Bệnh loét dạ dày và biến chứng có thể xảy ra

Loét dạ dày là tình trạng lớp niêm mạc lót dạ dày bị tổn thương. Thuật ngữ loét dạ dày tá tràng đề cập đến tình trạng loét xảy ra trong dạ dày hoặc phần đầu của ruột non, được gọi là tá tràng.

Video: Các dấu hiệu chính xác loét dạ dày 99%

Người ta từng cho rằng căng thẳng, hút thuốc và ăn kiêng là những nguyên nhân chính gây ra bệnh viêm loét dạ dày. Tuy nhiên, vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) mới chính là nguyên nhân gây ra hầu hết các vết loét tá tràng và 60% trường hợp loét dạ dày. Vi khuẩn H. pylori cũng gây ra nhiều triệu chứng khó tiêu. 

Điều trị loét dạ dày bao gồm việc sử dụng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn và thuốc ức chế axit làm giảm tiết axit dạ dày.

Các triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày

Một số vết loét dạ dày không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Nếu có, chúng có thể bao gồm:

  • Đau bụng ngay dưới lồng ngực
  • Khó tiêu
  • Buồn nôn
  • Ăn không ngon
  • Nôn mửa
  • Gầy sút cân
  • Nôn ra máu tươi hoặc máu đã bị biến đổi
  • Các triệu chứng thiếu máu, chẳng hạn như chóng mặt
  • Sốc do mất máu - một trường hợp cấp cứu y tế. 

Cấu tạo của dạ dày

Dạ dày là một cơ quan của hệ tiêu hóa, nằm phía bên trái ổ bụng, ngay dưới xương sườn. Thức ăn khi được nuốt sẽ bị ép xuống thực quản và đẩy qua cơ vòng (một vòng cơ nhỏ nằm ở dưới thực quản) vào dạ dày, nơi nó được trộn với dịch vị chứa nhiều enzym và axit clohydric. Dạ dày là một túi cơ, vì vậy nó có thể khuấy thức ăn và nghiền nát chúng theo cách cơ học cũng như hóa học.  

Khi thức ăn chuyển thành dạng sệt mịn, nó sẽ được đẩy qua cơ vòng thứ hai vào phần đầu tiên của ruột non (tá tràng). Niêm mạc dạ dày (biểu mô dạ dày) được xếp thành nhiều lớp với nhiều nếp gấp. Các vết loét xảy ra ở lớp niêm mạc này. 

Nguyên nhân của bệnh viêm loét dạ dày

Loét dạ dày có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm: 

  • Helicobacter pylori - vi khuẩn được cho là nguyên nhân gây ra khoảng 60% trường hợp loét dạ dày và ít nhất 90% trường hợp loét tá tràng.
  • Một số loại thuốc - bao gồm aspirin hoặc clopidogrel được dùng thường xuyên để ngăn ngừa cơn đau tim hoặc đột quỵ và các thuốc điều trị viêm khớp. Thuốc chống viêm (NSAIDS) được cho là nguyên nhân gây ra khoảng 40% trường hợp loét dạ dày.
  • Ung thư - ung thư dạ dày có thể có biểu hiện như một vết loét, đặc biệt là ở những người lớn tuổi. 

Vi khuẩn Helicobacter pylori

Vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) là nguyên nhân chính gây ra viêm loét dạ dày tá tràng. Việc phát hiện ra vi sinh vật này vào năm 1983 đã tạo ra một cuộc cách mạng trong nhiều lĩnh vực của chuyên ngành tiêu hóa, bao gồm cả việc điều trị loét dạ dày. 

Theo thống kê tại Úc, cứ ba người trên 40 tuổi thì có một người bị nhiễm H. pylori. Nguồn ảnh: iranstar.com

Theo thống kê tại Úc, cứ ba người trên 40 tuổi thì có một người bị nhiễm H. pylori. Nguồn ảnh: iranstar.com

Theo thống kê tại Úc, cứ ba người trên 40 tuổi thì có một người bị nhiễm chủng vi khuẩn này. Chúng sống trong niêm mạc dạ dày và các chất hóa học do chúng tạo ra sẽ gây kích ứng và gây viêm. H. pylori trực tiếp gây ra 1/3 số ca loét dạ dày và là một trong những nguyên nhân của khoảng 60% các trường hợp. Các rối loạn khác do nhiễm trùng H. pylori có thể kể đến là viêm dạ dày và khó tiêu. 

Các nhà nghiên cứu tin rằng H. pylori cũng góp một phần trong sự phát triển của bệnh ung thư dạ dày. Sự nhiễm vi khuẩn này phổ biến hơn ở những người nghèo hoặc người bị quản thúc. Phương thức lây truyền cho đến nay vẫn chưa được biết rõ, nhưng được cho là do dùng chung thức ăn hoặc đồ đạc, tiếp xúc với chất nôn bị nhiễm mầm bệnh và dùng chung nguồn nước (chẳng hạn như nước giếng) ở những cộng đồng chưa phát triển.  

Chảy máu vết loét

Đây là một biến chứng nghiêm trọng của loét dạ dày và có thể dẫn đến tử vong ở người cao tuổi hoặc những người mắc nhiều bệnh lý. Chảy máu do loét dạ dày phổ biến hơn ở những người sử dụng thuốc chống đông máu, chẳng hạn như warfarin, aspirin hoặc clopidogrel (Plavix). Những người này cũng nên cân nhắc sử dụng thuốc chống loét thường xuyên để ngăn ngừa biến chứng này. 

Thủng dạ dày

Vết loét nghiêm trọng nếu không được điều trị đôi khi có thể ăn xuyên thành dạ dày, khiến dịch tiêu hóa và thức ăn rò rỉ vào khoang bụng. Tình trạng này gọi là thủng dạ dày, cần được hỗ trợ y tế (thường là phẫu thuật) ngay lập tức.  

Chẩn đoán loét dạ dày

Chẩn đoán loét dạ dày được thực hiện bằng nhiều phương pháp, bao gồm: 

  • Nội soi - bác sĩ sử dụng một ống mềm mỏng luồn xuống thực quản vào dạ dày. Đầu ống có gắn một camera nhỏ cho phép bác sĩ quan sát bên trong đường tiêu hóa.
  • Sinh thiết - một mẫu mô nhỏ được lấy trong quá trình nội soi và sẽ được xem xét trong phòng thí nghiệm. Sinh thiết luôn được thực hiện nếu phát hiện có loét dạ dày.
  • Kiểm tra nồng độ C14 trong hơi thở - kiểm tra sự hiện diện của H. pylori. Người làm xét nghiệm sẽ nuốt một lượng carbon phóng xạ (C14) dưới dạng phân tử ure và sau đó kiểm tra khí thở ra từ phổi. Nếu có H. pylori trong dạ dày, vi khuẩn sẽ phân hủy urê thành carbon dioxide chứa các nguyên tử cacbon được đánh dấu, sẽ được máy quét phát hiện ra. Kiểm tra không phóng xạ có thể được sử dụng cho trẻ em và phụ nữ có thai. 

Điều trị loét dạ dày

Những chế độ ăn kiêng đặc biệt hiện nay được biết là có rất ít tác động đến việc ngăn ngừa hoặc điều trị loét dạ dày. Các lựa chọn điều trị có thể bao gồm:

  • Thuốc - bao gồm thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn H. pylori và thuốc giúp đẩy nhanh quá trình chữa bệnh. Các thuốc khác nhau cần được sử dụng kết hợp để tăng hiệu quả điều trị; một số tác dụng phụ có thể xuất hiện là tiêu chảy và phát ban. Tuy nhiên, tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh đang dần trở nên phổ biến hơn.
  • Kiểm tra hơi thở sau điều trị - được sử dụng để đảm bảo rằng nhiễm trùng H. pylori đã được chữa khỏi hoàn toàn.
  • Thay đổi đối với thuốc hiện dùng - liều lượng của thuốc trị viêm khớp, aspirin hoặc thuốc chống viêm khác có thể được thay đổi một chút để giảm tác động của chúng lên vết loét dạ dày.
  • Giảm tiết axit – sử dụng viên nén có sẵn để giảm hàm lượng axit trong dịch vị.
  • Điều chỉnh lối sống - bao gồm bỏ thuốc lá, vì hút thuốc làm giảm khả năng phòng bệnh tự nhiên của dạ dày và làm cản trở quá trình chữa bệnh. 

Những điều cần nhớ

Loét dạ dày là tình trạng mô niêm mạc dạ dày bị tổn thương.

Nguyên nhân lớn nhất gây viêm loét dạ dày là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori hoặc dùng thuốc chống viêm chứ không phải do căng thẳng hay ăn uống thiếu chất như người ta từng nghĩ.

Các lựa chọn điều trị bao gồm thuốc kháng sinh và thuốc ức chế axit. 

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!