Ung thư tuyến tiền liệt: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ung thư tuyến tiền liệt là một loại ung thư phổ biến ở nam giới, tuy nhiên bệnh ở giai đoạn đầu có khả năng điều trị cao. Nó bắt đầu trong tuyến tiền liệt – cơ quan nằm giữa dương vật và bàng quang.

(Nguồn ảnh cancercenter.kz)Tuyến tiền liệt

Tuyến tiền liệt có nhiều chức năng khác nhau, gồm sản xuất chất dịch nuôi dưỡng và vận chuyển tinh trùng, tiết ra kháng nguyên đặc hiệu cho tuyến tiền liệt (prostate-specific antigen - PSA) - một loại protein giúp tinh dịch giữ được trạng thái lỏng. Ngoài ra nó giúp kiểu soát lượng nước tiểu.

Video ung thư tuyến tiền liệt đừng chủ quan 

Ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư thường gặp. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ dự đoán rằng vào năm 2021 sẽ có khoảng 248.530 ca chẩn đoán mới về ung thư tuyến tiền liệt và khoảng 34.130 ca tử vong vì loại ung thư này.

Khoảng 1/8 nam giới sẽ nhận được chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời của họ. Tuy nhiên, chỉ 1/41 người trong số này sẽ chết. Điều này là do việc điều trị có hiệu quả, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Kiểm tra định kỳ giúp bác sĩ phát hiện nhiều trường hợp ung thư tuyến tiền liệt trước khi chúng di căn.

Các dấu hiệu và triệu chứng ung thư tuyến tiền liệt

(Nguồn ảnh medicalnewstoday.com)Triệu chứng của ung thư tuyến tiền liệtThường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu của ung thư tuyến tiền liệt, nhưng tầm soát có thể phát hiện những thay đổi để chẩn đoán ung thư. Sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt bằng xét nghiệm đo nồng độ PSA trong máu. Mức độ cao của nó cho thấy người đó có thể bị ung thư.

Người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng sau:

  • Tiểu khó
  • Tiểu nhiều, đặc biệt là vào ban đêm
  • Dòng nước tiểu yếu
  • Có máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch
  • Đi tiểu hoặc xuất tinh đau
  • Đau lưng, hông hoặc xương chậu

Các triệu chứng ở giai đoạn muộn

Những người bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối cũng có thể không có triệu chứng. Các dấu hiệu tiềm ẩn sẽ phụ thuộc vào kích thước của ung thư và nơi nó đã di căn trong cơ thể. Ngoài những biểu hiện trên, ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn muộn có thể bao gồm các triệu chứng sau:

  • Đau xương
  • Giảm cân không giải thích được
  • Mệt mỏi

Điều trị ung thư tuyến tiền liệt

Điều trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn ung thư và các yếu tố khác, chẳng hạn như điểm Gleason và mức PSA. Cũng cần lưu ý rằng nhiều lựa chọn điều trị có thể được áp dụng, bất kể giai đoạn ung thư.

Trong các phần bên dưới, chúng tôi liệt kê một số những lựa chọn điều trị đối với ung thư tuyến tiền liệt và tác động của chúng tới khả năng sinh sản.

Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu

Nếu ung thư nhỏ và khu trú, bác sĩ có thể đề nghị:

Theo dõi sát

Bác sĩ có thể xét nghiệm nồng độ PSA trong máu thường xuyên nhưng không điều trị ngay lập tức. Ung thư tuyến tiền liệt phát triển chậm và nguy cơ mắc các tác dụng phụ của điều trị có thể cao hơn so với nhu cầu điều trị ngay lập tức.

Phẫu thuật

Bác sĩ phẫu thuật có thể tiến hành cắt bỏ tuyến tiền liệt triệt để để loại bỏ khối u. Ngoài việc loại bỏ tuyến tiền liệt, phẫu thuật cũng có thể bao gồm việc loại bỏ các mô xung quanh, túi tinh và các hạch bạch huyết lân cận. Bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật này bằng phẫu thuật mở, mổ nội soi hoặc phẫu thuật nội soi có sự hỗ trợ của robot.

Xạ trị

Biện pháp này sử dụng bức xạ để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chúng phát triển. Các lựa chọn cho bệnh ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầucó thể bao gồm:

Xạ trị bên ngoài: Phương pháp này sử dụng một máy bên ngoài cơ thể để chiếu tia bức xạ về phía các tế bào ung thư. Xạ trị không gian 3 chiều là một loại xạ trị bên ngoài sử dụng máy tính để giúp hướng dẫn và nhắm mục tiêu vào một khu vực cụ thể, giảm thiểu nguy cơ đối với mô lành và cho phép liều lượng bức xạ cao tập trung vào khối u tuyến tiền liệt.

