Chậm phát triển trí tuệ là gì?
Người chậm phát triển trí tuệ có những hạn chế trong hai lĩnh vực:
- Hoạt động trí tuệ: Còn được gọi là IQ, chỉ số khả năng học hỏi, suy luận, đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề.
- Các hành vi thích ứng: Đây là những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày, như khả năng giao tiếp hiệu quả, tương tác với người khác và chăm sóc bản thân.
IQ (chỉ số thông minh) được đánh giá bằng bài kiểm tra IQ. Chỉ số IQ trung bình là 100, với phần lớn số người đạt từ 85 đến 115. Một người bị coi là thiểu năng trí tuệ nếu họ có chỉ số IQ dưới 70 đến 75.
Để đo lường các hành vi thích ứng của trẻ, chuyên gia sẽ quan sát các kỹ năng của trẻ và so sánh chúng với những trẻ khác cùng tuổi. Những điều có thể quan sát được bao gồm mức độ trẻ có thể tự ăn hoặc mặc quần áo; trẻ có thể giao tiếp và hiểu người khác tốt như thế nào và cách đứa trẻ tương tác với gia đình, bạn bè và những đứa trẻ khác cùng tuổi.
Chậm phát triển trí tuệ được cho là ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số. Trong số những người bị ảnh hưởng, 85% bị thiểu năng trí tuệ nhẹ. Điều này có nghĩa là họ chỉ chậm hơn một chút so với mức trung bình để học thông tin hoặc kỹ năng mới. Với sự hỗ trợ phù hợp, hầu hết trẻ sẽ có thể sống tự lập khi trưởng thành.
Dấu hiệu nhận biết chậm phát triển trí tuệ ở trẻ em
Có rất nhiều dấu hiệu khác nhau ở trẻ em chậm phát triển trí tuệ. Các dấu hiệu có thể xuất hiện trong thời kỳ sơ sinh, hoặc chúng có thể không được chú ý cho đến khi trẻ đến tuổi đi học. Triệu chứng thường phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Một số dấu hiệu phổ biến nhất của chậm phát triển trí tuệ là:
- Chậm biết lăn người, ngồi dậy, bò hoặc đi bộ
- Chậm nói hoặc gặp khó khăn khi nói chuyện
- Chậm thành thạo những việc như tập ngồi bô, mặc quần áo và tự xúc ăn
- Khó nhớ mọi thứ
- Không có khả năng kết nối hành động với hậu quả
- Các vấn đề về hành vi như cơn giận dữ bùng nổ
- Khó giải quyết vấn đề hoặc tư duy logic
Ở trẻ em bị chậm phát triển trí tuệ nặng hoặc trầm trọng, cũng có thể có các vấn đề sức khỏe khác. Những vấn như co giật, rối loạn tâm trạng (lo lắng, tự kỷ, v.v.), suy giảm kỹ năng vận động, các vấn đề về thị lực hoặc các vấn đề về thính giác.
Nguyên nhân chậm phát triển trí tuệ
Những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của não bộ, có thể dẫn đến chậm phát triển trí tuệ. Tuy nhiên, chỉ có 1/3 trường hợp xác định chính xác nguyên nhân cụ thể gây ra chậm phát triển trí tuệ chỉ.
Các nguyên nhân phổ biến nhất của thiểu năng trí tuệ là:
- Bệnh di truyền: ví dụ hội chứng Down và hội chứng X dễ gãy.
- Các vấn đề khi mang thai: Những tác nhân ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của thai nhi như sử dụng rượu hoặc ma túy, suy dinh dưỡng, một số bệnh nhiễm trùng hoặc tiền sản giật.
- Các vấn đề trong quá trình sinh đẻ: Em bé bị thiếu oxy trong khi sinh hoặc sinh non có thể gây chậm phát triển trí tuệ.
- Bệnh tật hoặc chấn thương: Các bệnh nhiễm trùng như viêm màng não, ho gà, hoặc sởi có thể dẫn đến thiểu năng trí tuệ. Chấn thương nặng ở đầu, suýt chết đuối, suy dinh dưỡng nặng, viêm não, tiếp xúc với các chất độc hại như chì và bị bỏ mặc hoặc lạm dụng nghiêm trọng cũng có thể gây ra bệnh này.
- 2/3 số trẻ em bị thiểu năng trí tuệ không rõ nguyên nhân.
Chậm phát triển trí tuệ có thể ngăn ngừa được không?
Một số nguyên nhân gây ra khuyết tật trí tuệ có thể phòng ngừa được. Phổ biến nhất trong số này là hội chứng rượu thai nhi. Phụ nữ có thai không nên uống rượu. Chăm sóc trước khi sinh đúng cách, uống vitamin trước khi sinh và chủng ngừa một số bệnh truyền nhiễm cũng có thể làm giảm nguy cơ con bạn sinh ra bị thiểu năng trí tuệ.
Trong những gia đình có tiền sử rối loạn di truyền, xét nghiệm di truyền có thể được khuyến khích trước khi thụ thai.
Một số xét nghiệm nhất định, như siêu âm và chọc dò nước ối, cũng có thể được thực hiện trong thai kỳ để tìm các vấn đề liên quan đến chậm phát triển trí tuệ. Mặc dù những xét nghiệm này có thể xác định các vấn đề trước khi sinh, nhưng không thể sửa chữa.
Chẩn đoán chậm phát triển trí tuệ
Chậm phát triển trí tuệ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu một em bé có những bất thường về thể chất, rối loạn chuyển hóa hoặc di truyền, cần thực hiện một loạt các xét nghiệm để xác định chẩn đoán. Xét nghiệm bao gồm xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chẩn đoán hình ảnh để tìm các vấn đề về cấu trúc trong não hoặc điện não đồ (EEG) để tìm bằng chứng về cơn động kinh.
Ở những trẻ chậm phát triển, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm để loại trừ các vấn đề khác, bao gồm các vấn đề về thính giác và một số rối loạn thần kinh nhất định. Nếu không tìm thấy nguyên nhân nào khác đứa trẻ sẽ được kiểm tra chuyên sâu.
Ba yếu tố quyết định đến việc chẩn đoán chậm phát triển trí tuệ: hỏi cha mẹ, quan sát đứa trẻ và kiểm tra trí thông minh và các hành vi thích ứng. Một đứa trẻ bị coi là chậm phát triển về trí tuệ nếu chúng bị thiếu hụt cả về chỉ số IQ và các hành vi thích ứng. Nếu chỉ có 1 trong 2 thì trẻ không bị coi là chậm phát triển trí tuệ.
Sau khi chẩn đoán chậm phát triển trí tuệ, một nhóm chuyên gia sẽ đánh giá điểm mạnh và điểm yếu cụ thể của trẻ. Điều này giúp xác định mức độ và hình thức hỗ trợ cho đứa trẻ để giúp trẻ thành công ở nhà, ở trường và trong cộng đồng.
Những phương pháp giúp trẻ chậm phát triển trí tuệ
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, có các chương trình can thiệp sớm. Một nhóm chuyên gia làm việc với phụ huynh để thực hiện chương trình dịch vụ cá nhân dành cho gia đình hoặc IFSP. Tài liệu này phác thảo các nhu cầu cụ thể của trẻ và những dịch vụ nào sẽ giúp trẻ phát triển. Can thiệp sớm có thể bao gồm trị liệu ngôn ngữ, liệu pháp vận động, vật lý trị liệu, tư vấn gia đình, đào tạo với các thiết bị hỗ trợ đặc biệt hoặc các dịch vụ dinh dưỡng.
Trẻ em chậm phát triển trí tuệ trong độ tuổi đi học (bao gồm cả trẻ mẫu giáo) có đủ điều kiện để được giáo dục đặc biệt miễn phí thông qua hệ thống trường công lập. Điều này được yêu cầu bởi Đạo luật giáo dục cá nhân khuyết tật (IDEA). Cha mẹ và các nhà giáo dục làm việc cùng nhau để tạo ra Chương trình giáo dục cá nhân hóa, hoặc IEP, chương trình này phác thảo các nhu cầu của trẻ và các dịch vụ mà trẻ sẽ nhận được ở trường. Quan điểm của giáo dục đặc biệt là tạo ra sự thích ứng, điều chỉnh và sửa đổi để cho phép một đứa trẻ bị chậm phát triển trí tuệ có thể thành công trong lớp học.
Giúp đỡ trẻ chậm phát triển trí tuệ
Các bước để giúp trẻ chậm phát triển trí tuệ:
- Tìm hiểu mọi thứ về chậm phát triển trí tuệ. Cha mẹ càng biết nhiều, càng có thể giúp đỡ con.
- Khuyến khích sự độc lập của con. Hãy để trẻ thử những điều mới và khuyến khích trẻ tự làm. Hướng dẫn khi cần thiết và đưa ra phản hồi tích cực khi con bạn làm tốt điều gì đó hoặc thành thạo điều gì đó mới.
- Cho trẻ tham gia vào các hoạt động nhóm. Tham gia một lớp học nghệ thuật hoặc tham gia hướng đạo sinh sẽ giúp con bạn xây dựng các kỹ năng xã hội.
- Kết nối: Bằng cách giữ liên lạc với giáo viên, cha mẹ sẽ có thể theo dõi sự tiến bộ và củng cố những gì con bạn đang học ở trường thông qua thực hành ở nhà.
- Làm quen với các bậc cha mẹ khác cũng có con chậm phát triển trí tuệ. Họ có thể là một nguồn tư vấn và hỗ trợ tinh thần tuyệt vời.