Video phát hiện ung thư gan ở giai đoạn muộn
Theo Globocan, tại Việt Nam, ung thư gan là loại ung thư phổ biến nhất với hơn 26.000 trường hợp được chẩn đoán vào năm 2020, chiếm 14,5% tổng số ca ung thư.
Ung thư gan thường gặp ở nam giới hơn nữ giới.
Phân chia giai đoạn ung thư gan
Ung thư gan giai đoạn 4 được xác định khi ung thư đã lan ra bên ngoài gan tới các cơ quan khác và/hoặc hạch bạch huyết. Theo Hiệp hội phòng chống ung thư Hoa Kỳ (The American Joint Committee on Cancer – AJCC), các giai đoạn ung thư gan có thể được chia nhỏ hơn bằng chữ cái và số.
Xác định giai đoạn ung thư gan khá phức tạp nhưng nó có thể giúp đánh giá mức độ di căn của ung thư đến các cơ quan khác và các phương pháp điều trị phù hợp. Phân chia giai đoạn của ung thư gan dựa trên kích thước khối u (Tumor – T), sự xâm lấn đến các hạch bạch huyết (Nodes – N) và sự di căn đến cơ quan khác (Metastasis – M).
Các yếu tố để xác định giai đoạn ung thư gan bao gồm:
- T = Tumor: kích thước, số lượng khối u và tình trạng xâm lấn đến các cấu trúc lân cận.
- N = Nodes: tình trạng di căn tới các hạch bạch huyết xung quanh gan.
- M = Metastasis: tình trạng lan rộng của khối u ra ngoài gan, tới các hạch bạch huyết ở xa và các cơ quan khác (ví dụ như phổi).
Các yếu tố T, N, M sẽ được đánh số tương ứng với tình trạng của người bệnh. Đối với T, con số sẽ phản ánh số lượng và kích thước khối u. Đối với N và M, số “0” cho thấy khối u chưa xâm lấn hoặc di căn ra ngoài gan. Trong khi đo, N1 trở lên có nghĩa là ung thư đã lan tới một hoặc nhiều hạch bạch huyết và M1 có nghĩa là ung thư đã di căn tới cơ quan khác.
Một số hệ thống phân chia giai đoạn khác cũng được áp dụng để xác định giai đoạn ung thư gan. Ngoài ra, một số trường hợp không thể xác định chính xác giai đoạn bệnh do không thể xác định số lượng khối u sẽ được đánh giá là “Tx”.
Các triệu chứng của ung thư gan giai đoạn 4
Trong giai đoạn đầu, ung thư gan thường không có triệu chứng. Ngoài ra, các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư gan thường không phản ánh chính xác giai đoạn bệnh. Mỗi người bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau.
Một số dấu hiệu và triệu chứng của ung thư gan là:
- Đau bụng
- Chướng bụng
- Chán ăn
- Đầy bụng, nhanh no
- Dịch cổ trướng
- Ngứa da
- Vàng da và vàng mắt (hội chứng hoàng đản)
- Gan to
- Buồn nôn và/hoặc nôn
- Đau xương bả vai phải
- Lách to
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
Trong một số trường hợp, tế bào ung thư có thể sản xuất hormone, gây ra các dấu hiệu và triệu chứng bên ngoài gan, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể, ví dụ như:
- Bệnh vú to ở nam giới (Gynecomastia) hoặc tinh hoàn teo (Testicular atrophy)
- Đa hồng cầu nguyên phát (Erythrocytosis)
- Tăng nồng độ cholesterol máu
- Tăng nồng độ canxi máu, có thể gây ra cảm giác lú lẫn, buồn nôn, mệt mỏi hoặc gây táo bón và tổn thương cơ
- Hạ đường máu, có thể gây mệt mỏi hoặc ngất xỉu
Yếu tố nguy cơ của bệnh ung thư gan
Một số yếu tố nguy cơ có thể góp phần hình thành ung thư gan, bao gồm tình trạng bệnh lý, thói quen sinh hoạt hoặc các yếu tố khác.
Theo ước tính, có khoảng 40% trường hợp ung thư gan có liên quan đến viêm gan B, 40% liên quan đến viêm gan C, 11% do uống rượu và 10% do các nguyên nhân khác.
Xơ gan
Xơ gan là tình trạng các tế bào gan bị tổn thương liên tục trong một thời gian dài và bị thay thế bởi các mô xơ. Nguyên nhân phổ biến nhất gây xơ gan là do uống nhiều rượu nhưng cũng có những nguyên nhân khác dẫn tới tình trạng xơ gan.
Mắc bệnh viêm gan B hoặc viêm gan C, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, bệnh gan di truyền, viêm gan tự miễn, suy tim mạn tính, sử dụng một số loại thuốc trong thời gian dài và các bệnh lý ở gan khác như viêm đường mật nguyên phát (primary biliary cholangitis – PBC) và viêm xơ đường mật nguyên phát (primary sclerosing cholangitis – PSC) cũng là những nguyên nhân có thể gây xơ gan.
Tình trạng xơ gan thường tiến triển trong thời gian dài và nó sẽ nặng lên theo thời gian. Điều quan trọng cần nhớ là mặc dù xơ gan là một yếu tố nguy cơ của ung thư gan nhưng không phải ai bị xơ gan cũng sẽ bị ung thư.
Nhiễm virus viêm gan B
Nhiễm virus viêm gan B mạn tính là một yếu tố nguy cơ của ung thư gan. Những người bị viêm gan B có nguy cơ mắc ung thư gan cao gấp 12 lần. Nhiễm virus viêm gan B có thể dẫn đến ung thư gan kể cả khi người bệnh không bị xơ gan.
Nhiễm virus viêm gan C
Nhiễm virus viêm gan C mạn tính cũng có thể dẫn đến ung thư gan dù người bệnh không bị xơ gan. Nguy cơ ung thư gan có thể cao gấp 9 lần ở những người bị nhiễm virus viêm gan C.
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (Nonalcoholic fatty liver disease – NAFLD) thường gặp ở những người có chỉ số khối cơ thể (Body mass index – BMI) trên 30, mắc bệnh đái tháo đường típ 2, tăng mỡ máu hoặc mắc hội chứng chuyển hóa. NAFLD có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư gan ở 25% người trưởng thành tại Hoa Kỳ.
Các bệnh lý di truyền
Một số bệnh lý di truyền làm tổn thương đường mật và gan cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan, ví dụ như bệnh Wilson, thiếu alpha-1 antitrypsin, bệnh rối loạn sắc tố di truyền (Hemochromatosis), rối loạn dự trữ glycogen, viêm đường mật nguyên phát, rối loạn chuyển hóa porphyrin và rối loạn chuyển hóa tyrosine.
Aflatoxin
Aflatoxin là độc tố do vi nấm sản xuất có thể gây ung thư. Chúng được tạo ra bởi các loại nấm phát triển trên một số loại cây trồng như ngô, lạc, hạt bông và các loại hạt cây.
Việc tiếp xúc với aflatoxin phổ biến ở các nước đang phát triển, nơi những loại cây trồng này là thực phẩm chủ yếu và những nơi có khả năng bảo quản thực phẩm kém. Aflatoxin là nguyên nhân gây ung thư gan ở một số nước đang phát triển trên thế giới.
Tổn thương gan do sử dụng steroid đồng hóa
Một số vận động viên nghiệp dư và chuyên nghiệp sử dụng steroid đồng hóa để phát triển cơ bắp và tăng thành tích thi đấu dù các chất này bị cấm sử dụng trong nhiều môn thể thao và chỉ được bán theo đơn.
Steroid đồng hóa có thể gây tổn thương gan. Các chất này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh sarcoma mạch ở gan (một loại ung thư gan hiếm gặp).
Các vận động viên, huấn luyện viên và bác sĩ cần nhận thức được nguy cơ gây tổn thương gan không thể phục hồi của steroid đồng hóa.
Chẩn đoán ung thư gan
Chẩn đoán ung thư gan dựa vào kết quả khám lâm sàng và nhiều xét nghiệm khác nhau. Đôi khi, bác sĩ có thể nghi ngờ ung thư gan khi siêu âm có hình ảnh bất thường.
Nếu nghi ngờ, bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số xét nghiệm khác như chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) có thuốc cản quang để chẩn đoán xác định ung thư gan và đánh giá giai đoạn bệnh.
CT scan sử dụng tia X để tạo ra các hình ảnh cắt ngang ổ bụng. MRI sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh của các cấu trúc trong ổ bụng.
Các xét nghiệm máu hỗ trợ chẩn đoán ung thư gan bao gồm các xét nghiệm đánh giá chức năng gan và định lượng alpha-fetoprotein (AFP), một chất chỉ điểm ung thư của bệnh ung thư gan. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể được sinh thiết gan để chẩn đoán xác định.
Điều trị ung thư gan giai đoạn 4
Việc điều trị ung thư gan sẽ phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn bệnh và sức khỏe của người bệnh. Người bệnh có thể được chia thành 3 nhóm đối tượng:
- Có khả năng phẫu thuật cắt gan hoặc ghép gan
- Không có chỉ định phẫu thuật nhưng ung thư chưa lan ra ngoài gan
- Ung thư giai đoạn cuối
Điều trị thuốc
Giai đoạn 4 của ung thư gan là giai đoạn tiến triển. Vì vậy, chỉ một số phương pháp điều trị nhất định mới có thể được chỉ định cho người bệnh ung thư gan giai đoạn 4. Phẫu thuật cắt gan và ghép gan không phải là phương pháp điều trị cho giai đoạn này.
Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh sẽ được điều trị bằng nhiều loại thuốc kết hợp với các phương pháp điều trị để cải thiện các triệu chứng và/hoặc giảm đau.
Một trong các phương pháp điều trị ung thư gan giai đoạn 4 là liệu pháp miễn dịch. Phương pháp này sử dụng các loại thuốc kích hoạt hệ thống miễn dịch của người bệnh. Một số thuốc điều trị đầu tay cho người bệnh ung thư gan giai đoạn 4 là Tecentriq (atezolizumab) và Avastin (bevacizumab).
Tecentriq là loại thuốc có thể tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể để tiêu diệt ung thư. Nó có thể được sử dụng cùng với Avastin (một kháng thể đơn dòng). Những loại thuốc này được sử dụng qua đường tĩnh mạch theo chu kỳ 2 – 4 tuần.
Nếu các loại thuốc trên không có hiệu quả hoặc người bệnh không thể sử dụng chúng, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc khác như:
- Nexavar (sorafenib) và Lenvima (lenvatinib) có tác dụng ức chế kinase, là thuốc nhắm trúng đích đầu tay để điều trị ung thư gan. Stivarga (regorafenib) và Cabometyx (cabozantinib) là hai loại thuốc nhắm trúng đích khác với cơ chế ức chế kinase, có thể được sử dụng thay thể để điều trị ung thư gan. Tất cả các loại thuốc này đều được dùng bằng đường uống.
- Cyramza (ramucirumab) là một kháng thể đơn dòng. Nó là một trong các liệu pháp nhắm trúng đích, được sử dụng bằng đường tĩnh mạch mỗi 2 tuần/lần.
- Keytruda (pembrolizumab) và Opdivo (nivolumab) là hai loại thuốc khác thuộc nhóm liệu pháp miễn dịch, sử dụng bằng đường tĩnh mạch trong 2 – 6 tuần.
- Yervoy (ipilimumab) là một liệu pháp miễn dịch kết hợp với Opdivo, nó chỉ được sử dụng khi các loại thuốc điều trị ung thư khác không có hiệu quả. Thuốc được sử dụng qua đường tĩnh mạch mỗi 3 – 4 tuần.
Một số loại thuốc khác có thể được chỉ định thay thế nếu người bệnh không đáp ứng với các liệu pháp trên.
Xạ trị
Xạ trị là một phương pháp điều trị tiềm năng khác cho người bệnh ung thư gan giai đoạn 4. Có 2 phương pháp xạ trị là xạ trị ngoài (External beam radiation therapy – EBRT) và xạ trị lập thể định vị thân (Stereotactic body radiation therapy – SBRT).
EBRT sử dụng tia X để điều trị ung thư, mỗi quy trình thường kéo dài trong vài phút và người bệnh cần được xạ trị lặp lại hàng ngày trong nhiều tuần. SBRT là một kỹ thuật xạ trị đã được phát triển gần đây và có thể giúp bảo tồn mô gan khỏe mạnh.
Các thử nghiệm lâm sàng
Thử nghiệm lâm sàng sử dụng các loại thuốc, kỹ thuật xạ trị hoặc các phương pháp mới đã được phê duyệt để thử nghiệm trên người bệnh. Đây cũng có thể là một lựa chọn cho người bệnh ung thư gan giai đoạn 4. Bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh về các thử nghiệm lâm sàng hiện có và đánh giá xem người bệnh có đủ tiêu chuẩn để tham gia thử nghiệm lâm sàng hay không.
Tiên lượng của ung thư gan giai đoạn 4
Tỷ lệ sống 5 năm thường được lấy làm tiêu chuẩn để tiên lượng bệnh ung thư. Tỷ lệ này được tính bằng số bệnh nhân sống sót/số bệnh nhân được chẩn đoán trong 5 năm. Tỷ lệ sống 5 năm của mỗi giai đoạn bệnh ung thư sẽ khác nhau.
Đối với ung thư gan giai đoạn 4, tỷ lệ sống 5 năm là 3%. Tỷ lệ này ở nam giới là 2,2% và nữ giới là 4,0%.
Những số liệu thống kê có thể giúp bác sĩ tiên lượng bệnh nhưng nó không phản ánh chính xác diễn biến của người bệnh.
Xem thêm: