Video: Ảnh hưởng của u xơ tử cung với việc mang thai
Trong hầu hết các trường hợp, phụ nữ bị u xơ tử cung không nhận ra mình bị mắc bệnh, vì các khối u quá nhỏ để có thể gây ra các triệu chứng đáng chú ý. Tuy nhiên, các khối u xơ lớn hơn có thể gây ra những biến chứng ảnh hưởng đến quá trình thụ thai và phát triển của thai nhi hoặc gây ra các biến chứng trong lúc sinh con.
Các dấu hiệu và triệu chứng
Phụ nữ thường không chú ý đến khối u xơ vì không phải mọi khối u xơ đều gây ra các dấu hiệu hoặc triệu chứng.
Trong trường hợp có triệu chứng thì chúng thường là chảy máu bất thường dưới dạng ra máu kinh nhiều hoặc kéo dài.
Các triệu chứng điển hình của việc mắc u xơ tử cung khi mang thai bao gồm:
- Cơn đau quặn bụng nghiêm trọng, tương tự như đau bụng kinh
- Đau lan rộng và căng tức ở dạ dày
- Triệu chứng tiêu hóa, ví dụ như táo bón
- Đi tiểu thường xuyên, nếu khối u xơ gây áp lực lên bàng quang
Ngoài ra mẹ bầu cũng có thể gặp một số triệu chứng khác như khó khăn khi đi tiểu hoặc đau lưng, tuy nhiên những triệu chứng này tương đối hiếm gặp.
Ảnh hưởng của u xơ tử cung đến thai kỳ
U xơ tử cung thường không quá ảnh hưởng đến quá trình mang thai.
Tuy vậy, chúng vẫn có thể gây ra các biến chứng sau:
- Sẩy thai
- Sinh non
- Vỡ ối sớm
- Xuất huyết sớm trước khi sinh
- Ngôi thai bất thường
- Sinh con khó
- Xuất huyết sau khi sinh
- Hoại tử
Các khối u xơ đôi khi có thể gây vô sinh. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu xem điều này xảy ra như thế nào, nhưng họ cho rằng kích thước và vị trí của các khối u xơ quyết định mức độ ảnh hưởng của chúng đối với cơ thể.
U xơ có thể gây ảnh hưởng đến việc thụ thai bằng cách làm tắc nghẽn ống dẫn trứng – con đường trứng đi qua trước khi được tinh trùng thụ tinh.
Trứng đã được thụ tinh sẽ không thể bám vào thành tử cung vì khối u xơ cản trở.
Phương pháp điều trị
Bác sĩ có thể gợi ý các phương pháp phẫu thuật khác nhau để điều trị u xơ trong khi mang thai.
Trong trường hợp mẹ bầu có khối u xơ đặc biệt lớn và có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, phẫu thuật viên sẽ thực hiện phẫu thuật cắt bỏ khối u trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, điều này hiếm khi xảy ra, vì phẫu thuật có thể dẫn đến các biến chứng khác.
Phẫu thuật loại bỏ u xơ trong quá trình sinh mổ ngày càng trở nên phổ biến, nhưng nó vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khác. Vì thế, kiểu phẫu thuật này chỉ xảy ra nếu thực sự cần thiết.
Nếu có thể, lựa chọn an toàn nhất cho mẹ bầu là đợi đến lúc sau khi sinh nở rồi hẵng cắt bỏ các khối u xơ.
Cắt bỏ tử cung hiện là phương pháp phẫu thuật chính mà các bác sĩ phẫu thuật thực hiện để điều trị u xơ tử cung, vì đây là phương pháp điều trị duy nhất có hiệu quả dứt điểm. Tuy nhiên, phẫu thuật cắt bỏ tử cung sẽ khiến phụ nữ không thể mang thai được nữa.
Dự phòng u xơ tử cung
Nếu phụ nữ mắc u xơ tử cung trước khi thụ thai, họ có thể điều trị chúng trước khi mang thai. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị chỉ là tạm thời và có thể không hiệu quả.
Các phương pháp mà phụ nữ có thể sẽ thực hiện:
- Liệu pháp hormone
- Phẫu thuật loại bỏ khối u xơ
- Điều trị bằng sóng siêu âm hội tụ cường độ cao
- Nút động mạch u xơ tử cung, là một thủ thuật làm hạn chế cung cấp máu cho khối u xơ tử cung
Các phương pháp điều trị bằng hormone bao gồm cả các biện pháp tránh thai, chẳng hạn như thuốc và cấy que tránh thai, và tiêm hormone giải phóng gonadotropin (GnRH).
Có nhiều biện pháp tránh thai bằng hormone khác nhau, nhưng các chuyên gia sức khỏe khuyên nên đặt vòng tránh thai cho u xơ tử cung, vì nó có ít tác dụng phụ nhất. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu cách thức hoạt động của các biện pháp tránh thai bằng hormone với u xơ tử cung vì hiện tại vẫn chưa có đủ kiến thức về vấn đề này.
Thuốc tương tự GnRH ( leuprolide ) là một biện pháp điều trị tạm thời có hiệu quả, nó có thể thu nhỏ các khối u xơ bằng cách làm giảm kích thước tử cung. Tuy nhiên, phụ nữ không thể thực hiện biện pháp điều trị này hơn 6 tháng.
Phụ nữ có thể làm giảm nguy cơ phát triển u xơ tử cung bằng cách duy trì một chế độ ăn lành mạnh và giảm thiểu tối đa thời gian sống trong môi trường ô nhiễm. Các sản phẩm: chế biến sẵn, chứa đường hóa học và chứa chất bảo quản thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ phát triển u xơ tử cung.
Khi nào thì nên đi khám bác sĩ
Trong hầu hết các trường hợp, u xơ tử cung thường không có nguy hại.
Phụ nữ nên đi khám bác sĩ khi họ đang cố gắng để thụ thai và lo ngại rằng mình có thể bị u xơ tử cung.
Nếu phụ nữ có thai mà bị u xơ tử cung thì nên thông báo cho bác sĩ về tình trạng này của họ. Để bác sĩ có thể theo dõi các ảnh hưởng của khối u xơ đến quá trình phát triển của thai nhi và điều trị các triệu chứng khó chịu cho mẹ bầu.
Kể cả khi không mang thai, phụ nữ cần phải đi khám bác sĩ nếu có hiện tượng ra máu nhiều bất thường, vì nó có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt hoặc các biến chứng khác.
Tổng kết
U xơ tử cung là bệnh phổ biến ở phụ nữ, các chuyên gia ước tính rằng có đến 40–80% phụ nữ chịu ảnh hưởng của căn bệnh này. Trong hầu hết thời gian, các khối u không có ảnh hưởng gì và không cần điều trị, nhưng đôi khi chúng có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản.
Nguy cơ tiềm ẩn ở phụ nữ mang thai bị u xơ tử cung là rất khác nhau. Nếu u xơ tử cung gây nguy hiểm đến thai kỳ, thai phụ có thể sẽ phải làm phẫu thuật.
Phương pháp điều trị dứt điểm duy nhất của bệnh u xơ tử cung là cắt bỏ tử cung. Vì vậy, nếu phụ nữ bị u xơ tử cung khi mang thai, nếu có thể, hãy đợi sau khi sinh rồi hẵng đi điều trị các khối u xơ.
Xem thêm:
- U xơ tử cung: Nguyên nhân, phân loại, chẩn đoán và điều trị
- Phẫu thuật u xơ tử cung: Các loại, lợi ích, rủi ro, phục hồi và các phương pháp điều trị khác
- Điều trị u xơ tử cung: Các liệu pháp tự nhiên có thể áp dụng tại nhà
- Chế độ ăn cho bệnh nhân u xơ tử cung: Thực phẩm có giúp thu nhỏ hoặc loại bỏ khối u?
- Nút mạch u xơ tử cung: Phương pháp loại bỏ khối u không qua phẫu thuật