U xương: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và tiên lượng

Khi các tế bào phân chia bất thường và không kiểm soát, chúng có thể phát triển và hình thành một khối, được gọi là khối u. Các khối u xương hình thành trong xương. Khi khối u phát triển, mô bất thường có thể thay thế mô khỏe mạnh. Các khối u có thể lành tính hoặc ác tính.

Video Ung thư xương: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 

Các khối u lành tính không phải là ung thư. Mặc dù các khối u xương lành tính thường phát triển tại chỗ và không có khả năng gây tử vong nhưng chúng vẫn là các tế bào bất thường và có thể cần điều trị. Các khối u lành tính có thể phát triển và chèn ép các mô xương khỏe mạnh và gây ra các vấn đề trong tương lai.

Các khối u ác tính là ung thư. Các khối u xương ác tính có thể gây ung thư di căn khắp cơ thể.

Các loại u xương lành tính

U xương sụn

U xương sụn. Nguồn ảnh: https://www.pinterest.comU xương sụn. Nguồn ảnh: https://www.pinterest.com

Các khối u lành tính phổ biến hơn các khối u ác tính. Theo Viện phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ (AAOS), loại u xương lành tính phổ biến nhất là u xương sụn. Loại này chiếm từ 35 – 40% trong các khối u xương lành tính. U xương sụn thường gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Những khối u này hình thành gần các đầu đang phát triển của xương dài như xương ở tay hoặc chân. Cụ thể, những khối u này có xu hướng ảnh hưởng đến đầu dưới của xương đùi, đầu trên của xương cẳng chân (xương chày) và đầu trên của xương cánh tay.

Các khối u này có cấu tạo từ xương và sụn. U xương sụn có thể do sự bất thường về tăng trưởng gây nên. Một đứa trẻ có thể phát triển một hoặc nhiều khối u xương sụn. 

U xơ không cốt hóa

U xơ không cốt hóa là một u nang xương đơn độc đơn thuần. Đây là loại u nang xương thực sự. Nó thường phát triển ở các xương chân và gặp nhiều nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên.

U tế bào khổng lồ

U tế bào khổng lồ trên Xquang. Nguồn ảnh: https://www.pinterest.comU tế bào khổng lồ trên Xquang. Nguồn ảnh: https://www.pinterest.com

Các khối u tế bào khổng lồ phát triển rất mạnh, thường gặp ở người lớn. Chúng thường xuất hiện ở đầu các xương, không trong đĩa tăng trưởng. Đây là những khối u rất hiếm gặp.

U nội sụn

U nội sụn thường xuất hiện ở bàn tay, bàn chân. Nguồn ảnh: https://www.pinterest.comU nội sụn thường xuất hiện ở bàn tay, bàn chân. Nguồn ảnh: https://www.pinterest.com

U nội sụn là một u nang sụn phát triển bên trong tủy xương. Nó bắt đầu xuất hiện ở trẻ em và tiếp tục phát triển đến tuổi trưởng thành. Nó có thể là một phần của các hội chứng như hội chứng của Ollier và Mafucci. U nội sụn xuất hiện ở các xương bàn tay và bàn chân cũng như các xương dài của tay và xương đùi.

Loạn sản sợi

Loạn sản sợi là một đột biến gen làm cho xương trở nên xơ và dễ bị gãy.

Nang xương phình mạch

Nang xương phình mạch là một bất thường của các mạch máu có nguồn gốc tủy xương. Nó có thể phát triển nhanh chóng và phá hủy các cấu trúc vì nó ảnh hưởng đến các tấm sụn tăng trưởng.

Các loại khối u xương ác tính

Một số ung thư xương do các loại ung thư khác di căn đến. Ung thư xương nguyên phát nghĩa là ung thư bắt nguồn từ xương. Theo Viện ung thư quốc gia Hoa Kỳ (NCI), ung thư xương nguyên phát chiếm ít hơn 1% của tất cả các loại ung thư.

Ba dạng phổ biến nhất của ung thư xương nguyên phát là sarcom xương, sarcom Ewing và sarcom sụn.

Sarcom xương

Sarcom xương trên Xquang. Nguồn ảnh: https://www.pinterest.comSarcom xương trên Xquang. Nguồn ảnh: https://www.pinterest.com

Sarcom xương chủ yếu xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên, là loại ung thư xương phổ biến thứ hai. U này thường phát triển ở các xương chậu, vai hoặc đầu gối. Khối u này phát triển nhanh và có xu hướng di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.

Các vị trí di căn phổ biến là các khu vực xương đang phát triển tích cực (có sụn tăng trưởng), đầu dưới của xương đùi và đầu trên của xương cẳng chân. Sarcom xương đôi khi còn được gọi là sarcoma tạo xương. 

Sarcom Ewing (ESFTs)

Sarcom Ewing (ESFTs) xảy ra ở lứa tuổi thanh thiếu niên và những người trẻ tuổi, đôi khi những khối u này có thể xảy ra ở trẻ 5 tuổi. Loại ung thư xương này thường xuất hiện ở chân (các xương dài), xương chậu, xương cột sống, xương sườn, xương cánh tay và hộp sọ.

Nó có nguồn gốc trong các khoang rỗng của xương, nơi tạo ra tủy xương (các khoang tủy). Ngoài việc phát triển mạnh trong xương, ESFTs cũng có thể phát triển trong mô mềm như mỡ, cơ và mạch máu. Theo NCI, trẻ em Mỹ gốc Phi rất hiếm khi phát triển ESFTs. Bệnh hay gặp ở nam giới hơn nữ giới. ESFTs phát triển nhanh chóng và khả năng di căn lớn.

Sarcom sụn

Người trung niên và người lớn tuổi có khả năng mắc sarcom sụn cao hơn các nhóm tuổi khác. Loại ung thư này thường phát triển ở khung chậu, xương vai và xương chậu.

Ung thư xương thứ phát

Thuật ngữ "ung thư xương thứ phát" có nghĩa là ung thư bắt đầu ở một nơi khác trong cơ thể và sau đó di căn đến xương. Nó thường xuất hiện ở người lớn tuổi. Các loại ung thư thường di căn đến xương như:

Đa u tủy xương

Đây là loại ung thư xương thứ phát phổ biến nhất. Loại này xuất hiện dưới dạng các khối u trong tủy xương. Đa u tủy thường xuất hiện ở người lớn tuổi nhất.

Nguyên nhân gây bệnh u xương là gì?

Nguyên nhân sinh ra các khối u xương hiện nay vẫn chưa biết rõ. Một số nguyên nhân có thể là do di truyền, xạ trị và chấn thương ở xương. Sarcom xương có liên quan đến xạ trị (đặc biệt là liều lượng bức xạ cao) và các loại thuốc ung thư khác, đặc biệt là ở trẻ em. Tuy nhiên, nguyên nhân trực tiếp vẫn chưa được xác định.

Các khối u thường xuất hiện khi các bộ phận của cơ thể trong giai đoạn đang phát triển. Những người đã được phẫu thuật chình hình xương bằng các vật dụng kim loại cũng có nhiều khả năng phát triển u xương sau này.

Nhận biết các triệu chứng tiềm ẩn của khối u xương

Đau âm ỉ ở xương có tổn thương là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh ung thư xương. Cơn đau có tính chất không thường xuyên, liên tục ở giai đoạn đầu, sau đó tiến triển ngày càng nghiêm trọng và liên tục. Đau nhiều có thể khiến giấc ngủ bị gián đoạn vì thức giấc.

Đôi khi, trên nền một khối u xương chưa được phát hiện, nếu có một chấn thương nhẹ làm gãy xương vốn đã suy yếu dẫn đến đau dữ dội. Đây được gọi là gãy xương bệnh lý. Đôi khi có thể có sưng tại vị trí của khối u.

Hoặc bạn có thể không bị đau nhưng thấy một khối u mới xuất hiện trên một số bộ phận của cơ thể. Các khối u cũng có thể gây đổ mồ hôi ban đêm, sốt hoặc cả hai.

Những người có khối u lành tính có thể không có bất kỳ triệu chứng nào. Khối u có thể không được phát hiện cho đến khi tình cờ làm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khi đi khám. 

Một khối u xương lành tính như u xương sụn, có thể không cần điều trị trừ khi nó bắt đầu cản trở chức năng và vận động hàng ngày.

Chẩn đoán u xương

Gãy xương, nhiễm trùng và một số tình trạng khác có thể nhầm lẫn với khối u. Để chẩn đoán chắc chắc có khối u xương, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm.

Đầu tiên, bác sĩ sẽ khám sức khỏe, tập trung vào khu vực nghi ngờ có khối u. Bác sĩ sẽ kiểm tra độ chắc của xương, các u cục bất thường và khám tầm vận động của bạn. Bác sĩ cũng sẽ hỏi thêm về tiền gia đình liên quan đến bệnh.

Xét nghiệm máu và nước tiểu

Bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm bao gồm cả máu hoặc nước tiểu. Phòng thí nghiệm sẽ phân tích các chất lỏng này để phát hiện các protein khác nhau có thể chỉ ra sự hiện diện của khối u hoặc các vấn đề bất thường khác.

Xét nghiệm phosphatase kiềm là một công cụ phổ biến mà bác sĩ sử dụng để chẩn đoán khối u xương. Khi mô xương tăng sinh các tế bào mạnh mẽ, một lượng lớn enzym này sẽ xuất hiện trong máu. Điều này có thể là do sự tăng trưởng của xương như ở những người trẻ tuổi hoặc nó có thể do một khối u đang tạo ra mô xương bất thường. Xét nghiệm này đáng tin cậy hơn ở độ tuổi xương đã ngừng phát triển.

Chẩn đoán hình ảnh

Bác sĩ có thể sẽ chỉ định chụp X-quang để xác định kích thước và vị trí chính xác của khối u. Tùy thuộc vào kết quả chụp X-quang, các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác sau đây có thể cần thiết:

  • Chụp CT là sử dụng một chùm tia X để thể hiện chi tiết, rõ nét các cơ quan, cấu trúc bên trong cơ thể bạn từ nhiều góc độ.
  • Chụp MRI sử dụng nam châm và từ trường giúp cung cấp hình ảnh chi tiết của khu vực cần đánh giá.
  • Trong chụp cắt lớp phát xạ positron (PET), bác sĩ sẽ tiêm một lượng nhỏ đường phóng xạ vào tĩnh mạch. Vì tế bào ung thư sử dụng nhiều glucose hơn tế bào bình thường nên việc này giúp bác sĩ xác định vị trí của khối u.
  • Chụp mạch máu là chụp X-quang hệ động mạch và tĩnh mạch.

Sinh thiết

Bác sĩ có thể muốn thực hiện sinh thiết. Trong xét nghiệm này, một mẫu mô của khối u sẽ được lấy ra. Mẫu được kiểm tra trong phòng thí nghiệm dưới kính hiển vi. Các loại sinh thiết chính là sinh thiết kim và sinh thiết vết mổ.

Sinh thiết kim có thể được thực hiện tại phòng khám của bác sĩ hoặc do bác sĩ X quang cùng với một trong các phương pháp chẩn đoán hình ảnh đã đề cập trước đó. Dù bằng cách nào, bạn sẽ được gây tê tại chỗ để giảm đau.

Bác sĩ sẽ đâm một cây kim vào xương, sử dụng nó để lấy một mảnh mô của khối u. Nếu bác sĩ X quang thực hiện sinh thiết kim, họ sẽ làm thủ thuật dướng hướng dẫn của X-quang, MRI hoặc CT để giúp tìm khối u và vị trí cần đưa kim vào.

Sinh thiết trong mổ, còn được gọi là sinh thiết mở, được thực hiện trong phòng phẫu thuật dưới sự gây mê toàn thân, do đó bạn sẽ ngủ trong suốt quá trình. Bác sĩ sẽ rạch và lấy mô sinh thiết qua vết mổ.

Kết quả sinh thiết xương rất quan trọng để chẩn đoán xác định bệnh.

Điều trị u xương lành tính như thế nào?

Nếu khối u có tính chất lành tính, nó có thể cần hoặc không cần điều trị. Đôi khi các bác sĩ chỉ cần theo dõi các khối u xương lành tính để xem chúng có thay đổi theo thời gian hay không. Tái khám định kỳ và chụp X-quang theo dõi.

Các khối u xương có thể phát triển, giữ nguyên hoặc biến mất. Khối u xương ở trẻ em có khả năng tự biến mất cao hơn người lớn.

Tuy nhiên, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u lành tính. Các khối u đôi khi có thể di căn hoặc biến đổi thành các khối u ác tính. Các khối u xương cũng có thể dẫn đến biến chứng gãy xương.

Các khối u xương ác tính được điều trị như thế nào?

Nếu khối u có tính chất ác tính, bạn sẽ cần điều trị. Mặc dù các khối u ác tính là một vấn đề đáng lo ngại nhưng triển vọng của người bệnh đang được cải thiện do các phương pháp điều trị ngày càng phát triển và hoàn thiện.

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào loại ung thư xương mắc phải và sự di căn. Nếu các tế bào ung thư chỉ giới hạn trong khối u và khu vực xung quanh, đây được gọi là giai đoạn khu trú. Trong giai đoạn di căn, các tế bào ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể. Điều này làm cho việc chữa khỏi ung thư trở nên khó khăn hơn.

Phẫu thuật, xạ trị và hóa trị là những phương pháp chính để điều trị ung thư.

Phẫu thuật

Ung thư xương thường được điều trị bằng phẫu thuật. Trong phẫu thuật, toàn bộ khối u sẽ được loại bỏ. Bác sĩ phẫu thuật sẽ kiểm tra cẩn thận vùng rìa của khối u để đảm bảo rằng không còn sót lại tế bào ung thư nào sau khi phẫu thuật.

Nếu khối u ở cánh tay hoặc chân, bác sĩ phẫu thuật có thể sử dụng phương pháp được gọi là phẫu thuật bảo tồn. Điều này có nghĩa là trong khi các tế bào ung thư được loại bỏ, thì gân, cơ, mạch máu và dây thần kinh được bảo tồn tối đa. Bác sĩ phẫu thuật sẽ thay thế đoạn xương bị lấy bỏ bằng các trụ kim loại.

Những tiến bộ trong hóa chất đã giúp cải thiện đáng kể tiên lượng sống và hồi phục. Các loại thuốc mới đang được nghiên cứu và phát triển.

Kỹ thuật phẫu thuật cũng đã được cải thiện rất nhiều. Các bác sĩ sẽ cố gắng bảo tồn các chi tối đa. Tuy nhiên, bạn có thể cần phẫu thuật tái tạo chỉnh hình để giữ lại càng nhiều chức năng chi càng tốt.

Phẫu thuật lấy bỏ u xương. Nguồn ảnh: https://www.pinterest.comPhẫu thuật lấy bỏ u xương. Nguồn ảnh: https://www.pinterest.com

Xạ trị

Tia xạ thường được sử dụng kết hợp với phẫu thuật. Tia X liều cao được sử dụng để làm giảm kích thước khối u trước khi phẫu thuật và tiêu diệt tế bào ung thư. Tia xạ cũng có thể làm giảm đau và giảm nguy cơ gãy xương.

Hóa chất

Nếu bác sĩ cho rằng tế bào ung thư có khả năng di căn hoặc đã di căn, họ có thể đề nghị hóa trị. Liệu pháp này sử dụng thuốc ung thư để tiêu diệt các tế bào ung thư đang phát triển và di căn nhanh chóng.

Các tác dụng phụ của hóa trị bao gồm:

Phẫu thuật lạnh

Phẫu thuật lạnh là một phương pháp điều trị khác. Phương pháp điều trị này bao gồm việc tiêu diệt các tế bào ung thư bằng cách làm đông lạnh chúng bằng nitơ lỏng. Một ống rỗng được đưa vào khối u và khí nitơ lỏng hoặc khí argon được bơm vào. Trong một số trường hợp, phẫu thuật lạnh có thể được sử dụng để điều trị khối u xương thay vì phẫu thuật thông thường.

Chăm sóc sau điều trị khối u xương

Bác sĩ sẽ muốn bạn giữ liên lạc và tái khám thường xuyên sau điều trị. Việc chụp X-quang và xét nghiệm máu là cần thiết để đảm bảo rằng toàn bộ khối u đã biến mất và không tái phát. Bạn có thể cần phải làm các xét nghiệm theo dõi vài tháng một lần.

Thời gian phục hồi sẽ phụ thuộc vào loại u xương, kích thước và vị trí của nó.

Tiên lượng

Nếu khối u của bạn là lành tính, tiên lượng sống và điều trị có thể sẽ tốt. Tuy nhiên, các khối u xương lành tính có thể phát triển, tái phát hoặc chuyển thành ung thư, vì vậy bạn vẫn nên đi khám sức khỏe thường xuyên.

Tiên lượng thay đổi tùy theo loại ung thư, kích thước, vị trí và tình hình sức khỏe. Tiên lượng cũng tốt nếu khối u chưa di căn.

Cả khối u xương ác tính và lành tính đều có thể tái phát. Những người đã bị ung thư xương, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi, có nguy cơ phát triển các loại ung thư khác. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng hoặc lo lắng về sức khỏe, hãy đi khám ngay lập tức.

Tiên lượng sẽ kém hơn nếu ung thư xương đã di căn. Nhưng các phương pháp điều trị và liệu pháp điều trị vẫn tiếp tục được nghiên cứu và phát triển. Nhiều người bị ung thư xương tham gia các thử nghiệm lâm sàng về các loại thuốc và liệu pháp mới. Những điều này mang lại lợi ích cho những người hiện đang sống chung với bệnh ung thư và những người sẽ được chẩn đoán và điều trị trong tương lai. Nếu bạn quan tâm đến việc tham gia các thử nghiệm lâm sàng, hãy chia sẻ với bác sĩ điều trị.

Câu hỏi liên quan

Chỉ định phẫu thuật cụ thể tùy thuộc vào loại khối u xương lành tính
Xem thêm
Các thống kê cho thấy 80% bệnh nhân phát hiện ung thư xương ở giai đoạn 1 hoặc 2, khi tế bào ác tính chưa di căn có tỷ lệ chữa khỏi hoàn toàn.
Xem thêm
Cảm giác đau âm ỉ ở xương. Cơn đau không thường xuyên, dần dần đau tăng nặng và xuất hiện nhiều hơn. Thậm chí bệnh nhân không thể ngủ vì đau xương vào ban đêm; Sốt; Đổ mồ hôi vào ban đêm;
Xem thêm
Một số loại u xương lành tính bao gồm: U xương sụn; U nội sụn; Nang xương đơn độc
Xem thêm
Xuất hiện khối u: u xương có thể biểu hiện là 1 đám chắc, đẩy gồ mặt da, bờ không rõ, sờ nắn không đau. U to nhanh làm biến dạng chi vùng có u. U thâm nhiễm tổ chức phần mềm, nổi rõ các mạch máu dưới da và tân tạo các mạch nhỏ
Xem thêm
Bệnh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, bao gồm: Đau nhức; Sưng đỏ; Ngứa hoặc tê bì...
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: U xương
Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!