Sản dịch sau sinh như thế nào là bất thường?

Chảy máu và dịch âm đạo sau đẻ là bình thường. Nó được gọi là sản dịch sau sinh. Trong một vài ngày sau khi sinh, bạn sẽ cảm thấy như mình đang có một kỳ kinh nguyệt rất nặng. Do lượng máu trong cơ thể bạn tăng khoảng 50% khi mang thai, nên cơ thể bạn đã chuẩn bị tốt cho việc mất máu bình thường này. Sản dịch sau sinh bao lâu thì hết? Thường sản dịch sau sinh chỉ kéo dài một vài ngày nhưng bạn có thể tiếp tục bị chảy dịch lốm đốm trong vài tuần tiếp theo.

Sản dịch sau sinh là gì?

Sản dịch sau sinh là dịch tiết âm đạo trong thời kỳ hậu sản. Nó bao gồm máu, mô bong ra từ niêm mạc tử cung và vi khuẩn.

Trong vài ngày đầu tiên sau khi sinh, sản dịch chứa một lượng máu tương đối, vì vậy nó sẽ có màu đỏ tươi và trông giống như kinh nguyệt ra nhiều. Nó có thể chảy ra không liên tục theo từng đợt nhỏ hoặc chảy đều đều. Nếu bạn đã nằm một lúc và máu đọng lại trong âm đạo, bạn có thể thấy một số cục máu đông nhỏ chảy ra.

Sản dịch sau sinh kéo dài bao lâu?

Bạn có thể sẽ tiết ít sản dịch hơn một chút mỗi ngày, màu sắc sáng dần lên. Khoảng 2 đến 4 ngày sau khi bạn sinh, sản dịch có thể gồm nhiều nước hơn và hơi hồng. Khoảng 10 ngày sau khi sinh, bạn có thể chỉ ra một lượng nhỏ dịch màu trắng hoặc vàng trắng. Lúc này, sản dịch chủ yếu là bạch cầu và tế bào từ niêm mạc tử cung.

Sản dịch sẽ giảm dần trước khi hết hẳn sau 2 đến 4 tuần nữa, mặc dù một số ít phụ nữ tiếp tục có ít sản dịch hoặc sản dịch không liên tục trong vài tuần tiếp theo.

Nếu bạn đã bắt đầu sử dụng thuốc tránh thai chỉ chứa progestin ("minipill") hoặc  tiêm ngừa thai (Depo-Provera), bạn có khả năng bị rong kinh trong một tháng hoặc hơn và điều đó hoàn toàn bình thường.

Nguyên nhân gây sản dịch sau sinh?

Khi nhau thai tách khỏi tử cung, có các mạch máu mở ở khu vực mà nó được gắn vào, và chúng bắt đầu chảy máu vào tử cung. Sau khi nhau bong, tử cung tiếp tục co bóp, làm đóng các mạch máu đó lại, làm giảm đáng kể tình trạng chảy máu. Nếu bạn bị rạch hoặc rách tầng sinh môn trong khi sinh, bạn cũng có thể bị chảy máu từ vị trí đó cho đến khi vết thương được lành lại.

Bác sĩ có thể xoa bóp tử cung và chỉ định dùng oxytocin tổng hợp (Pitocin) để giúp nó co lại. Cho con bú sẽ thúc đẩy cơ thể giải phóng oxytocin tự nhiên, đồng thời giúp tử cung co lại. (Đó là lý do tại sao bạn có thể cảm thấy cơn đau bụng dưới sau khi cho em bé bú)

Đôi khi, tử cung không co bóp tốt sau khi sinh, dẫn đến mất máu quá nhiều, được gọi là băng huyết sau sinh.

Theo dõi sản dịch sau sinh như thế nào?

Video: theo dõi sản dịch sau sinh

Trong thời gian đầu, hãy sử dụng băng vệ sinh loại dày. Bác sĩ có thể chỉ định cho bạn một ít thuốc dự phòng. Khi sản dịch gần hết hẳn, bạn có thể chuyển sang băng vệ sinh hằng ngày.

Không sử dụng tampon trong ít 6 tuần đầu sau sinh vì chúng dễ khiến bạn bị nhiễm trùng vùng âm đạo và tử cung.

Đi tiểu thường xuyên, ngay cả khi bạn không cảm thấy muốn đi tiểu. Trong vài ngày đầu sau khi sinh, bàng quang của bạn có thể kém nhạy cảm hơn bình thường, vì vậy bạn có thể không cảm thấy cần phải đi tiểu ngay cả khi bàng quang đã khá đầy. Ngoài việc gây ra các vấn đề về tiết niệu, bàng quang đầy sẽ khiến tử cung của bạn khó co bóp hơn, dẫn đến tình trạng đau tử cung và chảy máu nhiều hơn.

Cần làm gì khi sản dịch dừng rồi lại ra?

Nếu đốm đỏ tươi xuất hiện trở lại sau khi sản dịch của bạn đã nhạt đi, hãy đi khám bác sĩ lại. 

Hãy đi khám bác sĩ nếu tình trạng chảy máu của bạn ngày càng nhiều hoặc:

  • Sản dịch của bạn vẫn có màu đỏ tươi 1 tuần sau khi sinh em bé.
  • Bạn bị chảy máu nhiều bất thường (thấm đẫm băng vệ sinh trong 2 giờ liên tục hoặc có cục máu đông lớn hơn quả bóng gôn). Đây là dấu hiệu của băng huyết sau sinh muộn và cần được thăm khám ngay lập tức.

Lưu ý: Nếu bạn đang chảy máu rất nhiều, hãy gọi cấp cứu ngay.

Sản dịch sau sinh có mùi không?

Có, sản dịch sau sinh có thể có mùi đặc biệt, tương tự như máu kinh nguyệt. Nhưng nếu sản dịch của bạn có mùi hôi hoặc bạn bị sốt hoặc ớn lạnh, hãy đi khám bác sĩ. Đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hậu sản.

Xem thêm:

Bình luận (0)

Đăng nhập để có thể bình luận

Chưa có bình luận nào. Bạn hãy là người đầu tiên cho tôi biết ý kiến!