Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và lối sống

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một nhóm bệnh phổi tiến triển bao gồm khí phế thũng và viêm phế quản mạn tính, một số trường hợp phổi có cả hai dạng tổn thương này.

Video Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) có nguy hiểm không và cách điều trị?

Khí phế thũng gây tổn thương phế nang và tiểu phế quản, khi đó các túi khí vỡ ra tạo khoảng không lớn thay vì các túi khí nhỏ ở phổi bình thường làm giảm diện tích trao đổi khí ở phổi. 

Viêm phế quản là tình trạng niêm mạc phế quản tổn thương, sẹo hóa dẫn đến hạn chế chức năng trao đổi khí. 

Ước tính ở Hoa Kỳ có khoảng 30 triệu người bị COPD, một nửa trong số đó không rõ tình trạng bệnh của mình. Ở Việt Nam, bệnh có xu hướng tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường. Không được chẩn đoán, điều trị, COPD tiến triển nhanh gây nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng và các biến chứng tim mạch có thể gặp.

Triệu chứng COPD

Triệu chứng đặc trưng của COPD là khó thở. Ban đầu ho, khó thở nhẹ khi bệnh tiến triển ho nhiều liên tục, tăng xuất tiết, ứ đọng đờm. 

Trong đợt cấp tính tình trạng viêm nặng gây ra các triệu chứng khó chịu và trầm trọng hơn, người bệnh thường phải nhập viện điều trị.

Giai đoạn sớm

Lúc đầu, các triệu chứng của COPD nhẹ dễ nhầm với triệu chứng cảm lạnh như:

  • Thỉnh thoảng khó thở, đặc biệt là sau khi tập thể dục
  • Ho, tái đi tái lại
  • Ứ đọng đờm buổi sáng

Để thích nghi với những triệu chứng ban đầu này người bệnh thường có biểu hiện giảm các hoạt động thể chất và những trường hợp cần sự gắng sức.

Giai đoạn tiến triển

Các triệu chứng ban đầu ngày càng trở nên tồi tệ hơn, gây ra nhiều khó chịu. Khi phổi tổn thương nhiều, có thể gặp các triệu chứng:

  • Khó thở khi tập thể dục nhẹ như đi bộ lên cầu thang
  • Thở khò khè, khó thở ra.
  • Tức ngực
  • Ho mạn tính, có đờm hoặc không
  • Tăng tiết đờm
  • Dễ cảm lạnh, cảm cúm hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác
  • Thiếu năng lượng cho các hoạt động

Giai đoạn muộn xuất hiện các triệu chứng:

  • Mệt mỏi
  • Phù chân
  • Sụt cân

Việc hút thuốc hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc thụ động làm cho các triệu chứng ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Điều trị đợt cấp COPD

Nhập viện điều trị trong các trường hợp:

  • Môi và móng tay xanh tím, đây là dấu hiệu của tình trạng giảm nồng độ oxy trong máu
  • Gặp khó khăn khi nín thở hoặc nói câu dài.
  • Mất ý thức hoặc ngất xỉu
  • Thổn thức, tim đập nhanh

Nguyên nhân COPD

Bệnh nhân mắc COPD thường được chẩn đoán ở tuổi 40 có liên quan đến tiền sử hút thuốc. Thời gian hút thuốc càng dài nguy cơ mắc COPD càng cao.

Ngoài khói thuốc lá, khói xì gà, khói thuốc lào đều có thể gây ra COPD. Nguy cơ mắc COPD cao hơn trên những đối tượng có bệnh phổi nền như hen suyễn kèm hút thuốc.

Các nguyên nhân khác có thể gặp gây COPD bao gồm:

  • Tiếp xúc với hóa chất và khói bụi tại nơi làm việc.
  • Cùng với khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường sống, nhà cửa thông gió kém, hít khói từ việc đốt nhiên liệu để nấu ăn và sưởi ấm đều có thể là nguyên nhân dẫn đến COPD.
  • Một nhóm nhỏ chiếm tỷ lệ khoảng 5% người mắc COPD có tính di truyền do thiếu một loại protein gọi là alpha-1-antitrypsin. Alpha-1-antitrypsin được sản xuất bởi tế bào gan, có nhiệm vụ đến phổi để bảo vệ trước sự tấn công bởi các loại men (enzym) khác. Ngoài alpha-1-antitrypsin còn có một số yếu tố di truyền khác liên quan đến bệnh COPD.

Chẩn đoán COPD

Nguồn ảnh: https://i0.wp.com/post.medicalnewstoday.com/Chẩn đoán COPDĐể chẩn đoán COPD cần dựa trên các thông tin tổng hợp sau khi hỏi bệnh, thăm khám và làm các xét nghiệm.

Trong quá trình thăm khám, hãy trao đổi với bác sĩ tất cả các vấn đề bạn đang mắc, lưu ý những vấn đề sau:

  • Tiền sử hút thuốc và tình trạng hút thuốc hiện tại.
  • Tiếp xúc với hóa chất độc hại trong môi trường làm việc
  • Thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
  • Tiền sử gia đình có người mắc COPD
  • Bị hen suyễn hoặc các bệnh hô hấp khác
  • Liệt kê các thuốc đang dùng

Các xét nghiệm

Trong quá trình thăm khám nghe phổi là bắt buộc nhằm phát hiện những âm thanh bất thường từ phổi, dựa trên kết quả thăm khám này để đưa ra các chỉ định đi kèm bao gồm: 

  • Đo chức năng hô hấp một xét nghiệm không xâm lấn khác để đánh giá các thông số hít vào và thở ra trong hoạt động hô hấp.
  • Chụp X-quang hoặc CT ngực tìm kiếm các hình ảnh tổn thương của phổi, tim và các mạch máu.
  • Khí máu động mạch nhằm đánh giá mức độ thừa thiếu oxy, CO2 trong máu.

Các xét nghiệm này ngoài việc chẩn đoán xác định còn giúp chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác như hen suyễn, bệnh phổi hạn chế hoặc suy tim.

Điều trị COPD

Mục đích điều trị là làm giảm triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng, làm chậm tiến triển của bệnh. Bác sĩ chuyên khoa hô hấp và các nhà vật lý trị liệu giúp việc kiểm soát bệnh của bạn tốt hơn. Các biện pháp điều trị COPD bao gồm:

Liệu pháp oxy

Đây là liệu pháp nhằm hỗ trợ người bệnh trong tình trạng bị thiếu oxy máu, suy hô hấp. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, mà liệu pháp oxy được sử dụng ngắn hạn tại các cơ sở y tế hoặc sử dụng dài hạn tại nhà. Lượng oxy bị thiếu được cung cấp bằng mask hoặc ống sonde mũi cùng hệ thống cung cấp oxy lưu động.

Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp COPD mức độ nặng hoặc khi không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, thường liên quan đến nhóm bệnh khí phế thũng.

  • Cắt bóng khí (bullectomy) là thủ thuật loại bỏ những bóng khí lớn ở phổi choán chỗ, đè đẩy nhu mô phổi lành, làm giảm diện tích trao đổi khí của phổi.
  • Phẫu thuật giảm thể tích phổi là hình hình thức phẫu thuật nhằm cắt bỏ các phần nhỏ của mô phổi bị thương tổn ở phần trên, giúp tạo thêm không gian trong khoang ngực để các mô phổi khỏe mạnh còn lại được mở rộng. Qua đó, giúp cơ hoành hoạt động hiệu quả hơn. Phương pháp này đem lại hiệu quả cao tuy nhiên là một cuộc phẫu thuật lớn có nhiều nguy cơ và chỉ được chỉ định khi không còn lựa chọn thay thế.
  • Ghép phổi được chỉ định trong một số trường hợp. Phổi tổn thương được thay thế bằng phổi lành. Tuy nhiên, ghép phổi là một cuộc phẫu thuật lớn với nhiều rủi ro. Bệnh nhân sau khi phẫu thuật ghép phổi cần phải dùng thuốc để ức chế miễn dịch suốt đời. 
  • Có một phương pháp ít xâm lấn hơn để cải thiện hiệu quả của luồng không khí ở bệnh nhân khí phế thũng nặng bằng cách đặt van nội khí quản. Van này phân luồng không khí đến phổi lành, hạn chế vùng phổi bị tổn thương.  Thiết bị mang tên Zephyr Endobronchial Valve (Zephyr Valve) mới đây đã được FDA (Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ) phê duyệt để điều trị khó thở cho bệnh nhân bị khí thũng nặng. 

Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống là bắt buộc khi bị bệnh. Cần xây dựng các thói quen sau:

  • Bỏ thuốc
  • Tránh tiếp xúc với khói thuốc thụ động và khói hóa học.
  • Có một chế độ dinh dưỡng cân bằng, khoa học
  • Lựa chọn các bài tập thể dục phù hợp, điều độ.

Thuốc điều trị 

Thuốc có tác dụng làm giảm triệu chứng và cắt các đợt cấp tính bùng phát. Sử dụng thuốc cần chú ý loại thuốc, liều lượng để tăng hiệu quả điều trị, hạn chế các tác dụng phụ. Dưới đây là một số lời khuyên khi dùng thuốc:

Thuốc giãn phế quản

Thuốc giãn phế quản có tác dụng giãn cơ trơn đường thở, đường dùng dạng ống hít hoặc máy phun sương, thời gian tác dụng từ 4 đến 6 giờ, loại thời gian tác dụng kéo dài có thể lên tới 12 giờ, thường được chỉ định trong các đợt cấp.

Đối với những trường hợp thường xuyên khó thở khi hoạt động thể lực, Hiệp hội Lồng ngực Hoa Kỳ khuyến nghị sử dụng kết hợp hai loại thuốc giãn phế quản nhóm cường beta 2 tác dụng kéo dài (LABA) và  thuốc giãn phế quản nhóm kháng cholinergic tác dụng kéo dài (LAMA). Thuốc giãn phế quản hoạt động bằng cách tác động lên nhóm cơ trơn đường dẫn khí ngoài tác dụng mở rộng đường thở còn có tác dụng loại bỏ chất nhầy tốt hơn. Hai loại thuốc này có thể kết hợp dạng ống hít hoặc máy phun sương.

Các dạng kết hợp được kê đơn phổ biến:

  • Aclidinium/Formoterol
  • Glycopyrrolate/Formoterol
  • Tiotropium/Olodaterol
  • Umeclidinium/Vilanterol

Corticosteroid

Phác đồ điều trị thường kết hợp thuốc giãn phế quản và corticosteroid. Một thuốc làm giãn cơ trơn đường thở, một thuốc có tác dụng giảm viêm, tăng cường hiệu quả làm thông thoáng đường thở.

Chất ức chế Phosphodiesterase-4

Ở bệnh nhân COPD nặng và rất nặng (GOLD 3 and 4) có tiền sử nhiều đợt cấp, mạn đan xen, việc bổ sung thuốc ức chế phospodiesterase-4 (PDE-4), roflumilast, có vai trò làm giảm số đợt kịch phát.

Theophylline

Theophylline được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị thở khò khè, hơi thở nặng nề, tức ngực trong bệnh hen suyễn, viêm phế quản mạn tính, khí phế thủng và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Thuốc có tác dụng mở rộng đường dẫn khí ở phổi, giúp bạn dễ thở hơn. Theophylline không phải là chỉ định đầu tay cho bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Thuốc chỉ có tác dụng hỗ trợ các loại thuốc khác.

Kháng sinh và kháng virus

Kháng sinh hoặc kháng virus được chỉ định khi người bệnh có kèm theo nhiễm trùng đường hô hấp.

Vaccine

Để chủ động phòng ngừa, giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp có thể tiêm vaccin phòng cúm, phế cầu, ho gà.

Hướng dẫn chăm sóc người bệnh COPD

Nguồn ảnh: https://www.verywellhealth.com/Chăm sóc người bị bệnh COPDMột chế độ cân bằng, khoa học giúp người bệnh có thể chống đỡ lại các tác nhân có hại cho sức khỏe. Đa dạng các nguồn thực phẩm bằng cách bổ sung các dưỡng chất sau:

  • Rau xanh
  • Hoa quả tươi
  • Các loại hạt giàu dinh dưỡng
  • Thực phẩm cung cấp protein
  • Sữa

Hạn chế ăn mặn vì muối giữ nước làm cho tình trạng khó thở nặng hơn.

Bù dịch

Uống nhiều nước từ sáu đến tám ly nước mỗi ngày có tác dụng loãng nhầy dễ loại bỏ đờm. Khi bù dịch bằng các loại đồ uống khác nên tham khảo ý kiến chuyên gia để được hướng dẫn thực hành khoa học, hiệu quả.

Quản lý cân nặng

Một thân hình cân đối, cân nặng duy trì hợp lý phản ánh tình trạng sức khỏe tốt, có khả năng chống đỡ được bệnh tật. Người bệnh COPD thường xuyên khó thở nên cần cung cấp đủ năng lượng. Tuy nhiên cân nặng cần được kiểm soát hợp lý, thừa cân béo phì làm tăng gánh nặng cơ thể không tốt cho người bệnh COPD. Ngược lại cân nặng thiếu hụt khiến cơ thể thường xuyên mệt mỏi, giảm khả năng chống đỡ bệnh tật.

Thói quen ăn uống

Dạ dày căng làm hạn chế chuyển động của cơ hoành khiến bạn khó thở. Khắc phục tình trạng này bằng các cách sau:

  • Làm sạch đường thở một giờ trước bữa ăn.
  • Ăn một lượng thức ăn vừa phải, ăn chậm, nhai kỹ.
  • Chia nhỏ bữa trong ngày.
  • Uống ít nước trong bữa ăn để giảm cảm giác no.

Sống chung với COPD

COPD là bệnh không thể chữa khỏi đòi hỏi phải quản lý bệnh suốt đời. Điều đó có nghĩa là cần tuân thủ điều trị và duy trì thói quen lối sống lành mạnh để kiểm soát bệnh tốt hơn, hạn chế gánh nặng cho phổi. Cần xây dựng các thói quen tốt sau:

Cai thuốc Thuốc lá có hại cho sức khỏe đặc biệt đối với người bệnh COPD. Ngoài khói thuốc cần hạn chế tiếp xúc với các loại khói bụi và tình trạng ô nhiễm không khí khác.

Lên kế hoạch tập thể dục thể thao điều độ, phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Ăn một chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng, khoa học. Tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn nhiều calo, tẩm ướp mặn nhưng thiếu chất dinh dưỡng.

Kiểm soát các tình trạng sức khỏe khác. Kiểm soát các bệnh mạn tính khác ngoài COPD đặc biệt là đái tháo đường và tim mạch.

Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên duy trì môi trường sống trong sạch. 

Dự phòng đợt cấp. Mang theo thông tin liên lạc khẩn cấp khi cần bao gồm thông tin về những loại thuốc bạn dùng, liều lượng sử dụng, số điện thoại liên hệ.

Tìm kiếm sự trợ giúp. Tham gia cộng đồng người bệnh mắc COPD để được chia sẻ kinh nghiệm, cùng đồng hành trong quá trình chống lại bệnh.

Các giai đoạn của COPD

COPD được đánh giá, phân giai đoạn dựa trên thay đổi của chức năng hô hấp. Có nhiều hệ thống phân loại khác nhau trong đó phân loại GOLD được sử dụng nhiều hơn cả. Phân loại GOLD được sử dụng để đánh giá mức độ nghiêm trọng giúp tiên lượng và lên kế hoạch điều trị cho người bệnh.

Có 4 giai đoạn dựa trên kết quả đánh giá chức năng hô hấp:

  • Giai đoạn 1: mức độ nhẹ
  • Giai đoạn 2: mức độ trung bình
  • Giai đoạn 3: mức độ nặng
  • Giai đoạn 4: mức độ rất nặng

Kết quả phân giai đoạn dựa trên chỉ số FEV1. Thể tích khí thở ra gắng sức trong 1 giây đầu tiên. Mức độ trầm trọng của bệnh tăng lên khi kết quả chỉ số này giảm đi.

Phân loại GOLD cũng dựa trên các triệu chứng cá nhân và tiền sử đợt cấp. Tổng hợp các thông tin này, bác sĩ phân mức độ COPD theo bảng chữ cái ABCD để tiên lượng và theo dõi bệnh.

Các biến chứng thường gặp trong giai đoạn tiến triển bao gồm:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm hoặc viêm phổi
  • Bệnh tim mạch
  • Tăng áp động mạch phổi
  • Ung thư phổi
  • Trầm cảm và rối loạn lo âu

Mối liên quan giữa COPD và ung thư phổi

Nguồn ảnh: https://rtmagazine.com/Nguồn ảnhhttps://rtmagazine.com/Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng COPD và ung thư phổi có mối liên quan. Cụ thể hai bệnh này có chung một số yếu tố nguy cơ như hút thuốc, hít khói thụ động, tiếp xúc với hóa chất, khói bụi tại nơi làm việc. Ngoài ra hai bệnh đều có yếu tố di truyền, nguy cơ mắc tăng theo tuổi.

Theo thống kê năm 2009 ước tính 40 đến 70% bệnh nhân bị ung thư phổi mắc COPD. Kết luận này tương đương với các kết luận khác cho rằng COPD là một yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư phổi và là yếu tố thúc đẩy ung thư phổi phát triển.

Một số trường hợp không phát hiện COPD cho đến khi mắc ung thư phổi.

Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp mắc COPD đều tiến triển thành ung thư phổi. Phổi tổn thương do COPD tạo cơ hội cho tế bào ung thư hình thành và phát triển. Chính vì những điều này, bỏ thuốc là một lựa chọn sáng suốt để có thể bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.

Số liệu thống kê liên quan đến bệnh COPD

Trên toàn thế giới, ước tính có khoảng 65 triệu người mắc COPD mức độ trung bình đến nặng. Trong đó Hoa Kỳ có 16 triệu ca mắc.

Tuổi mắc COPD theo thống kê từ 40 trở lên. Phần lớn trong số đó là người hút thuốc hoặc có tiền sử hút thuốc. Đây là yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát. Trong số những người bị COPD, 5% nguyên nhân là do rối loạn di truyền liên quan đến sự thiếu hụt một loại protein tên là alpha-1-antitrypsin.

COPD là nguyên nhân nhập viện hàng đầu ở các nước công nghiệp hóa.

Trong năm 2000 số ca nhập viên lên tới 700.000, xấp xỉ 1,5 triệu ca cấp cứu.

COPD là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ ba ở Hoa Kỳ. Tỷ lệ phụ nữ tử vong do COPD cao hơn so với nam giới.

Dự kiến giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2030 số ca mắc COPD sẽ tăng hơn 150%. Điều này có thể lý giải do sự già hóa dân số thế giới.

Tiên lượng bệnh COPD

COPD làm giảm tuổi thọ, diễn biến khác nhau tùy từng trường hợp cụ thể.

Hút thuốc làm bệnh tiến triển nhanh, mức độ nghiêm trọng cao hơn.

COPD là bệnh tiến triển theo thời gian, khó phát hiện ở giai đoạn sớm.

Từ khi bệnh biểu hiện rõ đến khi được chẩn đoán người bệnh có nhiều đợt thường xuyên thăm khám bác sĩ vì các vấn đề đường hô hấp. Sau khi chẩn đoán cần kiểm soát chặt chẽ các yêu tố nguy cơ, thay đổi lối sống để hạn chế sự tiến triển của bệnh.

Chẩn đoán sớm, tuân thủ điều trị giúp duy trì chất lượng cuộc sống tốt trong một thời gian.

Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng có thể ngày càng tồi tệ.

Người mắc COPD nặng thậm chí không thể tự chăm sóc bản thân. Những biến chứng theo thời gian có thể gặp bao gồm nhiễm trùng đường hô hấp, các vấn đề về tim mạch và ung thư phổi, nguy cơ cao trầm cảm và rối loạn lo âu.

Bên cạnh việc bỏ thuốc, tiên lượng bệnh phụ thuộc vào mức độ đáp ứng với điều trị việc ngăn ngừa các biến chứng xảy ra. Trao đổi với bác sĩ điều trị để có thể lên kế hoạch theo dõi, quản lý bệnh tốt hơn.

Xem thêm:

Câu hỏi liên quan

Thay đổi lối sống thành một thói quen lâu dài sẽ giúp người mắc COPD giảm bớt các triệu chứng bệnh đáng kể; Hỗ trợ cai thuốc lá...
Xem thêm
Những khuyến cáo chung được đưa ra trong phác đồ điều trị phổi tắc nghẽn mạn tính bao gồm: Ngừng tiếp xúc với yếu tố nguy cơ: khói thuốc lá, thuốc lào, bụi, khói bếp rơm, củi, than, khí độc...
Xem thêm
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là một bệnh viêm phổi mãn tính được gây ra luồng khí bị tắc nghẽn từ phổi.
Xem thêm
Đây là giai đoạn cuối của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hay còn gọi là giai đoạn rất nặng. Giá trị FEV1 sau khi test hồi phục phế quản lúc này thấp hơn 30% trị số lý thuyết.
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: COPD
Chủ đề:
Nguồn tham khảo
  • https://www.healthline.com/health/copd
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!