Video Viêm loét dạ dày tá tràng, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị
Viêm loét dạ dày xảy ra khi lớp chất nhầy bảo vệ dạ dày của bạn bị mỏng đi, tạo cơ hội cho các axit tiêu hóa ăn mòn lớp niêm mạc dạ dày, gây ra vết loét.
Ngày nay, viêm loét dạ dày được chữa khỏi rất dễ dàng, nhưng nó cũng có thể trở nên trầm trọng nếu không được điều trị thích hợp.
Nguyên nhân gây ra viêm loét dạ dày
Trong hầu hết các trường hợp, viêm loét dạ dày được gây nên bởi một trong những nguyên nhân sau:
- Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori).
- Sử dụng lâu dài thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), chẳng hạn như aspirin, ibuprofen hoặc naproxen.
Ngoài ra, hội chứng Zollinger-Ellison cũng có thể gây viêm loét dạ dày và ruột bằng cách tăng sản xuất axit của cơ thể. Hội chứng này được cho là nguyên nhân gây ra các vết loét dạ dày tá tràng của ít hơn 1 phần trăm trong tổng số các trường hợp.
Các triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày
Có rất nhiều triệu chứng liên quan đến viêm loét dạ dày. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng phụ thuộc vào mức độ vết loét.
Triệu chứng phổ biến nhất là cảm giác nóng rát hoặc đau ở vùng thượng vị (giữa ngực và rốn). Thông thường, cơn đau sẽ dữ dội hơn khi bụng rỗng, có thể kéo dài trong vài phút đến vài giờ.
Các triệu chứng phổ biến khác của loét bao gồm:
- Đau âm ỉ trong dạ dày, cơn đau có thể giảm đi khi ăn, uống hoặc dùng thuốc kháng axit
- Buồn nôn hoặc nôn
- Đầy hơi
- Ăn nhanh no
- Gầy sút cân
- Ợ hơi hoặc trào ngược acid
- Ợ chua đông thời có cảm giác nóng rát ở ngực
- Thiếu máu, các triệu chứng có thể bao gồm mệt mỏi, khó thở hoặc xanh xao
- Đi ngoài phân sẫm màu, phân đen
- Nôn ra máu hoặc chất nôn trông giống như bã cà phê
Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh viêm loét dạ dày. Mặc dù cảm giác khó chịu có thể không đáng kể, nhưng vết loét sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu không được điều trị. Không những thế, các vết loét chảy máu còn có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng.
Chẩn đoán viêm loét dạ dày
Chẩn đoán và điều trị viêm loét dạ dày phụ thuộc vào các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của vết loét. Để chẩn đoán viêm loét dạ dày, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh cùng với các triệu chứng của bạn và tất cả những loại thuốc mà bạn đang dùng.
Để loại trừ nhiễm vi khuẩn H. pylori, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu, phân hoặc hơi thở. Với xét nghiệm hơi thở, bạn sẽ được hướng dẫn uống một chất lỏng trong suốt sau đó thở vào một chiếc túi kín. Nếu vi khuẩn H. pylori dương tính, mẫu hơi thở sẽ chứa lượng CO2 cao hơn mức bình thường.
Các phương pháp khác được sử dụng để chẩn đoán viêm loét dạ dày bao gồm:
- X quang: Bạn sẽ uống một chất lỏng màu trắng đặc (bari sulfat). Đây là một loại thuốc cản quang, nó bao phủ đường tiêu hóa trên và giúp bác sĩ nhìn thấy dạ dày và ruột non của bạn trên X-quang.
- Nội soi: Một chiếc ống nhỏ, có đèn, gắn camera được đưa qua miệng của bạn vào dạ dày và phần đầu của ruột non. Nội soi được sử dụng để tìm vết loét, chảy máu và các tổn thương bất thường.
- Sinh thiết: Một phần mô dạ dày được lấy ra và được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích.
Điều trị viêm loét dạ dày
Phương pháp điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra vết loét của bạn. Hầu hết các vết loét có thể được điều trị bằng thuốc, nhưng trong một số rất ít trường hợp, bạn có thể sẽ phải phẫu thuật.
Điều quan trọng nhất mà bạn cần nhớ là vết loét cần được điều trị kịp thời. Hãy đến gặp bác sĩ để có phương pháp chữa trị phù hợp. Nếu vết loét đang chảy máu, bạn có thể sẽ phải nhập viện để điều trị tích cực bằng nội soi và tiêm thuốc điều trị loét theo đường tĩnh mạch. Bạn cũng có thể được truyền máu nếu mất máu quá nhiều.
Điều trị nội khoa
Nếu nguyên nhân gây nên bệnh viêm loét dạ dày của bạn là vi khuẩn H. pylori, bạn sẽ cần dùng kháng sinh và các loại thuốc ức chế bơm proton (PPIs). Thuốc PPIs ngăn chặn các tế bào dạ dày sản xuất axit.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị bạn:
- Sử dụng thuốc chẹn thụ thể H2 (ngăn chặn sản xuất axit)
- Ngừng sử dụng tất cả các thuốc NSAID
- Nội soi theo dõi
- Sử dụng chế phẩm sinh học ( chứa vi khuẩn có lợi có vai trò tiêu diệt H. pylori)
- Bổ sung Bismuth (một nguyên tố hóa học)
Các triệu chứng của vết loét có thể thuyên giảm nhanh chóng khi điều trị. Nhưng ngay cả khi chúng đã biến mất, bạn vẫn nên tiếp tục dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những trường hợp nhiễm vi khuẩn H. pylori, để đảm bảo rằng tất cả vi khuẩn đã bị tiêu diệt.
Tác dụng phụ của thuốc điều trị viêm loét dạ dày có thể bao gồm:
- Buồn nôn
- Chóng mặt
- Đau đầu
- Tiêu chảy
- Đau bụng
Những tác dụng phụ này thường chỉ thoáng qua. Nếu cơ thể bạn phản ứng quá mức, hãy liên hệ với bác sĩ để được hỗ trợ.
Điều trị phẫu thuật
Trong một số rất ít trường hợp, bác sĩ sẽ phải phẫu thuật nếu vết loét phức tạp. Đó có thể là do các vết loét:
- Tái lại nhiều lần
- Không thể chữa lành bằng điều trị nội khoa
- Chảy máu
- Làm thủng dạ dày
- Khiến cho thức ăn không thể đi từ dạ dày vào ruột non
Phẫu thuật có thể bao gồm:
- Loại bỏ toàn bộ vết loét
- Lấy mô từ một phần khác của ruột và vá nó lên vị trí loét
- Thắt động mạch gây chảy máu
- Cắt dây thần kinh chi phối dạ dày để giảm sản xuất axit dạ dày
Chế độ ăn uống cho người bị bệnh dạ dày
Trước đây, người ta cho rằng chế độ ăn uống có thể gây nên viêm loét dạ dày. Nhưng khoa học đã chứng minh rằng điều này là không chính xác. Mặc dù thực phẩm bạn ăn không gây ra hoặc chữa khỏi bệnh viêm loét dạ dày, nhưng một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ có lợi cho đường ruột và sức khỏe tổng thể của bạn. Nói chung, bạn nên ăn nhiều trái cây, rau xanh và chất xơ.
Một số thực phẩm có thể đóng vai trò hỗ trợ trong việc loại bỏ H. pylori. Những thực phẩm đó bao gồm:
- Các loại rau xanh như bông cải xanh, súp lơ trắng, bắp cải và củ cải, rau chân vịt, cải xoăn…
- Thực phẩm giàu probiotic, chẳng hạn như dưa chua, tương miso, nấm thủy sâm kombucha, sữa chua (đặc biệt giàu Lactobacillus và Sacharomyces)
- Táo
- Quả việt quất, quả mâm xôi, dâu tây và dâu tằm
- Dầu ô liu
Đồng thời, vì những người bị viêm loét dạ dày có thể bị trào ngược axit, nên tránh xa thức ăn chua và cay trong khi vết loét đang lành.
Ngoài việc ăn những thực phẩm lành mạnh, những chất sau đây có thể giúp giảm tác động của H. pylori, từ đó làm nhẹ đi triệu chứng của bệnh. Lưu ý rằng những chất bổ sung này không nhằm thay thế thuốc kê đơn hoặc kế hoạch điều trị hiện tại của bạn. Chúng bao gồm:
- Men vi sinh
- Mật ong
- Glutamine (có trong thịt gà, cá, trứng, rau bina và bắp cải)
Bác sĩ cũng có thể đưa ra gợi ý về những việc bạn có thể làm tại nhà để giảm bớt cảm giác khó chịu do vết loét. Hãy trao đổi với bác sĩ về điều này.
Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?
Nếu bạn nghĩ rằng mình bị viêm loét dạ dày, hãy đến gặp bác sĩ để được điều trị thích hợp. Điều quan trọng là bạn cần chăm sóc vết loét kịp thời dạ dày vì nếu không, nó có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm:
- Chảy máu từ vị trí loét có thể gây nguy hiểm đến tính mạng
- Xâm nhập, xảy ra khi vết loét đi qua thành của đường tiêu hóa và vào cơ quan khác, chẳng hạn như tuyến tụy
- Thủng dạ dày, xảy ra khi vết loét tạo ra một lỗ trên thành của đường tiêu hóa
- Tắc nghẽn trong đường tiêu hóa, do các mô bị viêm sưng nề
- Ung thư dạ dày, đặc biệt là ung thư tâm vị dạ dày
Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số được liệt kê dưới đây, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức:
- Mệt mỏi
- Khó thở
- Nôn hoặc đi ngoài phân đỏ, đen
- Cơn đau xuất hiện đột ngột, dữ dội trong bụng và không biến mất
Phòng chống viêm loét dạ dày
Để ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn gây viêm loét dạ dày, hãy rửa tay bằng xà phòng và nước thường xuyên. Ngoài ra, hãy đảm bảo là bạn đã làm sạch tất cả thực phẩm đúng cách và nấu chúng chín kỹ.
Để ngăn ngừa vết loét do NSAID gây ra, hãy ngừng sử dụng các loại thuốc này (nếu có thể) hoặc hạn chế sử dụng chúng. Nếu bạn cần dùng NSAID, hãy đảm bảo tuân theo liều lượng khuyến cáo và tránh uống rượu trong thời gian sử dụng các loại thuốc này. Và luôn luôn uống chúng sau bữa ăn với một lượng nước vừa đủ.
Xem thêm:
- Chế độ ăn dành cho người bị viêm loét dạ dày
- Những điều cần biết về loét dạ dày và loét tá tràng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa
- Các biện pháp khắc phục tại nhà cho bệnh loét dạ dày
- Bệnh loét dạ dày và biến chứng có thể xảy ra
- Cách nhận biết các triệu chứng của bệnh loét dạ dày và biện pháp khắc phục