Xạ trị bên trong: Còn được gọi xạ áp sát, phương pháp này sử dụng các hạt phóng xạ cấy vào gần tuyến tiền liệt. Bác sĩ phẫu thuật sử dụng chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính để giúp hướng dẫn vị trí của chất phóng xạ.

Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối

Khi ung thư phát triển, nó có thể di căn khắp cơ thể. Nếu nó lan rộng hoặc nếu nó tái phát sau khi thuyên giảm, các lựa chọn điều trị sẽ thay đổi. Các tùy chọn có thể bao gồm:

  • Hóa trị: Biện pháp này sử dụng thuốc để giúp ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Ngoài việc nó có thể tiêu diệt các tế bào ung thư khắp cơ thể, nó cũng có thể gây ra các tác dụng phụ.
  • Liệu pháp nội tiết: Androgen là nội tiết tố nam. Nội tiết tố androgen chính là testosterone và dihydrotestosterone. Ngăn chặn hoặc giảm hormone này dường như ngăn chặn hoặc trì hoãn sự phát triển của tế bào ung thư. Một trong các lựa chọn là phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn, là nơi sản xuất hầu hết các hormone của cơ thể. Nhiều loại thuốc khác nhau cũng có thể được sử dụng.
  • Liệu pháp miễn dịch: Phương pháp này sử dụng hệ thống miễn dịch của người bệnh để giúp chống lại bệnh ung thư. Các nhà khoa học có thể sử dụng các chất mà cơ thể sản xuất hoặc tạo ra chúng trong phòng thí nghiệm, để giúp tăng cường hoặc khôi phục khả năng phòng thủ tự nhiên của cơ thể chống lại bệnh ung thư.
  • Liệu pháp nhắm trúng đích: Phương pháp này sử dụng thuốc hoặc các chất khác để xác định và tấn công các tế bào ung thư cụ thể. Ví dụ: một nghiên cứu năm 2021 đã nhấn mạnh một loại thuốc phóng xạ có thể có hiệu quả đối với các dạng ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối khó điều trị.

Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản

Tuyến tiền liệt có vai trò quan trọng trong quá trình sinh sản. Ung thư tuyến tiền liệt và nhiều phương pháp điều trị của nó ảnh hưởng đến khả năng sinh sản theo một số cách.

Ví dụ, phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt hoặc tinh hoàn sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất tinh dịch và khả năng sinh sản. Ngoài ra, xạ trị có thể ảnh hưởng đến mô tuyến tiền liệt, làm hỏng tinh trùng và giảm lượng tinh dịch. Điều trị nội tiết cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Tuy nhiên, một số phương pháp để bảo tồn các chức năng này bao gồm bảo quản tinh trùng trước khi phẫu thuật hoặc lấy tinh trùng trực tiếp từ tinh hoàn để thụ tinh nhân tạo.

Không có gì đảm bảo rằng khả năng sinh sản sẽ vẫn còn nguyên vẹn sau khi điều trị ung thư tuyến tiền liệt. Bất kỳ ai muốn có con sau khi điều trị nên thảo luận về các lựa chọn sinh sản với bác sĩ khi họ đề ra kế hoạch điều trị.

Nguyên nhân ung thư tuyến tiền liệt

Các nhà nghiên cứu không chắc chắn về nguyên nhân chính xác của ung thư tuyến tiền liệt. Nó phát triển khi có những thay đổi cụ thể, thường là ở các tế bào tuyến. Khi các tế bào tuyến tiền liệt xuất hiện bất thường, bác sĩ có thể gọi những thay đổi này là tân sản nội biểu mô tuyến tiền liệt (prostatic intraepithelial neoplasia - PIN). Có khoảng 50% nam giới trên 50 tuổi xuất hiện tân sản nội biểu mô tuyến tiền liệt.

Lúc đầu, những thay đổi này sẽ chậm và các tế bào sẽ không bị ung thư. Tuy nhiên, chúng có thể trở thành ung thư theo thời gian. Tế bào ung thư có thể ở độ cao hoặc độ thấp. Các tế bào độ cao có nhiều khả năng phát triển và lây lan hơn, trong khi các tế bào độ thấp không có khả năng phát triển và không phải là nguyên nhân đáng lo ngại.

Các yếu tố nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt

Dù các bác sĩ không biết chính xác lý do tại sao ung thư tuyến tiền liệt xảy ra, nhưng những điều sau có thể là yếu tố nguy cơ của bệnh:

  • Tuổi tác: Nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt tăng lên sau 50 tuổi, hiếm khi xảy ra trước 45 tuổi.
  • Tiền sử gia đình: Một người có người thân từng bị ung thư tuyến tiền liệt sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
  • Yếu tố di truyền: Các đặc điểm di truyền, bao gồm cả những thay đổi đối với gen BRCA1BRCA2, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Các đột biến trong các gen này cũng làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư vú. Nam giới sinh ra với hội chứng Lynch cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt và các bệnh ung thư khác cao hơn.
  • Chế độ ăn: Một số bằng chứng cho thấy rằng chế độ ăn nhiều chất béo có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.

Các yếu tố có thể khác

Vẫn cần thêm các nghiên cứu để xác nhận sự liên quan của các yếu tố khác với nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, các yếu tố này bao gồm:

Còn những người chuyển giới thì sao?

Bất kỳ ai có tuyến tiền liệt đều có thể bị ung thư tuyến tiền liệt. Những người sinh ra không có tuyến tiền liệt không thể phát triển ung thư tuyến tiền liệt.

Người chuyển giới sử dụng liệu pháp hormone như estrogen có thể có nguy cơ thấp hơn nhưng nguy cơ này vẫn hiện hữu.

Các giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt

Giai đoạn thường được dùng để đánh giá lượng tế bào u trong cơ thể và mức độ xâm lấn của khối u. Biết giai đoạn của ung thư tuyến tiền liệt có thể giúp tiên lượng bệnh và lựa chọn phương pháp điều trị.

Giai đoạn ung thư rất phức tạp và có nhiều yếu tố khác nhau. Thông thường, giai đoạn càng thấp, ung thư càng ít di căn. Các giai đoạn có thể là:

  • Giai đoạn I: Ung thư chỉ xuất hiện ở tuyến tiền liệt.
  • Giai đoạn II: Ung thư vẫn chưa lan ra khỏi tuyến tiền liệt, nhưng người bệnh có mức PSA cao hơn.
  • Giai đoạn III: Ung thư có thể đã lan sang các mô lân cận.
  • Giai đoạn IV: Ung thư có thể đã lan đến các bộ phận xa của cơ thể.

Chẩn đoán

Nếu người bệnh có các triệu chứng gợi ý ung thư tuyến tiền liệt, bác sĩ sẽ:

  • Hỏi về các triệu chứng
  • Hỏi về tiền sử cá nhân 
  • Tiến hành xét nghiệm máu để đánh giá mức PSA
  • Thực hiện xét nghiệm nước tiểu để tìm các dấu ấn sinh học khác
  • Thực hiện khám sức khỏe, có thể bao gồm khám tuyến tiền liệt qua đường trực tràng

Trong quá trình khám tuyến tiền liệt qua đường trực tràng, bác sĩ sẽ sử dụng ngón tay để kiểm tra xem có bất kỳ bất thường nào của tuyến tiền liệt.

Xét nghiệm thêm

Nếu bác sĩ nghi ngờ ung thư, họ có thể đề nghị các xét nghiệm thêm:

  • Xét nghiệm PCA3: tìm kiếm gen PCA3 trong nước tiểu.
  • Siêu âm qua trực tràng
  • Sinh thiết: Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô để kiểm tra dưới kính hiển vi.

Chỉ sinh thiết mới có thể xác nhận sự hiện diện của tế bào ung thư. Người bệnh cần theo dõi chặt chẽ có thể cần chụp MRI hoặc CT định kỳ.

Tổng kết

Ung thư tuyến tiền liệt có tỉ lệ mắc tương đối cao nhưng các bác sĩ có thể phát hiện sớm hầu hết các trường hợp và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm gần 100% đối với những người bị ung thư tuyến tiền liệt tại chỗ hoặc khu vực và tỷ lệ 30% đối với những người bị ung thư tuyến tiền liệt di căn xa. Hiện tại, tỷ lệ sống sót sau 5 năm nói chung là 98%.

Cách tốt nhất để phát hiện ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn đầu là tham gia tầm soát thường xuyên. Tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ, nam giới có thể nên bắt đầu tầm soát ở tuổi 40. Bất kỳ ai chưa tham gia tầm soát nên trao đổi với bác sĩ về các lựa chọn tầm soát.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!