Cả hai tình trạng này đều gây ra các nốt mẩn ngứa và sẫm màu trên da. Bệnh ghẻ có thể điều trị được bằng các loại thuốc tiêu diệt cái ghẻ và trứng của chúng. Nhưng, bệnh chàm là một bệnh về da cần được điều trị suốt đời.
Bài viết này sẽ thảo luận về sự khác biệt giữa bệnh ghẻ và bệnh chàm, các lựa chọn điều trị cho từng bệnh và khi nào nên đến gặp bác sĩ.
Các triệu chứng của bệnh ghẻ và bệnh chàm
Theo Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ (American Academy of Dermatology Association - AAD) , bệnh ghẻ và bệnh chàm đều gây ra:
- Phát ban ngứa
- Những vết sưng nhỏ, sẫm màu trên da
- Vết loét
Phát ban có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên cơ thể, nhưng phát ban do ghẻ có thường gặp trên cánh tay và bàn tay.
Ghẻ
Các triệu chứng của bệnh ghẻ có thể xuất hiện sau 4-6 tuần ủ bệnh. Triệu chứng chính là ngứa liên tục với các nốt ban nhỏ giống như mụn.
Nếu một người đột nhiên phát ban và ngứa giữa các ngón tay (kẽ ngón tay), xung quanh rốn hoặc trên bộ phận sinh dục, đó có thể là bệnh ghẻ chứ không phải bệnh chàm.
Theo AAD , thông thường, khi một người bị ghẻ, có khoảng 15-20 cái ghẻ sống trên sống trên da của họ.
Tuy nhiên, những người bị các loại ghẻ nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như ghẻ vảy hoặc ghẻ Na Uy, ở nơi các lớp vảy hình thành trên da, có thể có 100 tới 1000 cái ghẻ sống trên da của họ.
Bệnh chàm (eczema)
Các triệu chứng của bệnh chàm thường xuất hiện vào các thời điểm khác nhau, đôi khi không có dấu hiệu báo trước. Phát ban do chàm xuất hiện nhiều hơn ở những vùng da có nếp gấp như cổ tay, cổ, khuỷu tay trong, bàn tay và bàn chân.
Các triệu chứng kèm theo khác nhau tùy thuộc vào loại bệnh chàm mà một người mắc phải. Tuy nhiên, nếu một người có tiền sử dị ứng (chẳng hạn như di ứng cỏ khô) điều này có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chàm là nguyên nhân gây phát ban.
Các loại bệnh chàm khác nhau bao gồm:
- Viêm da cơ địa: Đây là dạng bệnh chàm phổ biến nhất , với triệu chứng chính là ngứa trên da. Đây là loại bệnh chàm có liên quan đến di truyền và có xu hướng di truyền trong gia đình.
- Viêm da tiếp xúc: Những người bị viêm da tiếp xúc sẽ phát bệnh khi chạm vào các chất gây kích ứng, chẳng hạn như mỹ phẩm hoặc xà phòng thơm.
- Chàm tổ đỉa: Triệu chứng đầu tiên của bệnh chàm tổ đỉa là các nốt mẩn ngứa nhỏ phát triển thành mụn nước trên bàn chân hoặc bàn tay. Loại bệnh chàm này có xu hướng di truyền trong gia đình.
- Chàm thể đồng tiền: Loại chàm này có thể xuất hiện ở hai chân và thân mình. Các nốt ban thường bị chảy nước và đóng vảy nhiều hơn các loại bệnh chàm khác.
- Viêm da dầu: Các triệu chứng của viêm da dầu biểu hiện xung quanh da đầu và sau tai. Khu vực da đó sẽ hình thành các vảy trông như những mảng bã nhờn.
- Viêm da ứ trệ: việc lưu thông máu kém gây viêm da ứ trệ ở chân, với các triệu chứng biểu hiện ở mắt cá chân, bàn chân và cẳng chân. Da sẽ đóng thành vảy và trở nên sẫm màu hơn ở những vùng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, một số người có thể bị sưng ở mắt cá chân.
Nguyên nhân gây bệnh ghẻ và bệnh chàm
Nguyên nhân gây bệnh ghẻ và bệnh chàm rất khác nhau. Ghẻ là một bệnh nhiễm trùng rất dễ lây lan, khi cái ghẻ chui vào da và đẻ trứng. Chàm là một bệnh về da kéo dài suốt đời mà không có nguyên nhân rõ ràng.
Ghẻ
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention-CDC) Hoa Kì,cái ghẻ di chuyển dễ dàng từ người này sang người khác khi tiếp xúc da kề da trực tiếp với người nhiễm cái ghẻ. Chúng cũng có thể lây lan qua các loại vải tiếp xúc với da, chẳng hạn như khăn tắm hoặc chăn ga gối đệm.
Cái ghẻ Sarcoptes scabies var. hominis gây bệnh ghẻ chỉ đào hang ở người.
Bệnh chàm
Bệnh chàm là bệnh không lây nhiễm. Mặc dù các nhà nghiên cứu không biết nguyên nhân chính xác của bệnh chàm, nhưng Hiệp hội bệnh chàm quốc gia Hoa Kỳ(National Eczema Association) lưu ý rằng một số loại bệnh chàm có tính chất gia đình, tức là bệnh chàm có thể có mối liên hệ di truyền.
Theo Học viện Dị ứng, Hen suyễn & Miễn dịch học Hoa Kỳ (American Academy of Allergy, Asthma & Immunology), một nguyên nhân có thể gây ra bệnh chàm là do tình trạng da bị nứt. Đây là những vùng da không được giữ ẩm đúng cách, dẫn đến tình trạng da khô liên tục gây nứt nẻ.
Điều trị ghẻ và chàm
Ghẻ và chàm thường được điều trị bằng kem và thuốc mỡ. Tuy nhiên, một số người bị ghẻ nặng cũng cần được điều trị bằng thuốc viên ivermectin.
Ghẻ
Kem Permethrin là hình thức điều trị bệnh ghẻ phổ biến nhất . Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn bôi trực tiếp kem này lên da.
Các phương pháp điều trị bệnh ghẻ khác bao gồm:
- Kem crotamiton
- Kem dưỡng da benzyl benzoate
- Thuốc mỡ có chứa lưu huỳnh
- Kem dưỡng ẩm chứa lindane
Những loại thuốc này nhằm mục đích điều trị tận gốc nguyên nhân gây bệnh là cái ghẻ.
Điều trị giảm bớt các triệu chứng, như ngứa và sưng, gồm có:
- Thuốc kháng histamine
- Kem dưỡng da pramoxine
- Kem steroid
Bệnh chàm
Không có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh chàm, nhưng chúng ta có thể sử dụng một số biện pháp điều trị để kiểm soát các triệu chứng, tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của bệnh chàm.
Thuốc và liệu pháp điều trị bệnh chàm bao gồm :
- Thuốc corticosteroid
- Thuốc mỡ bôi trơn
- Kem pimecrolimus hoặc thuốc mỡ tacrolimus
- Hắc ín
- Liệu pháp quang học
Bác sĩ có thể hướng dẫn bạn sử dụng kem corticosteroid khi bạn gặp phải các triệu chứng từ mức độ trung bình đến nặng.
Việc điều trị cần đi kèm song song với việc kiểm soát các yếu tố khiến bệnh khởi phát. Ví dụ, một người có thể kiểm soát bệnh chàm của họ bằng cách tránh xa một số chất gây kích ứng.
Chẩn đoán bệnh ghẻ và bệnh chàm
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh ghẻ và bệnh chàm bằng cách quan sát các vết phát ban để kiểm tra các dấu hiệu của cái ghẻ hoặc vùng da bị kích ứng. Họ cũng sẽ khai thác thời gian các triệu chứng khởi phát.
Theo AAD, bác sĩ có thể lấy một mẫu da nhỏ. Sau đó, họ có thể sử dụng kính hiển vi để kiểm tra cái ghẻ hoặc trứng.
Khi nào đến gặp bác sĩ
Bệnh ghẻ rất dễ lây lan, vì vậy mọi người cần đến gặp bác sĩ ngay khi thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh ghẻ.
Khi một người được chẩn đoán mắc bệnh ghẻ, người đó cần thông báo cho tất cả những người mà họ đã tiếp xúc. Những người tiếp xúc với bệnh nhân ghẻ cũng cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị.
Nếu gặp các triệu chứng của bệnh chàm, mọi người cần đến gặp bác sĩ khi tình trạng da ngày khô hoặc tình trạng viêm tiến triển. Sau đó bác sĩ có thể chuẩn bị một kế hoạch điều trị và tư vấn cho bạn các phương pháp điều trị.
Biện pháp phòng ngừa
Nếu biết ai đó bị bệnh ghẻ, chúng ta nên tránh tiếp xúc gần cho đến khi bệnh của họ được điều trị khỏi hẳn. Chúng ta không nên dùng chung các vật dụng có nguy cơ lây lan bệnh ghẻ cao như: khăn tắm, chăn, ga, gối, đệm hay bất cứ vật dụng gì khác có thể tiếp xúc với da.
Chúng ta không thể ngăn ngừa bệnh chàm, nhưng có thể ngăn chặn sự khởi phát của bệnh. Theo Hiệp hội Bệnh chàm Quốc gia Hoa Kì, mọi người có thể kiểm soát các triệu chứng của bệnh chàm bằng cách:
- Tránh xa các chất có thể gây dị ứng
- Kiểm soát trạng thái căng thẳng
- Giữ cho da sạch và mát
- Duy trì một chế độ chăm sóc da tốt
Kết luận
Bệnh ghẻ và bệnh chàm đều gây ra các mảng vảy và ngứa trên da.
Ghẻ là một bệnh truyền nhiễm cần dùng thuốc. Điều trị ghẻ có thể mất đến 4 tuần. Cảm giác ngứa và tình trạng phát ban có thể nặng hơn trong tuần điều trị đầu tiên nhưng điều này là hoàn toàn bình thường.
Bệnh chàm là bệnh da mãn tính kéo dài suốt đời và có thể cần điều trị liên tục bằng một số loại thuốc, chẳng hạn như corticosteroid. Các đợt phát bệnh có thể xảy ra mà không có dấu hiệu báo trước, bạn cần liên hệ với bác sĩ ngay nếu thấy phương pháp điều trị hiện tại không hiệu quả hoặc tình trạng chàm da đang trở nên trầm trọng hơn.
Xem thêm:
- 5 biện pháp điều trị bệnh ghẻ tại nhà
- Ghẻ có thể tồn tại trong nệm bao lâu? Và cách loại bỏ chúng
- Bệnh ghẻ có lây không? Các biện pháp phòng ngừa
- Bệnh ghẻ trên dương vật: Triệu chứng, lây nhiễm, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa
- Những điều cần biết về bệnh ghẻ vảy: Triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và dự phòng