Viêm tuyến giáp sau sinh: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa

Viêm tuyến giáp sau sinh là một tình trạng ít gặp ở phụ nữ sau sinh, trong đó tuyến giáp - một tuyến hình con bướm nằm ở vùng cổ bị viêm trong năm đầu tiên sau khi sinh con.

Viêm tuyến giáp sau sinh thường kéo dài vài tuần đến vài tháng. Tuy nhiên, viêm tuyến giáp sau sinh có thể khó nhận biết vì các triệu chứng của nó thường bị nhầm tưởng là căng thẳng do mới sinh và rối loạn tâm lý sau sinh.

Đối với hầu hết phụ nữ bị viêm tuyến giáp sau sinh, chức năng tuyến giáp trở lại bình thường trong vòng 12 đến 18 tháng kể từ khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Tuy nhiên ở một số phụ nữ, triệu chứng bệnh gây ra các biến chứng vĩnh viễn.

Triệu chứng viêm tuyến giáp sau sinh

Viêm tuyến giáp sau sinh bao gồm hai quá trình: viêm và giải phóng hormon tuyến giáp. Các quá trình này có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng nhẹ tương tự như bệnh cường giáp - tuyến giáp hoạt động quá mức, bao gồm:

  • Lo lắng
  • Cáu gắt
  • Tim đập nhanh hoặc đánh trống ngực
  • Sụt cân
  • Tăng sự nhạy cảm với nóng
  • Mệt mỏi
  • Run
  • Mất ngủ

Những dấu hiệu và triệu chứng này thường xảy ra từ 1 đến 4 tháng sau khi sinh và kéo dài từ 1 đến 3 tháng.

Sau đó, khi các tế bào tuyến giáp suy yếu, cơ thể bà mẹ xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng nhẹ của bệnh suy giáp - tuyến giáp kém hoạt động, bao gồm:

  • Thiếu năng lượng
  • Tăng nhạy cảm với lạnh
  • Táo bón
  • Da khô
  • Tăng cân
  • Trầm cảm

Những dấu hiệu và triệu chứng này thường bắt đầu từ 4 đến 6 tuần sau khi các triệu chứng cường giáp hết và có thể kéo dài từ 6 đến 12 tháng.

Tuy nhiên, ở một số phụ nữ bị viêm tuyến giáp sau sinh chỉ xuất hiện các triệu chứng cường giáp hoặc suy giáp.

Nguyên nhân viêm tuyến giáp sau sinh

Nguyên nhân chính xác của viêm tuyến giáp sau sinh không rõ ràng. Tuy nhiên, những phụ nữ bị viêm tuyến giáp sau sinh thường có nồng độ kháng thể kháng giáp cao trong thời kỳ đầu mang thai và sau khi sinh con. Do đó, người ta tin rằng những phụ nữ bị viêm tuyến giáp sau sinh có khả năng mắc bệnh tuyến giáp tự miễn tiềm ẩn, bùng phát sau khi sinh con do sự biến động của chức năng miễn dịch. Tình trạng tiềm ẩn này có vẻ rất giống với bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto, trong đó hệ thống miễn dịch tấn công tuyến giáp.

Các yếu tố rủi ro

Bạn có thể tăng nguy cơ bị viêm tuyến giáp sau sinh nếu mắc phải:

  • Rối loạn tự miễn dịch, chẳng hạn như bệnh đái tháo đường típ 1
  • Có tiền sử bị viêm tuyến giáp sau sinh
  • Nồng độ kháng thể kháng giáp cao
  • Có tiền sử các vấn đề về tuyến giáp 
  • Tiền sử gia đình có vấn đề về tuyến giáp

Trong khi cần nghiên cứu sâu hơn, một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra mối liên hệ giữa viêm tuyến giáp sau sinh và trầm cảm sau sinh. Do đó, nếu bạn bị trầm cảm sau sinh, bác sĩ có thể sẽ kiểm tra xem tuyến giáp của bạn đang hoạt động như thế nào. 

Các biến chứng

Đối với hầu hết phụ nữ bị viêm tuyến giáp sau sinh, chức năng tuyến giáp thường trở lại hoạt động bình thường trong vòng 12 đến 18 tháng kể từ khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Tuy nhiên, ở một số phụ nữ, viêm tuyến giáp sau sinh không hồi phục sau giai đoạn suy giáp. Kết quả là họ bị suy giáp - một tình trạng trong đó tuyến giáp không sản xuất đủ hormone quan trọng. 

Phòng ngừa

Mặc dù không thể ngăn ngừa viêm tuyến giáp sau sinh nhưng bạn có thể thực hiện các bước để chăm sóc bản thân trong những tháng sau khi sinh con. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng bất thường nào sau sinh, đừng cho rằng chúng có liên quan đến sự căng thẳng khi chăm sóc trẻ sơ sinh. Nếu bạn có nhiều nguy cơ bị viêm tuyến giáp sau sinh, hãy nói chuyện với bác sĩ về cách theo dõi sức khỏe của bạn.

Chẩn đoán viêm tuyến giáp sau sinh

Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng của viêm tuyến giáp sau sinh, bác sĩ sẽ kiểm tra hoạt động của tuyến giáp. Bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH) và nồng độ hormone tuyến giáp thyroxine.

Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ bị viêm tuyến giáp sau sinh, bác sĩ có thể sẽ kiểm tra hoạt động tuyến giáp vào 3 và 6 tháng sau khi sinh.

Nếu kết quả xét nghiệm tuyến giáp của bạn bất thường, bác sĩ sẽ đề nghị xét nghiệm thêm trong vòng 1 đến 2 tuần.

Ngoài ra, nếu bạn bị viêm tuyến giáp sau sinh, bác sĩ có thể sẽ kiểm tra tuyến giáp của bạn hàng năm sau đó để xem liệu bạn có mắc bệnh suy giáp hay không.

Điều trị viêm tuyến giáp sau sinh

Hầu hết phụ nữ bị viêm tuyến giáp sau sinh không cần điều trị trong giai đoạn cường giáp hoặc suy giáp. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ theo dõi sự hoạt động của tuyến giáp thông qua các xét nghiệm máu từ bốn đến tám tuần một lần. Điều này sẽ giúp bác sĩ theo dõi xem các bất thường có tiến triển thành bệnh suy giáp hay không.

Nếu các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cường giáp trở nên nặng, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân điều trị bằng thuốc ngăn chặn tác động của hormone tuyến giáp trên cơ thể (thuốc chẹn beta). Thuốc chẹn beta thường không được khuyến cáo cho phụ nữ đang cho con bú. Tuy nhiên, thuốc propranolol (Inderal) có thể được khuyên dùng vì loại thuốc này bài tiết vào trong sữa mẹ thấp hơn các thuốc chẹn beta khác.

Nếu các triệu chứng của bệnh suy giáp tiến triển nặng, bệnh nhân có thể cần điều trị bằng hormone tuyến giáp trong 6 đến 12 tháng. Phương pháp điều trị này bao gồm việc sử dụng hormone tuyến giáp tổng hợp levothyroxine hàng ngày (Levo-T, Synthroid và những loại khác).

Khi ngừng thuốc, để theo dõi sự tiến triển của bệnh, bạn cần xét nghiệm máu sau 6 tuần và sau 3 tháng. Nếu kết quả xét nghiệm trong giới hạn bình thường, bạn cần xét nghiệm lại sau 1 năm. 

Giải pháp hỗ trợ

Giai đoạn sau sinh thường mang đến những khó chịu về thể chất cũng như tinh thần. Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh viêm tuyến giáp sau sinh, hãy gặp bác sĩ để xác định phương pháp kiểm soát tình trạng của bản thân một cách an toàn mà không ảnh hưởng đến con của bạn.

Gặp bác sĩ

Khi có các tình trạng này bạn cần đi khám bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ đa khoa. Trong một số trường hợp, bạn có thể được giới thiệu đến bác sĩ nội tiết - chuyên về các tuyến tiết hormone của cơ thể.

Dưới đây là một số lưu ý khi đến gặp bác sĩ:

Bạn có thể làm gì

  • Đặt lịch trước và hỏi về những việc bạn cần làm
  • Viết ra các triệu chứng mà bạn đang gặp phải, bao gồm cả triệu chứng dường như không liên quan đến lý do bạn đến gặp bác sĩ.
  • Viết ra thông tin cá nhân chính, bao gồm những căng thẳng lớn hoặc những thay đổi trong cuộc sống gần đây.
  • Lập danh sách tất cả các loại thuốc, vitamin hoặc chất bổ sung bạn đang dùng.
  • Đi cùng một thành viên gia đình hoặc bạn bè, nếu có thể. Họ sẽ giúp bạn nhớ điều gì đó mà bạn có thể bỏ lỡ hoặc quên.
  • Viết ra các câu hỏi bạn muốn hỏi bác sĩ.

Chuẩn bị một danh sách các câu hỏi sẽ giúp bạn tận dụng tối đa thời gian gặp bác sĩ. Đối với viêm tuyến giáp sau sinh, một số câu hỏi cơ bản cần hỏi bao gồm: 

  • Điều gì gây ra các triệu chứng hoặc tình trạng của tôi?
  • Có nguyên nhân nào khác có thể gây ra các triệu chứng hoặc tình trạng giống tôi không?
  • Tôi cần làm những xét nghiệm gì?
  • Tình trạng của tôi là tạm thời hay mãn tính?
  • Cách chữa trị tốt nhất là gì?
  • Các lựa chọn thay thế cho cách điều trị chính mà bạn đang đề xuất là gì?
  • Tôi có những vấn đề về sức khỏe khác. Làm cách nào để có thể kiểm soát chúng cùng nhau một cách tốt nhất?
  • Có những hạn chế nào tôi cần tuân theo không?
  • Tôi có nên gặp bác sĩ chuyên khoa không?
  • Có thuốc thay thế chung cho loại thuốc bạn đang kê đơn không?
  • Có tờ gấp chứa thông tin về bệnh hoặc tài liệu in khác mà tôi có thể mang theo bên mình không? Bạn giới thiệu những trang web nào?

Đừng ngần ngại hỏi bất kỳ câu hỏi liên quan nào khác mà bạn có.

Những điều bác sĩ có thể làm

Bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn một số câu hỏi, bao gồm:

  • Bạn bắt đầu gặp các triệu chứng khi nào?
  • Các triệu chứng của bạn liên tục hay không thường xuyên?
  • Các triệu chứng của bạn nghiêm trọng như thế nào?
  • Bạn đã làm gì để cải thiện các triệu chứng của bạn?
  • Những điều gì làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bạn?
  • Bạn có tiền sử hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp không?

Xem thêm: 

Câu hỏi liên quan

Các loại viêm tuyến giáp Viêm tuyến giáp cấp tính Viêm tuyến giáp bán cấp ...v...
Xem thêm
Chất tạo ngọt tổng nhân tạo Aspartame; Gluten; Đường; Nội tạng động vật; Hạn chế thực phẩm giàu chất xơ.
Xem thêm
Viêm tuyến giáp có chữa khỏi được hay không còn tùy thuộc vào từng thể bệnh. Với trường hợp viêm tuyến giáp Hashimoto thì hiện vẫn chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh này, người mắc sẽ phải bổ sung hormone thay thế suốt đời và cần được xét nghiệm đánh giá thường xuyên, có thể là hàng tháng trong thời gian đầu cho đến khi xác định được liều thích hợp, sau đó là hàng năm.
Xem thêm
Viêm tuyến giáp Hashimoto là bệnh tự miễn do rối loạn hoạt động hệ miễn dịch gây ra.
Xem thêm
Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto còn được gọi là viêm tuyến giáp lymphocytic tự miễn mãn tính, đây là một tình trạng rối loạn do hệ thống miễn dịch chống lại các mô tuyến giáp của cơ thể.
Xem thêm
Viêm tuyến giáp là tình trạng bệnh lý bao gồm sự thấm nhuận tế bào viêm hoặc mô xơ tại tuyến giáp.
Xem thêm
Chất tạo ngọt tổng nhân tạo Aspartame: một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa Aspartame và nhiều rối loạn tự miễn. Nó có thể gây phản ứng miễn dịch trong cơ thể, sản sinh kháng thể kháng tuyến giáp – nguyên nhân gây viêm tuyến giáp mãn tính Hashimoto. ...v...
Xem thêm
Bệnh viêm giáp tuy không đe dọa đến tính mạng nhưng có thể kéo dài, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh, nhất là đối với nữ giới trong độ tuổi sinh sản.
Xem thêm
Mệt mỏi ở cường độ mạnh, sợ lạnh, táo bón nặng Da khô, tái nhợt, mặt phù tròn, khàn giọng Tăng cân không rõ lý do mặc dù chán ăn ...v...
Xem thêm
Viêm tuyến giáp bán cấp Viêm tuyến giáp sinh mủ v.v
Xem thêm
Xem tất cả hỏi đáp với chuyên mục: Viêm tuyến giáp
Chủ đề:
Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!