Những tiến bộ trong điều trị HIV hiện nay đã khiến bệnh có thể kiểm soát được. Theo CDC, điều trị kịp thời cũng có thể ngăn ngừa lây truyền virus sang trẻ sơ sinh trong hầu hết các trường hợp.
HIV là gì?
HIV là một loại virus ảnh hưởng đến các tế bào bạch cầu T chống lại bệnh tật trong hệ thống miễn dịch. Khi các tế bào này không hoạt động bình thường, nhiễm trùng, ung thư và vi khuẩn có thể dễ dàng gây bệnh hơn.
HIV được truyền từ người này sang người khác khi tiếp xúc với chất dịch cơ thể - máu, sữa mẹ và tinh dịch - và được coi là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) vì một trong những con đường lây truyền chính là qua quan hệ tình dục mà không sử dụng bao cao su hoặc các phương pháp ngăn tiếp xúc khác.
Một con đường lây truyền khác là dùng chung kim tiêm với người nhiễm HIV. Bất kỳ hoạt động nào khác có thể khiến một cá nhân tiếp xúc với dịch cơ thể có chứa HIV cũng có thể dẫn đến việc lây truyền virus.
Nếu không được điều trị, HIV có thể trở thành HIV giai đoạn 3, hoặc AIDS. Tuy nhiên theo Viện Y tế Quốc gia, có thể mất vài tháng hoặc vài năm để virus tiến triển.
Điều đó nói rằng, không có cách chữa khỏi HIV. Đó là một căn bệnh mạn tính. Điều trị tập trung vào việc ức chế virus và giữ cho tải lượng virus ở mức thấp. Tải lượng virus chỉ là một cách khác để nói về lượng virus trong cơ thể.
Phát hiện sớm là chìa khóa trong việc chống lây nhiễm, đặc biệt là trong thời kỳ mang thai. Mặc dù có tải lượng virus thấp có thể làm giảm khả năng truyền virus sang thai nhi, trẻ sơ sinh vẫn có thể bị nhiễm virus.
Xét nghiệm HIV khi mang thai có cần thiết không?
Video: Xét nghiệm HIV khi phụ nữ mang thai
Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) khuyến cáo rằng tất cả phụ nữ nên xét nghiệm HIV trong khi mang thai hoặc trước khi nghĩ đến việc mang thai. Tại sao? Vì HIV có thể không bị phát hiện trong nhiều năm trước khi nó gây ra các triệu chứng.
Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, một người mang thai nhiễm HIV không được điều trị có thể truyền virus sang thai nhi.
Tuy nhiên, nếu được điều trị, khả năng lây truyền HIV sang con là rất thấp. Điều trị nhiễm virus cũng sẽ giúp đảm bảo quá trình mang thai, sinh nở và phát triển của thai nhi khỏe mạnh. Virus được phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng có hiệu quả.
Các triệu chứng HIV khi mang thai
Các triệu chứng trong giai đoạn đầu của HIV có thể khó nhận ra. Các triệu chứng của nhiễm trùng cấp tính có thể bắt đầu khoảng 2 đến 4 tuần sau lần đầu tiên tiếp xúc với virus. Các triệu chứng tương tự như của bệnh cúm.
Các triệu chứng của HIV có thể bao gồm:
- Sốt và ớn lạnh
- Phát ban
- Mệt mỏi
- Đau khớp hoặc đau cơ
- Sưng hạch bạch huyết
- Loét trong miệng
- Viêm họng
- Nhiễm nấm men
- Nhiễm trùng âm đạo
- Thay đổi chu kỳ kinh nguyệt
Tuy nhiên, không phải ai cũng có các triệu chứng trong giai đoạn này, vì vậy các chuyên gia khuyên bạn nên xét nghiệm bất cứ khi nào nghi ngờ có tiếp xúc với virus. Sau các triệu chứng ban đầu, virus đi vào giai đoạn tiềm ẩn lâm sàng. Giai đoạn này có thể kéo dài từ 10 đến 15 năm và có thể tạo ra ít hoặc không có triệu chứng.
Có những loại xét nghiệm HIV nào khi mang thai?
Xét nghiệm HIV trong thai kỳ cũng tương tự đối với những người không mang thai. Các xét nghiệm sàng lọc máu hoặc nước bọt để tìm kháng nguyên và kháng thể - đây là những protein trong máu chống lại nhiễm trùng.
Xét nghiệm kháng nguyên / kháng thể
Xét nghiệm máu này có thể phát hiện HIV chỉ từ 18 đến 45 ngày sau khi phơi nhiễm lần đầu. Nó tìm kiếm cả kháng thể và kháng nguyên HIV có trong máu. Cả hai xét nghiệm kháng nguyên / kháng thể tiêu chuẩn và nhanh chóng đều có sẵn. Xét nghiệm nhanh sử dụng đầu ngón tay để chích máu làm xét nghiệm và có thể không phát hiện ra virus trong tối đa 90 ngày sau khi tiếp xúc.
Xét nghiệm kháng thể
Xét nghiệm bằng máu hoặc nước bọt này có thể phát hiện HIV trong 23 đến 90 ngày sau khi tiếp xúc ban đầu. Nhiều xét nghiệm nhanh là xét nghiệm kháng thể, bao gồm cả tự xét nghiệm tại nhà. Các xét nghiệm kháng thể được thực hiện bằng cách sử dụng máu từ tĩnh mạch sẽ phát hiện ra HIV sớm hơn so với những xét nghiệm được thực hiện bằng cách chích ngón tay hoặc bằng nước bọt.
Xét nghiệm axit nucleic (NAT)
Xét nghiệm máu này có thể phát hiện HIV chỉ trong vòng 10 đến 33 ngày. Nó tìm kiếm virus trong máu thay vì chỉ tìm kháng thể. NAT rất đắt và thường không phải là xét nghiệm đầu tiên trừ khi xác nhận có phơi nhiễm với HIV hoặc có các triệu chứng.
Xét nghiệm cụ thể được đưa ra có thể phụ thuộc vào:
- Nơi xét nghiệm được thực hiện
- Các điều kiện phơi nhiễm
- Có triệu chứng hay không
- Việc tiếp xúc với virus có thể đã xảy ra cách đây bao lâu
Các xét nghiệm HIV trong thai kỳ được thực hiện như thế nào?
Nhiều bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm HIV định kỳ vào lần khám tiền sản đầu tiên hoặc càng sớm càng tốt trong thai kỳ.
Nếu có các yếu tố nguy cơ lây nhiễm HIV khác, chẳng hạn như chẩn đoán gần đây về một STI khác, bạn tình mới trong thời kỳ mang thai hoặc bạn tình bị nhiễm HIV, bác sĩ cũng có thể khuyên bạn nên làm xét nghiệm lại trong 3 tháng cuối (khoảng tuần 36 ) của thai kỳ.
Xét nghiệm được thực hiện thông qua xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm nước bọt. Các phương pháp này tương đối không xâm lấn và cho kết quả sau một giờ (xét nghiệm nhanh) đến vài ngày. Có thể cần xét nghiệm lại để xác định chẩn đoán nếu kết quả dương tính (kết quả có thể mất đến 2 tuần). Xét nghiệm lại cũng có thể xảy ra nếu kết quả âm tính nhưng một cá nhân nghi ngờ họ đã tiếp xúc với virus.
Chi phí xét nghiệm HIV khi mang thai là bao nhiêu?
Chi phí xét nghiệm HIV sẽ liên quan đến một số yếu tố, bao gồm:
- Bảo hiểm y tế
- Các khoản phí như đồng thanh toán hoặc các khoản khấu trừ
- Nơi xét nghiệm được thực hiện
- Một số phòng khám cung cấp xét nghiệm miễn phí.
Nếu không có bảo hiểm, chi phí xét nghiệm STI có thể dao động trong khoảng từ 100.000 nghìn đến 500.000 nghìn cho mỗi lần xét nghiệm. Có một vài loại xét nghiệm có sẵn để bản có thể tự xét nghiệm tại nhà. Ví dụ, xét nghiệm HIV tại nhà Oraquick có giá khoảng 60.000 đồng cho mỗi lần xét nghiệm.
Có thể cho kết quả âm tính giả hay dương tính giả không?
Dương tính giả
Kết quả dương tính giả có nghĩa là xét nghiệm dương tính nhưng người đó thực sự không bị nhiễm HIV. Các vấn đề kỹ thuật tại phòng thí nghiệm, chẳng hạn như trộn lẫn mẫu vật, ghi nhãn sai mẫu vật hoặc do lỗi của con người, có thể dẫn đến dương tính giả.
Khi bạn mắc một số bệnh hay tham gia vào thử nghiệm vắc xin HIV cũng có thể dẫn đến việc bị sai kết quả
Nói chung, nếu kết quả dương tính, bác sĩ sẽ theo dõi bằng một xét nghiệm khác để xác nhận kết quả xét nghiệm dương tính.
Âm tính giả
Kết quả âm tính giả có nghĩa là kết quả xét nghiệm là âm tính, nhưng một cá nhân lại nhiễm HIV. Âm tính giả cũng có thể xảy ra do lỗi phòng thí nghiệm (trộn lẫn mẫu vật, lỗi do con người, v.v.).
Mặc dù không phải là "âm tính giả" nhưng xét nghiệm HIV có thể âm tính nếu một người được xét nghiệm trước khi có đủ lượng virus có thể phát hiện được trong máu hoặc nước bọt. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ phơi nhiễm với HIV, điều quan trọng là phải được xét nghiệm ngay lập tức. Nếu kết quả âm tính, bác sĩ sẽ đề nghị kiểm tra lại vài tuần sau đó.
Phải làm gì tiếp theo nếu kết quả là dương tính
Bước đầu tiên sau khi xét nghiệm dương tính (thường là xét nghiệm kháng nguyên / kháng thể hoặc kháng thể) là xác nhận kết quả bằng xét nghiệm tiếp theo. Xét nghiệm tiếp theo có thể được thực hiện trên mẫu máu ban đầu thay vì thu thập một mẫu mới. Nếu kết quả được xác nhận, trao đổi với bác sĩ là điều quan trọng để giúp kiểm soát việc điều trị sau này.
Mục tiêu của việc điều trị trong thời kỳ mang thai là để bảo vệ sức khỏe của người mang thai và ngăn ngừa việc truyền virus sang em bé.
Điều trị bằng cách dùng thuốc kháng virus (ART) để giảm tải lượng virus trong cơ thể. Bác sĩ sẽ theo dõi cẩn thận tải lượng virus HIV.
Tải lượng virus cao kết hợp với số lượng tế bào T (tế bào CD4) thấp có thể cho thấy nguy cơ truyền HIV sang em bé cao hơn.
Còn thai nhi thì sao?
May mắn thay, nguy cơ lây truyền HIV sang em bé là rất hiếm - 1% (hoặc ít hơn) - với điều trị và các biện pháp an toàn khác, theo CDC. Điều quan trọng là dùng tất cả các loại thuốc theo quy định trong khi mang thai và sinh nở.
Em bé cũng sẽ cần dùng thuốc ART trong 4 đến 6 tuần đầu tiên. Tại Hoa Kỳ, việc cho trẻ bú mẹ và thức ăn nhai trước không được khuyến khích vì virus có thể lây truyền qua sữa mẹ và máu.
Tổng kết
HIV có thể được kiểm soát ở thời kỳ mang thai, đặc biệt là khi nó được phát hiện sớm bằng xét nghiệm STI.
Bác sĩ có thể sẽ đề nghị yêu cầu xét nghiệm HIV vào buổi hẹn trước khi sinh đầu tiên để tầm soát virus. Ngoài ra còn có các biện pháp khác có thể ngăn ngừa việc lây truyền virus khi mang thai, bao gồm sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp ngăn tiếp xúc khác trong khi quan hệ tình dục.
Phối hợp chặt chẽ với bác sĩ có thể giúp những người mang thai nhiễm HIV xây dựng kế hoạch điều trị hiệu quả, bao gồm thuốc kê đơn và các biện pháp phòng ngừa khác để giúp ngăn ngừa lây truyền virus sang em bé.
Xem thêm
- Phát ban HIV: Phân loại, nguyên nhân và triệu chứng kèm theo
- Hướng dẫn toàn diện về HIV và AIDS: Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị...
- Những lầm tưởng về sự lây nhiễm HIV
- Các dấu hiệu sớm của nhiễm HIV
- Diễn biến các triệu chứng của HIV
- Các xét nghiệm HIV: Chẩn đoán, theo dõi...
- Test nhanh HIV: Xét nghiệm tại nhà, độ chính xác và lợi ích
- 15 dấu hiệu HIV sớm ở nam giới
- 9 dấu hiệu nhiễm HIV thường thấy ở nữ giới
- HIV và AIDS có chữa được không?
- HIV: Giai đoạn cửa sổ là gì?