Thuốc Phenylephrine - Giảm hiện tượng sung huyết ở kết mạc, mô xoang - Cách dùng

Thuốc Phenylephrine có tác dụng làm giảm hiện tượng sung huyết ở kết mạc, mô xoang và niêm mạc mũi. Vậy thuốc Phenylephrine được sử dụng như thế nào? Cần lưu ý gì? Hãy để 1900.edu.vn giúp bạn hiểu kĩ hơn về thuốc trong bài viết dưới đây.

Thành phần của thuốc Phenylephrine

Thuốc có thành phần là phenylephrine hydrochloride

Phenylephrine là một thuốc tác dụng giống thần kinh giao cảm α1 (α1-adrenergic) có tác dụng trực tiếp lên các thụ thể α1-adrenergic làm co mạch máu và làm tăng huyết áp.

Cơ chế tác dụng α-adrenergic của phenylephrine là do ức chế sản xuất AMP vòng (cAMP: cyclic adenosin -3’, 5’-monophosphat) thông qua ức chế enzym adenyl cyclase, trong khi tác dụng β-adrenergic là do kích thích hoạt tính adenyl cyclase.

Phenylephrine cũng có tác dụng gián tiếp do giải phóng norepinephrin từ các nang chứa vào tuần hoàn. Thuốc có thể gây quen thuốc nhanh, tức là tác dụng giảm đi khi dùng lặp lại nhiều lần.

Phenylephrine có những dạng và hàm lượng sau:

  • Hỗn dịch tiêm;
  • Dung dịch thuốc uống;
  • Viên nén.

Chỉ định và chống chỉ định thuốc Phenylephrine

Chỉ định 

  • Toàn thân

Hiện nay thuốc này ít được chỉ định. Trước đây, thuốc đã được chỉ định để điều trị hạ huyết áp trong sốc sau khi đã bù đủ dịch, hoặc hạ huyết áp do gây tê tủy sống; cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất; để kéo dài thời gian tê trong gây tê tủy sống hoặc gây tê vùng.

Phenylephrine có thể dùng đường uống để điều trị sung huyết mũi.

  • Tại chỗ

Nhỏ mắt để làm giãn đồng tử (trong điều trị viêm màng bồ đào có khả năng gây dính; chuẩn bị trước khi phẫu thuật trong nhãn cầu; để chẩn đoán).

Nhỏ mắt để làm giảm sung huyết kết mạc (trong viêm kết mạc cấp).

Nhỏ mũi để làm giảm sung huyết mũi, xoang do bị cảm lạnh.

Phenylephrine được chỉ định làm giảm sung huyết mũiPhenylephrine được chỉ định làm giảm sung huyết mũi

Chống chỉ định

Chống chỉ định của Phenylephrine:

  • Bệnh tim mạch nặng, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành.
  • Tăng huyết áp nặng, block nhĩ thất, xơ cứng động mạch nặng, nhịp nhanh thất.
  • Cường giáp nặng hoặc bị glôcôm góc đóng.
  • Dung dịch 10% không dùng cho trẻ nhỏ hoặc người cao tuổi.
  • Mẫn cảm với thuốc, hoặc mẫn cảm chéo với pseudoephedrin hoặc với các thành phần khác trong thuốc.
  • Không dùng thuốc dạng uống cùng với các thuốc ức chế MAO hoặc đã ngừng sử dụng thuốc ức MAO chưa quá 14 ngày và phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu.

Liều lượng và cách sử dụng thuốc Phenylephrine

Cách dùng

  • Với viên nén, bạn nên dùng với một ly nước khoảng 200ml.
  • Bạn nên lắc đều thuốc khi sử dụng dạng lỏng. Đo liều bằng muỗng y tế hay ống tiêm định lượng.
  • Đối với hỗn dịch tiêm, cần được thực hiện bởi người có chuyên môn.

Liều lượng

Ở cả người lớn và trẻ em, trong trường hợp bị hạ huyết áp, sốt hay tim đập nhanh đều phải dùng thuốc ở dạng tiêm. Liều lượng sẽ được bác sĩ chỉ định cụ thể phù hợp với tình trạng bệnh.

Thuốc ở dạng viên nén hoặc dung dịch uống sẽ được sử dụng khi nghẹt mũi với liều lượng cụ thể như sau:

  • Đối với người lớn

Có thể dùng khi cần thiết 4 giờ một lần từ 10 – 20mg.

Liều lượng đôi khi sẽ thay đổi theo chỉ định từ bác sĩ đối với mỗi loại Phenylephrine.

  • Đối với trẻ em

Trường hợp trẻ từ 6 – 11 tuổi dùng không quá 10mg mỗi 4 giờ. Trẻ trên 12 tuổi có thể sử dụng như người lớn.

Nên tham khảo kỹ lưỡng trước khi sử dụng cho trẻ để tránh những tác dụng ngoài ý muốn.

Tác dụng phụ thuốc Phenylephrine

Hầu hết các loại thuốc biệt dược đều có thể gây nên một số tác dụng ngoài ý muốn nếu bạn sử dụng sai cách.

