Video: Tuyệt đối " cấm kỵ " khi dùng mật ong với những thứ này.
Nếu đem so sánh giữa mật ong và mật cây thùa, chắc hẳn bạn sẽ rất ngạc nhiên về kết quả. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về giá trị dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe của những chất tạo ngọt thay thế đường này.
Mật cây thùa và mật ong được làm ra như thế nào?
Cả mật ong và mật cây thùa đều là những sản phẩm thiên nhiên, nhưng chúng có sự khác nhau về cách chế biến và đóng gói.
Mật hoa cây thùa
Mật cây thùa thực chất là một loại siro (từ “mật” ở đây thực sự chỉ có tác dụng quảng cáo). Nó được làm từ nhựa của thân cây thùa. Đây là giống cây được sử dụng để làm rượu tequila.
Mật cây thùa được làm theo các bước sau:
- Chiết xuất nhựa từ thân cây.
- Nhựa cây sẽ được đưa qua 1 lớp lọc.
- Sau đó sẽ được đun nóng để phá vỡ các thành phần thành đường đơn fructose.
- Chất thu được sau đó sẽ được cô đặc thành siro.
Đây là loại thực phẩm đòi hỏi nhiều bước xử lý kỹ càng trước khi được đưa ra tiêu thụ. Mật cây thùa sau khi qua chế biến sẽ bị mất đi một số (hoặc tất cả) thành phần dinh dưỡng tự nhiên nên lợi ích sẽ bị giảm đi đôi chút.
Mật ong
Mật ong do ong sản xuất. Những con ong chăm chỉ này làm ra mật ong bằng cách thu thập mật từ những cây hoa. Không giống như mật cây thùa, mật ong không cần thiết phải chế biến trước khi sử dụng. Nhưng một số loại mật ong được đun nóng (tiệt trùng) để hạn chế sự kết tinh và tiêu diệt vi khuẩn giúp tăng thời hạn sử dụng. Mật ong thô nguyên chất là mật ong hoàn toàn tự nhiên và chưa qua chế biến, điều này làm cho nó trở thành 1 nguồn cung cấp chất dinh dưỡng dồi dào.
Lượng calo
Mật cây thùa và mật ong có cùng hàm lượng calo. Một thìa mật cây thùa và một thìa mật ong đều chứa khoảng 64 calo.
Hai loại này ngọt hơn một chút so với đường cát, vì vậy bạn không cần sử dụng nhiều để tạo được độ ngọt mong muốn. Hãy nhớ rằng mật cây thùa và mật ong đều cung cấp năng lượng cho bạn và cả các chất dinh dưỡng.
Chỉ số đường huyết
Chỉ số đường huyết (Glycemic Index - GI) là chỉ số đo lượng nồng độ đường trong máu. Đường là một carbohydrate. GI là một chỉ số đặc biệt quan trọng đối với những người mắc bệnh tiểu đường, những người cần kiểm soát đường huyết để luôn khỏe mạnh. Thực phẩm có chỉ số GI cao là thực phẩm làm đường huyết tăng cao sau ăn và sẽ kích hoạt cơ thể giải phóng insulin để hạ đường huyết xuống mức bình thường. Thực phẩm có chỉ số GI cao cũng được tiêu hóa nhanh hơn, điều này có nghĩa là bạn sẽ cảm thấy đói nhanh hơn.
Dưới đây là chỉ số GI của từng loại chất tạo ngọt:
- Mật ong: 58
- Mật cây thùa: 19
- Đường trắng tinh luyện (sucrose): 60
Chỉ số GI càng thấp tức là thực phẩm càng ít gây tăng đường huyết. Nếu đánh giá qua GI, thì mật cây thùa sẽ có nhiều lợi ích hơn.
Những người mắc bệnh tiểu đường thích hợp để sử dụng mật cây thùa hơn, nhưng hãy nhớ Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyến nghị nên hạn chế lượng mật cây thùa trong chế độ ăn uống.
Thành phần đường
Mật ong có thành phần chủ yếu là glucose (khoảng 30%) và fructose (khoảng 40%). Nó cũng chứa một lượng nhỏ các loại đường khác, bao gồm:
- Maltose
- Sucrose
- Kojibiose
- Turanose
- Isomaltose
- Maltulose
Mặt khác, mật cây thùa bao gồm 75-90% fructose, so với 50% fructose ở đường ăn và 55% ở siro ngô có hàm lượng fructose cao.
Mặc dù glucose và fructose có cấu tạo rất giống nhau, nhưng chúng có tác dụng hoàn toàn khác nhau trong cơ thể. Thật không may, fructose được cho là có liên quan đến nhiều vấn đề về sức khỏe bao gồm:
- Bệnh tiểu đường
- Béo phì
- Hàm lượng triglycerieds cao
- Gan nhiễm mỡ
- Sa sút trí tuệ
Không giống như các loại đường khác, fructose được chuyển hóa qua gan. Sử dụng quá nhiều fructose cùng một lúc có thể khiến gan bị quá tải và khiến gan sản xuất triglyceride. Thực phẩm chứa nhiều fructose được cho là có thể dẫn đến béo bụng và có hại cho sức khỏe tim mạch.
Một nghiên cứu trên chuột gần đây cho thấy rằng sử dụng nhiều siro có hàm lượng fructose cao sẽ gây ra tăng cân đáng kể so với chỉ sử dụng đường cát, ngay cả khi lượng calo nạp vào là như nhau.
Xét theo mặt này, mật ong đã đạt được 1 lợi thế lớn trong cuộc cạnh tranh với mật cây thùa.
Những công dụng khác
Ngoài việc thơm ngon, mật ong còn được phát hiện mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác. Nó đã được chứng minh là có hiệu quả cao trong việc giảm ho, làm dịu cơn đau họng và cải thiện chất lượng giấc ngủ của trẻ bị đau họng. Mật ong cũng giúp chống lại virus, kháng nấm, kháng vi khuẩn và có thể giúp giảm các triệu chứng của dị ứng thời tiết khi sử dụng mật ong lấy từ địa phương. Mật ong có thể để được rất lâu nếu được bảo quản đúng cách.
Mật ong cũng chứa một lượng hợp chất phytochemical hoạt động như chất chống oxy hóa. Nói chung, mật ong càng sẫm màu thì hàm lượng chất chống oxy hóa càng cao. Chất chống oxy hóa được cho là có thể giúp cơ thể loại bỏ các gốc tự do có hại. Nhiều nghiên cứu phát hiện ra rằng chất chống oxy hóa có thể giúp ngăn ngừa một số loại ung thư, chống lão hóa và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Tác dụng tốt nhất nằm ở loại mật ong thô, loại chưa qua tiệt trùng.
Mặt khác, mật cây thùa không có lợi ích sức khỏe đáng kể nào, vì vậy mật ong đã giành chiến thắng tuyệt đối trong việc cung cấp chất dinh dưỡng.
Không cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi sử dụng mật ong do nguy cơ ngộ độc cao.
Kết luận
Mật ong đã giành chiến thắng rõ ràng trước mật cây thùa trong cuộc đối đầu này. Nhưng cả mật ong và mật cây thùa đều là những chất tạo ngọt nhiều calo và ít dinh dưỡng. Tuy nhiên, mật ong có nhiều lợi ích hơn mật cây thùa vì:
- Hàm lượng chất chống oxy hóa cao hơn
- Hàm lượng fructose thấp hơn
- Quy trình chế biến ngắn hơn
- Có những công dụng khác
Mật cây thùa được bán trên thị trường vì chỉ số đường huyết thấp, nhưng hàm lượng fructose cao đã làm thấp đi những mặt lợi tiềm năng của nó. Tuy nhiên, nếu bạn không thích hương vị của mật ong hoặc bạn là một người ăn chay trường, thì sự khác biệt giữa hai loại không tạo ra quá nhiều thay đổi.
Cuối cùng, dạng chất ngọt bạn chọn không quan trọng bằng số lượng bạn sử dụng. Tất cả các chất tạo ngọt, bao gồm cả mật ong, chỉ nên được sử dụng một cách hạn chế. Sử dụng quá nhiều đường có thể dẫn đến:
- Béo phì
- Sâu răng
- Hàm lượng triglyceride cao
- Tiểu đường
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị hãy hạn chế các loại chất tạo ngọt bao gồm siro cây thùa, siro ngô, mật ong, đường mía hoặc đường nâu Sử dụng không quá 6 thìa cà phê (24 gam) đối với phụ nữ và 9 thìa cà phê (36 gam) đối với nam giới mỗi ngày.
Xem thêm: