Ruột thừa có hình dạng như một con giun nhỏ. Nó được nối với đáy manh tràng - nơi chuyển tiếp giữa ruột non và ruột già, ở phía dưới bên phải của bụng. Hầu hết các bác sĩ cho rằng ruột thừa không có chức năng gì quan trọng và việc cắt bỏ nó không gây bất kỳ tác động xấu nào đến sức khỏe.
Viêm ruột thừa gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10 đến 20 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ giới.
Một nghiên cứu trên Tạp chí Đại học Phẫu thuật của Hoa Kì (American College of Surgeons) cho thấy nguy cơ vỡ ruột thừa dưới 2% khi viêm ruột thừa được điều trị trong vòng 36 đầu. Và nguy cơ này tăng lên 5% khi viêm ruột thừa được điều trị sau 36 giờ kể từ khi có triệu chứng.
Nguyên nhân gây vỡ ruột thừa
Nguyên nhân chính xác của viêm ruột thừa chưa được biết rõ, nhưng các bác sĩ cho rằng có khả năng là do tình trạng nhiễm trùng gây phản ứng viêm ở bên trong nó.
Bình thường có rất nhiều vi khuẩn trong đường ruột. Khi lỗ mở của ruột thừa vào manh tràng bị tắc nghẽn, vi khuẩn sống bên trong cơ quan này có cơ hội nhân lên nhanh chóng.
Hậu quả là, ruột thừa sẽ bị viêm, chứa đầy vi khuẩn và mủ. Điều này kéo theo áp lực trong lòng ruột thừa tăng cao, ruột thừa sưng to lên và lượng máu cung cấp cho ruột thừa bị giảm. Các tế bào tạo nên mô ruột thừa vì thiếu máu mà chết, hoại tử. Thành ruột bị hủy hoại trở nên mỏng dần và cuối cùng là vỡ. Vi khuẩn và mủ theo lỗ thủng rò rì vào ổ bụng thay vì vỡ ra như một quả bóng.
Triệu chứng của vỡ ruột thừa
Các triệu chứng của viêm ruột thừa có thể tương tự như các triệu chứng của những bệnh lý khác vùng bụng, chẳng hạn như viêm dạ dày ruột hoặc u nang buồng trứng. Vì lý do này, khó xác định chính xác bạn có bị viêm ruột thừa hay không.
Nếu bạn nghi ngờ mình bị viêm ruột thừa, hãy đi khám càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng vỡ ruột thừa. Mặc dù tỷ lệ thấp, nhưng vỡ ruột thừa vẫn có khả năng xảy ra trong vòng 36 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên.
Các triệu chứng kinh điển của viêm ruột thừa là cơn đau bắt đầu xung quanh rốn tiếp đó là nôn mửa. Sau vài giờ, cơn đau dịch chuyển xuống vùng bụng dưới bên phải (còn gọi là hố chậu phải).
Một nghiên cứu cho thấy chỉ khoảng 50% những người bị viêm ruột thừa có các triệu chứng này.
Các triệu chứng khác của viêm ruột thừa bao gồm:
- Sốt
- Buồn nôn và nôn
- Đau bụng có thể bắt đầu ở vị trí vùng bụng trên hoặc bụng giữa nhưng sau đó thường di chuyển xuống vùng hố chậu phải
- Đau bụng tăng khi đi, đứng, nhảy, ho hoặc hắt hơi
- Mất cảm giác thèm ăn
- Táo bón hoặc tiêu chảy
- Bí trung tiện
- Bụng chướng hơi
- Đau tang khi ấn tay vào bụng
Cơn đau thường lan tỏa khắp bụng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ở người mang thai và người lớn tuổi, mức độ đau thường nhẹ hơn.
Khi ruột thừa bị vỡ, các triệu chứng sẽ khác nhau tùy thuộc vào diễn biến tiếp theo. Trong vài giờ đầu sau vỡ, bạn có thể cảm thấy thấy đỡ hơn vì áp lực trong ruột thừa đã giảm cùng với sự biến mất của các triệu chứng ban đầu.
Khi vi khuẩn xâm nhập vào ổ bụng, lớp lót mặt trong khoang bụng và bên ngoài các cơ quan trong ổ bụng (hay còn gọi là phúc mạc) sẽ bị viêm. Tình trạng này hay còn được gọi là viêm phúc mạc là một tình trạng rất nghiêm trọng, khiến bệnh nhân rất đau và cần được điều trị ngay lập tức. Các triệu chứng sẽ tương tự như đối với viêm ruột thừa, ngoại trừ:
- Đau ở khắp bụng
- Cơn đau liên tục và dữ dội hơn
- Sốt thường cao hơn
- Nhịp thở và nhịp tim tăng để phản ứng với cơn đau dữ dội
- Ớn lạnh, suy nhược và lú lẫn
Khi bị nhiễm trùng ổ bụng, các cơ quan như mạc nối lớn, mạc treo ruột và ruột non có xu hướng tạo thành lớp vỏ bao bọc lấy khối dịch viêm tạo thành áp xe. Khối dịch viêm bao gồm hỗn hợp vi khuẩn và mủ. Các triệu chứng của áp xe cũng tương tự như đối với viêm ruột thừa, ngoại trừ:
- Cơn đau có khả năng chỉ xuất hiện ở một vùng, nhưng không nhất thiết là vùng bụng dưới bên phải, hoặc có thể đau khắp bụng.
- Cơn đau âm ỉ hoặc như dao đâm
- Sốt thường dai dẳng, ngay cả khi bạn uống thuốc kháng sinh
- Ớn lạnh và suy nhược
Khi không được điều trị, vi khuẩn từ ruột thừa bị vỡ có nguy cơ xâm nhập vào máu gây ra một tình trạng nghiêm trọng gọi là nhiễm trùng huyết. Đây là tình trạng viêm xảy ra trên toàn bộ cơ thể. Một số triệu chứng của nhiễm trùng huyết là:
- Sốt hoặc nhiệt độ thấp
- Nhịp tim và nhịp thở nhanh
- Ớn lạnh
- Mệt mỏi nhiều
- Lú lẫn
- Huyết áp thấp
Điều trị vỡ ruột thừa
Phương pháp điều trị vỡ ruột thừa là cắt bỏ ruột thừa thông qua phẫu thuật. Viêm phúc mạc được điều trị bằng cách làm sạch khoang bụng, loại bỏ vi khuẩn trong quá trình phẫu thuật. Bạn thường sẽ được truyền kháng sinh qua tĩnh mạch, ít nhất là trong vài ngày đầu tiên. Bạn cần sử dụng thuốc kháng sinh trong vài tuần để chắc chắn rằng tình trạng nhiễm trùng đã biến mất.
Thông thường, ruột thừa sẽ được cắt bỏ ngay lập tức. Tuy nhiên, trong trường hợp có áp xe lớn, bác sĩ sẽ tiến hành dẫn lưu nó trước khi phẫu thuật bằng cách đưa một ống vào ổ áp xe để cho vi khuẩn, mủ, dịch viêm thoát ra ngoài. Quá trình này có khả năng mất vài tuần, vì vậy bạn sẽ được ống dẫn lưu tại chỗ kèm sử dụng thuốc kháng sinh và theo dõi tại nhà
Khi ổ áp xe được dẫn lưu và tình trạng nhiễm trùng, viêm nhiễm được kiểm soát, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật.
Quá trình phục hồi
Sau khi ruột thừa bị vỡ đã được cắt bỏ hoặc đặt ống dẫn lưu vào ổ áp xe, bạn sẽ cần dùng kháng sinh trong một thời gian. Một vài ngày đâu, kháng sinh được truyền qua tĩnh mạch tại bệnh viện. Sau đó, bạn chỉ cần sử dụng kháng sinh đường uống khi xuất viện.
Thời gian dùng khác sinh tối đa hai đến bốn tuần, tùy thuộc vào mức độ của tình trạng viêm phúc mạc hoặc áp xe.
Phẫu thuật mổ mở (thay vì nội soi) được ưu tiên lựa chọn trong trường hợp ruột thừa bị vỡ. Phương pháp này giúp bác sĩ đảm bảo việc làm sạch hoàn toàn các viêm nhiễm trong ổ bụng. Có thể mất từ bốn đến sáu tuần để hồi phục hoàn toàn. Sẽ lâu hơn nếu bạn phải đặt dẫn lưu.
Trong một vài ngày sau khi phẫu thuật hoặc sau khi đặt ống dẫn lưu, bác sĩ có thể kê cho bạn thuốc giảm đau loại mạnh. Sau đó, bạn thường chỉ cần kiểm soát cơn đau bằng thuốc không kê đơn, như ibuprofen hoặc acetaminophen.
Sau khi phẫu thuật, bạn nên đứng dậy và đi lại càng sớm càng tốt. Phải mất một vài ngày để ruột bắt đầu hoạt động trở lại vì vậy bạn hãy thực hiện chế độ ăn thích hợp trong thời gian đầu sau mổ.
Giữ cho vết mổ luôn sạch sẽ và khô ráo. Tránh tắm bồn hoặc tắm vòi sen cho đến khi được sự đồng ý của bác sĩ.
Tránh nâng bất cứ vật gì nặng hoặc tham gia các môn thể thao hoặc các hoạt động gắng sức khác trong vòng bốn đến sáu tuần sau khi phẫu thuật mở. Thời điểm tốt nhất để bạn trở lại làm việc hoặc đi học tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe từng người, có thể là 1 tuần sau phẫu thuật hoặc lâu hơn.
Tiên lượng
Nếu không được điều trị đúng và kịp, ruột thừa bị vỡ là một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tiên lượng xấu.
Khi bạn có triệu chứng, bạn cần đến các cơ sở y tế ngay lập tức. Hầu hết các trường hợp, người bệnh sẽ hồi phục hoàn toàn nếu được điều trị kịp thời, chính xác.
Do đó, điều quan trọng là phải đến gặp bác sĩ nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của viêm ruột thừa.
Xem thêm:
- Ruột thừa có chức năng gì? Dấu hiệu nhận biết viêm ruột thừa và biện pháp điều trị
- Mổ ruột thừa: Các phương pháp, rủi ro và phục hồi sau phẫu thuật
- Viêm ruột thừa ở trẻ em: Dấu hiệu nhận biết và cách xử lý
- Viêm ruột thừa mạn tính: Triệu chứng, điều trị và nguy cơ biến chứng
- Viêm ruột thừa khi mang thai: Dấu hiệu nhận biết và biện pháp điều trị