Quan trọng là phụ nữ mang thai phải biết tình trạng viêm gan B của mình để ngăn ngừa việc truyền virus sang em bé sơ sinh của họ trong khi sinh. Nếu biết rằng bạn bị viêm gan B, bác sĩ có thể đảm bảo ngăn ngừa việc lây truyền bệnh cho con bạn bằng cách thực hiện các bước phù hợp dựa trên kết quả xét nghiệm máu và sắp xếp để có các loại thuốc thích hợp trong phòng sinh khi em bé được sinh ra.
Tất cả phụ nữ mang thai nên được xét nghiệm viêm gan B. Việc xét nghiệm đặc biệt quan trọng đối với những phụ nữ thuộc nhóm nguy cơ cao như nhân viên y tế, phụ nữ thuộc các cộng đồng hoặc quốc gia phổ biến viêm gan B, vợ/chồng hoặc bạn tình sống chung với người bị nhiễm bệnh…Nếu bạn đang mang thai, hãy chắc chắn rằng bác sĩ xét nghiệm viêm gan B cho bạn trước khi sinh con, lý tưởng là càng sớm càng tốt trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ.
Nếu bạn có kết quả dương tính với nhiễm viêm gan B, thì em bé của bạn phải được phòng ngừa thích hợp ngay sau khi sinh với:
- Mũi tiêm đầu tiên (được gọi là "liều sơ sinh") của vắc xin phòng viêm gan B
- Một liều tiêm globulin miễn dịch viêm gan B (hepatitis B immune globulin - HBIG). Lưu ý: HBIG được Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị. HBIG không được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị và có thể không có sẵn ở tất cả các quốc gia. Điều quan trọng nhất là đảm bảo tiêm vắc xin viêm gan B cho con bạn càng sớm càng tốt!
Nếu dùng 2 loại thuốc này đúng cách, trẻ sơ sinh có mẹ bị viêm gan B có hơn 90% cơ hội được bảo vệ khỏi bị nhiễm bệnh. Bạn phải đảm bảo rằng con bạn được tiêm các mũi còn lại của loạt vắc xin theo đúng lịch trình để đảm bảo được bảo vệ hoàn toàn.
- Xin lưu ý: Mặc dù CDC Hoa Kỳ tuyên bố rằng vắc xin viêm gan B có thể được sử dụng trong vòng 12 giờ đầu sau sinh và WHO quy định mũi đầu vắc xin sẽ được tiêm trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh, nhưng không có cơ hội thứ hai để bảo vệ trẻ sơ sinh một khi cơ hội này đã bị bỏ lỡ. Do đó, Tổ chức Viêm gan B đặc biệt khuyến cáo các chuyên gia chăm sóc sức khỏe sử dụng các loại thuốc này ngay lập tức trong phòng sinh để tránh bất kỳ sự chậm trễ hoặc nhầm lẫn nào.
Video Phòng tránh lây nhiễm viêm gan B cho con khi mang thai
Nếu bạn có kết quả dương tính với nhiễm viêm gan B khi đang mang thai, bác sĩ cũng sẽ tiến hành xét nghiệm tải lượng máu virus viêm gan B (HBV-DNA) trong thời gian bạn mang thai. Trong một số trường hợp, kết quả xét nghiệm có thể cho thấy tải lượng virus rất cao. Ở những trường hợp này, bác sĩ có thể khuyến nghị bạn dùng thuốc kháng virus đường uống trong 3 tháng cuối của thai kỳ để giảm nguy cơ lây nhiễm cho trẻ khi sinh. Nếu không có xét nghiệm tải lượng virus viêm gan B, WHO khuyến cáo phụ nữ mang thai nên xét nghiệm kháng nguyên e viêm gan B (HBeAg), và nếu dương tính, nên dùng thuốc kháng virus trong 3 tháng cuối thai kỳ. Bất kể mức độ tải lượng virus hoặc tình trạng HbeAg, tiêm mũi đầu vắc xin viêm gan B ngay khi sinh và hoàn thành các mũi vắc xin bổ sung theo đúng lịch trình là điều cần thiết để bảo vệ con bạn không bị nhiễm virus viêm gan B.
Bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi viêm gan B thông qua tiêm chủng
Em bé do phụ nữ mắc bệnh viêm gan B sinh ra phải nhận được mũi tiêm đầu tiên của vắc xin viêm gan B và globulin miễn dịch viêm gan B (nếu được khuyến cáo và có sẵn) để đảm bảo được bảo vệ hoàn toàn. Để bảo vệ những trẻ sơ sinh này, nên dùng thuốc ngay sau khi sinh trong phòng sinh hoặc trong vòng 12-24 giờ đầu sau sinh.
Trẻ sơ sinh có mẹ bị viêm gan B: Lịch tiêm chủng viêm gan B cho trẻ dưới 1 tuổi
Vắc xin | Mũi 1 | Mũi 2 | Mũi 3 | Mũi 4 |
Dòng 3 mũi tiêm | 24 giờ sau sinh (vắc xin viêm gan B + HBIG (nếu có)) | 1 tháng sau mũi 1 | 6 tháng sau mũi 1 |
|
Dòng 4 mũi tiêm của vắc xin kết hợp (5 trong 1 hoặc 6 trong 1) | 24 giờ sau sinh (vắc xin viêm gan B + HBIG (nếu có)) | 6 tuần tuổi (vắc xin kết hợp) | 14 tuần tuổi (vắc xin kết hợp) | 24 tuần tuổi (vắc xin kết hợp) |
Xin lưu ý rằng liều đầu tiên của vắc xin viêm gan B (liều sơ sinh) nên được tiêm càng sớm càng tốt. Các liều bổ sung cần có khoảng thời gian tối thiểu giữa các liều để vắc xin có hiệu quả.
Bảo vệ con bạn
Trẻ sơ sinh được sinh ra từ phụ nữ bị viêm gan B phải được tiêm mũi đầu tiên của vắc xin viêm gan B và globulin miễn dịch viêm gan B (HBIG) tại các vị trí tiêm riêng biệt (chi đối diện) để đảm bảo được bảo vệ hoàn toàn. Để bảo vệ những trẻ này, ít nhất phải tiêm một mũi vắc xin viêm gan B ngay sau khi sinh trong phòng sinh hoặc trong vòng 12 - 24 giờ đầu sau sinh. Nếu được khuyến nghị và có sẵn, HBIG cũng nên được tiêm tại thời điểm đó.
Dòng vắc xin 3 liều cho trẻ sơ sinh (bao gồm cả "liều sơ sinh")
WHO khuyến cáo rằng trẻ sơ sinh được sinh ra bởi người mẹ bị viêm gan B nên tiêm liều vắc xin viêm gan B đầu tiên trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Lý tưởng hơn nữa thì một liều globulin miễn dịch viêm gan B (HBIG) cũng được tiêm nếu được khuyến nghị và có sẵn. Hai mũi tiêm phòng viêm gan B bổ sung sau đó được tiêm theo lịch khuyến cáo. Ở Hoa Kỳ, trẻ sơ sinh nên theo lịch trình 1 tháng và 6 tháng cho hai liều bổ sung.
Dòng vắc xin kết hợp 4 liều cho trẻ sơ sinh (Pentavalent hoặc Hexavalent)
Các loại vắc xin kết hợp, chẳng hạn như vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1, giúp bảo vệ chống lại 5 hoặc 6 bệnh, bao gồm cả viêm gan B. Mũi đầu tiên thường được tiêm khi trẻ được 6 tuần tuổi, nhưng để bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi bệnh viêm gan B bắt đầu từ lúc mới sinh, một mũi tiêm vắc xin viêm gan B đơn lẻ cũng được khuyến cáo trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Sau đó, loạt vắc xin viêm gan B có thể được hoàn thành bằng vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 theo lịch trình khuyến nghị.
Thông tin quan trọng về việc quản lý vắc xin và tiêm phòng globulin miễn dịch viêm gan B (HBIG)
Nếu được khuyến cáo và có sẵn, nên tiêm mũi đầu tiên vắc xin viêm gan B và HBIG trong vòng 24 giờ sau khi sinh để ngăn ngừa lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con. Các mũi tiêm được thực hiện ở các chi đối diện, để đảm bảo hiệu quả cao nhất.
Thông tin chung về tiêm chủng vắc xin viêm gan B
Ở các nước đang phát triển, vắc xin 5 trong 1 - một loại vắc xin kết hợp bảo vệ chống lại năm bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib và viêm gan B - có thể được tiêm cho trẻ sơ sinh trên 6 tuần tuổi và có thể tiêm đến 1 tuổi. Liều đầu tiên được tiêm khi trẻ được 6 tuần, và liều thứ 2 và thứ 3 được tiêm khi trẻ 14 và 24 tuần tuổi. Vắc xin 5 trong 1 có thể được cung cấp miễn phí với sự hỗ trợ của GAVI, liên minh vắc xin.
Đối với trẻ sinh ra từ người mẹ bị viêm gan B, việc chờ đợi liều vắc xin 5 trong 1 đầu tiên là quá muộn và sẽ KHÔNG bảo vệ trẻ khỏi sự lây truyền từ mẹ sang con (theo chiều dọc) hoặc không bị nhiễm bệnh trong vài tuần đầu tiên của cuộc đời. Sự tiếp xúc tình cờ trong gia đình từ những người tiếp xúc gần có thể vô tình khiến trẻ bị nhiễm bệnh (lây truyền theo chiều ngang). Trẻ sơ sinh mắc bệnh viêm gan B có hơn 90% nguy cơ tiến triển triển thành bệnh viêm gan B mãn tính nếu không được điều trị đúng cách.
WHO khuyến cáo nên tiêm phòng viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh cho TẤT CẢ trẻ sơ sinh. Các quốc gia có thể có khuyến nghị của riêng họ hoặc không có khuyến nghị nào cả. Bạn hãy lập kế hoạch trước, hỏi về sự sẵn có và chi phí của vắc xin vì nó không phải miễn phí. Điều này đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ bị viêm gan B.
Nếu bạn không chắc chắn về tình trạng viêm gan B của mình, hãy đảm bảo bác sĩ của bạn xét nghiệm viêm gan B. Hiện nay trên toàn cầu khuyến cáo rằng tất cả phụ nữ mang thai nên xét nghiệm viêm gan B!
Đối với trẻ sơ sinh KHÔNG tiêm vắc xin 5 trong 1, liều đầu tiên của vắc xin viêm gan B phải được tiêm trong vòng 24 giờ sau khi sinh, sau đó là 2 - 3 liều vắc xin viêm gan B còn lại theo lịch.
Đối với trẻ sơ sinh tiêm vắc xin 5 trong 1, liều vắc xin đầu tiên của viêm gan B được tiêm trong vòng 24 giờ sau khi sinh, và liều thứ 2 và thứ 3 phòng viêm gan B sẽ được bao gồm trong liều 1 và liều 2 của vắc xin 5 trong 1.
Đảm bảo rằng trẻ sơ sinh được tiêm phòng viêm gan B ngay khi mới sinh là rất quan trọng để loại bỏ virus viêm gan B. Trung tâm Loại trừ viêm gan toàn cầu đã xuất bản một đánh giá về các chiến lược để cải thiện việc thực hiện tiêm phòng vắc xin viêm gan B trên toàn thế giới, đặc biệt là ở những nơi có nguồn lực hạn chế. Đây có thể là một nguồn tài liệu hữu ích để giúp các tổ chức cải thiện việc hoàn thành tiêm vắc xin viêm gan B.
- WHO không khuyến nghị tiêm HBIG khi sinh ra, do nó có thể không có sẵn ở tất cả các quốc gia. Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn có thắc mắc.
Kiểm tra và điều trị khi mang thai với phụ nữ mắc viêm gan B
Nhiễm virus viêm gan B (HBV) sẽ không gây ra bất kỳ vấn đề nào cho bạn hoặc thai nhi của bạn trong thời kỳ mang thai nếu thực hiện các biện pháp phòng ngừa chính xác. Điều quan trọng là bác sĩ phải biết về tình trạng nhiễm viêm gan B của bạn để có thể tiến hành các xét nghiệm thích hợp, đánh giá và theo dõi sức khỏe của gan. Do đó em bé của bạn có thể được bảo vệ khỏi bị nhiễm viêm gan B khi được sinh ra. CDC Hoa Kỳ và WHO khuyến cáo rằng TẤT CẢ phụ nữ mang thai nên được xét nghiệm viêm gan B. Nếu bạn mang thai, hãy yêu cầu bác sĩ xét nghiệm viêm gan B ngay trong 3 tháng đầu thai kì!
Mũi tiêm ngay sau khi sinh của vắc xin viêm gan B và globulin miễn dịch viêm gan B (HBIG, nếu được khuyến cáo và có sẵn) đôi khi có thể không ngăn ngừa lây truyền cho trẻ sơ sinh. Điều này thường xảy ra ở những phụ nữ có HBeAg dương tính và có tải lượng virus rất cao, cho phép truyền bệnh viêm gan B cho con. May mắn thay, có một cách để ngăn ngừa lây truyền ngay cả khi bạn là sản phụ có tải lượng virus cao.
Tất cả phụ nữ mang thai mắc viêm gan B nên được chăm sóc theo dõi với bác sĩ có chuyên môn trong việc kiểm soát viêm gan B. Bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm, bao gồm đo tải lượng virus HBV (HBV-DNA), và kiểm tra xem có dấu hiệu của bệnh xơ gan hay không.
Nếu mức tải lượng virus HBV > 200.000 IU/mL hoặc 1 triệu cp/ml cho biết khả năng mũi tiêm vắc xin viêm gan B (và HBIG) cho trẻ ngay sau khi sinh sẽ không có tác dụng. Khi đó, điều trị với thuốc kháng virus tenofovir (TDF/viread) được khuyến cáo bắt đầu từ tuần 28 của thai kỳ cho đến khi sinh nhưng có thể tiếp tục 3 tháng sau khi sinh. Hãy trao đổi với bác sĩ về kết quả xét nghiệm của bạn.
Nếu xét nghiệm máu đo tải lượng virus HBV không thể thực hiện được, thì phụ nữ mang thai nên được xét nghiệm HBeAg (cũng là một xét nghiệm máu). Kết quả xét nghiệm HbeAg “dương tính” có thể cho thấy mức độ virus cao. Điều trị kháng virus bằng tenofovir (TDF) trong 3 tháng cuối thai kỳ sẽ được khuyến nghị cho những phụ nữ có kết quả xét nghiệm HBeAg dương tính. Điều trị TDF có thể ngừng hoặc tiếp tục 3 tháng sau khi sinh.
Tất cả trẻ em sinh ra từ phụ nữ mắc bệnh viêm gan B phải được tiêm một liều vắc xin viêm gan B sơ sinh trong vòng 24 giờ sau khi sinh cho dù chúng có được điều trị bằng thuốc kháng virus hay không.
Tất cả phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan B nên được chuyển đến khám và theo dõi bởi một bác sĩ chuyên về viêm gan B. Một số có thể cần tiếp tục điều trị bằng thuốc kháng virus, nhiều người thì không. Sức khỏe của gan có thể thay đổi theo thời gian, do vậy tất cả phụ nữ cần được theo dõi thường xuyên trong suốt cuộc đời kể từ khi nhiễm viêm gan B.
Điều trị sau khi sinh với phụ nữ mắc viêm gan B
Phụ nữ bị viêm gan B cần được theo dõi chặt chẽ trong 6 tháng sau khi sinh cho dù có được kê đơn thuốc kháng virus hay không. Điều này sẽ đảm bảo không có nguy cơ tăng enzym ALT của gan. Đối với hầu hết phụ nữ mà xét nghiệm theo dõi không có dấu hiệu của bệnh đang hoạt động hoặc xơ gan, thì nên được tiếp tục theo dõi thường xuyên với bác sĩ chuyên khoa hoặc bác sĩ có kinh nghiệm quản lý chăm sóc những người bị viêm gan B.
Trong mọi trường hợp, điều rất quan trọng là bác sĩ sản khoa và bác sĩ nhi khoa phải biết về tình trạng viêm gan B của bạn. Điều đó nhằm đảm bảo rằng con bạn sẽ nhận được vắc xin ngay khi sinh ra, giúp ngăn ngừa bệnh viêm gan suốt đời và bạn được chăm sóc, theo dõi thích hợp.
Cho con bú đối với phụ nữ mắc viêm gan B
CDC Hoa Kỳ và WHO khuyến cáo rằng tất cả phụ nữ bị viêm gan B nên được khuyến khích cho con bú sữa mẹ. Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ vượt trội hơn bất kỳ nguy cơ nhiễm trùng tiềm ẩn nào. Vì tất cả trẻ sơ sinh được khuyến cáo nên tiêm phòng viêm gan B khi mới sinh, nên mọi nguy cơ tiềm ẩn sẽ giảm hơn nữa.
Tất cả phụ nữ nên nói chuyện với bác sĩ về việc ngăn ngừa và kiểm soát tình trạng núm vú bị nứt hoặc chảy máu để tránh bất kỳ khả năng em bé tiếp xúc với máu trong thời gian cho bú.
Đối với phụ nữ đang điều trị bằng thuốc kháng virus, có dữ liệu từ các tài liệu về HIV để hỗ trợ sự an toàn của lamivudine và tenofovir trong thời kỳ cho con bú, nhưng vui lòng thảo luận với bác sĩ nếu bạn có lo lắng.
Xem thêm: