Sa trực tràng: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Sa trực tràng xảy ra khi trực tràng (đoạn cuối cùng của ruột già) bị sa xuống khỏi vị trí bình thường trong vùng chậu và thò ra ngoài qua hậu môn. (Từ "sa"có nghĩa là một bộ phận cơ thể rơi xuống hoặc trượt khỏi vị trí bình thường của nó.)

Video: Phân biệt sa trực tràng và trĩ

Bệnh sa trực tràng được chia thành 3 loại:

  • Sa bên ngoài: Độ dày toàn bộ của thành trực tràng bị sa ra ngoài hậu môn. Đây là loại sa trực tràng phổ biến nhất.
  • Sa niêm mạc: Một phần của niêm mạc trực tràng bị sa ra ngoài hậu môn.
  • Sa bên trong: Trực tràng đã bắt đầu sa xuống nhưng vẫn chưa sa ra ngoài hậu môn.

Sa trực tràng thường gặp ở người lớn tuổi có tiền sử bị táo bón lâu ngày hoặc cơ sàn chậu bị yếu. Nó phổ biến hơn ở nữ giới so với nam giới và xảy ra nhiều hơn ở phụ nữ trên 50 tuổi (phụ nữ sau mãn kinh), nhưng cũng có thể xuất hiện ở người trẻ tuổi. Sa trực tràng cũng gặp ở trẻ sơ sinh - có thể là dấu hiệu của bệnh xơ nang - và ở trẻ lớn hơn. 

Sa trực tràng có phải chỉ là tên gọi khác của bệnh trĩ?

Câu trả lời là không. Bệnh trĩ là tình trạng giãn của các đám rối tĩnh mạch nằm ngay dưới lớp niêm mạc ở hậu môn và trực tràng. Trong bệnh trĩ, bề mặt khối sa chính là lớp niêm mạc. Khối sa của trĩ thường ngắn và tạo thành từ một hay nhiều búi không đều. Bệnh trĩ có thể gây ngứa, đau, khó chịu ở hậu môn và có máu đỏ tươi trên giấy vệ sinh khi đi đại tiện. Còn trong bệnh sa trực tràng thì khối sa là một phần hay toàn bộ trực tràng. Khối sa dài và tròn đều theo hình tròn đồng tâm. Sa trực tràng giai đoạn đầu có thể giống như bệnh trĩ nội bị sa ra ngoài hậu môn, nên khó phân biệt. 

Nguyên nhân gây ra bệnh sa trực tràng?

Táo bón mãn tính, thường xuyên rặn là nguyên nhân phổ biến gây sa trực tràng. (nguồn: factdr.com)Táo bón mãn tính, thường xuyên rặn là nguyên nhân phổ biến gây sa trực tràng. (nguồn: factdr.com)

Sa trực tràng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, bao gồm:

  • Táo bón mãn tính hoặc tiêu chảy mãn tính
  • Áp lực lên sàn chậu lớn như hay rặn hoặc khuân vác nặng
  • Tuổi cao: Cơ, dây chằng ở trực tràng và hậu môn suy yếu tự nhiên theo tuổi tác. Các cấu trúc lân cận khác trong vùng chậu cũng lỏng lẻo theo tuổi tác làm tăng thêm sự suy yếu chung.
  • Cơ vòng hậu môn suy yếu: Đây là cơ đặc hiệu kiểm soát việc thải phân ra khỏi trực tràng.
  • Vùng chậu có tổn thương trước đó 
  • Tổn thương dây thần kinh: Nếu dây thần kinh kiểm soát khả năng co bóp của cơ trực tràng và hậu môn bị tổn thương thì có thể dẫn đến sa trực tràng. Tổn thương dây thần kinh do mang thai, sinh con khó qua đường âm đạo, chấn thương cột sống, chấn thương/phẫu thuật lưng và/hoặc các phẫu thuật khác ở vùng chậu.
  • Các bệnh, tình trạng và nhiễm trùng khác: Sa trực tràng có thể là hậu quả của bệnh tiểu đường, xơ nang, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, phẫu thuật cắt bỏ tử cung và nhiễm trùng đường ruột do ký sinh trùng - chẳng hạn như giun kim, trùng roi - và các bệnh do dinh dưỡng kém hoặc do khó tiêu hóa thức ăn. 

Các triệu chứng của bệnh sa trực tràng là gì?

Các triệu chứng khác sa trực tràng có thể kể đến đau ở hậu môn, trực tràng và chảy máu từ niêm mạc bên trong trực tràng. (nguồn: thomasahleringmd.com)Các triệu chứng khác sa trực tràng có thể kể đến đau ở hậu môn, trực tràng và chảy máu từ niêm mạc bên trong trực tràng. (nguồn: thomasahleringmd.com)
  • Các triệu chứng của sa trực tràng bao gồm cảm giác căng phồng hoặc xuất hiện khối màu đỏ hồng kéo dài bên ngoài hậu môn. Lúc đầu, điều này có thể xảy ra trong hoặc sau khi đi tiêu và là một tình trạng tạm thời. Tuy nhiên, theo thời gian - do trọng lực tác động lên trong quá trình đi đứng - thì phần cuối của trực tràng thậm chí có thể tự động kéo dài ra khỏi ống hậu môn và cần phải được đẩy ngược vào hậu môn bằng tay.
  • Các triệu chứng khác của sa trực tràng bao gồm đau ở hậu môn, trực tràng và chảy máu từ niêm mạc bên trong trực tràng. Đây là những triệu chứng hiếm khi đe dọa tính mạng.
  • Không kiểm soát được sự tiết phân là một triệu chứng khác. Bệnh nhân bị són phân - rò rỉ chất nhầy, máu hoặc phân từ hậu môn - xảy ra do trực tràng kéo căng cơ hậu môn. Các triệu chứng thay đổi khi bệnh sa trực tràng tự tiến triển. 

Chẩn đoán sa trực tràng

Sa trực tràng xảy ra khi trực tràng (đoạn cuối cùng của ruột già) bị sa xuống khỏi vị trí bình thường trong vùng chậu và thò ra ngoài qua hậu môn. (nguồn: https.mayoclinic.org)Sa trực tràng xảy ra khi trực tràng (đoạn cuối cùng của ruột già) bị sa xuống khỏi vị trí bình thường trong vùng chậu và thò ra ngoài qua hậu môn. (nguồn: https.mayoclinic.org)

Làm thế nào để chẩn đoán sa trực tràng?

Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử của bệnh nhân và tiến hành kiểm tra trực tràng. Bệnh nhân có thể được yêu cầu rặn khi ngồi xổm để xem có nhìn thấy khối sa không.

Các tình trạng khác, chẳng hạn như són tiểu, sa bàng quang và sa âm đạo/tử cung, có thể xuất hiện cùng với sa trực tràng. Do có nhiều vấn đề nên có nhiều chuyên khoa thường hợp tác với nhau để đánh giá và đưa ra quyết định điều trị chung như tiêu hóa, tiết niệu, sản phụ khoa. Phẫu thuật có thể giúp để sửa chữa đồng thời các vấn đề cùng với sự kết hợp của các chuyên khoa.

Các bác sĩ có thể sử dụng một số phương pháp đánh giá, kiểm tra để chẩn đoán sa trực tràng và các bệnh lý về sàn chậu khác, đồng thời giúp xác định phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Các phương pháp kiểm tra được sử dụng để đánh giá và đưa ra quyết định điều trị bao gồm:

  • Đo điện cơ hậu môn (EMG): Kiểm tra này xác định xem có phải tổn thương dây thần kinh là nguyên nhân khiến các cơ vòng hậu môn hoạt động không hiệu quả hay không. Nó cũng kiểm tra sự phối hợp giữa cơ trực tràng và hậu môn.
  • Đo áp lực hậu môn: Thử nghiệm này nghiên cứu sức mạnh của các cơ vòng hậu môn. Một ống ngắn, mỏng, được đưa vào hậu môn và trực tràng, được sử dụng để đo độ thắt của cơ vòng hậu môn.
  • Siêu âm hậu môn trực tràng: Siêu âm giúp đánh giá hình dạng và cấu trúc của cơ thắt hậu môn cùng các mô xung quanh. Trong thử nghiệm này, một đầu dò nhỏ được đưa vào hậu môn và trực tràng để chụp ảnh các cơ vòng.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) động học sàn chậu: Một video được thu bằng máy MRI cho thấy trực tràng đang hoạt động như thế nào. Phương pháp cho biết trực tràng có thể giữ và thải phân ra sao.
  • Nội soi đại tràng trực tràng: Một ống mềm có camera được đưa qua hậu môn lên đến nơi ruột già nối với ruột non. Phương pháp này giúp quan sát cụ thể bên trong lòng đại trực tràng như thế nào.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc cắt lớp vi tính (CT): Được thực hiện tại khoa chẩn đoán hình ảnh, sử dụng để đánh giá các cơ quan vùng chậu. 

Điều trị sa trực tràng như thế nào?

Trong một số trường hợp sa rất nhẹ, giai đoạn đầu, có thể bắt đầu điều trị tại nhà bằng cách sử dụng thuốc làm mềm phân và dùng tay đẩy phần sa vào trong hậu môn. Tuy nhiên, phẫu thuật thường là cần thiết để điều trị khối sa.

Có một số phương pháp phẫu thuật. Lựa chọn loại nào phụ thuộc vào độ tuổi, các vấn đề sức khỏe hiện có của bệnh nhân, mức độ sa, kết quả khám và các xét nghiệm khác cũng như kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật với các kỹ thuật nhất định.

Có 2 cách tiếp cận để điều trị trực tràng là từ bụng và từ tầng sinh môn (sàn chậu).

Phương pháp tiếp cận từ đường bụng

Bụng được mở ra qua một vết rạch lớn để xem hình thái và hoạt động các cơ quan trong ổ bụng. Bệnh nhân được gây mê toàn thân và là phẫu thuật này thường được chỉ định ở người lớn khỏe mạnh.

Hai loại phẫu thuật phổ biến nhất là cố định trực tràng và cắt bỏ một đoạn hay toàn bộ trực tràng. Cắt bỏ trực tràng được áp dụng cho những bệnh nhân bị táo bón nặng. Cố định trực tràng cũng có thể được thực hiện bằng nội soi thông qua các vết rạch tạo lỗ nhỏ trên thành bụng, giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn.

Phương pháp tiếp cận từ tầng sinh môn

Phẫu thuật này thường được sử dụng ở những bệnh nhân lớn tuổi và những bệnh nhân có nhiều bệnh lý hơn. Gây tê tủy sống hoặc gây tê ngoài màng cứng (gây tê chặn cơn đau ở một bộ phận nhất định của cơ thể) có thể được sử dụng thay vì gây mê toàn thân. Hai phương pháp phổ biến nhất là thủ thuật Altemeier và Delorme:

  • Phẫu thuật cắt đại tràng sigma và trực tràng qua tầng sinh môn (phẫu thuật Altemeier): Trong phẫu thuật này, phần trực tràng kéo dài ra ngoài hậu môn bị cắt bỏ và hai đầu được khâu lại với nhau. Các cấu trúc còn lại giúp nâng đỡ trực tràng được khâu lại với nhau để tạo sự hỗ trợ tốt hơn.
  • Phẫu thuật cắt niêm mạc (phẫu thuật Delorme): Phẫu thuật này không cắt hết tất cả các lớp của trực tràng. Thay vào đó, lớp trong cùng của trực tràng được tách khỏi lớp cơ và cắt bỏ. Cơ của trực tràng được khâu xếp lớp để giảm sa. Phẫu thuật này có thể được chỉ định cho những trường hợp khối sa nhỏ hoặc sa toàn bộ trực tràng nhưng giới hạn một phần chu vi, phẫu thuật cắt sigma trực tràng đường tầng sinh môn khó thực hiện. 

Những nguy cơ và biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật sa trực tràng là gì?

Như bất kỳ cuộc phẫu thuật nào, luôn có các nguy cơ về chảy máu, nhiễm trùng và các biến chứng gây mê. Các nguy cơ và biến chứng khác từ phẫu thuật điều trị sa trực tràng bao gồm:

  • Không lành thương nơi 2 đầu ruột nối lại
  • Chảy máu trong ổ bụng hoặc trực tràng
  • Bí tiểu 
  • Các biến chứng của phẫu thuật: đột quỵ, viêm phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu 
  • Sa trực tràng tái phát
  • Bị són phân hoặc tình trạng són phân nặng hơn
  • Mắc táo bón hoặc tình trạng táo bón nặng hơn

Sau khi phẫu thuật, nên tránh để bị táo bón và rặn. Có thể dùng ăn uống nhiều chất xơ, chất lỏng, chất làm mềm phân và thuốc nhuận tràng nhẹ. 

Tiên lượng của người bị sa trực tràng

Phẫu thuật sa trực tràng thành công như thế nào?

Sự thành công của phẫu thuật có thể khác nhau tùy thuộc vào tình trạng của các mô nâng đỡ, độ tuổi và sức khỏe của bệnh nhân. Phẫu thuật điều trị sa trực tràng từ bụng có tỉ lệ sa trực tràng trở lại thấp hơn so với các phẫu thuật từ tầng sinh môn. Tuy nhiên, ở hầu hết các bệnh nhân, phẫu thuật khắc phục tình trạng sa trực tràng.

Thời gian hồi phục sau phẫu thuật sa trực tràng là bao lâu?

Thời gian nằm viện trung bình là 2 - 3 ngày, nhưng còn thay đổi tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe khác của bệnh nhân. Thường có thể dự kiến sẽ phục hồi hoàn toàn trong 1 tháng; tuy nhiên, bệnh nhân nên tránh rặn và khuân vác nặng ít nhất 6 tháng. Trên thực tế, để ngăn ngừa tình trạng sa trực tràng quay trở lại là nỗ lực cả đời để tránh việc rặn kéo dài và bất kỳ hoạt động nào làm tăng áp lực vùng bụng.

Xem thêm:

Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!