Video: Sử dụng bột nghệ và tinh bột nghệ đúng cách.
Củ nghệ trên kệ bếp và trong tủ gia vị xuất phát từ phần rễ của cây. Màu vàng tươi của nghệ qua chế biến là cảm hứng để sử dụng nó như một loại thuốc nhuộm trong nhiều nền văn hóa. Bột nghệ cũng là một thành phần chính trong bột cà ri.
Viên nang, trà, bột và chiết xuất nghệ là một số sản phẩm nghệ có sẵn trên thị trường.
Curcumin là thành phần hoạt tính trong nghệ và nó có các đặc tính sinh học mạnh mẽ. Y học Ayurvedic - một hình thức điều trị truyền thống của Ấn Độ, khuyên dùng nghệ cho nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm đau và viêm mạn tính. Y học phương Tây đã bắt đầu nghiên cứu nghệ như một chất giảm đau và chữa bệnh.
Bài viết này sẽ khám phá hàm lượng dinh dưỡng của nghệ, lợi ích của nó đối với sức khỏe cũng như một số tác dụng phụ.
Giá trị dinh dưỡng của nghệ
Theo Cơ sở dữ liệu dinh dưỡng quốc gia của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA - United States Department of Agriculture), 1 muỗng canh (tbsp – tablespoon) bột nghệ chứa
- 29 calo
- 0,91 gam (g) protein
- 0,31 g chất béo
- 6,31 g carbohydrate
- 2,1 g chất xơ
- 0,3 g đường
Cùng 1 tbsp đó cung cấp:
- 26 % nhu cầu mangan hàng ngày
- 16 % nhu cầu sắt hàng ngày
- 5 % nhu cầu kali hàng ngày
- 3 % nhu cầu vitamin C hàng ngày
Lợi ích sức khỏe
Ngoài việc nghệ là một loại gia vị thơm ngon bổ dưỡng thì nó cũng được sử dụng trong y học truyền thống ở Ayurvedic và Trung Quốc để điều trị các tình trạng viêm nhiễm, bệnh ngoài da, vết thương, bệnh tiêu hóa và các bệnh về gan.
Đặc tính chống viêm
Tổ chức Viêm khớp (The Arthritis Foundation) đã trích dẫn một số nghiên cứu, trong đó nghệ có tác dụng giảm viêm.
Khả năng chống viêm này có thể giúp làm giảm sự trầm trọng của tình trạng viêm khớp ở người bệnh.
Tổ chức này cũng đề xuất uống viên nang nghệ từ 400 đến 600 miligam (mg) tối đa 3 lần mỗi ngày để giảm viêm.
Giảm đau
Củ nghệ được coi như một loại thuốc giảm đau. Loại gia vị này cũng được cho là có tác dụng giảm đau do viêm khớp.
Các nghiên cứu dường như ủng hộ tác dụng giảm đau của nghệ. Một nghiên cứu đã đánh giá tác dụng giảm đau của nó tốt như ibuprofen (Advil) ở những người bị viêm khớp đầu gối.
Có nhiều khuyến nghị khác nhau về liều lượng. Những người tham gia nghiên cứu này đã uống 800 mg nghệ ở dạng viên nang mỗi ngày.
Cải thiện chức năng gan
Nghệ đang được chú ý gần đây vì khả năng chống oxy hóa của nó.
Tác dụng chống oxy hóa của nghệ dường như mạnh mẽ đến mức nó có thể giúp gan tránh các tổn thương bởi độc tố. Đây có thể là một tin tốt dành cho những người dùng các loại thuốc mạnh điều trị bệnh lý kéo dài như thuốc điều trị bệnh tiểu đường.
Có thể giảm nguy cơ ung thư
Curcumin cho thấy nhiều hứa hẹn trong điều trị ung thư. Các nghiên cứu cho rằng nó có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi ung thư tuyến tụy, ung thư tuyến tiền liệt và đa u tủy xương.
Tốt cho tiêu hóa
Loại gia vị này có thể góp phần vào làm hệ tiêu hóa khỏe mạnh nhờ đặc tính chống oxy hóa và chống viêm của nó.
Nghệ được sử dụng trong y học Ayurvedic như một chất chữa bệnh tiêu hóa. Tây y hiện nay đã bắt đầu nghiên cứu về tác dụng chống viêm và tính thấm trong đường tiêu hóa như thế nào, đây là thước đo pháp đánh giá hiệu quả tiêu hóa.
Loại gia vị này thậm chí còn được ứng dụng trong điều trị hội chứng ruột kích thích (IBS - irritable bowel syndrome).
Sử dụng nghệ trong chế độ ăn uống
Nghệ là một loại gia vị rất linh hoạt, có thể được thêm vào bữa ăn theo nhiều cách, đó là:
- Thêm nghệ vào hỗn hợp gia vị như cà ri hoặc thịt nướng
- Làm nước sốt tự chế bằng một phần dầu, một phần giấm và gia vị bao gồm cả nghệ
- Thay đổi cách ướp bằng cách thêm nghệ.
Nghệ cũng có sẵn dưới dạng viên nang bột, dung dịch, chất chiết xuất và dạng cồn thuốc. Bromelain - một chiết xuất protein có nguồn gốc từ dứa, làm tăng khả năng hấp thụ và tác dụng của nghệ nên thường được kết hợp với nghệ trong các sản phẩm này.
Bạn nên trao đổi bác sĩ trước khi dùng bất kỳ chất bổ sung nào để đảm bảo chúng an
Tác dụng phụ của nghệ
Mặc dù nghệ mang lại những lợi ích sức khỏe nhưng nó lại tạo ra một số nguy cơ đáng được cân nhắc trước khi tiêu thụ một lượng lớn.
Chướng bụng
Các chất hoạt tính trong nghệ hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa có thể gây kích ứng khi dùng một lượng lớn. Một số người tham gia vào các nghiên cứu sử dụng nghệ để điều trị ung thư đã phải bỏ giữa chừng vì hệ tiêu hóa của họ bị ảnh hưởng xấu.
Nghệ kích thích dạ dày tiết ra nhiều axit dịch vị hơn. Ở một số người thì điều này là có ích cho tiêu hóa, nhưng ở một số người khác thì đây lại là tác dụng tiêu cực.
Đặc tính làm loãng máu
Đặc tính của nghệ cũng có thể dẫn đến tình trạng dễ chảy máu hơn. Lý do cho tình trạng này chưa được biết rõ. Các lợi ích khác của nghệ, chẳng hạn như giảm cholesterol và giảm huyết áp, có thể liên quan đến cơ chế tác động của nghệ lên máu.
Những người dùng thuốc làm loãng máu, như warfarin (Coumadin), không nên tiêu thụ nghệ với số lượng lớn
Kích thích gây co thắt
Bạn có thể đã nghe nói rằng ăn thức ăn chứa nghệ có thể kích thích chuyển dạ. Mặc dù có rất ít dữ liệu lâm sàng chứng minh điều này nhưng các nghiên cứu cho rằng nghệ có thể làm dịu các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt.
Phụ nữ mang thai nên tránh sử dụng nghệ vì tác dụng làm loãng máu của nó. Thêm một lượng nhỏ làm gia vị cho thức ăn sẽ không gây ra các vấn đề về sức khỏe.
Kết luận
Nghệ đem lại một số lợi ích sức khỏe khi được thêm vào trong chế độ ăn. Loại gia vị vàng này tăng cường hệ miễn dịch, giúp giảm đau và có thể hỗ trợ tiêu hóa. Nhưng vì một số tác dụng phụ của nó, một số người không nên sử dụng.
Điều quan trọng là phải thận trọng khi quyết định sử dụng nghệ. Như với bất kỳ liệu pháp thay thế nào, hãy trao đổi với bác sĩ của bạn trước sử dụng nghệ để điều trị bất kỳ vấn đề sức khỏe nào.
Xem thêm:
- 10 lợi ích sức khỏe tuyệt vời của nghệ và curcumin đã được khoa học chứng minh
- Mặt nạ nghệ: Cách làm và sử dụng hiệu quả nhất
- 10 lợi ích của sữa nghệ và cách làm
- 10 lý do nên sử dụng tinh bột nghệ sau khi sinh
- Tinh bột nghệ: Phân loại, công dụng, lựa chọn và sử dụng
- Nghệ đen và nghệ vàng, loại nào tốt hơn?