Các tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc Phenylephrine:

  • Rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh
  • Chán ăn, ăn không ngon
  • Kích ứng ngoài da: nóng, ngứa hay nổi mẩn đỏ
  • Mất ngủ
  • Bồn chồn, lo lắng
  • Buồn nôn
  • Khó thở

Cần thông báo với bác sỹ nếu có dấu hiệu rổi loạn nhịp tim khi dùng thuốcCần thông báo với bác sỹ nếu có dấu hiệu rổi loạn nhịp tim khi dùng thuốc

Một số tác dụng phụ của Phenylephrine có thể không cần đến sự chăm sóc y tế mà vẫn tự biến mất. Tuy nhiên, việc báo cáo cho bác sĩ là cần thiết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bạn.

Lưu ý thuốc Phenylephrine

Trước khi quyết định sử dụng một loại thuốc, lợi ích và nguy cơ của thuốc phải được cân nhắc. Đây là quyết định của bạn cùng bác sĩ. Đối với thuốc này, những điều sau đây cần được xem xét:

  • Dị ứng

Hãy cho bác sĩ của bạn biết nếu bạn đã từng có bất kỳ phản ứng bất thường hoặc dị ứng với thuốc này hoặc bất kỳ loại thuốc khác. Nói với chuyên gia chăm sóc sức khỏe của bạn nếu bạn có bất kỳ biểu hiện khác của bệnh dị ứng, chẳng hạn như dị ứng thực phẩm, thuốc nhuộm, chất bảo quản, hoặc động vật. Đối với sản phẩm không kê toa, đọc nhãn thuốc hoặc thành phần thuốc một cách cẩn thận.

  • Trẻ em

Trẻ em có thể đặc biệt nhạy cảm với các tác động của phenylephrine. Điều này có thể làm tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ trong quá trình điều trị. Ngoài ra, liều 10% không được khuyến cáo dùng cho trẻ sơ sinh và liều 2,5 và 10% không được khuyến cáo dùng cho trẻ sơ sinh nhẹ cân.

  • Bệnh nhân cao tuổi

Sử dụng lặp đi lặp lại liều phenylephrine 2,5 hoặc 10% có thể làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề trong quá trình điều trị với thuốc này. Ngoài ra, vấn đề về tim và mạch máu xảy ra ở những bệnh nhân cao tuổi thường xuyên hơn so với người trẻ tuổi.

  • Lưu ý với phụ nữ có thai

Còn chưa đủ số liệu nghiên cứu khẳng định thuốc có đi qua nhau thai hay không, nên chỉ dùng phenylephrine cho phụ nữ mang thai khi thật cần thiết, phải cân nhắc về tác hại do thuốc gây ra.

  • Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Còn chưa rõ phenylephrine có phân bố được vào sữa mẹ không. Vì vậy, phải rất thận trọng khi dùng thuốc cho phụ nữ nuôi con bú. Nếu buộc phải dùng phenylephrine tiêm, thì nên ngừng cho con bú.

  • Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Không có báo cáo.

Tương tác thuốc Phenylephrine

Thuốc

Phenylephrine có thể tương tác với một số thuốc khác khiến tác dụng điều trị giảm xuống. Một số tương tác nghiêm trọng có thể gây nguy hại đến sức khỏe.

Một số thuốc có thể tương tác với Phenylephrine là aspirin, advil, adderall, claritin, codein, cymbalta, phenelzine, selegiline… Chia sẻ với bác sĩ nếu bạn đang dùng các loại thuốc giảm đau gây nghiện, thuốc giãn cơ, thuốc ngủ hay thuốc điều trị trầm cảm.

Thức ăn và rượu bia

Những loại thuốc nhất định không được dùng trong bữa ăn hoặc cùng lúc với những loại thức ăn nhất định vì có thể xảy ra tương tác. Rượu và thuốc lá cũng có thể tương tác với vài loại thuốc nhất định. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe của bạn về việc uống thuốc cùng thức ăn, rượu và thuốc lá.

Tình trạng sức khỏe 

Tình trạng sức khỏe của bạn có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc này. Báo cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là:

  • Bệnh tiểu đường tuýp 2;
  • Bệnh tim hoặc mạch máu;
  • Tăng huyết áp – liều phenylephrine 2,5 và 10% có thể làm cho tình trạng này tồi tệ hơn;
  • Hạ huyết áp thế đứng tự phát (một loại hạ huyết áp) – Sử dụng các thuốc này có thể gây ra hạ huyết áp đáng kể.

Bảo quản thuốc Phenylephrine 

  • Để thuốc tránh xa tầm tay của trẻ em và thú cưng trong nhà.
  • Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo và thoáng mát. Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng hoặc để thuốc ở những nơi ẩm ướt.

Làm gì khi dùng quá liều; quên liều?

Xử trí khi quá liều 

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Xử trí khi quên liều

Nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Câu hỏi liên quan

Phenylephrine là một thuốc tác dụng giống thần kinh giao cảm α1 (α1-adrenergic) có tác dụng trực tiếp lên các thụ thể α1-adrenergic làm co mạch máu và làm tăng huyết áp.
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Phenylephrine
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!