Thủy đậu ở trẻ em: Triệu chứng, lây nhiễm, biến chứng, điều trị và dự phòng

Thủy đậu hay còn gọi là bỏng dạ (phỏng dạ), là bệnh truyền nhiễm do virus varicella-zoster gây ra. Từng được coi là một phần của “tiêu chuẩn” thời thơ ấu, sự bùng phát của thủy đậu đã trở nên ít phổ biến hơn ở tất cả các lứa tuổi kể từ khi vắc-xin thủy đậu được giới thiệu lần đầu vào năm 1995.

Trẻ em không thể tiêm phòng cho đến khi đủ 12 tháng tuổi. Tuy nhiên, các trường hợp mắc bệnh thủy đậu ở trẻ em dưới 1 tuổi vẫn giảm 90% từ năm 1995 đến 2008 theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Dự phòng Bệnh tật. Thành công này nhờ vào “miễn dịch cộng đồng”. 

Miễn dịch cộng đồng gián tiếp giúp bảo vệ những người không thể được tiêm phòng, như trẻ em, khỏi bị bệnh. Khi một lượng lớn dân số được tiêm vắc-xin, khả năng bùng phát dịch thường thấp. Vì vậy, với sự ra đời của vắc-xin thủy đậu, một khi hầu hết trẻ em được tiêm vắc-xin, trẻ em thường không phơi nhiễm với bệnh thủy đậu với tần suất tương tự như thời kỳ trước khi có vắc-xin. 

Video: Bệnh thủy đậu ở trẻ em có nguy hiểm không?

Trẻ em có thể mắc bệnh thủy đậu nếu phơi nhiễm với bệnh này, nhưng trẻ có thể bị nhẹ hơn nếu có miễn dịch thụ động. Miễn dịch thụ động là khi người mẹ truyền khả năng miễn dịch của chính mình cho con trong ba tháng cuối của thai kỳ và khi cho con bú. 

Em bé cũng có thể bị bệnh thủy đậu từ mẹ nếu mẹ mắc bệnh này trong hoặc sau khi mang thai. Vì khả năng miễn dịch thụ động không có ngay lập tức, một em bé bị mắc bệnh thủy đậu từ mẹ ngay sau khi sinh có thể diễn biến nặng. 

Trẻ em cũng có thể mắc bệnh thủy đậu từ người bị bệnh zona nếu trẻ tiếp xúc trực tiếp với dịch chảy ra từ các mụn nước phát ban. Zona và thủy đậu do cùng một loại virus gây ra. 

Bài này cung cấp các dấu hiệu của bệnh thủy đậu ở trẻ em cũng như cách điều trị và bảo vệ đối tượng này. 

Các triệu chứng của bệnh thủy đậu ở trẻ em

Những dấu hiệu đầu tiên của bệnh thủy đậu ở trẻ em có thể bao gồm: 

  • Sốt (38,3°C đến 38,9°C)
  • Bú kém hoặc ăn kém
  • Ho khan
  • Quấy khóc
  • Mệt mỏi
  • Ngủ nhiều hơn bình thường

Những triệu chứng này có thể bắt đầu một hoặc hai ngày trước khi phát ban bắt đầu xuất hiện. Phát ban đỏ, rất ngứa thường bắt đầu xuất hiện trên thân, bụng, da đầu hoặc mặt. Sau đó phát ban toàn thân. Phát ban có thể nhẹ hoặc nặng. Nó xảy ra liên tiếp trong hai đến bốn ngày. Có đến 200 đến 500 mụn nước ngứa cuối cùng nổi lên khắp cơ thể.  

Phát ban thủy đậu có nhiều giai đoạn. Nó bắt đầu như những mụn đỏ nhỏ li ti. Trong vài ngày, các vết sưng trở thành những mụn nước chứa đầy dịch. Khi các mụn nước vỡ ra, chúng chảy ra và giống như vết loét hở. Các mụn nước sau đó bắt đầu đóng vảy và lành lại. Bệnh thủy đậu có thể kéo dài từ 5 đến 10 ngày. Vì phát ban nổi thành từng đợt nên bạn thường thấy các vết phỏng, mụn nước, vết loét hở và đóng vảy cùng một lúc. 

Thời kỳ ủ bệnh của thủy đậu  

Bệnh thủy đậu rất dễ lây lan. Nó lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với mụn nước, nước bọt hoặc dịch tiết của người bệnh. Nó cũng có thể lây lan trong không khí nếu nguoioiwf  mắc bệnh ho hoặc hắt hơi. 

Các triệu chứng của bệnh thủy đậu có thể bắt đầu xảy ra từ 10 đến 21 ngày sau khi phơi nhiễm. 

Thời kỳ lây nhiễm 

Một người trở nên lây nhiễm khoảng hai ngày trước khi phát ban bắt đầu xuất hiện. Chúng sẽ vẫn lây cho đến khi tất cả nốt phỏng đóng vảy và khô lại. Quá trình này có thể mất khoảng 5 ngày hoặc lâu hơn. Điều đó có nghĩa là bạn nên giữ trẻ ở nhà không tiếp xúc với các cơ sở giữ trẻ hoặc các khu vực khác có trẻ em trong khoảng 7 đến 10 ngày, bắt đầu khi trẻ bắt đầu sốt. 

Trẻ em có cần đi khám không?

Nếu bạn nghi ngờ con mình bị thủy đậu, bạn nên liên hệ với bác sĩ nhi khoa, ngay cả khi phát ban và các triệu chứng nhẹ.

Đảm bảo cho bác sĩ biết nếu con bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây. Chúng có thể gợi ý các biến chứng:

  • Sốt từ 39°C trở lên
  • Phát ban ở một hoặc cả hai mắt
  • Phát ban có cảm giác ấm khi chạm vào
  • Li bì, khó đánh thức
  • Gáy cứng
  • Ho dữ dội
  • Nôn mửa
  • Tim đập nhanh
  • Khó thở
  • Run cơ 

Điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em 

Vì nguyên nhân gây ra bệnh thủy đậu là virus nên nó không được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, nếu nhiễm trùng do vi khuẩn xảy ra xung quanh mụn nước, bác sĩ có thể kê cho trẻ thuốc kháng sinh để giúp làm sạch mụn nước. Gãi hoặc cọ xát có thể dẫn đến tình trạng này.

Bạn có thể ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn phát triển bằng cách giữ găng tay và giữ cho móng tay của chúng được cắt ngắn. Đồng thời đảm bảo không chà xát da sau khi tắm. Thay vào đó, hãy thấm nhẹ nhàng đến khi khô, có thể làm giảm kích ứng phát ban. 

Nếu em bé có nguy cơ bị biến chứng của thủy đậy, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus. Điều này có thể cần thiết nếu trẻ có tiền sử đẻ non hoặc nếu chúng có hệ thống miễn dịch suy yếu. 

Các phương pháp điều trị bệnh thủy đậu khác hướng tới việc giúp trẻ cảm thấy dễ chịu, giống như cách bạn làm với một đứa trẻ lớn hơn: 

  • Giúp giảm ngứa với kem dưỡng da calamine và tắm bột yến mạch.
  • Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn
  • Đảm bảo dinh dưỡng đủ, đủ nước 

Cảnh báo

Nếu con bạn dưới 3 tháng tuổi, đừng cho con uống bất kỳ loại thuốc hạ sốt nào mà không hỏi ý kiến bác sĩ trước. Không bao giờ cho trẻ uống aspirin. Nó có thể dẫn đến một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng được gọi là hội chứng Reye. 

Biến chứng thủy đậu ở trẻ em

Bệnh thủy đậu thường tự khỏi mà không có bất kỳ biến chứng nào. Cho dù là nhẹ hay nặng, hầu hết mọi người đều trở nên miễn dịch với bệnh thủy đậu sau khi mắc bệnh hoặc sau khi tiêm dù chỉ một liều vắc-xin. Tuy nhiên, những người có hệ thống miễn dịch suy yếu có thể bị thủy đậu một lần nữa. 

Nếu phụ nữ mang thai bị thủy đậu có thể dẫn đến những biến chứng nặng cho thai nhi. Bệnh thủy đậu mắc phải sớm trong thai kỳ có thể dẫn đến dị tật chân tay hoặc sinh con nhẹ cân. Bệnh thủy đậu mắc phải một thời gian ngắn trước hoặc sau khi sinh có thể gây nhiễm trùng nặng, cố thể gây đe dọa tính mạng. 

Trẻ sinh ra không có khả năng miễn dịch thụ động đối với bệnh thủy đậu cũng có thể có nguy cơ bị các biến chứng cao hơn. Bao gồm các: 

  • Nhiễm trùng huyết
  • Nhiễm khuẩn, bao gồm cả viêm họng liên cầu khuẩn
  • Viêm não
  • Mất nước
  • Viêm phổi

Phòng bệnh thủy đậu ở trẻ em

Theo Vaccines.gov, vắc xin thủy đậu có hiệu quả khoảng 94% sau cả hai liều. Trẻ em dưới 1 tuổi không thể tiêm vắc-xin này. Sau đó, trẻ em cần được tiêm nhắc lại trong độ tuổi từ 4 đến 6 để cải thiện khả năng miễn dịch đối với virus. Điều này là do hiệu quả của liều vắc-xin đầu tiên giảm đi sau năm năm. Trẻ em hoặc trẻ mới biết đi chưa được tiêm phòng nên tránh xa người bị bệnh thủy đậu hoặc bệnh zona.

Vắc-xin thủy đậu (Nguồn ảnh: https://childhealthy.co.uk)

Miễn dịch cộng đồng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em khỏi bệnh thủy đậu. Nhưng nếu bạn sống trong một cộng đồng nơi tiêm chủng ít phổ biến, nên hạn chế để con của bạn tiếp xúc với những đứa trẻ khác. 

Tổng kết

Vắc-xin thủy đậu đã làm giảm các đợt bùng phát một cách đáng kể. Tuy nhiên, trẻ em vẫn có thể nhiễm virus. Nếu bạn nghi ngờ con mình bị thủy đậu, hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức. Bệnh thủy đậu ở trẻ thường nhẹ, nhưng có thể gây ra các biến chứng.

Xem thêm: 

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!