- Sổ mũi
- Đau tai ở một hoặc hai bên
- Tiêu chảy
- Buồn nôn
- Nôn mửa
Ở trẻ nhỏ, trẻ mới biết đi và trẻ chưa biết nói, chúng không thể nói với bạn về các triệu chứng của mình nhưng bạn có thể quan sát tần suất quấy khóc của chúng.
Phân biệt cảm cúm và cảm lạnh
Cảm lạnh thông thường và cảm cúm đều là bệnh đường hô hấp nhưng căn nguyên là từ những loại virus khác nhau. Cả hai bệnh này đều có nhiều triệu chứng chung nên khó có thể phân biệt được với nhau.
Cảm lạnh thường tiến triển từ từ trong khi cảm cúm tiến triển rất nhanh. Thông thường, khi bị cúm em bé sẽ cảm thấy mệt mỏi hơn so với bị cảm lạnh thông thường. Cảm cúm cũng bao gồm những triệu chứng mà cảm lạnh điển hình không có, như cảm thấy ớn lạnh, chóng mặt hay đau cơ.
Thời điểm cho bé đi khám bác sĩ
Nếu bạn nghi ngờ con bạn có thể bị cúm, hãy liên hệ với bác sĩ nhi khoa càng sớm càng tốt. Với những trẻ mới biết đi và những trẻ lớn hơn, hãy đến gặp bác sĩ nếu các triệu chứng ngày càng trầm trọng hơn. Bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán dựa vào các triệu chứng hoặc cho trẻ làm test cúm.
Thậm chí nếu bạn đã từng đưa con đi khám nhưng khi các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn, hãy cho chúng đi khám lại hoặc gọi cấp cứu ngay lập tức.
Những triệu chứng báo hiệu bạn cần gọi cấp cứu ngay lập tức bao gồm:
- Mất nước, không chịu bú mẹ hoặc không chịu uống nước
- Môi và móng tay nhợt nhạt, da xanh
- Mê man
- Không đánh thức được
- Khó thở
- Sốt cao sau khi đã hết sốt
- Đau đầu dữ dội
- Cổ cứng
- Quấy khóc ở trẻ sơ sinh
- Cáu gắt, ở trẻ mới biết đi hoặc trẻ lớn hơn
- Không muốn được bế hoặc chạm vào, ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi
Điều trị cảm cúm ở nhà
Dưới đây là một số cách điều trị và chăm sóc con bạn tại nhà khi chúng bị cảm cúm.
Tạo sự thoải mái
Một trong những điều quan trọng khi con bị cúm là hãy làm cho chúng cảm thấy thoải mái và nghỉ ngơi đầy đủ.
Chúng có thể có cảm giác nóng và lạnh xen kẽ nhau, vì vậy hãy chuẩn bị sẵn chăn cho trẻ. Không nên đắp chăn cho trẻ sơ sinh vì có nguy cơ gây ngạt thở. Thay vào đó, bạn có thể dùng túi ngủ cho chúng.
Nếu con bạn bị nghẹt mũi, bạn có thể sử dụng thuốc nhỏ mũi hoặc máy tạo độ ẩm. Trẻ lớn hơn có thể súc miệng bằng nước muối ấm để giảm đau họng.
Thuốc không kê đơn (OTC)
Dựa vào tuổi và cân nặng, các thuốc không kê đơn như ibuprofen và acetaminophen giúp hạ sốt và giảm đau, từ đó sẽ làm em bé thấy dễ chịu hơn. Hãy trao đổi với bác sĩ nhi khoa về loại thuốc bạn có thể dùng và tránh dùng quá liều, ngay cả khi không thấy thuốc có tác dụng.
Hãy nhớ không được cho trẻ uống aspirin. Aspirin có thể gây ra một biến chứng nghiêm trọng ở trẻ em, được gọi là hội chứng Reye.
Ngoài ra, các thuốc giảm ho thường không được dùng cho trẻ do chúng có các tác dụng phụ không mong muốn.
Cho trẻ uống đủ nước
Trẻ có thể trở nên biếng ăn khi chúng bị cúm nhưng bố mẹ cần phải cung cấp đủ nước cho trẻ để tránh mất nước. Ở trẻ sơ sinh, tình trạng mất nước thể hiện qua dấu hiệu thóp lõm trên đỉnh đầu bé.
Những dấu hiệu khác của mất nước bao gồm:
- Nước tiểu có màu sẫm hơn bình thường
- Khóc không ra nước mắt
- Môi khô, nứt nẻ
- Khô lưỡi
- Mắt trũng sâu
- Khô da hoặc da có đốm ở bàn tay và bàn chân, có cảm giác lạnh khi sờ vào
- Khó thở hoặc thở rất nhanh
Giảm lượng nước tiểu là một triệu chứng khác của tình trạng mất nước. Sử dụng ít hơn sáu tã rưỡi mỗi ngày ở trẻ sơ sinh hoặc trong tám giờ không thấy tã ướt ở trẻ mới biết đi là những dấu hiệu cho thấy tình trạng mất nước.
Nên cho trẻ ăn các chất lỏng, chẳng hạn như nước lọc, súp, hoặc nước trái cây không đường. Bạn cũng có thể cho trẻ ăn kem que không đường hoặc đá bào để ngậm. Nếu bạn đang cho con bú sữa mẹ, hãy tiếp tục cho trẻ bú bình thường.
Nếu bạn không thể cho trẻ uống nước, hãy thông báo cho bác sĩ biết ngay lập tức. Trong một số trường hợp có thể cần truyền dịch qua đường tĩnh mạch.
Có những loại thuốc kê đơn nào mà con tôi có thể dùng?
Trong những trường hợp nặng, có thể sẽ phải dùng tới các loại thuốc kê đơn gọi là thuốc kháng virus cúm. Trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ được chẩn đoán mắc cúm thường được kê đơn thuốc nếu chúng bị bệnh nặng, phải nhập viện hoặc có nguy cơ cao bị biến chứng do cúm.
Những loại thuốc này làm chậm hoặc ngăn chặn khả năng tiếp tục nhân lên của virus cúm trong cơ thể. Chúng có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, cũng như rút ngắn thời gian con bạn bị ốm. Quan trọng nhất đối với trẻ em có nguy cơ cao mắc cúm là những loại thuốc này cũng có thể làm giảm tỷ lệ biến chứng, bao gồm:
- Nhiễm trùng tai
- Nhiễm trùng do vi khuẩn
- Viêm phổi
- Suy hô hấp
- Tử vong
Trẻ em nên bắt đầu dùng loại thuốc này càng nhanh càng tốt sau khi được chẩn đoán, vì chúng sẽ có hiệu quả cao nhất nếu uống trong vòng 2 ngày đầu kể từ khi có triệu chứng. Thuốc thường được kê cho trẻ em khi bị nghi ngờ mắc bệnh cúm, ngay cả khi chưa có chẩn đoán chính xác.
Thuốc kháng virus cúm có nhiều dạng, bao gồm thuốc viên, thuốc dạng dung dịch và thuốc dạng hít. Thậm chí có những loại thuốc có sẵn cho trẻ sơ sinh 2 tuần tuổi.
Một số trẻ sẽ gặp phải tác dụng phụ của các loại thuốc này, chẳng hạn như buồn nôn và nôn. Một số loại thuốc, bao gồm oseltamivir (Tamiflu) đôi khi có thể gây mê sảng hoặc tự gây thương tích ở trẻ em và thanh thiếu niên. Hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa của con bạn về những lợi ích và tác dụng phụ của những loại thuốc này để bạn có thể quyết định loại nào tốt nhất cho con mình.
Ai có nguy cơ bị các biến chứng do cúm cao hơn?
Trẻ em dưới 5 tuổi và đặc biệt là trẻ em dưới 2 tuổi, được coi là có nguy cơ cao bị biến chứng do cúm. Điều này không có nghĩa là con bạn chắc chắn sẽ bị biến chứng nghiêm trọng. Nhưng bạn luôn cần đặc biệt cảnh giác về các triệu chứng của chúng.
Trẻ em ở mọi lứa tuổi mắc các bệnh như hen suyễn, HIV, tiểu đường, rối loạn não hoặc rối loạn hệ thần kinh, cũng có nguy cơ bị biến chứng cao hơn.
Mùa cúm
Mùa cúm bắt đầu từ mùa thu và kéo dài qua mùa đông. Nó thường đạt đỉnh vào khoảng giữa tháng 11 và tháng 3. Mùa cúm thường kết thúc vào cuối tháng ba. Tuy nhiên, sau thời gian đó trẻ vẫn có nguy cơ bị cúm.
Chủng virus gây bệnh cúm thay đổi theo từng năm. Điều này đã được chứng minh là có tác động đến một số nhóm. Nói chung, những người trên 65 tuổi và trẻ em dưới 5 tuổi là những người dễ bị cúm nhất, cũng như bị các biến chứng liên quan đến cúm.
Bệnh cúm lây lan như thế nào và bạn có thể làm gì để ngăn ngừa nó?
