Tổng quan về tỏi
Tỏi (Allium sativum) là một loại thảo mộc có họ hàng với tỏi tây, hành tây và hành lá. Tỏi thường được sử dụng để hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến tim mạch hoặc huyết áp.
Tỏi chứa hoạt chất là allicin, tạo ra mùi tỏi. Tác dụng cơ bản của tỏi chủ yếu đến từ allicin. Một số sản phẩm được bào chế dạng không mùi bằng cách làm già tỏi, nhưng quá trình này cũng có thể thay đổi tác dụng của tỏi.
Tỏi thường được sử dụng cho các trường hợp mắc các bệnh lý như cao huyết áp, mỡ máu, hàm lượng cholesterol trong máu cao hay xơ cứng động mạch. Nó cũng được sử dụng để ngăn ngừa cảm lạnh, cúm thông thường hoặc bệnh lý viêm xương khớp, và nhiều tình trạng khác, tuy nhiên cần có thêm bằng chứng khoa học khẳng định những công dụng này. Cũng không có bằng chứng xác đáng nào ủng hộ việc sử dụng tỏi để điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19.
Công dụng & hiệu quả của tỏi với sức khỏe
Video: Công dụng của tỏi.
Sử dụng tỏi hiệu quả cho các trường hợp:
- Xơ vữa động mạch. Uống bột tỏi, đơn lẻ hoặc kết hợp với các thành phần khác, giúp làm chậm quá trình xơ cứng động mạch.
- Bệnh đái tháo đường. Uống bột tỏi làm giảm một lượng nhỏ đường huyết trước ăn ở cả những người có hoặc chưa từng có tiền sử mắc bệnh tiểu đường. Hiệu quả đạt được tốt nhất nếu sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào xác định được liệu tỏi có làm giảm đường huyết sau ăn hoặc chỉ số HbA1c hay không.
- Cholesterol trong máu cao hoặc mỡ máu (tăng lipid máu). Uống tỏi hàng ngày trong ít nhất 8 tuần có thể làm giảm lượng cholesterol toàn phần và lipoprotein tỉ trọng thấp (LDL, cholesterol "xấu") ở những người có nồng độ cholesterol trong máu cao. Tuy nhiên sử dụng tỏi không giúp làm tăng lipoprotein tỉ trọng cao (HDL, cholesterol "tốt") hoặc giảm nồng độ các chất béo trong máu khác (chất béo trung tính).
- Huyết áp cao. Uống tỏi giúp làm giảm huyết áp tâm thu (ngưỡng trên) khoảng 7-9 mmHg và huyết áp tâm trương (ngưỡng dưới) khoảng 4-6 mmHg ở những người có tiền sử cao huyết áp.
- Tích tụ mỡ trong gan ở những người uống ít hoặc không uống rượu (bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu - NAFLD). Uống bột tỏi giúp cải thiện chức năng gan ở những người bị NAFLD. Những người ăn nhiều tỏi cũng ít bị chẩn đoán mắc bệnh NAFLD hơn.
- Nhiễm trùng nướu (viêm nha chu). Uống chiết xuất tỏi già hai lần mỗi ngày trong 18 tháng có thể giúp cải thiện các vấn đề nướu răng ở những người bị viêm nha chu nhẹ hoặc trung bình.
Sử dụng tỏi không hiệu quả đối với các trường hợp
- Ung thư dạ dày. Những người ăn nhiều tỏi hoặc dùng các loại thực phẩm chức năng chứa tỏi không có nguy cơ thấp hơn mắc ung thư dạ dày.
- Nhiễm trùng đường tiêu hóa, viêm loét đường tiêu hóa (Helicobacter pylori hoặc H. pylori). Uống tỏi không giúp điều trị các trường hợp nhiễm H. pylori.
Tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng tỏi?
Khi dùng bằng đường uống: Tỏi khá an toàn khi sử dụng bằng đường uống đối với hầu hết mọi người, kể cả khi dùng liên tục trong 7 năm. Tuy nhiên cũng có một số tác dụng không mong muốn như hôi miệng, ợ chua, đầy hơi và tiêu chảy. Những tác dụng phụ này thường gặp phải hơn khi sử dụng tỏi sống. Tỏi cũng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu và gây ra các phản ứng dị ứng ở một số người.
Khi sử dụng ngoài da hoặc niêm mạc: Sản phẩm bào chế từ tỏi khá an toàn khi sử dụng. Các sản phẩm như gel, thuốc mỡ và nước súc miệng có chứa tỏi có thể được sử dụng liên tục trong tối đa 3 tháng. Tuy nhiên chúng cũng có thể gây ra các tổn thương da không mong muốn của tỏi tương tự như bỏng. Tỏi sống không an toàn khi bôi lên da, chúng thể gây kích ứng da nghiêm trọng.
Thận trọng/cảnh báo khi dùng tỏi
Phụ nữ đang mang thai và cho con bú: Tỏi an toàn khi sử dụng bằng đường uống với lượng bình thường trong thực phẩm. Tuy nhiên chúng cũng có thể không an toàn khi được sử dụng làm thuốc trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Chưa có nghiên cứu nào chứng minh sự an toàn khi sử dụng tỏi hoặc chiết xuất từ tỏi làm thuốc bôi ngoài da cho phụ nữ mang thai và cho con bú.
Trẻ em: Trẻ em có thể sử dụng tỏi với liều lên đến 300 mg, ba lần mỗi ngày trong vòng 8 tuần. Với liều lớn hơn hoặc thời gian dài hơn, chưa có nghiên cứu nào chứng minh sự an toàn của việc này. Không nên thoa tỏi sống trực tiếp lên da trẻ em vì có thể làm bỏng da.
Rối loạn đông máu: Tỏi, đặc biệt là tỏi tươi, có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
Sau phẫu thuật: Tỏi có thể gây kéo dài thời gian chảy máu và cản trở trong việc kiểm soát huyết áp. Tỏi cũng có thể làm giảm lượng đường huyết. Nên ngừng dùng tỏi ít nhất hai tuần trước khi có lịch phẫu thuật
Tỏi có thể tương tác với thuốc nào
Tương tác thuốc nghiêm trọng
Không được sử dụng tỏi với các loại thuốc sau:
- Thuốc điều trị HIV/AIDS (Thuốc ức chế men sao chép ngược không nucleoside (NNRTI))
Sử dụng tỏi cùng với các thuốc điều trị HIV/AIDS như nevirapine (Nerapin), delavirdine và efavirenz có thể khiến chúng nhanh chóng bị đào thải khỏi cơ thể, dẫn đến làm giảm hiệu quả điều trị của các loại thuốc này.
- Isoniazid (Nydrazid, INH)
Tỏi có thể làm giảm lượng isoniazid (Nydrazid, INH) mà cơ thể hấp thụ, điều này có thể làm giảm hiệu quả hoạt động của thuốc. Không nên dùng tỏi nếu bạn dùng isoniazid (Nydrazid, INH).
- Saquinavir (Fortovase, Invirase)
Tỏi có thể làm tăng tốc độ cơ thể phân hủy saquinavir. Vì vậy, không nên dùng tỏi cùng với saquinavir.
Tương tác thuốc ít nghiêm trọng
Thận trọng khi sử dụng tỏi với các loại thuốc sau
- Thuốc tránh thai
Thành phần của một số loại thuốc tránh thai có chứa estrogen. Khi dùng kết hợp với tỏi có thể làm tăng sự phân hủy estrogen, dẫn đến làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai. Nếu bạn dùng thuốc tránh thai cùng với tỏi, hãy sử dụng thêm một hình thức tránh thai khác như bao cao su. Các loại thuốc tránh thai có thể xảy ra tương tác bao gồm: ethinyl estradiol và levonorgestrel (Triphasil), ethinyl estradiol và norethindrone và những loại khác.
- Cyclosporine (Neoral, Sandimmune)
Tỏi có thể tăng tốc quá trình đào thải cyclosporine. Vì vậy dùng tỏi có thể làm giảm hiệu quả của thuốc. Không nên dùng tỏi nếu bạn đang dùng cyclosporine (Neoral, Sandimmune).
- Các loại thuốc chuyển hóa bởi gan.
Một số loại thuốc được chuyển hóa và đào thải tại gan. Sử dụng tỏi kèm với các loại thuốc này làm tăng nhanh tác dụng đào thải thuốc bởi gan và có thể làm giảm hiệu quả của thuốc, Mặt khác tỏi và dầu tỏi còn làm tăng tác dụng không mong muốn của thuốc. Vì vậy nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu sử dụng các loại thuốc này cùng với tỏi.
- Thuốc làm chậm quá trình đông máu (thuốc chống đông/thuốc chống kết tập tiểu cầu)
Tỏi có tác dụng làm chậm quá trình đông máu. Vì vậy khi dùng tỏi cùng với các loại thuốc chống đông có thể làm tăng nguy cơ bị bầm tím và chảy máu. Một số loại thuốc làm chậm đông máu tương tác với tỏi bao gồm aspirin, clopidogrel , diclofenac, ibuprofen, , dalteparin, enoxaparin, heparin, warfarin và những loại khác.
Liều dùng tỏi cho người lớn
Người lớn thường sử dụng tỏi với liều lượng 2400 mg đường uống mỗi ngày trong 12 tháng. Các sản phẩm chiết xuất từ tỏi thường được tiêu chuẩn hóa bởi lượng allicin mà chúng chứa, thường dao động từ 1,1% đến 1,3%. Nên chọn các thực phẩm chức năng chứa chiết xuất tỏi dạng viên nén có lớp phủ để chúng được hòa tan trong ruột chứ không phải trong dạ dày. Ngoài ra, tỏi cũng được sử dụng với các dạng kem, gel bôi hay nước súc miệng. Nhờ sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn để sử dụng các sản phẩm từ tỏi an toàn và phù hợp nhất.
Xem thêm: