Đó có thể là dấu hiệu sớm của thai kỳ, nhưng có thể do nhiều nguyên nhân khác bao gồm lối sống không lành mạnh, biện pháp tránh thai, hoặc các vấn đề sức khỏe.
Bài viết sẽ cho bạn biết những nguyên nhân khiến chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn, chỉ kéo dài 1-2 ngày.
Chu kỳ kinh bình thường
Trước tiên cần biết kinh nguyệt bình thường là như thế nào? Trung bình một chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ có độ dài 28 ngày , con số này không giống nhau ở tất cả mọi người nhưng nó dao động trong khoảng từ 21 đến 35 ngày.
Thời gian hành kinh của mỗi người cũng khác nhau. Hầu hết phụ nữ có kinh nguyệt kéo dài khoảng ba đến năm ngày mỗi tháng. Số ít khác có thời gian hành kinh là hai ngày, hoặc kéo dài đến bảy ngày, nhưng đây vẫn được coi là trong giới hạn bình thường.
Nếu bình thường số ngày đèn đỏ của bạn dài vài ngày nhưng đột nhiên lại ngắn hơn nhiều, đó là một dấu hiệu bất thường có thể do nhiều nguyên nhân gây nên.
Mang thai
Mang thai có thể là lý do khiến kinh nguyệt chỉ kéo dài một hoặc hai ngày. Khi trứng đã thụ tinh đến và làm tổ ở lớp niêm mạc tử cung, quá trình làm tổ gây hiện tượng ra máu âm đạo, thứ mà chúng ta vẫn thường gọi là ra máu báo. Chảy máu loại này thường ra ít máu hơn chu kỳ kinh nguyệt, chỉ kéo dài 24-48 giờ và màu sắc có thể từ hồng nhạt đến nâu sẫm. Chảy máu khi làm tổ thường xảy ra khoảng 10 đến 14 ngày sau khi thụ thai. Tuy nhiên, không phải tất cả phụ nữ mang thai đều sẽ gặp phải tình trạng này. Theo nghiên cứu của Trường Đại học Sản phụ khoa Mỹ, hiện tượng ra máu báo chỉ xảy ra ở khoảng 15 đến 25% các trường hợp mang thai.
Chửa ngoài tử cung
Chửa ngoài tử cung tức là thai không làm tổ trong buồng tử cung mà làm tổ trong buồng trứng, ống dẫn trứng, cổ tử cung. Tần suất gặp thai làm tổ tại vòi tử cung là cao nhất nên người ta thường gọi chửa ngoài tử cung là chửa vòi tử cung.
Một trong những dấu hiệu đầu tiên gợi ý chửa ngoài tử cung là chảy máu âm đạo kèm theo đau bụng dưới. Nếu trứng đã thụ tinh tiếp tục phát triển trong ống dẫn trứng có thể gây vỡ ống và dẫn đến chảy máu trong ổ bụng. Khám bác sĩ ngay lập tức nếu bạn gặp các triệu chứng của chửa ngoài tử cung như:
- Đau bụng hoặc đau vùng chậu dữ dội, thường lệch về một bên
- Ngất xỉu hoặc chóng mặt
- Chảy máu âm đạo bất thường
- Tức nặng vùng trực tràng: cảm giác mót rặn
Sảy thai
Chảy máu âm đạo do sảy thai có thể bị nhầm với chu kỳ kinh nguyệt. Bởi nhiều phụ nữ bị sảy thai mà không biết rằng mình đã mang thai . Thời gian chảy máu, và số lượng máu có thể ít hoặc nhiều phụ thuộc vào tuổi của thai nhi. Các triệu chứng khác của sảy thai bao gồm:
- Cơn đau quặn thắt
- Đau âm ỉ cả bụng hoặc vùng bụng dưới
- Đau lưng
Cho con bú
Việc cho con bú có thể gây ra hiện tượng chậm kinh, kinh ít hơn hoặc chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn.
Prolactin, một loại hormone có tác dụng kích thích sản xuất sữa mẹ, nhưng đồng thời cũng ngăn kinh nguyệt xảy ra. Hầu hết phụ nữ cho con bú sẽ có kinh trở lại vào khoảng 9 đến 18 tháng sau khi sinh.
Biện pháp tránh thai và một số thuốc khác
Các biện pháp tránh thai nội tiết như thuốc uống, thuốc tiêm, vòng tránh thai có thể khiến chu kỳ ngắn hơn và ra ít máu hơn. Các hormone trong thuốc tránh thai có thể làm mỏng niêm mạc tử cung khiến thời gian chảy máu ngắn lại, lượng máu chảy ra ít hơn. Theo Cleveland Clinic, phụ nữ uống thuốc chỉ chứa progestin có thể bị chảy máu giữa kỳ kinh.
