Theo CDC Hoa Kì, trung bình người lớn bị cảm 2 lần mỗi năm và nhiều hơn với trẻ em.
Video điều cần biết về bệnh cảm lạnh
Mặc dù cảm lạnh rất phổ biến, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu biết đầy đủ về bệnh như:
- Virus gây bệnh đường hô hấp trên tiến triển như thế nào
- Làm thế nào để điều trị
- Khi nào cần đi khám bác sĩ
Hiện nay chúng ta chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu với căn bệnh này. Tuy nhiên, bạn có thể thực hiện nhiều cách khác nhau để giảm nhẹ triệu chứng cũng như rút ngắn thời gian mắc bệnh.
Bài viết này sẽ cung cấp các kiến thức về các giai đoạn, triệu chứng và biện pháp điều trị cảm lạnh.
Giai đoạn 1: Ngày thứ nhất đến ngày thứ 3 (Giai đoạn sớm)
Giai đoạn đầu của bệnh có thể khiến bạn rất lo lắng và cố gắng thực hiện một số biện pháp để ngăn bệnh tiến triển.
Thật không may, các dấu hiệu đó là sự khởi đầu của 7-10 ngày phát bệnh mà người nhiễm phải đối mặt.
Các triệu chứng thường gặp trong giai đoạn này là:
- Rát họng
- Đau nhức cơ thể
- Mệt mỏi
Theo tiến sĩ Doug Nunamaker, mọi người thường không chăm sóc bản thân tốt và đúng cách trong những ngày đầu bị cảm. Ngoài việc sử dụng các thuốc không kê đơn, bạn nên ăn súp hoặc mì gà để bổ sung lại lượng chất lỏng, muối khoáng cũng như cung cấp một lượng dinh dưỡng cần thiết.
Nunamaker còn cho biết khi cơ thể xuất hiện triệu chứng là đã có nguy cơ lây bệnh cho mọi người xung quanh.
Những điều nên làm
- Sử dụng thuốc chống ngạt mũi và siro ho, chú ý không dùng thuốc có cùng thành phần dược chất.
- Tăng thời gian nghỉ ngơi
- Bổ sung nước.
- Bổ sung kẽm. Biện pháp này đã được chứng minh là giúp giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng khi được sử dụng ngay trong những giờ đầu. Tuy nhiên, chúng có mùi vị khó chịu và có thể gây buồn nôn.
Thực hiện các cách sau để tránh lây bệnh cho người khác:
- Tránh đến nơi công cộng
- Tránh tiếp xúc với người khác.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
- Dùng khuỷu tay, khăn che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi. Vứt bỏ khăn giấy và rửa tay ngay lập tức.
Giai đoạn 2: Ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 (giai đoạn hoạt động)
Đây là giai đoạn virus hoạt động mạnh nhất. Cơ thể bạn lúc nào cũng thấy mệt mỏi và nước mũi chảy không ngừng. Bên cạnh đó, hệ thống miễn dịch cũng phản ứng mạnh mẽ với tác nhân có hại gây ra tình trạng sốt.
Triệu chứng này không đáng lo ngại cho đến khi nhiệt độ cơ thể tăng cao trên 38°C.
Người bị cảm lạnh nếu xuất hiện sốt có thể nhầm với cúm, tuy nhiên, triệu chứng cảm cúm diễn ra nhanh, nặng hơn và thường kèm theo đau đầu.
Các triệu chứng phổ biến thường gặp ở giai đoạn này là:
- Viêm họng
- Ho
- Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
- Mệt mỏi
- Đau nhức người
- Ớn lạnh hoặc sốt nhẹ
Như ở giai đoạn đầu, khi các triệu chứng còn xuất hiện thì bạn vẫn có thể lây bệnh cho người khác. Do đó, người bệnh không nên đến nơi công cộng cũng như tiếp xúc với người khác.
Những điều nên làm
- Tránh hút thuốc vì khói thuốc có thể làm tê liệt các nhung mao trong phổi và cần nhiều thời gian để chữa lành hơn.
- Không sử dụng thuốc kháng sinh vì nó không có hiệu quả trong điều trị các bệnh do virus như cảm lạnh.
- Dùng thuốc ho nếu những cơn ho làm bạn mất ngủ.
- Sử dụng ibuprofen để làm giảm cơn đau.
- Bổ sung 1-2 g vitamin C mỗi ngày bằng trái cây hoặc thực phẩm chức năng.
- Súc miệng nước muối.
- Sử dụng máy phun sương, xông hơi hoặc tắm vòi sen.
- Dùng viên ngậm Chloraseptic hoặc Cepacol chứa hoạt chất benzocain, nó có tác dụng gây tê tại chỗ và làm dịu cơn đau họng.
- Bổ sung kẽm.
- Uống nhiều nước.
Giai đoạn 3: Ngày thứ 8 đến ngày thứ 10 (giai đoạn kết thúc)
Các triệu chứng thường gặp ở giai đoạn này là:
- Ho
- Tắc mũi
- Sổ mũi
- Mệt mỏi
Hầu hết mọi người thường khỏi hoàn toàn triệu chứng sau ngày thứ 10. Mặc dù một số người vẫn có thể xuất hiện ho, tuy nhiên, họ không còn khả năng lây bệnh.
Những điều nên làm
- Tiếp tục dùng khăn giấy hoặc khuỷu tay để che các cơn ho.
- Sử dụng các thuốc giảm đau, thông mũi, giảm ho hoặc thuốc kháng histamine nếu cần.
Thuốc cảm không kê đơn
Dưới đây là các loại thuốc trị cảm mà bạn có thể tự mua và sử dụng:
- Ibuprofen
- Viên ngậm chloraseptic hoặc Cepacol
- Viên ngậm hoặc thuốc uống bổ sung kẽm
- Thuốc chống ngạt mũi
- Si-rô ho
- Vitamin C
- Thuốc dị ứng
Hãy trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng thêm bất kì loại thuốc nào khác để tránh các tương tác thuốc không đáng có.
Tổng kết
Bạn nên thực hiện một số biện pháp sau để tránh bị cảm lạnh:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng
- Tránh tiếp xúc với các vật dụng có thể nhiễm vi-rút
- Bổ sung đủ nước và tăng thời gian nghỉ ngơi
Cuối cùng, tránh tiếp xúc với người khác khi bị cảm vì bạn có thể đang vô tình lây bệnh cho họ.
Xem thêm:
- Cảm lạnh: Triệu chứng, nguyên nhân, biến chứng, điều trị và phòng ngừa
- Những điều bạn cần biết về cảm lạnh: Từ nguyên nhân đến điều trị và chăm sóc
- Cảm lạnh hay cảm cúm? Làm thế nào để bạn nhận biết?
- Bệnh cảm lạnh ở phụ nữ mang thai: Rủi ro sức khỏe, điều trị và phòng ngừa
- Cảm lạnh ở trẻ nhỏ: Triệu chứng, biện pháp điều trị và rủi ro sức khỏe
- Điều trị cảm lạnh: Biện pháp khắc phục, phòng ngừa và thuốc
- Các triệu chứng thường gặp của cảm lạnh: Hắt hơi, sốt, mệt mỏi...
- Các thuốc làm giảm triệu chứng cảm lạnh thông thường
- Các biện pháp trị cảm tốt nhất tại nhà
- Cảm lạnh: Biện pháp khắc phục tại nhà, thời gian điều trị và phòng ngừa
- Làm thế nào để không bị ốm: 8 cách để tránh cảm lạnh và cảm cúm