Các triệu chứng có thể xuất hiện là hắt hơi, đau họng, ho và sổ mũi. Chúng thường tự biến mất sau 1 tuần mà không cần đến các điều trị đặc biệt.
Những điều cần biết về bệnh cảm lạnh
Bài viết này sẽ trình bày về các cách điều trị đơn giản để có thể làm giảm nhẹ đi các triệu chứng gặp phải.
Tổng quan về điều trị cảm lạnh:
- Cảm lạnh thường tự khỏi.
- Áp dụng các biện pháp điều trị sẽ làm giảm nhẹ triệu chứng và khiến bạn thấy thoải mái hơn.
- Không có cách nào để điều trị nguyên nhân gây cảm lạnh.
Thuốc kháng sinh
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng không nên kê trước đơn thuốc kháng sinh để dự phòng bội nhiễm trừ trường hợp người cao tuổi có nguy cơ viêm phổi.
Hoa cúc tím (Echinacea)
Hoa cúc tím là một loài hoa dại bản địa ở Bắc Mỹ. Người dân ở đây thường sử dụng loại hoa này như một phương thuốc điều trị cho nhiều bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, ác kết quả nghiên cứu lại cho thấy kết quả trái chiều về hiệu quả của phương pháp này.
Một nghiên cứu năm 2007 được công bố trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lancet cho thấy sử dụng hoa cúc tím giúp giảm thời gian bị cảm lạnh hơn so với trung bình 1,4 ngày và giảm 58% nguy cơ mắc cảm lạnh.
Ngược lại, các nhà nghiên cứu từ Trường Y Đại học Wisconsin-Madison đã báo cáo rằng Echinacea không có tác dụng đáng kể với cảm lạnh thông thường và chỉ rút ngắn thời gian mắc các triệu chứng "nhiều nhất là nửa ngày".
Bổ sung nước
Đổ mồ hôi và chảy nước mũi là những triệu chứng thường gặp của bệnh nhân cảm lạnh, chúng có thể gây ra tình trạng mất nước. Do đó, bạn cần bổ sung lại lượng chất lỏng đã mất này. Thức uống tốt nhất là nước, tránh sử dụng cà phê và nước ngọt chứa caffein vì chúng có thể làm nặng hơn tình trạng bệnh.
Súp gà
Các chuyên gia tin rằng súp gà giúp làm giảm các triệu chứng của cảm lạnh. Nó được cho là có thể ức chế sự di chuyển của bạch cầu trung tính, các tế bào miễn dịch gây viêm cũng như sự di chuyển của chất nhầy.
Súp gà cũng có tỷ lệ nước cao và góp phần bù nước cho cơ thể.
Nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi nhiều không chỉ giúp làm giảm nhẹ triệu chứng, khiến bạn thấy thoải mái hơn mà còn có thể rút ngắn thời gian mắc bệnh. Biện pháp này còn làm tăng khả năng chống lại virus của hệ miễn dịch.
Vệ sinh cá nhân
Vệ sinh cá nhân tốt là điều quan trọng để ngăn ngừa sự lây lan của virus. Bên cạnh đó, bạn nên nghỉ học hoặc nghỉ làm nếu cảm thấy cơ thể không được khoẻ.
Che miệng bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi và vứt ngay vào thùng rác. Đảm bảo rửa tay thật sạch với nước ấm và xà phòng.
Các bác sĩ khuyên bạn nên ho hoặc hắt hơi vào mặt trong khuỷu tay nếu không có khăn giấy vì cách làm này sẽ giúp giảm nguy cơ lây lan mầm bệnh so với thực hiện với bàn tay.
Sử dụng nước muối
Súc miệng bằng cốc nước muối chứa 1/4 thìa cà phê muối hòa tan trong 225ml nước ấm có thể làm giảm tạm thời các triệu chứng đau họng nhờ khả năng hút bớt dịch viêm. Cách này cũng khiến đờm loãng hơn, tạo điều kiện để đẩy chúng ra ngoài.
Nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý. Đây là cách làm đơn giản và dễ thực hiện với trẻ nhỏ so với việc súc miệng nước muối.
Xông hơi
Hơi nước có thể giúp giảm triệu chứng nghẹt mũi. Cách thực hiện như sau:
- Đun sôi một nồi nước
- Đặt nồi nước lên bàn hoặc sàn nhà
- Để đầu ở phía trên nồi nước, dùng khăn phủ kín.
- Hít thở sâu và nhắm mắt lại.
Chú ý không sử dụng máy xông hơi với trẻ nhỏ để tránh bỏng nước. Thay vào đó, có thể để trẻ đứng gần vòi nước nóng và hít hơi nước toả ra.
Bổ sung kẽm
Các nghiên cứu cho thấy các kết quả khác nhau về lợi ích của kẽm trong việc chống lại cảm lạnh. Một số đó khuyên bạn nên uống bổ sung kẽm trong 24 giờ sau khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng.
Các nhà nghiên cứu từ Canada gần đây đã phát hiện ra rằng bổ sung kẽm mang lại nhiều hiệu quả cho người lớn hơn là trẻ em. Bên cạnh đó, dùng quá liều có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như nôn kéo dài hoặc mất khứu giác. Trước khi sử dụng vi chất này, hãy kiểm tra hàm lượng có trong sản phẩm cũng như liều lượng bạn nên uống.
Bổ sung Vitamin C
Một nghiên cứu năm 2013 đã cho thấy việc sử dụng ít nhất 200mg vitamin C mỗi ngày trước khi mắc cảm lạnh sẽ làm giảm thời gian xuất hiện các triệu chứng sau đó.
Thuốc kháng histamine
Thuốc kháng histamine có thể làm giảm nhẹ một số triệu chứng cảm lạnh như chảy nước mắt, nước mũi, ho và hắt hơi. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho kết quả khác nhau về việc so sánh giữa lợi ích mang lại và tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc này.
Nhiều bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng cho rằng thuốc kháng histamine làm khô chất nhầy và suy giảm khả năng loại bỏ vi sinh vật của mũi.
Một nghiên cứu gần đây kết luận rằng thuốc kháng histamine chỉ có tác dụng làm giảm nhẹ triệu chứng trong 2 ngày đầu sử dụng. Ngoài ra, không có đủ bằng chứng để kết luận hiệu quả của loại thuốc này với trẻ em.
Thuốc chống ngạt mũi
Đây là loại thuốc có tác dụng làm co các mạch máu cũng như niêm mạc của mũi, giúp cho quá trình lưu thông khí trở nên dễ dàng hơn. Chúng có 2 dạng là thuốc uống hoặc thuốc xịt. Trừ một số trường hợp đặc biệt mà bác sĩ chỉ định, thuốc chống ngạt mũi không nên sử dụng quá 5 ngày.
Bệnh nhân cao huyết áp hay đang điều trị thuốc chống trầm cảm MAOI (chất ức chế monoamine oxidase) chỉ được dùng thuốc khi có sự giám sát của bác sĩ. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu không chắc chắn về việc có nên sử dụng thuốc hay không vì chúng chỉ mang hiệu quả tạm thời.
Thuốc ho
Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kì (FDA) khuyến cáo không nên sử dụng thuốc ho cho trẻ em dưới 2 tuổi vì chúng có thể gây nguy hiểm cho nhóm đối tượng này
Thuốc hạ sốt và giảm đau
Sốt là một phản ứng của cơ thể để chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh. Nhiệt độ cơ thể tăng cao sẽ kìm hãm sự phát triển của virus và vi khuẩn. Ngoại trừ những bệnh nhân rất nhỏ tuổi, các bác sĩ còn khuyên bạn không nên dùng thuốc nếu chỉ sốt nhẹ.
Tuy nhiên, nếu triệu chứng này làm người bệnh cảm thấy khó chịu và cản trở cuộc sống hàng ngày, họ có thể dùng thuốc để hạ nhiệt cơ thể.
Acetaminophen và ibuprofen có hiệu quả trong cả hạ sốt và giảm đau. Tuy nhiên, sử dụng quá liều có thể gây ra tổn thương trên gan và thận. Ngoài ra, không được sử dụng aspirin cho trẻ em dưới 16 tuổi. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ để được kê đơn thuốc an toàn nhất.
Máy phun sương
Bạn nên sử dụng máy phun sương trong nhà và những hôm thời tiết khô hanh để đảm bảo độ ẩm cho niêm mạc đường hô hấp.
Xem thêm:
- Cảm lạnh: Triệu chứng, nguyên nhân, biến chứng, điều trị và phòng ngừa
- Những điều bạn cần biết về cảm lạnh: Từ nguyên nhân đến điều trị và chăm sóc
- Các giai đoạn của cảm lạnh: Bạn nên làm gì? Khi nào cần dùng thuốc cảm?
- Cảm lạnh hay cảm cúm? Làm thế nào để bạn nhận biết?
- Bệnh cảm lạnh ở phụ nữ mang thai: Rủi ro sức khỏe, điều trị và phòng ngừa