Các loại thuốc khác có thể ảnh hưởng đến tần suất, độ dài hoặc lượng máu của chu kỳ kinh nguyệt bao gồm:
- Thuốc chống đông
- Thuốc chống loạn thần hoặc thuốc chống trầm cảm
- Steroid
- Thảo mộc, chẳng hạn như nhân sâm
- Tamoxifen (thuốc được sử dụng để điều trị một số loại ung thư vú)
Yếu tố lối sống
Thay đổi thói quen sống có thể gây rối loạn kinh nguyệt. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất gây ra những biến đổi chu kỳ kinh nguyệt
Stress
Quá căng thẳng có thể ảnh hưởng đến nội tiết tố của bạn từ đó tác động đến chu kỳ kinh nguyệt. Nếu bị stress, bạn có thể gặp các rối loạn như kinh nguyệt không đều, kinh ngắn hơn hoặc ra máu ít hơn bình thường, thậm chí là tắt kinh. Khi nỗi căng thẳng qua đi, chu kỳ của bạn sẽ lại trở lại như cũ.
Tụt cân quá nhiều
Cân nặng tụt giảm quá nhiều dẫn đến kinh nguyệt không đều. Các rối loạn ăn uống như chán ăn, chứng ăn vô độ không kiểm soát có thể khiến chu kỳ kinh nguyệt ngừng lại hoàn toàn.
Vận động quá mức
Hoạt động thể lực quá nhiều có thể là nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt hoặc tắt kinh. Nếu bạn không cân bằng được năng lượng tiêu hao do vận động thể lực với chế độ dinh dưỡng, cơ thể bạn sẽ bị thiếu năng lượng và không thể duy trì hoạt động của tất cả các hệ cơ quan. Vì thế, năng lượng sẽ ưu tiên cho những hoạt động quan trọng hơn. Kết quả là, vùng dưới đồi có thể chậm hoặc ngừng việc giải phóng các hormone kiểm soát sự rụng trứng.
Bệnh tật
Một số bệnh có thể ảnh hưởng đến chu kỳ hàng tháng của bạn, khiến chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn bình thường.
Bệnh tuyến giáp
Hormone tuyến giáp đóng một vai trò quan trọng trong chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Bệnh tuyến giáp khiến cơ thể bạn sản xuất quá nhiều hoặc quá ít hormone tuyến giáp. Khi cơ thể bạn không sản xuất đủ hormon, kinh nguyệt có thể trở nên không đều và đôi khi ngắn hơn bình thường.
Các triệu chứng của bệnh tuyến giáp có thể khác nhau, tùy thuộc vào loại rối loạn mà bạn mắc phải. Nhưng các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:
- Giảm hoặc tăng cân
- Khó ngủ hoặc mệt mỏi
- Nhịp tim nhanh hơn hoặc chậm hơn bình thường
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Trong hội chứng buồng trứng đa nang, cơ thể sản xuất nhiều hormone nam hơn bình thường gây mất cân bằng nội tiết tố - nguyên nhân khiến trứng không rụng. Vì thế chu kỳ kinh nguyệt của bạn ngắn hơn, ra ít máu hơn, thậm chí không có kinh. Rối loạn kinh nguyệt trong buồng trứng đa nang có thể đi kèm các triệu chứng khác như:
- Rậm lông
- Mệt mỏi
- Giọng nói trầm hơn
- Tính khí thay đổi thất thường
- Vô sinh
Viêm sinh dục (PID)
PID là một loại nhiễm trùng xảy ra do vi khuẩn xâm nhập vào âm đạo sau đó lan đến tử cung và các phần khác của đường sinh dục trên. Bệnh thường lây truyền qua quan hệ tình dục. PID có thể gây ra kinh nguyệt không đều, nhưng thường nặng hơn, kéo dài hơn và gây đau nhiều hơn.
Các nguyên nhân khác
Kinh nguyệt không đều hoặc ngắn ngày có thể do các nguyên nhân hiếm gặp sau:
- Hẹp cổ tử cung
- Suy buồng trứng sớm (POF) , còn được gọi là mãn kinh sớm
- Hội chứng Asherman : dính buồng tử cung sau khi tổn thương
- Thiếu máu
- Rối loạn tuyến yên
- Ung thư tử cung hoặc cổ tử cung
Tuổi tác
Kinh nguyệt những năm đầu ở các bé gái tuổi vị thành niên có thể sẽ bị rối loạn.
Một thời điểm khác cũng có hiện tượng kinh nguyệt không đều là thời kỳ tiền mãn kinh – khoảng thời gian vài năm trước khi mãn kinh thực sự. Theo Cleveland Clinic, giai đoạn tiền mãn kinh có thể kéo dài từ 8 đến 10 năm, nghĩa là nó có thể bắt đầu ở độ tuổi u30 hoặc u40. Nguyên nhân gây ra rối loạn kinh nguyệt ở thời kỳ tiền mãn kinh là do sự suy giảm của hormon buồng trứng: estrogen.
Kết luận
Có nhiều nguyên nhân gây ra máu âm đạo bất thường: chỉ dài 1- 2 ngày bao gồm cả có thai và nhiều nguyên nhân khác. Khi bạn nhận thấy chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn bình thường, hãy đến khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời nếu cần.
Xem thêm: