8 biện pháp khắc phục tại nhà cho bệnh loét dạ dày

Loét dạ dày là sự xuất hiện của các vết loét hở trong niêm mạc dạ dày. Do lượng axit có trong dạ dày và những tổn thương có thể xảy ra, nó thường vô cùng đau đớn.

Video Cách điều trị bệnh Viêm loét dạ dày tá tràng hiệu quả

Nguyên nhân phổ biến nhất của loét dạ dày là do vi khuẩn Helicobacter pylori, hay H. pylori.

Loét cũng có thể do lạm dụng thuốc giảm đau, như aspirin (Bayer) và thuốc chống viêm không steroid khác (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen (Advil, Motrin) hoặc naproxen (Naprosyn). 

Loét dạ dày được điều trị bằng thuốc kháng sinh và thuốc giảm hoặc ngăn tiết axit dạ dày.

Ngoài kế hoạch điều trị đã được chứng minh là có hiệu quả này, nghiên cứu đã chỉ ra rằng cũng có một số biện pháp tự nhiên tại nhà có thể hữu ích trong việc kiểm soát loét dạ dày.

Những biện pháp điều trị viêm loét dạ dày tại nhà


Hãy trao đổi với bác sĩ về việc thêm những thực phẩm này vào chế độ ăn uống của bạn:

Flavonoid

Nghiên cứu đã gợi ý rằng flavonoid, hay bioflavonoid, có thể là một phương pháp điều trị bổ sung hiệu quả cho bệnh viêm loét dạ dày.

Flavonoid là hợp chất tự nhiên có trong nhiều loại trái cây và rau quả. Các loại thực phẩm và đồ uống giàu flavonoid bao gồm:

  • Đậu nành
  • Cây họ đậu
  • Nho
  • Cải xoăn
  • Bông cải xanh
  • Táo
  • Các loại quả mọng
  • Trà, đặc biệt là trà xanh 

Những thực phẩm này cũng có thể giúp cơ thể chống lại vi khuẩn H. pylori.

Flavonoid được gọi là “chất bảo vệ dạ dày”, có nghĩa là chúng có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày và có thể giúp chữa lành vết loét.

Theo Viện Linus Pauling Hoa Kỳ, không có tác dụng phụ khi tiêu thụ lượng flavonoid trong mức bình thường, nhưng lượng flavonoid quá cao có thể làm rối loạn quá trình đông máu.

Bạn có thể bổ sung flavonoid trong chế độ ăn uống của mình hoặc dùng chúng dưới dạng thực phẩm bổ sung. 

Deglycyrrhizinated licorice (DGL)

DGL là cam thảo thông thường đã được chiết xuất vị ngọt. Một nghiên cứu cho thấy rằng DGL có thể giúp vết loét mau lành bằng cách ức chế sự phát triển của vi khuẩn H. pylori.

DGL có sẵn dưới dạng thực phẩm bổ sung.

Tuy nhiên, kẹo cam thảo không có tác dụng này. Quá nhiều kẹo cam thảo có thể không tốt cho một số người. Tiêu thụ khoảng hơn 56 gram mỗi ngày trong hơn hai tuần có thể làm cho các vấn đề về tim mạch hoặc huyết áp mà bạn đang mắc phải trở nên tồi tệ hơn. 

Probiotics

Probiotics là vi khuẩn sống và men cung cấp các vi sinh vật có lợi cho đường tiêu hóa của bạn. Chúng có mặt trong nhiều loại thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm lên men. Bao gồm:

  • Sữa lên men
  • Sữa chua
  • Tương miso
  • Kim chi
  • Nấm kefir 

Bạn cũng có thể dùng probiotics ở dạng thực phẩm bổ sung.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng probiotics có thể hữu ích trong việc tiêu diệt vi khuẩn H. pylori và tăng khả năng phục hồi của cơ thể. 

Mật ong

Không chỉ có hương vị ngọt ngào, mật ong còn đem đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. 

Tùy thuộc vào loại hoa được dùng để làm mật, mật ong có thể chứa tới 200 chất hóa học, bao gồm polyphenol và các chất chống oxy hóa khác. Mật ong là một chất kháng khuẩn mạnh mẽ và đã được chứng minh là có thể ức chế sự phát triển của vi khuẩn H. pylori. 

Miễn là bạn có lượng đường trong máu bình thường, bạn có thể thưởng thức mật ong như một chất tạo ngọt giúp cải thiện vết loét. 

Tỏi

Chiết xuất tỏi đã được chứng minh là có khả năng ức chế sự phát triển của H. pylori ở các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, trên cả động vật và con người. 

Nếu bạn không thích mùi vị và dư vị còn sót lại của tỏi, bạn có thể dùng chiết xuất tỏi ở dạng thực phẩm bổ sung. 

Tỏi cũng có tác dụng như một chất làm loãng máu, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng nếu bạn đang sử dụng warfarin (Coumadin), thuốc làm loãng máu hoặc aspirin. 

Nam việt quất  

Nam việt quất đã được chứng minh trong một số nghiên cứu là có tác dụng làm giảm nhiễm trùng đường tiết niệu bằng cách ngăn vi khuẩn định cư trên thành bàng quang. Nam việt quất và chiết xuất nam việt quất cũng có thể giúp chống lại vi khuẩn H. pylori. 

Nam việt quất có thể giúp chống lại vi khuẩn H. pylori. Nguồn: oasis.md

Nam việt quất có thể giúp chống lại vi khuẩn H. pylori. Nguồn: oasis.md


Bạn có thể uống nước ép, ăn quả hoặc sử dụng chất bổ sung chiết xuất nam việt quất. 

Không có lượng tiêu thụ cụ thể nào được khuyến nghị là có khả năng làm giảm triệu chứng của viêm loét dạ dày. Ăn quá nhiều nam việt quất dưới mọi hình thức có thể gây khó chịu cho dạ dày và ruột do hàm lượng đường cao, vì vậy hãy bắt đầu với một lượng nhỏ và tăng dần. 

Nhiều loại nước ép nam việt quất trên thị trường được làm ngọt bằng đường hoặc xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao, cung cấp nhiều calo rỗng. Bạn nên tránh những loại nước trái cây đó và chỉ mua nước trái cây được làm ngọt bằng các loại nước hoa quả khác. 

Nhũ hương

Nhũ hương được làm từ nhựa của một loại cây được trồng ở Địa Trung Hải. 

Những nghiên cứu về hiệu quả của nhũ hương với nhiễm trùng H. pylori đang có kết quả không rõ ràng , nhưng ít nhất cũng có một nghiên cứu nhỏ đã chỉ ra rằng kẹo cao su nhũ hương giúp chống lại H. pylori, loại bỏ vi khuẩn ở 3 trong số 10 người sử dụng nó. 

Kẹo cao su nhũ hương giúp loại bỏ H. pylori ở 3 trong số 10 người sử dụng nó. Nguồn: todaysrdh.com

Kẹo cao su nhũ hương giúp loại bỏ H. pylori ở 3 trong số 10 người sử dụng nó. Nguồn: todaysrdh.com 


Tuy nhiên, khi so sánh với sự kết hợp truyền thống giữa thuốc kháng sinh và thuốc giảm tiết axit, kẹo cao su kém hiệu quả hơn đáng kể so với thuốc. Phương pháp điều trị truyền thống đã loại bỏ vi khuẩn ở hơn 75% số người tham gia nghiên cứu. 

Bạn có thể nhai kẹo cao su nhũ hương hoặc sử dụng nhũ hương ở dạng thực phẩm bổ sung. 

Trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt

Chế độ ăn chứa nhiều trái cây, rau và ngũ cốc không chỉ tốt cho sức khỏe tổng thể của bạn mà theo Mayo Clinic, một chế độ ăn uống giàu vitamin có thể hỗ trợ cơ thể chữa lành vết loét. 

Thực phẩm có chứa chất chống oxy hóa polyphenol có thể giúp bạn ngăn ngừa và chữa lành vết loét. Thực phẩm và gia vị giàu polyphenol bao gồm:

  • Hương thảo khô
  • Hạt lanh
  • Sô cô la đen
  • Quả việt quất, quả mâm xôi, dâu tây, quả cơm cháy và dâu tằm
  • Ô liu đen           

Những thực phẩm cần hạn chế hoặc tránh khi bị loét và trào ngược axit dạ dày


Một số người bị loét dạ dày cũng mắc bệnh trào ngược axit. 

Một số loại thực phẩm có thể gây ảnh hưởng đến phần dưới của thực quản, được gọi là cơ vòng thực quản dưới, tạo điều kiện cho axit và các chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Điều này có thể làm tổn thương tới thực quản, cũng như gây ra chứng ợ nóng, khó tiêu và các khó chịu khác. 

Để giảm đau do trào ngược axit, bạn nên hạn chế:

  • Cà phê và đồ uống có chứa caffein khác
  • Đồ uống có ga
  • Sô cô la
  • Ớt cay
  • Thực phẩm chế biến sẵn
  • Thức ăn có nhiều muối
  • Thức ăn chiên rán
  • Thực phẩm có tính axit như cam quýt và cà chua 

Ăn quá nhiều và ăn trong vòng hai đến ba giờ trước khi đi ngủ cũng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của trào ngược axit.

Không phải mọi loại thực phẩm đều có tác dụng giống nhau đối với mọi người, vì vậy bạn nên theo dõi xem những loại thực phẩm nào dường như làm cho các triệu chứng trào ngược axit trở nên tồi tệ hơn. 

Rượu bia

Uống nhiều hơn một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hơn hai ly đối với nam giới được coi là uống quá nhiều 

Nếu một vài ly rượu sau giờ làm việc là cách để bạn thư giãn, bạn nên xem xét một giải pháp thay thế lành mạnh hơn. Việc sử dụng rượu bia thường xuyên có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm dạ dày. Ngoài ra, rượu cũng là một chất có thể khả năng giãn phần dưới của thực quản, làm tăng nguy cơ trào ngược axit. 

Kết luận

Việc chữa trị cần thời gian, bác sĩ sẽ phải hội chẩn và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp cho vết loét của bạn, nhưng hãy nhớ rằng nó có thể được chữa khỏi.

Ngoài kế hoạch điều trị đã được thống nhất với bác sĩ, bạn có thể kết hợp các phương pháp tự nhiên với các loại thực phẩm lành mạnh có thể giúp bạn giảm đau và đẩy nhanh quá trình chữa bệnh.

Bổ sung nhiều trái cây tươi, rau quả vào chế độ ăn uống và hạn chế uống rượu sẽ giúp bạn có được sức khỏe tốt.

Thận trọng

Viêm loét dạ dày không chỉ dừng lại ở đau bụng. Nếu không được điều trị, chúng có thể tạo ra một lỗ thủng trong dạ dày, khi đó bạn cần phải phẫu thuật. Trong những trường hợp hiếm hoi, vết loét có thể báo hiệu các vấn đề lớn hơn, như ung thư.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!