Video: Stress: Nguyên nhân, hậu quả và cách phòng ngừa
Trên thực tế, dữ liệu Khảo sát tình trạng căng thẳng của người dân Mỹ năm 2017 do Hiệp hội Tâm lý Mỹ (APA) thực hiện cho thấy cứ 4 người có 3 người có ít nhất một lần trải qua tình trạng căng thẳng trong vòng một tháng.
Điều không tốt là căng thẳng quá mức có thể dẫn đến tăng cân. Tăng cân là kết quả của của việc ăn quá nhiều, lựa chọn thực phẩm không lành mạnh, hay phản ứng tăng nồng độ cortisol của cơ thể, do vậy một trong những ưu tiên hàng đầu để kiểm soát cân nặng là xử lý căng thẳng.
Căng thẳng ảnh hưởng đến cơ thể bạn như thế nào?
Những dấu hiệu ban đầu có thể khó nhận ra, nhưng căng thẳng thực sự ảnh hưởng đến cơ thể bạn.
Từ căng cơ, đau đầu cho đến cảm giác bị kích thích quá mức, mất kiểm soát, căng thẳng không chỉ ảnh hưởng đến cảm xúc, tinh thần mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của bạn.
Trong nhiều trường hợp, bạn sẽ cảm nhận được tác động của căng thẳng ngay lập tức thông qua những cảm xúc tiêu cực. Nhưng một số phản ứng khác của cơ thể như tăng cân, có thể mất thời gian để nhận thấy.
Theo Tiến sĩ Charlie Seltzer – chuyên gia kiểm soát cân nặng, cơ thể phản ứng với tình trạng căng thẳng bằng cách tăng sản xuất cortisol, giúp cơ thể sẵn sàng “chiến đấu hoặc chạy trốn”.
Cortisol - hormone do tuyến thượng thận sản xuất, tăng lên để phản ứng với sự thay đổi của cơ thể. Khi mối đe dọa được loại bỏ, nồng độ cortisol sẽ trở lại mức bình thường.
Khi bạn thường xuyên căng thẳng, cơ thể liên tục sản xuất cortisol kích thích cảm giác thèm ăn là một trong những nguyên nhân gây tăng cân.
Ông giải thích: “Đây là lý do tại sao rất nhiều người khi gặp căng thẳng thường giải tỏa bằng việc ăn uống”.
Thật tồi tệ, Seltzer cũng chỉ ra rằng lượng calo dư thừa tiêu thụ trong tình trạng nồng độ cortisol cao sẽ chuyển hóa và lắng đọng tại các vị trí bất lợi như lắng đọng tại các tạng trong cơ thể hoặc gây béo bụng.
Một nghiên cứu được thực hiện năm 2015 cho thấy việc trao đổi chất của cơ thể diễn ra chậm hơn trong tình trạng bị căng thẳng.
Nghiên cứu cho thấy những phụ nữ có một hoặc nhiều tác nhân gây căng thẳng trong 24 giờ trước đó đốt cháy ít hơn 104 calo so với những người không bị căng thẳng.
Để tính toán được con số này, các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn những người phụ nữ bị căng thẳng trước khi cho họ ăn một bữa ăn giàu chất béo. Sau khi kết thúc bữa ăn, tính toán lượng calo được đốt cháy thông qua sự thay đổi mức độ vào ra của luồng O2 và CO2.
Nó không chỉ làm chậm quá trình trao đổi chất mà còn làm tăng cường sản xuất insulin.
Kết quả của việc đốt cháy ít hơn 104 calo là làm tăng thêm gần 11 pound mỗi năm.
Hậu quả của căng thẳng và tăng cân là gì?
Khi căng thẳng lên đến đỉnh điểm hoặc trở nên khó quản lý, những hậu quả lâu dài, nghiêm trọng hơn liên quan đến sức khỏe có thể xảy ra.
Trầm cảm, tăng huyết áp, mất ngủ, bệnh tim mạch, lo lắng và béo phì đều có liên quan đến căng thẳng mãn tính không được điều trị.
Những rủi ro liên quan đến tăng cân bao gồm:
- Tăng huyết áp
- Đái tháo đường
- Tim mạch
- Đột quỵ
- Vấn đề sinh sản
- Giảm chức năng thông khí phổi và hô hấp
- Tăng nguy cơ đau khớp
Ngoài ra, có mối liên hệ giữa thừa cân và ung thư như ung thư tuyến tụy, ung thư thực quản, ung thư đại tràng, ung thư vú và ung thư thận.
Cuối cùng, sức khỏe tinh thần của bạn cũng bị ảnh hưởng. Tăng cân sẽ khiến bạn rơi vào tình trạng lo lắng, trầm cảm.
Chẩn đoán tăng cân liên quan đến căng thẳng như thế nào?
Cách duy nhất để biết liệu việc tăng cân của bạn có liên quan đến căng thẳng hay không là đến gặp bác sĩ.
Seltzer giải thích: “Đó là bởi vì tăng cân liên quan đến căng thẳng chỉ có thể được chẩn đoán bằng cách xem xét tiền sử cẩn thận và loại trừ những vấn đề sức khỏe khác, như trong bệnh suy giáp, cũng có thể gặp tình trạng tăng cân”.
Phương pháp giảm căng thẳng mà bạn có thể làm ngay
Bất kỳ ai cũng có thể bị căng thẳng. Có người tình trạng căng thẳng gặp nhiều lần trong ngày, trong khi những người khác chỉ nhận thấy khi nó thực sự ảnh hưởng đến công việc.
Khi cảm thấy căng thẳng, bạn có thể thực hiện một số hành động sau để bình tĩnh lại, như là:
- Tập thể dục trong 20 đến 30 phút
- Đi dạo và tận hưởng thiên nhiên
- Sử dụng thức ăn lành mạnh
- Tương tác xã hội (như gọi điện thoại cho bạn bè)
- Loại bỏ một mục trong danh sách việc cần làm của bạn
- Tập yoga trong 10 phút
- Nhờ sự trợ giúp từ gia đình
- Thực hành thiền chánh niệm
- Nghe nhạc
- Đọc sách
- Đi ngủ sớm hơn một giờ
- Yêu thương bản thân
- Nói "không" với điều có thể làm tăng thêm căng thẳng
- Dành thời gian cho thú cưng
- Tập thở sâu 10 phút
- Bỏ caffein và rượu
Điều trị tăng cân do căng thẳng
Điều trị và quản lý tăng cân liên quan đến căng thẳng bắt đầu bằng việc đến phòng khám gặp bác sĩ để thảo luận về những lo lắng của bạn. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, loại trừ các vấn đề sức khỏe liên quan, họ sẽ giúp bạn lên kế hoạch quản lý cân nặng cũng như giảm căng thẳng.
Ngoài việc thực hiện các hoạt động giảm căng thẳng được liệt kê ở trên, bạn sẽ được giới thiệu làm việc với chuyên gia dinh dưỡng (RD) hiểu rõ các vấn đề bạn đang gặp phải. Chuyên gia có thể giúp bạn xây dựng một chế độ dinh dưỡng cân bằng phù hợp với nhu cầu của bạn.
Bạn cũng có thể được đề nghị làm việc với nhà tâm lý học hoặc nhà trị liệu để xây dựng chiến lược quản lý căng thẳng.
Nếu căng thẳng của bạn có liên quan đến chứng lo âu hoặc trầm cảm mãn tính, việc sử dụng thuốc điều trị là bắt buộc.
Căng thẳng và tăng cân có thể gây ra những vấn đề gì?
Những người bị thường xuyên bị căng thẳng thời gian dài dễ mắc một số vấn đề sức khỏe, bao gồm:
- Bệnh tim mạch
- Vấn đề tiêu hóa
- Mất ngủ
- Tăng huyết áp
- Suy giảm nhận thức
- Lo âu
- Phiền muộn
- Đái tháo đường
- Đột quỵ
- Các tình trạng mãn tính khác…
Ngoài ra, tăng cân có thể tăng nguy cơ mắc đái tháo đường và ung thư.
Việc điều trị thích hợp, bao gồm các can thiệp y tế và thay đổi lối sống, bạn có thể giảm mức độ căng thẳng của mình, giảm tăng cân do căng thẳng qua đó giảm các ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.
Tóm lại
Căng thẳng thường xuyên có thể dẫn đến tăng cân. Tin tốt là có những cách đơn giản và hiệu quả để giảm các tác nhân gây căng thẳng hàng ngày, kiểm soát được cân nặng của bạn.
Thông qua tập thể dục thường xuyên, lựa chọn thực phẩm lành mạnh, thiền chánh niệm và giảm thiểu danh sách việc cần làm, bạn có thể bắt đầu giảm căng thẳng và kiểm soát cân nặng.
Xem thêm :