Bệnh cúm rất dễ lây lan và có thể lây truyền qua tiếp xúc, trên bề mặt và qua các giọt bắn trong không khí được tạo ra khi ho, hắt hơi và nói chuyện. Bạn có thể lây nhiễm cho người khác sau khi xuất hiện triệu chứng một ngày và sẽ vẫn lây trong khoảng một tuần hoặc cho đến khi các triệu chứng của bạn biến mất hoàn toàn. Trẻ em có thể mất nhiều thời gian hơn để hồi phục sau bệnh cúm và có thể lây nhiễm cho người khác trong một thời gian dài hơn.
Nếu bạn là cha mẹ và bị cúm, hãy tránh tiếp xúc với con càng nhiều càng tốt nhưng việc này khá khó để thực hiện. Bạn có thể nhờ vả người thân trông con hộ.
Bên cạnh đó, bố mẹ nên lưu ý những việc sau:
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn hoặc chạm vào con bạn.
- Vứt khăn giấy bẩn ngay lập tức.
- Che miệng và mũi của bạn khi hắt hơi hoặc ho.
- Đeo khẩu trang che mũi và miệng. Điều này có thể giúp hạn chế sự lây lan của vi trùng khi bạn ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.
Virus cúm có thể sống trên bề mặt cứng trong 24 giờ. Vì vậy nên lau sạch tay nắm cửa, bàn và các bề mặt khác trong nhà của bạn bằng hydrogen peroxide, cồn, chất tẩy rửa hoặc chất khử trùng gốc i-ốt.
Con tôi có nên tiêm phòng cúm không?
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo rằng tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm vaccine cúm theo mùa, ngay cả trong những năm mà vaccine này không có hiệu quả bằng những năm trước. Trẻ em dưới 6 tháng tuổi không được tiêm ngừa cúm.
Có thể mất vài tuần để vaccine phát huy hết tác dụng. Trẻ em nên bắt đầu quy trình tiêm vaccine sớm trong mùa cúm, tốt nhất là vào đầu tháng 10.
Thường cần tiêm hai liều vaccine để phát huy hết tác dụng lên hệ miễn dịch, mặc dù khuyến cáo này có thể thay đổi đôi chút qua từng năm. Hai liều cách nhau ít nhất 28 ngày.
Vaccine cúm an toàn với trẻ em trừ khi chúng mắc các bệnh lí đặc biệt. Vì trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi không thể tiêm phòng nên bố mẹ nên tránh để con tiếp xúc với những người bị cúm. Tất cả những người chăm sóc trẻ nên tiêm phòng cúm.
Không có cách nào giúp hạn chế hoàn toàn nguy cơ mắc bệnh cúm cho con nhưng có một số điều bạn có thể làm:
- Cho chúng tránh xa những người có các triệu chứng giống như cúm, kể cả những người đang bị ho.
- Hướng dẫn con rửa tay thường xuyên và không chạm vào mặt.
- Đưa cho chúng một loại nước rửa tay mà chúng muốn sử dụng, chẳng hạn như một loại có mùi trái cây hoặc một chai có hình nhân vật hoạt hình.
- Nhắc chúng không chia sẻ đồ ăn hoặc thức uống với bạn bè.
Kết luận
Nếu con bạn bị cúm hoặc có các triệu chứng giống như cúm, bạn nên cho con đi khám bác sĩ. Hãy trao đổi với bác sĩ về loại thuốc kháng virus bác sĩ kê cho con. Nếu cần, con sẽ phải uống thuốc trong vòng 48 giờ kể từ khi có triệu chứng đầu tiên.
Tiêm vaccine cúm là cách bảo vệ tốt nhất cho con bạn chống lại bệnh cúm, ngay cả khi vaccine không hoàn toàn phòng ngừa được bệnh. Nhưng tiêm vaccine cúm có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và giảm nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng do cúm.
Nếu con bạn bị cúm và bị mất nước, hoặc các triệu chứng dần trở nên trầm trọng hơn, hãy cho chúng nhập viện ngay lập tức để được điều trị kịp thời.
Xem thêm:
- Cảm cúm hay cảm lạnh: Làm thế nào để phân biệt?
- Cảm cúm trong thai kì: Những điều bạn nên biết
- Các triệu chứng sớm của cảm cúm ở người lớn và trẻ em
- Cảm cúm kéo dài bao lâu? Giai đoạn ủ bệnh, lây nhiễm và biện pháp điều trị
- Các biến chứng của cảm cúm: Yếu tố nguy cơ, tìm kiếm sự giúp đỡ và hơn nữa
- Cảm cúm: Thực phẩm nên ăn và nên tránh
- 10 cách điều trị cảm cúm tại nhà đơn giản, hiệu quả
- 12 mẹo để hồi phục nhanh khi bị cúm