Thoái hóa khớp là gì?
Video: Thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân và cách điều trị
Thoái hóa khớp là tình trạng lớp sụn - lớp đệm tự nhiên giữa các khớp bị mài mòn. Khi điều này xảy ra, bề mặt các đầu xương sẽ cọ xát mạnh hơn với nhau và tác dụng hấp thụ sốc của sụn bị giảm xuống. Sự cọ xát dẫn đến đau, sưng, cứng khớp, giảm khả năng cử động và đôi khi hình thành các gai xương.
Ai có thể bị thoái hóa khớp gối?
Thoái hóa khớp là loại viêm khớp phổ biến nhất. Mặc dù nó có thể xảy ra ngay cả ở những người trẻ tuổi, nhưng nguy cơ bị thoái hóa khớp sẽ tăng lên sau tuổi 45. Theo Tổ chức Viêm khớp, hiện có hơn 27 triệu người ở Hoa Kỳ bị thoái hóa khớp, và đầu gối là một trong những khu vực thường bị ảnh hưởng nhất. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tỷ lệ người bị thoái hóa khớp gối (ở người trên 40 tuổi) chiếm trên 23%. Phụ nữ dễ bị thoái hóa khớp hơn nam giới.
Nguyên nhân nào gây ra thoái hóa khớp gối?
Nguyên nhân phổ biến nhất của thoái hóa khớp gối là do tuổi tác. Hầu như tất cả mọi người đều sẽ bị thoái hóa khớp ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, một số yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ bị thoái hóa khớp đáng kể ở độ tuổi trẻ hơn.
- Tuổi. Khả năng chữa lành của sụn sẽ giảm dần khi chúng ta già đi.
- Cân nặng. Trọng lượng làm tăng áp lực lên tất cả các khớp, đặc biệt là đầu gối. Nếu bạn tăng thêm 1kg trọng lượng cơ thể thì áp lực lên khớp gối và hông có thể tăng lên tới 8kg.
- Di truyền. Một số đột biến di truyền có thể làm tăng khả năng bị thoái hóa khớp gối. Tình trạng này cũng có thể là do sự di truyền bất thường hình dạng của các xương bao quanh khớp gối.
- Giới tính. Phụ nữ từ 55 tuổi trở lên có nhiều khả năng bị thoái hóa khớp gối hơn nam giới.
- Chấn thương lặp đi lặp lại. Những người làm một số công việc đòi hỏi nhiều hoạt động gây áp lực lớn lên khớp, chẳng hạn như quỳ, ngồi xổm hoặc nâng vật nặng (từ 25 kg trở lên) có nhiều khả năng bị thoái hóa khớp gối do áp lực tác động liên tục lên khớp.
- Vận động quá sức. Các vận động viên bóng đá, quần vợt hoặc chạy đường dài có thể có nguy cơ cao bị thoái hóa khớp gối. Do đó, các vận động viên nên đề phòng gặp phải chấn thương. Tuy nhiên, cần lưu ý là tập thể dục với cường độ vừa phải một cách thường xuyên sẽ giúp tăng cường sức mạnh các khớp và có thể giảm nguy cơ thoái hóa khớp. Thực tế, các cơ xung quanh đầu gối bị yếu có thể dẫn đến thoái hóa khớp.
- Các bệnh lý khác. Những người bị viêm khớp dạng thấp - loại viêm khớp phổ biến thứ hai, cũng có nhiều khả năng bị thoái hóa khớp. Những người mắc một số rối loạn chuyển hóa, chẳng hạn như thừa sắt hoặc dư thừa hormone tăng trưởng, cũng có nguy cơ cao bị thoái hóa khớp.
Các triệu chứng của thoái hóa khớp gối
Các triệu chứng của thoái hóa khớp gối có thể bao gồm:
- Đau khớp gối, tăng lên khi hoạt động và đỡ hơn một chút khi nghỉ ngơi
- Sưng khớp
- Cảm giác nóng trong khớp
- Cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc sau khi ngồi lâu
- Giảm khả năng vận động của khớp gối, gặp khó khăn khi đứng lên ngồi xuống hoặc ra vào ô tô, đi cầu thang hoặc đi bộ
- Âm thanh lạch cạch phát ra khi đầu gối cử động
Làm thế nào để chẩn đoán thoái hóa khớp gối?
Việc chẩn đoán thoái hóa khớp gối sẽ bắt đầu bằng việc thăm khám. Bác sĩ cũng sẽ xem xét bệnh sử của bạn và lưu ý bất kỳ triệu chứng nào hiện có. Hãy nhớ ghi lại những điều khiến cơn đau giảm đi hoặc trở nên tồi tệ hơn để giúp bác sĩ xác định xem liệu thoái hóa khớp hay một nguyên nhân nào khác đang gây ra cơn đau cho bạn. Đồng thời hãy tìm hiểu xem trong gia đình bạn có ai bị thoái hóa khớp hay không. Bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm bổ sung, bao gồm:
- Chụp X-quang: có thể cho thấy tổn thương xương và sụn khớp cũng như sự hiện diện của các gai xương
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chụp MRI có thể được chỉ định khi hình ảnh X-quang không giúp tìm ra được nguyên nhân rõ ràng gây đau khớp hoặc phim X-quang gợi ý các loại mô liên kết khớp khác có thể đang bị tổn thương. Bác sĩ cũng có thể sử dụng xét nghiệm máu để loại trừ các tình trạng khác có thể gây ra cơn đau, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp - một loại viêm khớp do rối loạn hệ thống miễn dịch.
Thoái hóa khớp gối được điều trị như thế nào?
Xem chi tiết: Điều trị thoái hóa khớp gối: Phương pháp nào đem lại hiệu quả?
Mục tiêu chính của điều trị thoái hóa khớp gối là giảm đau và phục hồi lại khả năng vận động. Kế hoạch điều trị thường sẽ bao gồm sự kết hợp của các biện pháp sau:
- Giảm cân. Ngay cả giảm một trọng lượng nhỏ cũng có thể làm giảm đáng kể tình trạng đau gối do thoái hóa khớp.
- Tập thể dục. Tăng cường sức mạnh các cơ xung quanh đầu gối sẽ giúp khớp gối ổn định hơn và giảm đau. Các bài tập kéo giãn cũng giúp khớp gối di động và linh hoạt.
- Thuốc giảm đau và thuốc chống viêm. Bao gồm các thuốc không kê đơn như acetaminophen (Paracetamol), ibuprofen hoặc naproxen natri. Không dùng các thuốc không kê đơn quá 10 ngày mà không hỏi ý kiến bác sĩ, vì dùng thuốc trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ. Nếu các loại thuốc không kê đơn không đủ để giảm đau, bác sĩ có thể kê cho bạn thuốc chống viêm theo toa hoặc một loại thuốc khác có tác dụng giảm đau.
- Tiêm corticosteroid hoặc axit hyaluronic vào khớp gối. Steroid là loại thuốc chống viêm mạnh, còn axit hyaluronic là một thành phần của dịch khớp, có tác dụng như một loại chất lỏng bôi trơn.
- Phương pháp điều trị thay thế. Một số liệu pháp thay thế có thể hiệu quả bao gồm dùng kem bôi có chứa capsaicin, châm cứu hoặc sử dụng các chất bổ sung, như glucosamine và chondroitin.
- Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ khớp gối như nẹp. Có hai loại nẹp: nẹp giảm áp giải phóng khớp gối khỏi trọng lượng cơ thể; và nẹp "hỗ trợ" - cung cấp sự hỗ trợ cho toàn bộ đầu gối.
- Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Nếu bạn gặp khó khăn với các hoạt động hàng ngày, các kỹ thuật vật lý trị liệu và phục hồi chức năng có thể giúp ích. Các nhà vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bạn cách tăng cường sức mạnh cơ bắp và tăng tính linh hoạt cho khớp. Các chuyên gia phục hồi chức năng sẽ hướng dẫn bạn cách thực hiện các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như làm việc nhà, với ít sự đau đớn hơn.
- Phẫu thuật. Khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, phẫu thuật là một sự lựa chọn tốt.
Các phương pháp phẫu thuật khớp gối
Nếu bác sĩ muốn điều trị thoái hóa khớp gối bằng phẫu thuật, các phương pháp chính là nội soi khớp, phẫu thuật đục xương chỉnh trục và thay khớp nhân tạo.
- Nội soi khớp sử dụng một kính viễn vọng nhỏ (máy nội soi khớp) và các dụng cụ nhỏ khác. Bác sĩ sử dụng nội soi khớp để quan sát không gian bên trong khớp, qua đó có thể loại bỏ phần sụn bị hư hỏng, làm sạch bề mặt xương và sửa chữa các loại mô khác nếu những tổn thương ở đó được phát hiện. Thủ thuật này thường được áp dụng cho bệnh nhân trẻ (từ 55 tuổi trở xuống) để trì hoãn một cuộc phẫu thuật lớn hơn.
- Phẫu thuật đục xương chỉnh trục là một phẫu thuật nhằm mục đích giảm sự biến dạng trục khớp bằng cách thay đổi hình dạng của xương. Loại phẫu thuật này có thể được khuyến nghị nếu bạn bị tổn thương chủ yếu ở một vùng của đầu gối, bị lệch trục khớp như khớp gối vẹo vào trong hoặc cong ra ngoài. Nó cũng có thể được chỉ định nếu bạn bị gãy xương đầu gối và chưa lành hẳn. Phẫu thuật này không phải là vĩnh viễn và có thể cần phải phẫu thuật thêm về sau này.
- Phẫu thuật thay khớp, hoặc tạo hình khớp, là một kỹ thuật trong đó khớp được thay thế bằng các bộ phận nhân tạo làm từ kim loại hoặc nhựa. Việc thay thế có thể tiến hành trên một phần hoặc toàn bộ khớp gối. Phẫu thuật thay khớp thường dành cho những người trên 50 tuổi bị thoái hóa khớp nặng. Có thể cần phải thực hiện lại phẫu thuật sau đó nếu khớp giả bị mòn sau vài năm. Nhưng với những tiến bộ hiện đại ngày nay, hầu hết các khớp nối mới sẽ có tuổi thọ trên 20 năm. Phẫu thuật có thể đi kèm với một vài rủi ro nhất định nhưng nhìn chung là kết quả rất tốt.
Xem thêm: