Video Sỏi mật là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa sỏi túi mật
Túi mật là một cơ quan hình quả lê nằm phía bên phải của bụng, ngay dưới gan. Ống mật chủ là ống nhỏ dẫn mật từ túi mật tới tá tràng.
Phần lớn những viên sỏi nằm trong túi mật hoặc thoát ra ngoài qua ống mật chủ mà không bị cản trở.
Tuy nhiên, khoảng 15% số sỏi nằm trong đường dẫn mật và gây nên tình trạng tắc nghẽn.
Triệu chứng của sỏi mật
Sỏi mật có thể tồn tại mà không gây ra bất kì triệu chứng gì trong một thời gian dài. Tuy nhiên, khi chúng làm cản trở sự di chuyển của dịch mật, bạn có thể gặp phải các triệu chứng sau đây:
- Đau bụng ở vùng hạ sườn phải và thượng vị
- Sốt
- Vàng da, vàng mắt
- Ăn mất ngon
- Buồn nôn và nôn
- Phân bạc màu
Đau do sỏi mật có thể âm ỉ, kéo dài hoặc theo từng cơn dữ dội. Khi đó, bạn cần được đưa đi cấp cứu ngay. Các triệu chứng sỏi mật cần được chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý tim mạch.
Tình trạng tắc mật kéo dài có thể dẫn đến nhiễm khuẩn thứ phát. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như xơ gan, viêm tuỵ và nhiễm khuẩn huyết.
Nguyên nhân gây ra bệnh sỏi mật
Có hai loại sỏi mật: Sỏi cholesterol và sỏi sắc tố mật.
Sỏi cholesterol thường có màu vàng và là loại sỏi mật phổ biến nhất. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do dịch mật chứa:
- Quá nhiều cholesterol
- Quá nhiều bilirubin
- Không đủ muối mật
Giảm vận động túi mật cũng có thể là tác nhân gây bệnh.
Nguyên nhân hình thành sỏi sắc tố mật vẫn chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, chúng thường gặp hơn ở người mắc một số tình trạng sau:
- Xơ gan
- Nhiễm khuẩn đường mật
- Bệnh lý di truyền trong đó gan tạo ra quá nhiều bilirubin
Các yếu tố nguy cơ hình thành sỏi mật
Các yếu tố nguy cơ hình thành sỏi mật gồm:
- Có tiền sử sỏi mật hoặc bệnh túi mật
- Đã cắt bỏ túi mật
- Béo phì
- Chế độ ăn ít chất xơ, nhiều calo và chất béo
- Đang mang thai
- Nhịn ăn kéo dài
- Sút cân nhanh
- Ít hoạt động thể chất
Chúng có thể được cải thiện nhờ thực hiện một lối sống lành mạnh.
Trong khi đó, một số yếu tố không thể thay đổi gồm:
- Tuổi tác: người lớn tuổi có nguy cơ mắc sỏi mật cao hơn
- Giới tính: phụ nữ dễ bị sỏi mật hơn
- Dân tộc: người châu Á, người Mỹ da đỏ và người Mỹ gốc Mexico cũng dễ bị mắc bệnh
- Tiền sử gia đình có người đã từng bị sỏi mật.
Chẩn đoán sỏi mật
Các bác sĩ có thể thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng sau để chẩn đoán bệnh lý sỏi mật:
- Siêu âm ổ bụng: các bác sĩ sử dụng sóng âm tần số cao để kiểm tra các bất thường trong gan, túi mật, lách, thận và tuyến tụy
- Chụp CT ổ bụng
- Siêu âm nội soi: các bác sĩ sử dụng một đầu dò siêu âm đưa vào ống nội soi mềm để kiểm tra niêm mạc đường tiêu hóa
- Nội soi chụp mật tuỵ ngược dòng: nó giúp xác định sự hiện diện của sỏi, khối u hay sự chít hẹp đường mật
- Chụp cộng hưởng từ túi mật, đường mật và ống tụy
- Chụp đường mật qua da xuyên gan: một phương pháp chụp x-quang đường mật
- Công thức máu cơ bản
- Bilirubin máu
- Xét nghiệm men tuỵ
- Xét nghiệm chức năng gan
Điều trị sỏi mật
Mục tiêu điều trị sỏi mật là cải thiện tình trạng tắc nghẽn của dịch mật. Các phương pháp điều trị này bao gồm:
- Lấy bỏ sỏi
- Tán sỏi
- Phẫu thuật cắt bỏ túi mật
- Phẫu thuật cắt đoạn ống mật chủ
- Đặt stent đường mật
85% số ca sỏi ống mật được điều trị bằng phẫu thuật cắt cơ vòng nội soi (BES- biliary endoscopic sphincterotomy). Trong kỹ thuật này, các bác sĩ sẽ đưa một dụng cụ dạng rổ vào đường mật để lấy sỏi. Trong một số trường hợp khác, sỏi cần được tán nhỏ trước khi lấy ra.
Nếu các cách trên không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ túi mật.
Nếu không thể loại bỏ hoàn toàn sỏi hoặc bệnh nhân không đồng ý cắt bỏ túi mật, bác sĩ có thể đặt stent để cải thiện tình trạng tắc nghẽn và cũng như ngăn ngừa viêm nhiễm trong tương lai.
Phòng bệnh sỏi mật
Người có tiền sử sỏi mật cần thực hiện một lối sống lành mạnh như tập luyện thể chất và thay đổi chế độ ăn uống (tăng chất xơ và giảm chất béo bão hòa) để giảm thiểu nguy cơ tái phát bệnh.
Tiên lượng
Theo một nghiên cứu năm 2008, 4-24% bệnh nhân tái phát sỏi mật trong 15 năm sau khi được chẩn đoán bệnh.
Xem thêm: