4 giai đoạn thoái hóa khớp gối và biện pháp điều trị

Thoái hóa khớp là một bệnh khớp phổ biến, thường gặp ở đầu gối. Trong giai đoạn đầu, thoái hóa khớp có thể không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, trong các giai đoạn sau, bệnh nhân có thể gặp các vấn đề về vận động và đôi khi cần phải phẫu thuật.

Video: Thoái hóa khớp gối: Nguyên nhân và cách điều trị

Thoái hóa khớp gối ảnh hưởng đến xương, sụn và màng hoạt dịch ở khớp gối. 

Sụn là một mô trơn, cung cấp bề mặt nhẵn cho các chuyển động của khớp và đóng vai trò như một tấm đệm giữa các xương. Màng hoạt dịch là một mô mềm, có vai trò sản xuất chất nhầy (hoạt dịch) để bôi trơn và cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cho sụn. 

Khi các cấu trúc trên bị phá hủy, chúng không còn tác dụng bảo vệ xương khớp gối, và điều này có thể dẫn đến tổn thương xương. 

Thoái hóa khớp gối có thể gây đau và cứng khớp. Các triệu chứng thường xấu đi theo thời gian. 

Các giai đoạn thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối. Nguồn ảnh: semanticscholar.org Thoái hóa khớp gối thường mất vài năm để tiến triển. Các bác sĩ thường phân chia thành các giai đoạn để mô tả sự tiến triển.

Phân loại Kellgren-Lawrence (KL) thường được sử dụng để mô tả thoái hóa khớp gối, nhưng còn có những hệ thống phân loại khác. Phân loại KL ban đầu được công bố vào năm 1957. 

Các giai đoạn dưới đây dựa trên phân loại KL, được xác định theo sự tổn thương của khớp trên hình ảnh X-quang. 

Giai đoạn 1

Phim X-quang có thể chưa cho thấy bất kỳ tổn thương nào, nhưng sự hình thành của những gai xương nhỏ có thể là một dấu hiệu ban đầu của thoái hóa khớp. 

Những thay đổi khác trong khớp ở giai đoạn này có thể bao gồm tổn thương nhẹ ở sụn và thu hẹp nhẹ khe khớp. 

Ở giai đoạn này, người bệnh thường chưa cảm thấy khó chịu hoặc đau đớn. Các thay đổi về dáng đi cũng chưa xuất hiện. 

Giai đoạn 2: Giai đoạn tiến triển nhẹ

Ở giai đoạn này, phim X-quang có thể cho thấy khe khớp bị thu hẹp nhẹ và các gai xương đã thành hình rõ.

Người bệnh có thể bắt đầu nhận thấy cứng và đau khớp, đặc biệt là sau khi nghỉ ngơi một vài giờ. 

Khu vực mà xương và mô gặp nhau sẽ bắt đầu trở nên cứng hơn. Khi mô cứng lại, xương sẽ trở nên dày và đặc hơn. Một lớp xương mỏng cũng sẽ phát triển bên dưới lớp sụn. 

Có thể có một số tổn thương nhỏ, nhưng các xương chưa cọ xát vào nhau. Bao hoạt dịch vẫn hoạt động bình thường và cung cấp đủ dịch khớp để nuôi dưỡng lớp sụn đồng thời giúp bôi trơn ổ khớp, giảm ma sát, hỗ trợ cử động của đầu gối. 

Giai đoạn 3: Giai đoạn trung bình

Ở giai đoạn này, phim X-quang sẽ cho thấy hình ảnh hẹp khe khớp rõ, đặc xương dưới sụn, nhiều gai xương kích thước khác nhau, đầu xương có thể bị biến dạng, cùng một số tổn thương ở sụn và các mô lân cận. 

Người bệnh có thể nhận thấy:

  • Đau và khó chịu khi thực hiện các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như chạy, đi bộ, quỳ và cúi người
  • Dấu hiệu ban đầu của viêm khớp 
  • Sưng tấy và tích tụ dịch xung quanh khớp do viêm bao hoạt dịch 

Khi thoái hóa khớp tiến triển, sụn sẽ tiếp tục mỏng đi và bị phá hủy. Xương sẽ phản ứng bằng cách dày lên và hình thành các gai xương mọc ra bên ngoài. 

Giai đoạn 4: Thoái hóa khớp gối nghiêm trọng

Ở giai đoạn này, phim X-quang sẽ cho thấy:

  • Khe khớp thu hẹp nghiêm trọng, dẫn đến các đầu xương chạm vào nhau và cọ xát mạnh với nhau
  • Sự phát triển đáng kể của gai xương
  • Sụn bị phá hủy nặng nề, bị bào mòn hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn
  • Đầu xương biến dạng rõ 

Người bệnh có thể bị:

  • Cứng khớp
  • Viêm khớp liên tục
  • Lượng dịch bôi trơn khớp bị giảm đi đáng kể
  • Các đầu xương ma sát mạnh hơn, gây ra tiếng lạo xạo lục cục khi vận động khớp
  • Đau và khó chịu nhiều ngay cả với những cử động đơn giản

 Ở giai đoạn này, bác sĩ có thể sẽ đề xuất phương án phẫu thuật. 

Chẩn đoán thoái hóa khớp gối

Người bệnh có thể không nhận thấy các triệu chứng trong giai đoạn đầu của thoái hóa khớp.

Bác sĩ thăm khám khớp gối cho bệnh nhân. Nguồn ảnh: rwjbh.orgBác sĩ thăm khám khớp gối cho bệnh nhân. Nguồn ảnh: rwjbh.org

Nếu bạn đi khám vì bị đau đầu gối, bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng như sau:

  • Đau và cứng khớp xảy ra khi nào và ở đâu?
  • Đầu gối có kêu lạo xạo mỗi khi cử động không?
  • Cơn đau kéo dài bao lâu vào buổi sáng?
  • Đau gối ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống hàng ngày của bạn?
  • Bạn có đang dùng bất kỳ loại thuốc nào không?
  • Có thấy đau và sưng phía sau đầu gối (khoeo chân) hay không? (dấu hiệu u nang Baker)
  • Gối có dấu hiệu mất vững không?
  • Khớp gối có bị biến dạng không?
  • Các triệu chứng có ở một hay cả hai đầu gối? 

Con đau do thoái hóa khớp gối thường giảm đi sau khoảng 30 phút từ khi thức dậy, nhưng cơn đau do viêm khớp dạng thấp (RA) có thể kéo dài 45 phút hoặc lâu hơn. 

Bác sĩ cũng sẽ:

  • Hỏi bệnh nhân về tiền sử y tế cá nhân và gia đình
  • Thực hiện một cuộc thăm khám toàn thân 
  • Chỉ định các xét nghiệm chẩn đoán 

Bác sĩ sẽ tiến hành khám các khớp, đánh giá phạm vi chuyển động của chúng và kiểm tra tổn thương, đặc biệt là những khu vực bị đau hoặc sưng. 

Các xét nghiệm có thể bao gồm:

  • Chụp X-quang để đánh giá tổn thương khớp
  • Chụp MRI để phát hiện các dấu hiệu sớm mà Xquang có thể không bộc lộ
  • Xét nghiệm máu để loại trừ các bệnh lý khác, chẳng hạn như bệnh gút và viêm khớp dạng thấpnhi 

Trong một số trường hợp, xét nghiệm dịch khớp là cần thiết. Kết quả xét nghiệm có thể cho thấy dấu ấn sinh học của tình trạng viêm. Tuy nhiên, các chuyên gia không khuyến khích xét nghiệm này trừ khi có dấu hiệu sưng tấy gợi ý viêm khớp hoặc viêm bao hoạt dịch. Trong trường hợp này, các xét nghiệm có thể giúp phát hiện viêm khớp dạng thấp. 

Điều trị thoái hóa khớp gối

Phương pháp điều trị phụ thuộc vào giai đoạn thoái hóa khớp và tốc độ tiến triển của bệnh.

Giai đoạn 1

Các triệu chứng thường nhẹ và acetaminophen (paracetamol) hoặc các loại thuốc không kê đơn (OTC) khác thường có thể làm dịu cơn đau. Bác sĩ có thể đề xuất một số bài tập cụ thể để giúp xây dựng sức mạnh và khả năng vận động. 

Sử dụng paracetamol và một số loại thuốc giảm đau không kê đơn khác có thể giúp làm dịu cơn đau. Nguồn ảnh: istockphoto.comSử dụng paracetamol và một số loại thuốc giảm đau không kê đơn khác có thể giúp làm dịu cơn đau. Nguồn ảnh: istockphoto.com

Theo Học viện Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ (AAOS), hiện không có đủ bằng chứng cho thấy các chất bổ sung như glucosamine có thể giúp ích.

Giai đoạn 2 

Việc điều trị có thể bao gồm:

  • Sử dụng thuốc giảm đau
  • Tham gia các buổi vật lý trị liệu để xây dựng hoặc duy trì sức mạnh và sự linh hoạt
  • Đeo nẹp đầu gối – dụng cụ được thiết kế để giảm áp lực lên bề mặt khớp
  • Mang giày lót đế để giảm áp lực cho đầu gối 
Vật lý trị liệu cho khớp gối. Nguồn ảnh: adamsptservices.comVật lý trị liệu cho khớp gối. Nguồn ảnh: adamsptservices.com

Ở giai đoạn này, có thể người bệnh cần phải thích nghi hoặc thay đổi các hoạt động hàng ngày để tránh bị đau. 

Giai đoạn 3 

Điều trị có thể bao gồm:

  • Dùng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen
  • Dùng thuốc giảm đau kê đơn, chẳng hạn như oxycodone và codeine
  • Tiêm corticosteroid
Người bệnh có thể cần phải tiêm corticosteroid để giảm đau trong giai đoạn này. Nguồn ảnh: springloadedtechnology.comNgười bệnh có thể cần phải tiêm corticosteroid để giảm đau trong giai đoạn này. Nguồn ảnh: springloadedtechnology.com

Trước đây, người ta sử dụng axit hyaluronic để điều trị đau do thoái hóa khớp. Tuy nhiên, Đại học Thấp khớp Hoa Kỳ (ACR) và Tổ chức Viêm khớp (AF) đều không khuyến cáo phương pháp này, vì không có đủ bằng chứng chứng minh được tính an toàn hay hiệu quả. 

Giai đoạn 4 

Ở giai đoạn này, sụn khớp đã bị bào mòn gần như hoàn toàn. Người bệnh có thể tiếp tục sử dụng thuốc giảm đau. Các thiết bị như gậy, khung tập đi hoặc nẹp có thể hỗ trợ việc di chuyển. 

Bác sĩ có thể đề xuất phẫu thuật để thay thế hoặc nắn chỉnh lại khớp. 

Phẫu thuật thay khớp gối là một trong các phương pháp điều trị của thoái hóa khớp gối giai đoạn 4. Nguồn ảnh: rheumatologyadvisorPhẫu thuật thay khớp gối là một trong các phương pháp điều trị của thoái hóa khớp gối giai đoạn 4. Nguồn ảnh: rheumatologyadvisor

Các biện pháp thay thế 

ACR và AF khuyến cáo một số biện pháp sau:

  • Duy trì cân nặng ở mức vừa phải, nếu có thể
  • Nắm rõ thông tin về cách kiểm soát tình trạng của bản thân
  • Sử dụng nẹp đầu gối
  • Tập thái cực quyền
  • Tập các bài tập thăng bằng
  • Tập yoga
  • Thử liệu pháp nhận thức – hành vi để giúp giảm đau, cải thiện tâm trạng và các vấn đề về giấc ngủ 

Mọi người cũng có thể thử những phương pháp sau:

  • Châm cứu
  • Từ trường trị liệu
  • Rửa khớp: dùng nước muối sinh lý để bơm rửa khớp 

Tuy nhiên, AAOS lưu ý rằng không có đủ bằng chứng để xác nhận các phương pháp điều trị này là an toàn hoặc hiệu quả. 

Các hướng dẫn hiện nay khuyến cáo rằng mọi người không nên sử dụng miếng đệm lót chân, các chất bổ sung như glucosamine hoặc chondroitin, vì các nghiên cứu chưa xác nhận rằng chúng có tác dụng. 

Liệu pháp tế bào gốc 

Các nhà nghiên cứu đã và đang tìm hiểu xem liệu liệu pháp tế bào gốc có thể tái tạo sụn ở những người bị thoái hóa khớp hay không. 

Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức được đặt ra. Ví dụ như chi phí cao, người bệnh có thể phải điều trị nhiều đợt trước khi thấy được kết quả và việc điều trị có thể không hiệu quả nếu chỉ số khối cơ thể (BMI) của người bệnh trên 35. 

Các tác giả của một phân tích tổng hợp năm 2018 đã xem xét các cách sử dụng tế bào gốc để điều trị thoái hóa khớp và ảnh hưởng của nó đến kết quả về lâu dài. Họ kết luận rằng những phát hiện của các nghiên cứu chất lượng cao là không đồng nhất. 

Một số phòng khám cung cấp liệu pháp tế bào gốc cho người bệnh thoái hóa khớp, nhưng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cảnh báo công chúng vào năm 2017 rằng chúng ta không nên “tin vào những lời thổi phồng”. 

ACR và AF khuyến cáo mạnh mẽ rằng người bệnh không nên sử dụng liệu pháp tế bào gốc, vì hiện không có tiêu chuẩn nào để quản lý phương pháp này. 

Các tác dụng phụ của phương pháp điều trị tế bào gốc có thể như sau:

  • Phản ứng bất lợi tại vị trí tiêm
  • Tế bào sinh sản sai vị trí
  • Tế bào không hoạt động như mong đợi
  • Nguy cơ hình thành khối u 

Bất kỳ ai đang cân nhắc điều trị bằng liệu pháp tế bào gốc cho thoái hóa khớp nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước.

Tổng kết

Thoái hóa khớp gối là một tình trạng tiến triển, trong đó sụn khớp bị phá hủy. Theo thời gian, các đầu xương sẽ bắt đầu cọ xát với nhau và gai xương có thể hình thành. Mức độ đau, cứng khớp ngày càng tăng và người bệnh có thể mất khả năng vận động. 

Các phương pháp điều trị khác nhau có thể giúp kiểm soát tình trạng thoái hóa khớp. Bác sĩ sẽ đề xuất phương án điều trị tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân và giai đoạn thoái hóa khớp.

Xem thêm:

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!